Quốc Hội Việt Nam: Bằng tiến sĩ của Thích Chân Quang là ‘học giả bằng thật’

Ba’o Nguoi-Viet

October 9, 2024

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cơ Quan Quốc Hội Việt Nam đánh giá vụ cấp bằng tiến sĩ cho ông Vương Tấn Việt, tức Thượng Tọa Thích Chân Quang, là trường hợp “học giả bằng thật” làm “dậy sóng” dư luận xã hội năm 2024, song “chưa được xử lý thỏa đáng, minh bạch.”

Theo báo Thanh Niên hôm 9 Tháng Mười, trong buổi phúc trình “Thẩm tra về báo cáo kinh tế-xã hội năm 2024” của chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh, chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế, trong lúc nói về các vấn đề chính phủ “cần quan tâm trong lĩnh vực giáo dục,” đã nhắc đến vụ ông Vương Tấn Việt bảo vệ luận án và được cấp bằng tiến sĩ tại Trường Đại Học Luật Hà Nội chỉ sau khoảng hơn hai năm từ khi tốt nghiệp cử nhân Luật “hệ vừa học, vừa làm” (hệ tại chức), thuộc trường hợp “học giả, bằng thật” ở cấp đào tạo trình độ cao nhất, khiến dư luận xã hội “dậy sóng.”

Ông Thích Chân Quang (thứ hai từ phải) nhận bằng tiến sĩ luật vào Tháng Tư, 2022, do Đại Học Luật Hà Nội cấp. (Hình: Cổng Thông Tin Điện Tử Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam/Tuổi Trẻ)

“Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng, công khai, minh bạch với công luận,” ông Thanh nói.

Theo xác minh của báo Tuổi Trẻ hôm 24 Tháng Sáu, nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt nhận bằng tốt nghiệp cử nhân Luật hệ tại chức hôm 26 Tháng Giêng, 2019, thì đến ngày 2 Tháng Tư, 2022, đã nhận được bằng tốt nghiệp tiến sĩ Luật.

Vì vậy, công luận hoài nghi thắc mắc ông Vương Tấn Việt lấy bằng tiến sĩ bằng cách nào chỉ trong hai năm sau khi tốt nghiệp đại học?

Để giảm áp lực từ công luận, Trường Đại Học Luật Hà Nội phát ra thông cáo khẳng định trường hợp ông Vương Tấn Việt trúng tuyển nghiên cứu sinh và được cấp bằng tiến sĩ là “đúng pháp luật.”

Lý giải việc ông Việt nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ sớm, ông Tô Văn Hòa, phó hiệu trưởng Trường Đại Học Luật Hà Nội, cho rằng ông Vương Tấn Việt “học thẳng từ cử nhân lên tiến sĩ, làm xong và bảo vệ luận án tiến sĩ sớm.”

“Thượng Tọa Thích Chân Quang [Vương Tấn Việt] đáp ứng được những điều kiện về thời gian đào tạo nên được bảo vệ luận án sớm. Tất cả các quy trình đều đầy đủ theo các bước theo quy định của Bộ Giáo Dục,” ông Hòa biện minh.

Thế nhưng sau đó, theo kết quả xác minh của Sở Giáo Dục và Đào Tạo TP.HCM, ông Vương Tấn Việt “không có tên trong danh sách thi tốt nghiệp cấp 3 năm 1989 ở Sài Gòn.”

Ông này cũng “không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa” khóa ngày 6 Tháng Sáu, 1989, tại Sài Gòn.

Ông Vũ Hồng Thanh (trái), chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế, phúc trình thẩm tra tình hình kinh tế-xã hội năm 2024. (Hình: Gia Hân/Thanh Niên)

Trước đó, theo báo Thanh Niên hôm 19 Tháng Sáu, hơn 10 ngày sau khi bị đề nghị thẩm tra các bài thuyết giảng, Thượng Tọa Thích Chân Quang bị Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam kỷ luật bằng lệnh cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức trong hai năm.

Lệnh cấm nêu trên được coi là đòn giáng mạnh vào “thu nhập” của sư Chân Quang, người lâu nay gây tranh cãi với việc hù dọa Phật tử về thuyết nhân quả để họ cúng dường thật nhiều cho chùa của ông.

Chưa dừng lại, vài ngày sau khi bị Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cấm thuyết giảng, sư Thích Chân Quang tiếp tục bị một số sư cô tố giác ông ta lạm dụng tình dục.

Theo mô tả của các nạn nhân, bên cạnh những lời nói dụ dỗ, sư Chân Quang còn có các hành vi như sờ soạng ngực, cưỡng hôn, cầm tay sư cô đặt vào bộ phận sinh dục của ông, thậm chí xâm hại tình dục một sư cô rồi sau đó đưa nạn nhân 10 triệu đồng ($392) để đi phá thai tại bệnh viện Từ Dũ ở Sài Gòn… (Tr.N) [qd]


 

Được xem 7 lần, bởi 5 Bạn Đọc trong ngày hôm nay