Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên ở Việt Nam được khởi động từ năm 2005.
Đó là tuyến đường sắt Yên Viên – Cái Lân (Quảng Ninh) dài 131km, trong đó 43km xây dựng mới và 88km cải tạo, nâng cấp.
Tuyến này được thiết kế với tốc độ tàu khách 120 km/h, tàu hàng 80 km/h. Tốc độ thiết kế này được coi là cao so với tốc độ trung bình của đường sắt Việt Nam hiện là 50 km/h.
Đến năm 2011, dự án phải dừng thi công do thiếu vốn.
Trong hơn 7.600 tỷ đồng đầu tư, dự án đã giải ngân trên 4.500 tỷ đồng (theo báo Lao Động), nhưng mới hoàn thiện được đoạn ga Cái Lân – cầu vượt Bàn Cờ – ga Hạ Long…
Đến nay, những “núi thép” (từ của báo Dân Việt) thanh ray nhập từ Trung Quốc về phơi nắng phơi sương qua thời gian đã rỉ sét. Các nhà ga, cầu cạn xây dang dở, nằm chơ vơ trơ gan cùng tuế nguyệt, xuống cấp nghiêm trọng.
Tuyến này về chiều dài thì chỉ chưa tới 1/10 dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, về tốc độ thiết kế cũng chưa bằng một nửa, nghĩa là việc đầu tư, thi công đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên, 19 năm đến nay vẫn chưa… về đích.
Lãng phí mới chỉ là một mặt của vấn đề. Một vấn đề không kém hệ trọng, theo báo điện tử Quảng Ninh, là dự án treo này đã “kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến đời sống của người dân”.
Theo tờ báo này, tại Quảng Ninh, thống kê cho thấy có gần 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng do dự án đi qua tại các địa phương: Hạ Long, Uông Bí và Đông Triều. Các hộ dân trong phạm vi dự án không được xây dựng, sửa chữa nhà ở, không tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, không được cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…, đồng thời gây lãng phí tài nguyên đất, kìm hãm phát triển kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đời sống dân sinh.
Năm 2023, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nói sẽ khởi động lại dự án này. Theo kế hoạch mới thì bộ này sẽ nghiên cứu để triển khai trong giai đoạn 2026-2030, tất nhiên là với một kinh phí mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa tuyên bố quyết liệt chống lãng phí, thì đây có lẽ là một ví dụ điển hình về tình trạng lãng phí mà không ai chịu trách nhiệm.