S.T.T.D Tưởng Năng Tiến –  Nguyễn Văn Vinh

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

26/12/2024

Ngôi chùa duy nhất mà tôi biết rõ từng viên gạch (và từng gốc cây/bụi cỏ) có tên là Linh Sơn Tự, trên cao nguyên Lâm Viên. Thuở ấu thơ, khi còn “lon xon như con với mẹ,” tôi vẫn thường theo bà đi lễ – đều đặn – vào những ngày rằm và mùng một.

Ðây là đất Phật nên bà yên tâm để tôi tha thẩn khắp nơi, suốt buổi, trong khi bận rộn việc công quả. Tôi cũng bận luôn. Bận tìm rau cho rùa ăn, bận bắt chuồn chuồn (bươm bướm/bọ cánh vàng) bận trèo cây, bận hái hoa trà, bận ngồi nhong nhong trên đôi rồng đá nằm chầu – song song – bên những bậc thang dẫn vào chính điện.

Cho đến khi biết đọc, và có thể đi giang hồ (vặt) một mình thì tôi thôi không theo mẹ lên chùa nữa. Chán thấy bà luôn! Với thời gian, và qua những bộ chuyện kiếm hiệp của Kim Dung (cùng trí tưởng tượng hơi quá phong phú của tôi) thì Linh Sơn Tự mỗi lúc càng thêm nhỏ lại, quá nhỏ nếu so với Thiếu Lâm Tự chót vót trên đỉnh Tung Sơn, ở bên Trung Quốc!

Xa Linh Sơn Tự, tôi cũng xa luôn quí vị chư tăng mà mình chưa có cơ hội để gần trong những tháng ngày thơ ấu. Ðã thế, sách sử còn khiến cho tôi dành rất ít tình cảm cho quí vị quan chức, tăng lữ và quí tộc. Những giới người này thường (rất) dễ bị hư hỏng trong mọi thời đại, và khắp các nơi, chứ chả riêng chi ở Việt Nam.

Tôi không nhớ là mình đã từng xưng “con” với một vị tu sĩ nào ráo trọi. Tôi chỉ có thể là con Phật, con Chúa, và là con của bố mẹ mình thôi.

Rồi cũng như bao nhiêu người khác, với thời gian (dường như) mỗi lúc tôi lại… “nhích” lại gần với tôn giáo hơn – một chút! Khi Lê Trí Tuệ chưa bị bắt đi biệt tích, có lần, tôi hỏi em:

-Sao địa chỉ email của Tuệ lại dùng bốn chữ Thanh Minh Thiền Viện (thanhminhthienvien) viết liền vậy?

-Dạ tại đây là nơi đang giam lỏng Hòa Thượng Quảng Ðộ, và em thì rất quí mến ngài anh ạ.

Tôi cũng đã từng thấy ảnh của một người bạn trẻ khác – Nguyễn Vũ Bình – chụp chung với Hòa Thượng Quảng Ðộ khi ngài còn tại thế. Nhìn một vị cao tăng, vào tuổi cửu tuần, hiền hòa và an nhiên đứng cạnh mấy bạn thanh niên (không dưng) khiến tôi rưng rưng cảm động. Bây giờ, nếu còn có cơ hội được diện kiến ông – chắc chắn – tôi cũng sẽ cung kính chắp tay đảnh lễ và nhỏ nhẹ xưng “con” như tất cả mọi người khác thôi!

Cách đây chưa lâu, tôi cũng có cái tâm cảm tôn kính tương tự, khi tìm hiểu về trại Cổng Trời và được biết thêm (đôi điều) về cuộc đời của một vị tu sĩ khác – Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh – qua lời của bạn đồng nghiệp Mặc Lâm và nhà thơ Tuân Nguyễn:

Mặc Lâm:

“Tiếng chuông Nhà Thờ Lớn Hà Nội giục giã vang lên chỉ một ngày trước Lễ Giáng Sinh năm 1959. Không phải báo hiệu sự ra đời của Chúa Giê Su, mà tiếng chuông kêu cứu với giáo dân vì nhà thờ đang bị một nhóm người đến phá rối.

Câu chuyện vỡ lở ra sau đó cho thấy nhóm người đến phá nhà thờ do chủ trương quá khích của một nhóm người và kết quả là Linh Mục Trịnh Văn Căn, Linh Mục Nguyễn Văn Vinh, cùng một số giáo dân bị quy tội phá rối trị an. Linh Mục Căn chịu 12 tháng tù treo, Linh Mục Vinh chịu 18 tháng tù giam vì tội “Vô cớ tập hợp quần chúng trái phép, phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân.” (Mặc Lâm. “Trại Giam Cổng Trời”. RFA – 24/12/2010).

Có thể nói cha chính Vinh là nạn nhân đầu tiên trong chính sách xóa sổ thầm lặng đạo Công Giáo mà chính quyền Hà Nội hướng tới. Linh Mục Nguyễn Văn Vinh do quá cương quyết và không chịu khuất phục đã âm thầm chịu chết sau đó, trong trại giam Cổng Trời.”

Ngài sống, và chết, ra sao, sau 12 năm (chứ không phải 18 tháng) bị giam ở trại Cổng Trời?

Tuân Nguyễn kể lại như sau:

“Anh vào trại trước mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người thì bảo anh phạm tội hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy khó tin. Anh không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong độ của người làm chính trị.

Bộ dạng anh ngu ngơ, dở dại dở khùng. Mình có cảm giác anh là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng nào về, trôi ngang qua trại, bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở đó. Nhìn anh, rất khó đoán tuổi, có thể 30, mà cũng có thể 50.

Ở trại, anh có một đặc quyền không ai tranh được, và cũng không ai muốn tranh. Ðó là khâm liệm tù chết. Mỗi lần có tù chết, giám thị trại đều cho gọi “thằng khùng” (tên họ đặt cho anh) và giao cho việc khâm liệm.

Với bất cứ trại viên chết nào, kể cả những trại viên từng đánh đập anh, anh đều khâm liệm chu đáo giống nhau. Anh nấu nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ.

*********

Anh nằm cách ly trong gian lán dành cho người ốm nặng. Anh nằm như dán người xuống sạp nằm, hai hốc mắt sâu trũng, nhắm nghiền, chốc chốc lại lên cơn co giật. Mình cúi xuống sát người anh, gọi hai ba lần, anh mới mở mắt, chăm chăm nhìn mình. Trên khóe môi rúm ró như thoáng một nét cười. Nước mắt mình tự nhiên trào ra rơi lã chã xuống mặt anh. Anh thè lưỡi liếm mấy giọt nước mắt rớt trúng vành môi. Anh thều thào nói:

-Tuân ở lại, mình đi đây. Ðưa bàn tay đây cho mình.

Anh nắm chặt bàn tay mình hồi lâu. Một tay anh rờ rẫm mớ giẻ rách khoác trên người, lấy ra một viên than củi, được mài tròn nhẵn như viên phấn viết. Với một sức cố gắng phi thường, anh dùng viên than viết vào lòng bàn tay mình một chữ nho. Chữ NHẪN. Viết xong, anh hoàn toàn kiệt sức, đánh rớt viên than (Phùng Quán, “Người Bạn Lính Cùng Tiểu Ðội.” Ba Phút Sự Thực. NXB Văn Nghệ: Sài Gòn, 2007).

Cha Nguyễn Văn Vinh qua đời vào năm 1971. Chữ NHẪN mà ngài viết bằng than (vào lòng bàn tay của một nhà thơ) hồi gần nửa thế kỷ trước, đến nay mới được chứng nghiệm qua “sự cố môi trường Formosa” cùng cách hành sử của nhị vị linh mục Ðặng Hữu Nam và Nguyễn Ðình Thục.

Hai ông hiện cũng đang bị “đấu tố” về những tội danh tương tự như cha Vinh 50 năm trước (vô cớ tập hợp quần chúng trái phép, phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân…) nhưng thời thế và tình thế thì hoàn toàn đã khác. Chữ NHẪN đã chín với thời gian.

Bây giờ nhà nước không còn có thể ngang nhiên bước vào nhà thờ, còng tay tu sĩ, và đẩy vào tù cho cho đến chết (luôn) như trước nữa. Dù đã vận dụng mọi thủ thuật và thủ đoạn (bẩn thỉu) trong gần cả năm qua nhưng chuyện tìm cách bắt giữ cha Nam và cha Thục, xem ra, mỗi lúc một thêm vô vọng!

2017


 

Được xem 9 lần, bởi 9 Bạn Đọc trong ngày hôm nay