Nhân vụ Đàm Vĩnh Hưng, nói chuyện vãn: Xướng ca vô loại

Ba’o Nguoi-Viet

December 9, 2024

Vương Trùng Dương

“Không có nghề nào xấu, chỉ có người xấu”

(Ngạn ngữ)

“Chỉ thời gian mới chứng tỏ người chính trực; nhưng chỉ cần một ngày để biết được ai là kẻ xấu”

(Triết Gia Sophocles)

***

Trong thời gian qua, Đàm Vĩnh Hưng (Huỳnh Minh Hưng), ca sĩ trong nước đến Mỹ. Ngày 19 Tháng hai, 2024, cô Mộng Linh, bạn của vợ chồng tỷ phú Gerard Williams & ca sĩ Bích Tuyền mượn ngôi biệt thự ở Newport Coast, California tổ chức buổi tiệc ngoài sân, nơi có bồn phun nước. Tuy có dựng sân khấu lộ thiên thấp nhưng gần cuối bữa tiệc, Đàm Vĩnh Hưng nhảy lên ngồi lên bệ phun nước dẫn đến ngã bệ nước, phải nhập viện cấp cứu và sau đó cắt bỏ ngón chân.

Ông Gerard Williams cũng tử tế trả tiền giải phẫu cho bệnh viện khoảng một trăm nghìn đôla. Theo VOA, 18 Tháng Mười Một 2024 “Đàm Vĩnh Hưng cáo buộc trong đơn kiện rằng ông Williams không thực hiện quy trình kiểm tra và bảo trì tài sản thường xuyên, tạo ra môi trường làm việc không an toàn cho khách mời.”

Trở về Việt Nam, Đàm Vĩnh Hưng tiếp tục hát hò, múa may nhảy nhót… nhưng ngày 30 Mười, nguyên đơn của Đàm Vĩnh Hưng qua tổ hợp luật sư gởi Tòa Thượng Thẩm tiểu bang California với lý do liên quan đến bất cẩn và trách nhiệm của người chủ nhà, cho rằng bệ phun nước không bảo đảm an toàn (mặc dù anh ta tự ý nhảy lên cao để mọi người theo dõi, không phải anh ta đứng cạnh đó hát mà bệ phun nước tự nhiên ngã xuống dập chân!)… và theo đơn kiện thì tai nạn xảy ra đã làm thiệt hại “sự nghiệp” nên bồi thường vài chục triệu đôla!

Thời gian đầu, vài tờ báo mạng trong nước cũng a dua bênh vực chàng ta, nhưng sau khi ông Gerard Williams thấy vô lý nên kiện ngược lại Đàm Vĩnh Hưng với mức bồi thường là “1 đồng danh dự.” Mục tiêu chính của ông là muốn nói lên sự thật. Và, sau đó Đàm Vĩnh Hưng rút đơn kiện.

Theo chia sẻ của ca sĩ Bích Tuyền thì Đàm Vĩnh Hưng bị thương ở chân là do anh tự ý leo lên bồn phun nước trong sân để hát, điều này khiến bồn nước bị vỡ làm chân anh bị thương.

Vụ lùm xùm nầy qua các cơ quan truyền thông Việt ngữ ở California đề cập khá nhiều và đả kích Đàm Vĩnh Hưng kiểu “ăn vạ” làm xấu đi hình ảnh trong giới ca hát.

Trong quá khứ thì cộng đồng người Việt tị nạn không ưa, biểu tình “ca sĩ dở hơi,” điển hình như bài viết của nhà văn Huy Phương “Biểu tình ‘chống Đàm Vĩnh Hưng!’” trên nhật báo Người Việt ngày 31 Tháng năm, 2015: “Chúng tôi đã được đọc các tin tức về các cuộc biểu tình của người Việt khắp nơi từ Đông sang Tây, gần đây là tối Thứ Bảy, 1 Tháng Ba, rất đông người Việt đã tổ chức cuộc biểu tình phản đối lại việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sẽ sang biểu diễn tại thành phố Denver, Colorado. Tối hôm Thứ Sáu, 15 Tháng Năm, dưới bầu trời giá lạnh, vào lúc 11 giờ khuya, đông đảo người Việt tại Bắc California tập trung biểu tình tại câu lạc bộ Pure Lounge, thành phố Sunnyvale, cách thành phố San Jose khoảng 8 dặm đường, để “chống” Đàm Vĩnh Hưng…

… Việc Đàm Vĩnh Hưng bị người Việt ở Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ là do ca sĩ này bị coi là tuyên truyền cho nhà nước Việt Nam. Đàm Vĩnh Hưng được nhà nước Việt Nam tuyên dương và hát một số bản nhạc mang tính chính trị, cầm cờ đỏ sao vàng đứng hát, là điều mà nhiều người Việt tại Hoa Kỳ ‘rất dị ứng.’

Năm 2012, trong buổi đấu giá gây quỹ từ thiện cho một ca sĩ trong nước chữa bệnh tại phòng trà “Không Tên” ngày 4 tháng Mười Một, 2012, Đàm Vĩnh Hưng hôn môi một nhà sư trẻ, gây tiếng xấu trong dư luận và bị chính Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch Việt Nam xử phạt 5 triệu đồng. Ông sư trẻ tuổi hôn môi với Đàm Vĩnh Hưng sau đó đã xin hoàn tục…”

Phải nói cộng đồng người Việt tị nạn (khán, thích giả) với tấm lòng nhân hậu, dễ dãi nên không cố chấp nhiều với ca sĩ nầy đã xảy ra trong quá khứ.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. (Hình: Facebook “Đàm Vĩnh Hưng”)

Nhắc đến chuyện “đáo tụng đình” nầy để đề cập đến chuyện vãn dưới đây vì gần nửa thế kỷ qua với giới ca sĩ hải ngoại nói chung và ở Hoa Kỳ nói riêng không tệ đến trường hợp như vậy ở tư gia của thân hữu.

Ngày xưa, Trần Hậu Chủ ưa thích hưởng thụ nơi chốn cung đình, yến tiệc với thực khách và cung tần, mỹ nữ, tuyển chọn thơ để phổ thành nhạc với khúc “Hậu Đình Hoa” ca hát, ăn chơi, phó mặc sơn hà xã tắc cho đám cận thần đến chỗ mất nước.

Hậu Đình Hoa tạo dựng bởi những bài thơ tuyển chọn được phổ nhạc thành khúc hát của Trần Hậu Chúa dùng trong khi yến tiệc ở cung đình của quan trong triều, thực khách cùng gia tần để hưởng thụ.

Đời nhà Đường ở Trung Hoa, nhà thơ Đỗ Mục (803-853) giữ chức Ngự sử ở Lạc Dương. Xuất thân từ dòng dõi quý tộc, giỏi thi phú, được gọi là Tiểu Đỗ (nhà thơ Đỗ Phủ (712-770) gọi là Lão Đỗ).

Quan Tư đồ Lý Nguyện ở Lạc Dương lúc nào cũng tiệc tùng, quấn quít bên đám ca kỹ, ồn ào thâu đêm. Nhân dịp Lý Nguyện mở đại tiệc, quan trông coi hình sự Đỗ Mục được mời tham dự, giới thiệu nhà thơ kỹ nữ Tử Vân, Đỗ Mục xao xuyến làm kẻ tình si trước dung nhan mỹ nữ.

Đỗ Mục hào hoa phong nhã, đa tình, nhưng lại khinh thường lớp xướng ca, bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Bạc Tần Hoài đã mô tả hình ảnh người ca kỹ tiêu biểu cho lớp người thuộc thành phần xướng ca vô loại:

“Yên lung hàn thủy, nguyệt lung sa,

Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia.

Thương nữ bất tri vong quốc hận

Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.”

Trần Trọng Kim dịch:

“Khói lồng nước, bóng trăng lồng cát

Bến Tần Hoài, thuyền sát tửu gia

Gái ca đâu nghĩ nước nhà

Cách sông vẫn hát khúc Hoa Hậu Đình.”

Bài thơ tứ tuyệt nầy trở thành quen thuộc ở nước ta trong nhiều thập niên qua, được nhiều văn nhân chuyển dịch. Xin trích hai câu sau “Thương nữ bất tri vong quốc hận! Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa” qua các ngòi bút chuyển dịch:

“Mặc ai tan nát nước nhà

Chị em vẫn hát bài “Hoa sau vườn””

(Ngô Tất Tố )

“Chẳng biết khúc buồn xưa mất nước

Bên sông cón hát Hậu Đình Hoa”

(Bùi khánh Đản & Đỗ Bằng Đoàn)

“Ca nhi nào biết quốc vong

Đình hoa còn hát, như không hận thù”

(Chi Điền)

“Thương nữ chẳng hay hờn mất nước

Hậu đình có hát ở bên sông”

(Đào Hữu Dương)

Theo Hoàng Lê Bổn trong “Tầng Lớp & Giai Cấp Xã Hội Việt Nam Thời Xưa” về thứ cấp, tầng lớp  được tổng hợp với ngành nghề trong xã hội vào thời điểm trước công nguyên có Ngư (công việc liên quan đến sông nước), Tiều (núi, rừng), Canh (đất đai, đồng áng), mục (chăn nuôi, gia súc); sau nầy có: Sĩ, Nông, Công, Thương. Sĩ ở đây được hiểu là lớp người khoa bảng, trí thức… được hiểu là sĩ phu, không có nghệ sĩ trong thành phần này.

Vì vậy, xướng ca không có xếp loại trong thành phần nào. Công việc ca hát nầy chỉ mua vui cho thiểu số ở cung đình, quan chức và ở chốn thanh lâu… cho nên người đời không mấy thiện cảm.

Không chỉ ở Đông phương mới xem thường hình ảnh xướng ca, nhà điện ảnh Charles Chaplin (1899-1977), được mệnh danh vua hề Charlot, để lại ca khúc bất hủ “Limelight” rất quen thuộc qua lời ca của Phạm Duy và Xuân Mỹ: “Đời ca hát ngày tháng cho đời mua vui… Rồi khi ánh đèn tắt, lặng lẽ cô đơn. Chìm trong bóng đêm, người ta lãng quên, bẽ bàng.”

Đứng trên nhiều địa hạt khác “East is East, West is West” như quan niệm của nhà văn Anh quốc Rudyard Kipling (1865-1936), nhưng từ ngàn xưa giữa Đông và Tây, cuộc đời ca nữ nó phũ phàng và bất hạnh, bị người đời xem đó như lớp người để mua vui cho khách làng chơi. Dòng thơ Xuân Diệu thời tiền chiến đã giãi bày tâm sự, hình ảnh qua bài Tình Kỹ Nữ:

“Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả,

Tay em đây mời khách ngả đầu say;

Đây rượu nồng, và hồn của em đây,

Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử…

… Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt

Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi.”

Quan niệm đó, ngày nay đã lỗi thời. Trong 4 thú vui tao nhã: cầm, kỳ, thi, họa; nhà văn Toan Ánh trong “Cầm Ca Việt Nam” đã viết: “Cái thú phong lưu thứ hai của ta sau cầm, tôi nghĩ cần nói tới ca hát trước… Ta thường ca hát khi cảm hứng nổi lên muốn đem tâm tư gửi vào giọng hát, hoặc cũng có khi vì uất hận muốn gởi nỗi niềm bực tức vào câu ca… Ta cũng thích hát và hát cũng là một thú chơi thanh cao tao nhã không kém gì cầm, kỳ, thi, họa”

(Toan Ánh – CCVN, NXB Xuân Thu trg 73-74).

Vào thời điểm cuối cùng của thế kỷ XX để bước vào thiên niên kỷ mới. Sau bao thập niên ca sĩ trong nước sống cuộc sống của “công nhân xướng ca”, được làn gió đổi mới thổi vào từ bên ngoài, xướng ca có cơ hội ca… xướng, chưa được lâu dài liền bị “sao… quả tạ” mang búa rìu giáng xuống.

Nghề xướng ca ở trong nước ở miền Bắc trong hai thập niên (1954-1975) “nghèo rớt mồng tơi” vì chỉ là “công nhân ca hát” trong tổ chức để hưởng tem phiếu thực phẩm. Và cả nước khoảng thập niên 1990 nhờ “nhạc vàng” với những sáng tác các nhạc sĩ thời tiền chiến (bị cấm vì lãng mạn, yếu đuối) và các nhạc sĩ ở miền Nam Việt Nam mới “ăn nên làm ra” rồi nào “chảnh”, “trưởng giả học làm sang”… dẫn đến những trò nhố nhăng, kệch cỡm mất thiện cảm. làm xấu đi hình ảnh xướng ca!

Khi đến cập đến “hiện tượng” nầy không phải người viết có đầu óc đố kỵ mà nhìn vào thực tế giới ca sĩ ở miền Nam VN hầu hết giữ được nhân cách của người nghệ sĩ nên không làm hoen ố hình ảnh “xướng ca vô loại.” Tôi đã viết nhiều bài về các ca sĩ như Thái Thanh, Lệ Thanh, Hà Thanh, Lệ Thu, Mai Hương… Trần Văn Trạch, Duy Trác, Ban Hợp Ca Thăng Long… với hình ảnh đẹp và được khán thính giả cảm tình và ái mộ.

Trước đây báo chí trong nước đã phê phán: “Ca sĩ miền Bắc thì ỉ eo ca sĩ miền Nam hát sến, chỉ chuộng màu mè, phù phiếm. Làng ca sĩ Sài Gòn lại chê các đồng nghiệp ở Hà Nội khuôn sáo, khô cứng.”

Chê bai cách ăn mặc cực kỳ kinh dị “phụ họa thêm những động tác nhảy nhót, lúc lắc bốc lửa khiến những chàng choai choai phát rồ phát dại”.

Đưa ra những hình ảnh nhố nhăng, bệnh hoạn, kiêu căng, làm tiền làm tội của giọng hát được bốc thành “sao” hốt tiền bạc tỷ… cho thấy mối nguy hại “bệnh ngôi sao” của loại xướng ca nầy đang hoành hành trong nước.

Tờ ANTG số 142 ví von qua lời Tường Vy: “… Dường như tình cảm nhân đạo trong lớp trẻ bây giờ ít, họ ích kỷ hơn và không muốn chia sẻ, thậm chí vô lễ với thầy cô. Đối với bạn bè thì khan hiếm tình thân ái, nói xấu nhau không tiếc lời. Nhiều lần đi diễn cùng họ, ngồi trong cánh gà, tôi nghe hết.”

Tú Gân trong ngành VH-TT Lâm Đồng:… “Tất cả những điều nầy cho thấy cái tư cách và chất nghệ sĩ đích thực đã và đang mất đi một cách trầm trọng. Chính họ, chứ không ai khác, đã tự làm mất mình”. Ông Đặng Văn Phong, Nghệ An:… “Nếu đem so sánh với hiểm họa ma túy thì tác hại của nó còn lớn hơn chúng ta tưởng”. Ông Phạm Quang Bình:… “Những gì mà tác giả bài báo đã nêu lên khiến bạn đọc phải bàng hoàng, giật mình thì lại e rằng vẫn còn chưa đủ.”

Hấp thụ làn sóng mới, thời đại mới trong “giai đoạn tạp chủng” trong xã hội bị băng hoại đạo đức, ca sĩ nào không vướng chuyện lăng nhăng tình ái?. Lên án phong trào ca nhạc thương mại, nhiều nhạc sĩ cũng nhập cuộc để nói về chức năng nghệ thuật và giải trí, vẫn theo luận điệu cũ rích thời bút chiến “nghệ thuật và nhân sinh” ở thập niên 40 để đả phá xướng ca không tuân theo đường lối nhà nước.

Cách nay 1.200 năm ở Trung Hoa với khúc nhục ca vong quốc Hậu Đình Hoa.

Trần Hậu Chủ (583-587), vị vua cuối cùng của nhà Hậu Trần thời Nam Bắc triều. Trần Hậu Chủ mê hai mỹ nhân Khổng Quý Tân và Trương Lệ Hoa, cho dựng gác Lâm Xuân, gác Ỷ Kết, lầu Vọng Tiên bằng gỗ trầm hương, dát thêm vàng ngọc, để cùng mỹ nhân thưởng ngoạn. Hằng đêm lại bày tiệc vui, họp các quan học sĩ làm thơ xướng họa… Những bài thơ hay cho chép thành tập, đem phổ nhạc để ca nhân xướng hát, gồm ba tập: Nghinh Xuân Nhạc, Ngọc Thụ, và Hậu Đình Hoa. Trong ba tập, Hậu Đình Hoa gồm những bài thơ, bài hát du dương, tình tứ nhất.

Khi quân của Tuỳ Văn Đế đánh vào tới kinh đô, Trần Hậu Chủ vẫn còn say tuý luý trên lầu Ỷ Kết. Người ta lấy nước đổ vào mặt cho tỉnh, khuyên ra hàng để cứu sinh linh, Hậu Chủ bèn nghĩ kế… thoát thân bằng cách dắt mỹ nhân và quần thần nhảy xuống giếng ở sau lầu để trốn!

Hơn hai trăm năm sau, thi sĩ Đỗ Mục vào cuối đời Đường, một đêm đậu thuyền ở bến Tần Hoài, mắt nhìn cảnh khói phủ mờ sông lạnh, trăng chiếu bãi cát xa, tai nghe giọng hát, động mối cảm hoài, làm nên bài thơ tuyệt tác Bạc Tần Hoài. Thương nữ xưa kia, cũng như thất phu, không được học hành rành rẽ, cho nên thấy khúc ca du dương thì hát, hay đâu đó là khúc nhục ca vong quốc nên để lại cho người đời hình ảnh  “Thương nữ bất tri vong quốc hận”. Con sâu làm rầu nồi canh!

Người xưa quá khắt khe khi quy kết “xướng ca vô loại” suy cho cùng cũng vô lý vì “Không có nghề nào xấu, chỉ có người xấu” mà chỉ riêng cá nhân nào đó làm tổn thương nghề nghiệp.

Than ôi! kiếp xướng ca…!

(Little Saigon, December 2024)


 

Được xem 4 lần, bởi 4 Bạn Đọc trong ngày hôm nay