Trở lại quê nhà (Bài 5): Thay đổi hay là chết-Nguyễn Thọ

Ba’o Tieng Dan

13/01/2025

Nguyễn Thọ

Tiếp theo bài 1 — bài 2 — bài 3 và bài 4

Phản hồi bài trước của tôi, có bạn lạc quan cho rằng: “Việt Nam cứ vững bước tiến lên, ai than thở cứ than thở”. Hoặc ngược lại: “Cải cách gì cũng chằng hóa rồng được”.

Lịch sử không đơn giản chỉ có trắng-đen.

Tình hình thế giới hiện nay đang đặt Việt nam trước những lựa chọn khác hẳn. Cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraina nhằm vẽ lại đường biên giới là một cú sốc. Không chỉ lo ngại một hành động tương tự từ Trung Quốc, mà thái độ đối với Nga, nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Việt Nam cũng thay đổi. Một nhà báo trẻ ở Hà Nội nói: “Việc báo chí thiên vị cho Nga, chỉ đưa tin từ nguồn thân Nga không phải vì họ không biết là ai xâm lăng, mà vì những định kiến xấu với phương Tây ăn sâu lâu nay trong đầu. Nhưng vũ khí phương Tây sẽ dần thay thế hàng Nga và nguyên thủ ta đã bắt tay Zelensky rồi đó”.

Số phận bi thảm của Ukraina là bài học đắt giá cho những nước cùng chung số phận sống bên một đế quốc hung hãn. So với Việt Nam, Ukraina có tiềm lực mạnh hơn nhiều, nhất là công nghiệp quốc phòng, lực lượng trí thức và đội ngũ kỹ sư tin học. Ukraina có một hậu phương nông nghiệp bao la và quan trọng nhất là được cả một liên minh phương tây hậu thuẫn (Nhóm Ramstein hội tụ 50 nước ủng hộ Kiev).

Bất chấp tất cả những thuận lợi đó, Ukraina vẫn bị tàn phá tan hoang, 1/5 lãnh thổ bị mất, hàng trăm ngàn người chết, hàng triệu người tha hương.

Tổn thất này là do đất nước mạnh thứ hai trong liên bang Xô Viết đã ngủ quên hơn 20 năm, không cải cách kinh tế, xã hội, chỉ sống bám vào quan hệ kinh tế với ông bạn láng giềng. Sau khi tách ra khỏi Liên Xô, Ukraina vẫn copy Nga trong mọi việc, từ nền kinh tế đến cách tổ chức quân đội, công an, hậm chí đã trao vũ khí hạt nhân cho Nga. Còn gián điệp Nga thì nằm ở mọi ngõ ngách.

Có người coi những lỗi lầm đó do các chế độ thân Nga trước năm 2014 gây ra. Nhưng dù là ai thì họ cũng là người Ukraina. Lịch sử sẽ chỉ nói là Ukraina bị mất Crimea và một phần Donbas năm 2014, chứ không nói là Ukraina nào. Trung Quốc cũng đã cướp Hoàng Sa 1974 và Gạc Ma 1988 của Việt Nam, không kể Việt Nam nào.

Nếu không mau chóng có một nền công nghiệp mạnh, một thiết chế xã hội hiệu quả, nếu không có đủ đồng minh tin cậy, nếu không mau chóng thoát khỏi vòng cương tỏa của Nga và Trung thì cơ hội sống sót của Việt Nam khi Bắc Kinh gây hấn là bao nhiêu?

Nước Mỹ sau Trump 1 và trước Trump 2 đang đẩy thế giới vào trật tự “Cùi chỏ’, “Mạnh nuốt yếu”. Ý đồ nuốt chửng Canada, Panama và Groenland khuyến khích cho Putin khôi phục lại Liên Xô cũ, giúp Tập quyết tâm chiếm Đài Loan và các đảo Biển Đông. Thương mại xuất siêu sang Mỹ, bao năm qua đã góp phần đáng kể cho Việt Nam tăng trưởng, liệu có giữ được trước một tổng thống chỉ thích chơi “Áp thuế”? Đối với MAGA, đồng minh kiểu gì cũng chỉ là gánh nặng.

Cách duy nhất để không bị mạnh nuốt yếu là mình phải mạnh, phải thành một thế lực mà ai nhìn vào cũng phải nể.

Vậy thì không thể cứ rung đùi ca ngợi tốc độ tăng trưởng 5%-6%/năm được mãi nữa. Đã đến lúc phải thoát nhanh khỏi cái cái bẫy “Thu nhập trung bình” mà mãi mới đạt được. Mục tiêu tăng trưởng hai con số đã chính thức được đặt ra. Việc Singapore trước kia nghèo hơn Sài Gòn, nay chạy xa tít mù tắp đã trở thành lời than thở chính thức. Thể chế chính trị tắc nghẽn xưa nay thường được gọi chệch là “cơ chế vận hành”, nay đã được thẳng thắn gọi đích danh để cải cách. Cỗ xe cồng kềnh, không hiệu quả, chỉ dựa vào cán bộ chuyên môn “đủ giỏi” để tiến từ từ nay trở thành bước cản. Kế hoạch tinh giảm bộ máy nhà nước, cắt bỏ nhiều cơ quan, tổ chức ký sinh, với hàng chục ngàn biên chế đã bắt đầu được thực hiện. Triển lãm “Quốc phòng Việt Nam” tổ chức ở sân bay Gia Lâm tháng trước là một nỗ lực rõ ràng để quốc tế hóa và nội hóa vũ khí cho quân đội, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga.

Những biểu hiện của nhận thức “Cải tổ hay là chết” này là chính đáng và tạo hy vọng cho rất nhiều bạn bè mà tôi gặp. Nhưng điều đó không dễ. Sau gần 40 năm “đổi mới” trong hòa bình, cải cách lần này thực chất là phá bỏ các rào cản do chính mình tạo ra. Vượt qua mình mới khó.

Ai cũng biết giao thông đô thị ở Việt Nam là sự hỗn loạn có một không hai. Bao nhiêu tiền đổ vào các hệ thống đường cao tốc, hầm chui, cầu vượt đều không có kết quả. Vậy mà kỳ diệu thay, chỉ một đêm sau khi ban bố mức phạt sáu triệu đồng cho xe máy vượt đèn đỏ, trật tự đã được thiết lập. Nhưng bi kịch mới xuất hiện, nạn ùn tắc! Ùn tắc đến mức kinh hoàng (nguyên văn), nhiều hoạt động đình trệ. Người đi xe bỗng nuối tiếc tình trạng vô luật trước đây.

Thì ra xưa nay ta đi lại được, tuy chậm, là nhờ cái mà du khách nước ngoài gọi là “Sự hỗn loạn hợp lý”. Hợp lý vì trong nền giao thông đó, hỗn loạn như vậy mới được việc. Nay cố gắng lập lại trật tự giao thông mong giảm thời gian chết trên đường, bớt khí thải v.v. mới té ra là hệ thống giao thông hiện hành phù hợp hơn với sự hỗn loạn, vô luật pháp.

Tương tự, người ta chưa tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra trong ngành giáo dục, nếu việc dạy ngoài giờ và lạm thu các loại “Tiền bóng đèn” bị cấm tiệt. Nhà nước chỉ nuôi giáo viên một phần, kiếm đâu ra phần còn lại từ dân?

Tương tự, đầu tư nhà nước sẽ đình trệ, nếu qui định đấu thầu hiện tại bị xóa bỏ. Dù thất thoát, nhưng luôn có một bên B nào đó đã được A ngầm cam kết cho thắng và dự án vẫn được giải ngân, công trình vẫn hoàn thành.

Các ví dụ trên cho thấy: Lĩnh vực nào cũng vậy, sự “hỗn loạn hợp lý” đã giúp cỗ máy không hiệu quả này hoạt động.

Giờ đây phải tiến nhanh, phải hiệu quả để khỏi bị tụt hậu, nhưng không đơn giản bỏ cỗ máy đó, mua cỗ máy khác. Đã đến lúc cần những người “rất giỏi” điều hành, để tháo gỡ những gì các bạn “ít giỏi hơn” để lại.

Điều này không dễ, vì đầu tiên nó sẽ mâu thuẫn với chính sách cán bộ xưa, vì phải tát cạn cái hố trũng đạo đức mà tôi nêu trong phần trước.

Điều quyết định là xã hội phải sản sinh và đào tạo con người mới. Phạm Thanh Vân, sáng lập viên của “Dự án Đại Sự Ký Biển Đông” nói với tôi trong một tiệm cà phê nhỏ. “Có nhiều con đường để canh tân đất nước. Nhưng không con đường nào thoát khỏi việc phải tạo ra một tầng lớp trí thức có trình độ sâu sắc, có phương pháp làm việc chuyên nghiệp”.

Tâm đắc vô cùng với Vân. Nhưng tôi băn khoăn một điều. Thanh niên Việt Nam hiện nay có nhiều không gian hơn để hoạt động, có nhiều nguồn thông tin hơn để tìm hiếu hơn chúng tôi. Vậy mà xã hội vẫn thiếu nhân tài. Năm 2010 tôi được vào thăm nhà máy Intel ở Khu công nghệ cao TP.HCM cùng một số trí thức Việt kiều khác. Nhà máy này chủ yếu đóng vỏ chíp, kiểm tra và đóng gói chip Intel. Cho đến nay, đầu tư 1,5 tỷ USD này của Itel vẫn không tạo ra kích thích nào khác cho công nghiệp bán dẫn nước nhà. Việt Nam thiếu những trí tuệ đủ sức xây dựng ngành này. Trong các ngành khoa học xã hội sự thiếu hụt này còn trầm trọng hơn

Trí tuệ cao cấp chỉ có được trong một nền giáo dục có đẳng cấp, được bảo vệ bằng tự do học thuật. Có bạn tiết lộ rằng: vụ tấn công đại học Fulbright là do tình báo Hoa-Nam giật dây [1]. Tôi không dám khẳng định điều đó, nhưng tin rằng dù do ai xui thì trong nước vẫn có rất nhiều kẻ sợ cách mạng mầu, sợ dù vàng nên mới có những bài báo cố tình nhầm lẫn “Tự do học thuật” với “Diễn biến hòa bình”.

Trở ngại lớn nhất cho những cố gắng cải cách chính là lực lượng âm binh đông như quân Nguyên.

Nhìn tấm hình ông Jensen Huang chủ tịch Nvidia nhậu với Thủ tướng, tôi thầm mong hai ông tranh thủ lúc bù khú đã giải thích rõ sự nhầm lẫn tai hại nọ.

(Còn tiếp)

[1] https://fulbright.edu.vn/…/thu-ngo-tu-truong-dai-hoc…/


 

Được xem 10 lần, bởi 10 Bạn Đọc trong ngày hôm nay