Cuộc chiến quyền lực phủ trùm bóng tối ngành y tế Việt Nam -Đàm Chính Sự

Ba’o Nguoi-Viet

January 8, 2025

Đàm Chính Sự

Một thông tin gây chấn động trong giới chính trị và y tế Việt Nam được công bố vào ngày cuối năm 2024: hai dự án bệnh viện lớn là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam sẽ bị thanh tra. Đây là yêu cầu của Tổng Bí Thư Tô Lâm, do ông Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương truyền đạt.

Đây không chỉ là đợt thanh tra, kiểm tra thông thường, mà còn là một đòn đánh mạnh vào Bộ Trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong thời gian từ 2011 đến 2019. Việc chỉ đạo thanh tra vào thời điểm cuối năm càng cho thấy sự quyết liệt và tính toán kỹ lưỡng trong chiến lược của ông Tô Lâm.

Sự việc này nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận, đặt ra nhiều câu hỏi về mục đích thực sự của cuộc thanh tra và những hệ lụy có thể xảy ra. Liệu đây chỉ là một biện pháp làm trong sạch bộ máy, hay là một phần trong cuộc chiến quyền lực đang âm ỉ trong nội bộ Đảng?

Bóng đen tham nhũng và những bất cập

Cả hai dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đều được phê duyệt và khởi công xây dựng dưới thời Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, hai dự án này đều rơi vào tình trạng chậm tiến độ, đội vốn và thậm chí là bỏ hoang. Dư luận phẫn nộ, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống y tế công đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thiếu thốn.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, được khởi công xây dựng vào năm 2014 tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, với tổng mức đầu tư ban đầu là gần 5,000 tỷ VNĐ. Dự án được kỳ vọng sẽ giảm tải cho Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân khu vực.

Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thiện, nhiều hạng mục bị bỏ dở, trang thiết bị y tế không được lắp đặt hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo một số nguồn tin, lý do chậm trễ là do sự chồng chéo trong quản lý, thiếu vốn và đặc biệt là các sai phạm trong đấu thầu, chỉ định thầu.

Cùng thời điểm với Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 khởi công tại thị xã Phủ Lý, Hà Nam, được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, cu4ngd 9ang dở dở dang dang.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 vẫn còn dang dở. (Hình minh họa: Tiền Phong)

Nguyễn Thị Kim Tiến: Từ ‘ghế nóng’ đến mục tiêu thanh trừng?

Việc ông Tô Lâm chỉ đạo thanh tra hai dự án bệnh viện lớn dưới thời bà Nguyễn Thị Kim Tiến khiến nhiều người đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa hai người và động cơ thực sự của ông Tô Lâm. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến từng là một trong những bộ trưởng có thời gian tại vị lâu nhất trong chính phủ. Dù không còn là Ủy viên Trung ương Đảng từ năm 2016, bà vẫn được giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế, một trường hợp hiếm gặp và gây nhiều tranh cãi lúc bấy giờ.

Nhiều ý kiến cho rằng sự ưu ái dành cho bà Tiến đến từ sự can thiệp của nhóm lợi ích Hà Tĩnh, quê hương của bà. Nhóm này được cho là có mối quan hệ thân thiết với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã bảo đảm cho bà Tiến một vị trí trong chính phủ.

Tuy nhiên, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, phe Hà Tĩnh đã suy yếu đáng kể trong cuộc chiến quyền lực nội bộ, bà Tiến cũng không tránh khỏi những sóng gió chính trị. Việc thanh tra hai dự án bệnh viện có thể là một đòn giáng mạnh vào uy tín và sự nghiệp của bà Tiến, nhất là khi những người từng bảo trợ cho bà đã không còn đủ sức để che chở. Nó không chỉ là một cuộc kiểm tra về tài chính, mà còn là một phép thử về quyền lực và sự ảnh hưởng của bà trong bối cảnh chính trị hiện tại. Theo một số nguồn tin nội bộ, bà Tiến có thể sẽ bị xử lý nghiêm khắc, chứ không có chuyện “hạ thủ lưu tình” từ ông Tô Lâm.

Một trong những điểm đáng chú ý trong câu chuyện này là sự mâu thuẫn trong ngân sách giữa các bộ ngành. Trong nhiều năm qua, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục chỉ được phân bổ một phần nhỏ ngân sách, khoảng 7 nghìn tỷ đồng mỗi bộ, trong khi Bộ Công an lại được ưu tiên với con số khổng lồ lên đến 100 nghìn tỷ đồng. Sự chênh lệch này đặt ra câu hỏi về chính sách ưu tiên của nhà nước, và đặc biệt là về sự ảnh hưởng của Bộ Công an.

Trong khi Bộ Công an được “vung tay” chi tiêu cho các dự án không thiết yếu như nhà hát và sân bay riêng, thì Bộ Y tế lại phải chật vật xoay sở với nguồn kinh phí hạn hẹp. Chính điều này được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các bệnh viện xây xong không có kinh phí để hoạt động. Ngoài ra, còn có nghi ngờ về sự tham nhũng và lãng phí trong quá trình thực hiện các dự án, làm cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.

Tuy bà Tiến có nhiều tai tiếng trong nhiệm kỳ của mình, một số nhận định cho rằng nếu xét công bằng, thì các sai phạm của ông Tô Lâm lớn hơn rất nhiều so với bà. Tuy nhiên, ông Tô Lâm đang nắm trong tay quyền lực tối cao, có thể quyết định số phận của bất kỳ ai.

Việc thanh tra các dự án bệnh viện không chỉ là một động thái kiểm tra thông thường mà còn là một phần trong chiến lược “công an trị” của ông Tô Lâm. Từ khi lên nắm quyền, ông Tô Lâm đã cho thấy sự quyết liệt trong việc củng cố quyền lực và thanh trừng những đối thủ tiềm tàng. Ông sử dụng hai công cụ mạnh mẽ là “lò đốt” chống tham nhũng và chính sách tinh giản bộ máy để loại bỏ những người không “cùng phe” hoặc có dấu hiệu chống đối.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, một người đã về hưu và không còn quyền lực, có thể là một mục tiêu “dễ xơi” trong chiến dịch này. Việc trừng phạt một quan chức đã mất quyền lực có thể không mang lại lợi ích chính trị lớn, nhưng nó có thể là một cách để ông Tô Lâm “dằn mặt” những người khác, đặc biệt là những người từng có ảnh hưởng lớn trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ông Tô Lâm có thể không “trong sạch” như ông thể hiện. Việc ông Tô Lâm chỉ đạo thanh tra bà Tiến có thể là một chiêu trò để “bịt miệng” và loại bỏ một đối thủ tiềm tàng, chứ không phải là một hành động vì công lý.

Việc ông Tô Lâm ra tối hậu thư, yêu cầu việc thanh tra phải xong trước ngày 31 Tháng Ba năm 2025, cho thấy sự quyết liệt và tính toán kỹ lưỡng trong chiến lược của ông. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến còn ba tháng để “lo liệu” cho số phận của mình. Trong bối cảnh chính trị hiện tại, nhiều người cho rằng bà Tiến sẽ khó tránh khỏi một kết cục không mấy tốt đẹp.

Một số đồn đoán cho rằng bà Tiến có thể tìm cách “hạ cánh an toàn” giống như trường hợp của Trần Tuấn Anh và Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, việc liệu bà có đủ khả năng để “mua” được sự “tha thứ” của ông Tô Lâm hay không, vẫn còn là một ẩn số.


 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay