December 29, 2024
Mai Phi Long/Người Việt (tổng hợp)
WESTMINSTER, California (NV) – Hiện tại, trong số hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Việt từng là thuyền nhân có bao nhiêu người còn nhớ hoặc biết được rằng chính cựu Tổng Thống Jimmy Carter đã nỗ lực vận động, khẩn nài người dân, và thuyết phục các chính trị gia đối lập mở rộng vòng tay đón nhận họ vào định cư tại Mỹ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc hồi thập niên 1970.
Chính Tổng Thống Jimmy Carter là người ra lệnh tăng gấp đôi số thuyền nhân gốc Việt được nhập cảnh hồi Tháng Sáu, 1979, và cũng chính ông là người đã ký Đạo Luật Refugee Act of 1980 mở rộng cửa đón người Việt vượt biên vào Mỹ.
Cựu Tổng Thống Jimmy Carter trong một lần tranh cử năm 1976. (Hình: Central Press/Getty Images)
Quyết định tăng gấp đôi số thuyền nhân Việt nhập cảnh
Tối Thứ Sáu, 29 Tháng Sáu, 1979, Tổng Thống Carter thông báo trước quốc dân quyết định tăng gấp đôi số thuyền nhân Đông Đương nhập cảnh vào Mỹ. Đây là một phần trong thỏa thuận đạt được tại Tokyo, Nhật, với bảy quốc gia khác trong nỗ lực cứu vớt người vượt biên.
Và Mỹ là quốc gia đầu tiên ban hành lệnh thực hiện, các quốc gia còn lại khác là Nhật, Canada, Anh, Pháp, Tây Đức, và Ý.
Như vậy, nước Mỹ mỗi tháng sẵn sàng “rước” 14,000 thuyền nhân lúc đó đang sống lây lất tại các trại tị nạn ở Đông Nam Á.
Quyết định nhân đạo trên của Tổng Thống Carter đòi hỏi chính phủ của ông phải tìm ra thêm nguồn tiền khoảng $150 triệu/năm trước mắt để thực hiện, vào thời điểm mà ngân sách Mỹ vốn đã phải chi ra khoảng $200 triệu/năm cho chương trình cứu thuyền nhân sẵn có.
Để có được ngân sách này, một loạt vận động khác cần phải tiến hành để Quốc Hội thông qua luật mới, tiếp tục duy trì chính sách cứu thuyền nhân.
Các phần sau của bài viết sẽ đề cập hoàn cảnh ai vận động, ai là người ký ban hành đạo luật này.
Cảnh thuyền nhân Việt được chiến hạm USS Durham vớt. (Hình: USNA)
Dù đang tranh cử, Carter vẫn vận động cứu thuyền nhân
Trong thời điểm chỉ còn khoảng hơn một năm đến ngày bầu cử năm 1980, giữa lúc người Mỹ quan tâm đến công ăn việc làm vì nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng suy thoái từ hậu quả chiến tranh Việt Nam, ông Carter khi đi vận động phải liều lĩnh thuyết phục cử tri bỏ qua lo lắng mà tỏ lòng nhân từ đón nhận thuyền nhân Việt đang bơ vơ “vô tổ quốc” tại các trại tị nạn.
“Tôi muốn nhắc nhở quý đồng bào rằng Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ là một xứ sở di dân. Chúng ta là một đất nước di dân,” cựu Tổng Thống Carter mở lời với cử tri trong một buổi vận động tại vùng nông thôn tiểu bang Iowa vào ngày 23 Tháng Tám, 1979, theo bài viết “President Makes Appeal for Asian Boat People” (Tổng thống khiếu nại dùm thuyền nhân Châu Á), đăng trên nhật báo Washington Post.
Trong lúc đang tìm cách thuyết phục các nông gia Iowa chấp nhận chính sách đón thuyền nhân Việt, một sinh viên tên Scott Kelsay trong số cử toạ đặt vấn đề “di dân lấy mất việc làm,” cựu tổng thống kiên nhẫn trả lời: “Những thuyền nhân Đông Nam Á này là đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Họ phải rời bỏ đất nước đã tước đi các quyền cơ bản của họ. Đây là những người tin vào giá trị cá nhân, sáng kiến cá nhân, và tự do cá nhân. Những thuyền nhân này cùng nhân sinh quan với chúng ta hơn chế độ cộng sản đã tước đi đất nước họ.”
Tổng Thống Jimmy Carter cùng gia đình trong ngày tuyên bố tái tranh cử. (Hình: Consolidated News/AFP via Getty Images)
“Vì vậy, tôi hy vọng tất cả người Mỹ sẽ nhận ra rằng chính gia đình của quý vị đã đến đất nước này nhiều năm trước để mưu cầu cuộc sống, đây cũng chính xác là điều mà những người tị nạn Việt Nam đang tìm kiếm hiện nay,” Tổng Thống Carter nói.
Trong buổi vận động này, ông Carter tìm cách lập luận tiếp nhận thuyền nhân không phải là vấn đề quá lớn mà người Mỹ khó lòng vượt qua.
Ông nói: “Hiện chỉ có 220,000 người tị nạn (số liệu thời điểm 1979), tỉ lệ là 1/1,000 so với dân số Mỹ. Có nghĩa là có tới 1,000 người Mỹ giúp đỡ một người tị nạn Việt Nam trong vài tuần lễ mà thôi.”
Vị tổng thống ca ngợi người tị nạn gốc Việt rằng: “Họ là những người đi tìm tự do, dân chủ. Những người Việt đi trước đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng họ là những người khao khát học ngôn ngữ của chúng ta để hoà nhập. Đặc biệt phải nói là họ đã chứng minh rằng đây là những người muốn tự lực cánh sinh.”
Đạo Luật Tị Nạn 1980
Tổng Thống Carter ký ban hành Đạo Luật Tị Nạn (Refugee Act of 1980) ngày 17 Tháng Năm, 1980.
Đạo luật này ra đời trong hoàn cảnh có cuộc khủng hoảng do làn sóng người vượt biển và đường bộ từ Việt Nam và Cambodia đến các quốc gia láng giềng trong vùng Đông Nam Á.
Theo ước tính, vào thời điểm 1979, có khoảng hơn 300,000 thuyền nhân và người đi đường bộ có mặt tại các trại tị nạn.
Những sắc lệnh của tổng thống ban hành từng đợt để đưa thuyền nhân Việt nhập cảnh vào Mỹ có những hạn chế, chẳng hạn như vấn đề ngân sách, quy chế di trú, và chương trình hội nhập, khiến các cơ quan hành chánh gặp nhiều trở ngại. Do đó, cần một đạo luật có hiệu lực lâu dài để giới chức hành pháp linh hoạt giải quyết.
Đặc biệt, Đạo Luật Tị Nạn cho phép gia tăng gần gấp ba lần số thuyền nhân vào Mỹ, từ 17,500/năm lên 50,000/năm.
Tác giả của đạo luật cứu giúp thuyền nhân này là cố Thượng Nghị Sĩ Ted Kennedy (Dân Chủ-Massachusetts).
Đồng bảo trợ đạo luật là 11 thượng nghị sĩ Dân Chủ và ba thượng nghị sĩ Cộng Hoà.
Đạo luật được lưỡng viện Quốc Hội với đại đa số là Dân Chủ thông qua. Trước đó, đạo luật được thông qua ở Hạ Viện ngày 4 Tháng Ba, 1980 và ở Thượng Viện ngày 6 Tháng Chín, 1980.
Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy hồi thập niên 1970. (Hình: Washington Bureau/Getty Images)
Khi nói đến cố Thượng Nghị Sĩ Kennedy về vấn đề liên quan đến người tị nạn Việt Nam, không thể không nhắc đến chính ông cũng là người vận động cho dự luật HR 6755 cho phép người tị nạn Đông Dương vào Mỹ và cung cấp nửa tỷ đô la giúp họ hội nhập.
Đặc biệt, đáng lưu ý nữa là chính Thượng Nghị Sĩ Kennedy là người vận động đạo luật HR 7769 để thay đổi quy chế nhập cảnh “Tạm Dung” (parole status) thành quy chế “Tị Nạn” (refugee status) cho người “di tản” Việt năm 1975, được trở thành “thường trú nhân” chính thức để có cơ hội nhập quốc tịch Mỹ.
Uống nước nhớ nguồn?
Nước Mỹ không tự nhiên đón nhận hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt vượt biển sống lây lất tại các trại tị nạn ở vùng Đông Nam Á vào thời điểm cuối thập niên 1970, như nhiều người Mỹ gốc Việt sau này ngộ nhận.
Để cho người Việt “di tản” hay “thuyền nhân vượt biển” vào nước Mỹ, chính phủ Hoa Kỳ phải linh hoạt, uyển chuyển áp dụng luật cho từng giai đoạn, nhưng phương cách đó chỉ là tạm thời. Cần phải có luật quy định rõ ràng cho trường hợp người tị nạn Việt nhập cảnh và định cư.
Các cựu tổng thống (từ trái), George HW Bush (cha), George W Bush (con), Jimmy Carter, Bill Clinton, và Barack Obama nhân dịp gây quỹ cứu trợ bão năm 2017. (Hình: Jim Chapin/AFP via Getty Images)
Để có được một đạo luật như thế phải có các chính trị gia có lòng với người tị nạn Việt dùng mọi nỗ lực vận động, thuyết phục đồng viện và dân chúng Mỹ đồng ý.
Nhưng lại càng khó khăn hơn, khi cần phải đưa ra một dự luật mà phải chi thêm tiền trước mắt, để cưu mang người tị nạn giữa lúc kinh tế Mỹ khó khăn như giai đoạn cuối thập niên 1970 .
Như vậy mới biết công khó của những người vận động cho những đạo luật nhân đạo cứu thuyền nhân Việt.
Đặc biệt, tấm lòng của cựu Tổng Thống Carter, dù đang tranh cử vẫn phải cố thuyết phục cử tri chấp thuận chính sách tiếp đón người tị nạn Việt giữa lúc người Mỹ đang sợ di dân lấy mất việc làm họ trước thời điểm kinh tế bị suy thoái thời hậu chiến cuộc Việt Nam. [đ.d.]