Vài suy nghĩ lúc về già-Bài viết của Phùng Văn Phụng

Bài viết của Phùng Văn Phụng

Tháng bảy vừa qua, tôi bắt đầu bước qua tuổi 82 (chứ không phải 28) đã qua tuổi bát thập, bây giờ bà con thường hay nói là đến tuổi U90. Ngày xưa người ta hay nhắc nhở “nhân sinh thất thập cổ lai hy” (1), sống được tới 70 tuổi rất hiếm.

Thông qua mạng xã hội, nhờ Facebook đã nối kết bà con, thân nhân, bạn bè lại với nhau để cùng chia xẻ những vui buồn của nhau trong cuộc sống thường ngày, để tâm sự cùng nhau, để thông cảm, hiểu biết và yêu thương nhau nhiều hơn.

*

Nữ sĩ Quỳnh Dao viết:

Mong muốn những năm tháng cuối đời giản dị, an yên.

Năm bước vào tuổi 80, Quỳnh Dao từng công khai một bức di thư dặn dò người thân, bà mong muốn tang lễ của mình diễn ra đơn giản, không tổ chức theo nghi thức, không đăng cáo phó, không tổ chức lễ truy điệu, tưởng nhớ, không đốt vàng mã, không lập linh vị, không cần cúng bái vào ngày giỗ, tiết Thanh Minh… 

Ở tuổi 84, nữ văn sĩ nổi tiếng sống cô độc, mong muốn dành những ngày tháng cuối đời thật bình dị, yên ả và dồn tâm huyết cho việc sáng tác.

Quỳnh Dao: Nữ văn sĩ tài năng

Nữ sĩ Quỳnh Dao

Lo trước hậu sự:

Khác với quan niệm trên của Quỳnh Dao, vì là người công giáo, tôi biết thân xác là đền thờ của Chúa Thánh Thần nên:

-Tôi đã mua xong hai lỗ để chôn cất ở khu nghĩa trang Forest Park ở đường Dairy Asford, ở bên phải nhà quàn Vĩnh Cửu. Chỗ này được làm bia đứng. Phía trước bia đứng đề tên họ, ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm mất. Phía sau bia đứng xin viết câu: Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời (thánh Phanxicô Assisi).

Thánh Phanxicô Assisi còn được gọi là Thánh Phanxicô khó khăn (sinh ngày 26-09-1181 mất ngày 03-10-1226)

Câu này nằm ở trong kinh Hòa Bình. Linh mục Kim Long đã phổ nhạc, bản nhạc Kinh Hòa Bình rất nổi tiếng, thường được hát trong nhà thờ.

Sau khi tôi mất

Con cháu, bà con, thân nhân đến để cầu nguyện cho người thân đã mất và sự cầu nguyện này rất cần thiết vì người chết không cầu nguyện được cho chính mình mà rất cần thân nhân cầu nguyện cho. Linh hồn người chết cũng cần các thánh ở trên thiên đàng cầu nguyện (nhất là thánh bổn mạng của người chết). Ngoài ra khi thân nhân thăm viếng, đọc kinh cầu nguyện, cũng là để có thì giờ suy niệm về sự chết của chính mình. Sự chết của mỗi người có thể đến bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, bất cứ tuổi tác nào, nhỏ tuổi hay lớn tuổi đều cũng có thể xảy ra chứ không phải chỉ xảy ra ở người lớn tuổi! còn người nhỏ tuổi không xảy ra?

-Trong đám tang, con cháu chỉ nên đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người chết, không nên khóc lóc bi lụy, làm ảnh hưởng đến người khác và theo kinh thánh, niềm tin của chúng ta là chúng ta sẽ gặp lại trong ngày sau hết.(Luca 20, 27-38)(2)

Vài suy nghĩ:

 Tôi luôn nhắc nhở chính mình rằng:

-Hãy thong thả sống, mỗi ngày qua đi là mất một ngày để sống.

-Luôn luôn vui để đợi chết, vì chết vui vẫn tốt hơn chết buồn.

Ngay bây giờ:

-Tôi nghĩ nếu tôi đang đọc kinh hay đang tham dự thánh lễ ở trong nhà thờ mà tự nhiên ra đi thì tốt biết mấy như Cha Thăng, năm rồi đang dâng lễ ở nhà thờ Các Thánh Tử Đạo, bị xỉu và ra đi luôn. Nhà văn, thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phác (sinh ngày 10-03-1906 mất ngày 25-03-1969) (63 tuổi) đang dạy tại trường Đại Học Văn Khoa Sài gòn ông chết lúc đang đứng trên bục giảng cho sinh viên bài thơ “Trưng Nữ Vương” của nữ sĩ Ngân Giang.

Luôn luôn thực tập mỗi ngày

-Cố gắng tập bình tĩnh không giận dữ, không la lối, nặng lời, chỉ trích, trách móc bất kỳ ai. Nếu bị chỉ trích, nặng lời với mình, ráng ra sức chịu đựng vì đó là bước đường tu tập nên thánh (giữa đời thường). Đau lắm, đau nhói trong tim chứ không phải dễ dàng thực hiện đâu?!

-Vui vẻ chấp nhận nghịch cảnh, gặp khó khăn không than van, bất mãn, chán ngán, có ý nghĩ tiêu cực. Không kể lễ nỗi đau khổ, đau đớn cho người khác nghe. Làm sao chấp nhận, chịu đựng những đau khổ, những đau đớn về thể xác và những đau khổ về tinh thần. Cậy dựa vào Thiên Chúa, nhìn vào thánh giá Chúa để suy ngẫm, xin Chúa giúp sức chịu đựng những đau khổ, đau đớn sẽ xảy ra cho mình – trong thân phận làm người-

-Thông thường ai ai cũng phải thông qua đau khổ, đau đớn rồi mới ra đi về với Chúa.

*

Tôi cần học hỏi về sự làm việc và sự chịu đựng bịnh tật lúc cuối đời của thánh Giáo Hoàng Phaolô 2 có ghi trong bài viết của Tổng Giám mục Angelo Comastri như sau:

THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II: NHẬN DIỆN SỰ THÁNH THIỆN”  

Từ nhiều nơi đã xuất hiện nhiều lời yêu cầu thiếu tôn trọng và cố chấp đòi Đức Thánh Cha phải từ chức, và tôi nghĩ điều này thực sự làm ngài bị tổn thương.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quyết định không bước xuống khỏi thập giá; tuy nhiên, ngài phải sử dụng đến chút sức lực cuối cùng. Tôi còn có thể nhìn thấy Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ phòng riêng vào ngày thứ Tư cuối cùng của cuộc đời ngài. Ngài cố gắng nhiều lần, tập trung sức lực để bộc bạch vài lời tâm tư, nhưng không có âm thanh phát ra từ đôi môi run rẩy. Tuy nhiên, trong triều Giáo Hoàng dài của ngài, thứ Tư đó lại là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất, sâu sắc nhất, lay động lòng người nhất. Đức Thánh Cha đã nói với mọi người bằng ngôn ngữ thinh lặng đầy sức thuyết phục: Để nên giống Chúa Giêsu, chúng ta phải yêu thương cho đến giây phút cuối cùng, đến độ trao cả mạng sống cho Người, Đấng ban sự sống của Người cho chúng ta.

(sinh 18-05-1920 mất 02 -04-2005)

Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thanh-giao-hoang-gioan-phaolo-ii-nhan-dien-su-thanh-thien

Kinh Mân Côi và thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Ghi chú:

(1) của thi hào Đỗ Phủ (712-770) thời nhà Đường, Trung Quốc, trong bài: “Khúc Giang Nhị Thủ”

(2)Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại -Linh Mục Mi Trầm

https://www.facebook.com/linhmucmitram/posts/t%C3%B4i-tin-x%C3%A1c-lo%C3%A0i-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ng%C3%A0y-sau-s%E1%BB%91ng-l%E1%BA%A1i-t%C3%B4i-tin-h%E1%BA%B1ng-s%E1%BB%91ng-v%E1%BA%ADy-1-b%C3%A0i-tin-m%E1%BB%ABng-h%C3%B4/1113173592138776/

Phùng Văn Phụng

Được xem 91 lần, bởi 91 Bạn Đọc trong ngày hôm nay