Cựu Không Quân Lê Xuân Nhị và chuyến bay cứu các chiến sĩ nhảy toán

Ba’o Nguoi-Viet

December 28, 2024

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Ông Lê Xuân Nhị, cựu Không Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH), tốt nghiệp Khóa 4/70 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, sau đó tốt nghiệp khóa bay 39, L-19 Hoa Tiêu Quan Sát Nha Trang.

Không Quân Lê Xuân Nhị tại New Orleans, Louisiana, năm 2000. (Hình: Lê Xuân Nhị cung cấp)

>> Cựu Không Quân Lê Xuân Nhị kể chuyện lần đầu… ở tù lính

Ra trường, ông bắt đầu đi bay hành quân đúng vào Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972. Ông phục vụ tại Phi Đoàn 114, Không Đoàn 62, Sư Đoàn 2 Không Quân QLVNCH, đóng tại Nha Trang cho đến ngày miền Nam Việt Nam bị thất thủ.

Kể với phóng viên nhật báo Người Việt tại Little Saigon, ông nhớ lại khoảng đầu năm 1974, giặc bỗng tấn công và tràn ngập đồn Bu Prăng Quảng Đức. Đồn Địa Phương Quân này có một vị thế chiến lược quan trọng, vì nằm giữa con lộ duy nhất nối liền Quảng Đức và Ban Mê Thuột. Quận Quảng Đức sống âm thầm cô độc giữa những khu rừng già trùng điệp, nên chịu số phận hẩm hiu. Cả thành phố chỉ có được một khu chợ chính nằm trên con đường dài không quá 100 thước.

Thiếu Úy Nhị kể: “Nhỏ vậy, nghèo vậy, hiền lành như vậy, nhưng Quảng Đức với tôi có nhiều kỷ niệm vô cùng. Ai cũng sợ đi Quảng Đức, chỉ có tôi, Đại Úy Hưởng, Đại Úy Nhơn là cóc cần. Chiều chiều, chúng tôi hay rủ rê anh em xách tàu bay qua Lâm Đồng nhậu nhẹt với Thiếu Tá Trương Minh Dũng, tham mưu trưởng tiểu khu Quảng Đức, hay lên Đà Lạt hay qua Ban Mê Thuột chơi. Quảng Đức là một quận lỵ hiền lành, dường như giặc cũng chê cái thành phố này nên lấy xong Bu Prăng, địch còn tính kéo luôn quân về vây hãm Quảng Đức. Thế là chúng tôi có nhiều việc làm.”

Chiến dịch tái chiếm Bu Prăng, vào lúc căng thẳng nhất đã có đến sáu phi hành đoàn L-19 túc trực ngày đêm để làm việc với một Liên Đoàn Biệt Động Quân, một trung đoàn của Sư Đoàn 23 Bộ Binh và Chiến Đoàn III Xung Kích Lực Lượng Đặc Biệt. Tuy từ từ, nhưng QLVNCH cũng chặt đứt được khúc đuôi của giặc, giải tỏa áp lực cho Quảng Đức đồng thời tiến trở lại Bu Prăng.

Cứu chiến sĩ nhảy toán của Nha Kỹ Thuật

Trong thời gian biệt phái cho Quảng Đức, tại Biệt Đội Không Quân vào buổi sáng, Thiếu Úy Nhị có lệnh bay sớm và bay lâu nên về thì mệt nhoài, và ông cũng không còn nhớ lúc ấy những phi hành đoàn khác đã bỏ đi đâu mà chỉ còn có mình ông ở lại biệt đội. Ông nghĩ, có lẽ họ chở nhau đi ăn cơm.

Thiếu Úy Nhị đang nằm thiu thiu thì bỗng có một chiếc xe jeep nhà binh phóng như bay rồi thắng ngay trước cửa biệt đội. Trên xe là những quân nhân mặc quân phục rằn ri bước thẳng vào phòng hành quân của Biệt Đội.

Thiếu Úy Nhị không biết mấy ông muốn gì đây mà bộ tịch coi ghê quá. Ông liền dựng người trở dậy, thọc vội cái áo bay vào người thì mấy ông quân phục rằn ri cũng vừa tới trước mặt. Thì ra toàn là những sĩ quan thuộc Sở Liên Lạc của Nha Kỹ Thuật, gồm có một ông trung úy và hai ông đại úy, mặt mày ai nấy coi có vẻ nghiêm trọng vô cùng.

Ông Lê Xuân Nhị tại Dallas, Texas, năm 2007. (Hình: Lê Xuân Nhị cung cấp)

Một ông đại úy hỏi ông Nhị: “Em là phi hành đoàn duy nhất ở đây?” Thiếu Úy Nhị trả lời: “Dạ đúng đại úy, không biết mấy ông kia đi đâu hết rồi. Đại úy cần gặp ai?” Nghe như thế thì khuôn mặt mấy người sĩ quan Nha Kỹ Thuật thoáng lên vẻ thất vọng. Thiếu Úy Nhị nói tiếp: “Nếu đại úy muốn kiếm ông biệt đội trưởng, đại úy có thể dùng điện thoại đây gọi về cho trung tâm hành quân tiểu khu, chắc biết ổng ở đâu.” Một ông đại úy lên tiếng sau một vài giây ngần ngừ: “Chúng tôi có một việc cần anh giúp đỡ, nếu anh giúp được chúng tôi cám ơn anh vô cùng.”

Ông Nhị nhớ lại: “Lời nói khẩn thiết và chậm rãi của vị sĩ quan Nha Kỹ Thuật làm cho tôi ngạc nhiên. Một thằng thiếu úy Không Quân hạng bét như tôi thì giúp gì được mấy ông rằn ri thứ dữ này? Nhưng cứ nhìn điệu bộ và cách ăn nói thì không phải để đùa dai với tôi. Trong một giây phút, tôi cảm thấy khoái chí vì mình tự nhiên được trở nên một nhân vật quan trọng.”

Người sĩ quan Nha Kỹ Thuật nhìn thật sâu vào mắt ông Nhị, nói chậm rãi: “Một toán Lôi Hổ của chúng tôi thả xuống lần trước đã bị Việt Cộng phát hiện, bị bao vây và tấn công mấy ngày. Tụi nó đã chạy thoát được nhưng đang bị phân tán mỗi người một nơi và lạc trong rừng. Chúng tôi muốn nhờ em giúp tôi bay lên để gom chúng nó về một LZ an toàn.”

Tưởng gì chứ đi bay kiếm Lôi Hổ bị lạc và chọn bãi đáp thì quá thường đối với Thiếu Úy Nhị. Ông chịu nhất là cái tài chiếu kiếng của mấy ông này. Nhiều khi phi công Nhị bay rất cao, giữa rừng già thăm thẳm mênh mông mà mấy ông Lôi Hổ chỉ cần chiếu kiếng một phát là ông nhìn thấy ngay.

Thiếu Úy Nhị nói với một vị sĩ quan của Nha Kỹ Thuật: “Đại úy cứ việc gọi về trung tâm hành quân, yêu cầu một phi vụ là tôi cất cánh liền.” Nhưng đại úy lắc đầu nói: “Nếu xin được thì tôi đâu có đến đây kiếm anh.”

Ông Nhị kể lại: “Thì ra vậy. Không Quân chúng tôi khi được biệt phái đi bay yểm trợ cho các đơn vị bạn, mỗi ngày trung tâm liên lạc hành quân đều thông báo cho bộ tư lệnh chiến trường biết có bao nhiêu tàu khả dụng, bao nhiêu phi vụ có thể cất cánh được. Số phi vụ này được tư lệnh chiến trường, tùy theo mức độ cần thiết và nhu cầu, chia ra cho các đơn vị tham chiến.”

Không Quân Lê Xuân Nhị (trái) và nhà thơ Trạch Gầm trong Đại Hội Nha Kỹ Thuật 2022 tại Little Saigon. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Khi một đơn vị cần phi cơ yểm trợ, họ chỉ việc gọi cho trung tâm liên lạc hành quân. Nơi này, tùy theo số lượng phi vụ đã được cấp phát trước, sẽ cho chúng tôi cất cánh để làm việc với họ. Tôi không tò mò hỏi thêm nhưng biết chắc có lẽ đơn vị Lôi Hổ này đã xài hết những phi vụ của mình, hoặc vì tình trạng thiếu thốn máy bay nên không xin được một phi vụ nào nữa cả, đành phải đau xót nhìn những đứa con của mình bị rượt đuổi giữa rừng già,” ông kể thêm.

Theo luật của Quân Chủng Không Quân QLVNCH, ngoài những phi vụ hành quân hay bay huấn luyện, bay thử phi cơ, nếu phi công nào cất cánh không có phi vụ lệnh đàng hoàng là sẽ bị ở tù hoặc đưa ra tòa án quân sự. Thân bại danh liệt là cái chắc.

Ông Nhị tâm tình: “Thật ra, trong suốt cuộc đời bay bổng, chúng tôi cũng đã nhiều lần cất cánh lậu để đi ăn nhậu hay chở bạn bè đi chơi, nhưng chúng tôi đều luôn luôn có phép ngầm của trung tâm liên lạc hành quân. Nhiều khi, những người hành khách mà chúng tôi chở đi chẳng ai khác hơn là ông sĩ quan trưởng phòng liên lạc hành quân ‘dù’ đi chơi. Nhưng đó là chuyện thời bình, mỗi khi không có việc gì để làm. Điều quan trọng là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi không bao giờ dám cất cánh lậu mà trung tâm liên lạc hành quân không biết. Hôm nay, giữa lúc khói lửa ngút trời như thế này, không ai dám nghĩ đến việc xách tàu đi lậu đâu.”

“Nhìn những vị sĩ quan của Nha Kỹ Thuật ngồi trước mặt, lòng tôi bỗng tự dưng dâng lên một niềm kính phục kỳ lạ. Giữa lúc có nhiều ông sĩ quan có những hành vi không tốt thì những sĩ quan trẻ tuổi này, mặt mày lo âu, mắt ai nấy ngầu đỏ vì thiếu ngủ đang ngồi chờ sự quyết định của tôi. Nếu tôi đồng ý, các vị sẽ cứu được những người lính của mình, những người tuy không phải bà con ruột thịt, nhưng tình chiến hữu khắng khít còn cao hơn máu mủ ruột thịt,” ông nói.

Ông tâm sự: “Nếu tôi từ chối, chẳng ai làm gì tôi cả và tôi sẽ không bị lôi thôi rắc rối với phi đoàn hay pháp luật của quân đội. Nhưng nếu làm vậy, tôi biết những người lính Lôi Hổ anh dũng kia có thể bị địch bắt hay tàn sát và lương tâm tôi, cái lương tâm của một sĩ quan QLVNCH, dù mang một cấp bậc rất nhỏ là thiếu úy, nhưng sẽ xâu xé tôi suốt đời.”

“Tôi lại nghĩ đến những lần cất cánh trái phép để đi chơi bời, đi ăn nhậu. Xăng chính phủ, tàu bay chính phủ, tôi sử dụng trái phép như thế chẳng khác gì tôi phạm tội tham nhũng, ăn cắp của công. Tôi chửi bới người khác tham nhũng, còn tôi, ai sẽ chửi bới tôi? Lớn ăn theo lớn, nhỏ phá theo nhỏ, còn gì là cái gia tài của quốc gia chứ,” ông Nhị tâm tình.

Không Quân Lê Xuân Nhị tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ Westminster năm 2023. (Hình: Lê Xuân Nhị cung cấp)

Tình huynh đệ chi binh, tình chiến hữu

Ông đại úy Nha Kỹ Thuật mời Thiếu Úy Nhị điếu thuốc, và cười cầu tài. Ông Nhị thấy nụ cười của người đàn anh trong quân đội sao vừa buồn mà lại vừa oai dũng, vừa chịu đựng, lại vừa quyết liệt. Rồi nói giọng như người anh khuyên bảo đứa em trai: “Thiếu úy cứ tính đi. Anh em chúng tôi không muốn làm cho thiếu úy kẹt. Nhưng nếu giúp được chúng tôi, chúng tôi sẽ cám ơn vô cùng.”

Vì trách nhiệm, vì tình chiến hữu sắt son, vì muốn cứu mấy người lính của ông ta, một vị đại úy oai hùng của Nha Kỹ Thuật đã mời thuốc lá và cười cầu tài với một thiếu úy Không Quân trẻ.

Vì tình huynh đệ chi binh, tình chiến hữu, Thiếu Úy Nhị nghĩ trong lòng: “Tôi bỗng thấy trái tim mình như rướm máu, lòng dạ xót xa bồi hồi. Tự nhiên, tôi thấy thương quân đội tôi, dân tộc tôi vô cùng. Ngày nào quân đội tôi còn những sĩ quan như thế này, ngày đó chúng tôi và những người đàn em của ông ta còn có lý do và để hãnh diện chiến đấu.”

Ông Nhị kể tiếp: “Chính những người sĩ quan của một binh chủng hung hãn nhất quân lực ngồi trước mặt tôi ngày hôm nay làm cho tôi nghẹn ngào mà hãnh diện, vui mà buồn. Tôi nhớ đến cái chết của thằng em tôi tại chiến trường Tân Cảnh ngập máu năm nào. Mỗi lần nghĩ về em, lòng tôi như bị ai đâm lút cán một lưỡi dao. Tôi lại nhớ đến lời nói của thân phụ, ‘Không thể sống mãi như một người vô trách nhiệm.’ Trách nhiệm của tôi, một sĩ quan xuất thân Trường Bộ Binh Thủ Đức, một phi công của QLVNCH trong hoàn cảnh này là gì? Là bằng mọi cách, phải cứu cho bằng được những chiến sĩ Lôi Hổ can trường kia. Tôi cũng đã suy nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra cho tôi đó là đi tù, ‘cát xê ga lông’ (bị giảm cấp bậc), ra tòa án quân sự… Và cũng có thể, sẽ chẳng có gì xảy ra cho tôi hết. Tôi gật đầu, với câu nói quyết định, ‘Được, tôi sẽ cất cánh mà khỏi cần phi vụ lệnh. Đại úy cho người đi bay với tôi.’”

Ba khuôn mặt đang buồn thảm bỗng trở nên sáng ngời. Một đại úy đứng dậy, đưa hai tay ra nắm lấy vai Thiếu Úy Nhị, giọng hớn hở: “Em… em bay cho tụi tôi thật à? Thế thì quý hóa quá, hay quá, tốt quá. Thế mới là huynh đệ chi binh chứ. Mà cất cánh bất ngờ như vậy có sao không? Có kẹt gì cho em không?” Thiếu Úy Nhị cười nói: “Không sao đâu đại úy, cùng lắm thì bị phi đoàn trưởng xài xể chút thôi.”

“Tôi đứng dậy ra đầu giường để chuẩn bị dụng cụ phi hành. Khi thấy tôi lôi cây AK-47 từ trong góc giường ra, một người hỏi, ‘Anh thích xài AK ư?’ Tôi hãnh diện khoe, ‘Dạ, quà của Trung Tá Xuân, tham mưu trưởng quân đoàn cho đấy,’” ông Nhị nói thêm. (Lâm Hoài Thạch) [qd]


 

Được xem 4 lần, bởi 4 Bạn Đọc trong ngày hôm nay