Tô Lâm ‘né’ trả lời câu hỏi ‘triệu người vui triệu người buồn’

Ba’o Nguoi-Viet

September 23, 2024

NEW YORK, New York (NV) – Ông Tô Lâm, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, “né” trả lời câu hỏi của một giáo sư người Mỹ gốc Việt liên quan đến hòa giải dân tộc qua câu nói nổi tiếng của cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, trong cuộc tọa đàm tại đại học Columbia University, New York, hôm Thứ Hai, 23 Tháng Chín, trong chuyến công tác đến Hoa Kỳ để dự họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Cuộc tọa đàm do World Leaders Forum tổ chức tại thư viện Low Library, đại học Columbia University, và người đặt câu hỏi là Giáo Sư Nguyễn Thị Liên Hằng.

Giáo Sư Nguyễn Thị Liên Hằng (trái) và ông Tô Lâm, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, tại tọa đàm ở đại học Columbia University, New York, hôm 23 Tháng Chín. (Hình: Chụp từ màn hình trang web Columbia University)

Bà Hằng hiện là thành viên Hội Đồng Quản Trị đại học Fulright University Vietnam USA và là giám đốc Weatherhead East Asian Institute của đại học Columbia University.

Giáo Sư Liên Hằng hỏi bằng tiếng Anh, ông Tô Lâm trả lời bằng tiếng Việt, có người thông dịch.

“Né” trả lời câu hỏi về hòa giải

Bà Hằng trích lời cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt từng nói “vào ngày 30 Tháng Tư, 1975 có triệu người vui có triệu người buồn…” rồi hỏi nhà lãnh đạo Việt Nam làm thế nào để hòa giải giữa người Việt trong và ngoài nước trong vai trò của ông.

Ông Tô Lâm khựng lại, nhìn bà Hằng, có vẻ đang nghe người thông dịch qua máy nghe gắn trên tai.

Bà Hằng liền nói với cử tọa: “Trong khi chờ Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Tô Lâm suy nghĩ để trả lời, tôi muốn nhắc các sinh viên chuẩn bị câu hỏi của mình trong chủ đề hôm nay, rồi tôi sẽ yêu cầu quý vị đặt câu hỏi.”

Sau đó, bà Hằng quay sang ông Tô Lâm, và mời ông trả lời.

Nhà lãnh đạo Việt Nam khựng vài giây, rồi nhìn xuống cuốn sổ cầm trên tay và trả lời: “Trong phát biểu của tôi, tôi có đề cập đến quan hệ Việt-Mỹ. Chúng tôi tôn trọng lẫn nhau và tôi cũng nhấn mạnh sự hòa giải giữa hai phía mà các giới chức Mỹ và Việt Nam trân trọng.”

“Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt cách đây gần 50 năm, những gì xảy ra trong quá khứ, như tôi nói, không được quên lãng. Tuy nhiên, quá khứ này vẫn là một bài học để chúng ta có cái nhìn về tương lai. Chúng tôi vượt qua quá khứ để có hòa bình và ổn định cho người dân chúng tôi và đạt được những gì người dân Mỹ mong muốn cũng như cả thế giới mong chờ,” ông Tô Lâm nói tiếp.

Ông thêm: “Khuynh hướng này không chỉ có ở Việt Nam mà có cả ở Mỹ. Người dân Mỹ chia sẻ khát vọng này cho hòa bình và ổn định. Và đây là khuynh hướng rõ rệt khắp thế giới.”

Hồng Y Pietro Parolin (phải), thủ tướng Vatican, bắt tay ông Tô Lâm, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, hôm 22 Tháng Chín. (Hình: Lâm Khánh/TuoiTreNews)

Trong bài phát biểu trước khi tọa đàm ông Tô Lâm đề cập một số vấn đề trong con đường hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, về mối quan hệ Việt-Mỹ, và tầm nhìn để xây dựng một tương lai tốt đẹp cho toàn nhân loại trước những thay đổi lớn lao, vừa mang tính chu kỳ, cấu trúc, vừa có những đột phá chưa từng có dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo và công nghệ số.

Ông Lâm khẳng định Việt Nam tiếp tục đổi mới và hội nhập, duy trình chính sách “bốn không” trong quốc phòng, tiếp tục quan hệ với Mỹ trong tinh thần “từ cựu thù đến đối tác chiến lược toàn diện,” đồng thời đưa ra tầm nhìn cho “kỷ nguyên mới.”

Trong câu hỏi thứ nhì, Giáo Sư Liên Hằng nói: “Thứ Trưởng Ngoại Giao Kurt Campbell của Mỹ từng nói Trung Quốc là mối đe dọa rất lớn với Mỹ. Việt Nam đối diện với Trung Quốc cả ngàn năm, và có vẻ rất có kinh nghiệm. Vậy ông có lời khuyên nào cho các nhà lãnh đạo của Mỹ, nhiều người đang có mặt ở đây?”

“Việt Nam rất rõ ràng Hoa Kỳ là một trong những đối tác hàng đầu của chúng tôi. Tôi rất lạc quan về tương lai quan hệ Việt-Mỹ. Trong những năm tới, các sử gia sẽ thấy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. So với những gì chúng ta đạt được trong 30 năm qua, tôi tin tưởng trong viễn cảnh này, vì có nhiều lý do. Tôi cũng tin chắc rằng lãnh đạo Hoa Kỳ biết đâu là quyền lợi tốt nhất cho họ,” ông Tô Lâm trả lời, lần này thỉnh thoảng không cần nhìn vào sổ tay, nhưng có vẻ “đi lòng vòng,” không đi thẳng vào câu hỏi.

Ông thêm: “Nói về đóng góp vào hòa bình và ổn định, tinh thần của đất nước chúng tôi được dạy rằng khi làm việc với thiện chí, tôn trọng lẫn nhau, hiểu nhau, tôn trọng quyền lợi của nhau, và biết lắng nghe nhau, và nếu có thể đối thoại dựa trên tôn trọng văn hóa của nhau, sẽ không có vấn đề gì, nếu hai bên hiểu nhau.”

Ông tiếp: “Nếu chúng ta đặt trường hợp mình vào trường hợp người khác, tất cả mọi vấn đề đều có thể được giải quyết một cách ôn hòa. Việt Nam duy trì quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Mỹ.”

“Giống như mọi quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, chúng tôi dựa trên tình hữu nghị và tình bạn tốt. Chỉ có duy trì quan hệ như thế chúng ta mới đạt được thịnh vượng. Việt Nam hy vọng cả Trung Quốc và Mỹ đều quan hệ một cách có trách nhiệm lẫn nhau và ứng xử một cách có trách nhiệm trong việc chia sẻ tương lai chung cho khu vực và thế giới,” nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam tiếp.

Ông cũng dẫn chứng sự kiện Việt Nam tiếp lãnh đạo các cường quốc trong một thời gian ngắn vừa qua, cho thấy chính sách đa phương của Hà Nội.

Sau khi ông Tô Lâm chấm dứt trả lời câu hỏi, Giáo Sư Nguyễn Thị Liên Hằng khen ngợi: “Nếu ông là sinh viên của tôi, chắc chắn ông sẽ được điểm A+.”

Có ba sinh viên đặt câu hỏi cho ông Tô Lâm, hai người Việt Nam và một người Nhật.

Cả ba người đặt câu hỏi xong ông Tô Lâm mới trả lời, từng câu một.

Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Tô Lâm nhìn vào sổ tay trả lời câu hỏi của Giáo Sư Nguyễn Thị Liên Hằng. (Hình: Chụp từ màn hình trang web của Columbia University)

Trong lúc đặt câu hỏi, hai sinh viên Việt Nam nhìn vào màn hình trên điện thoại để đọc. Còn sinh viên người Nhật cũng nhìn xuống, nhưng không rõ là nhìn cái gì vì không thấy điện thoại.

Phần trả lời của ông Tô Lâm, không nhìn vào sổ tay, khá chung chung, tập trung vào vấn đề quốc phòng dựa trên “bốn không,” phát triển kinh tế, dựa trên kỹ thuật, và đóng góp của sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ.

“Sinh viên học xong về nước đóng góp cho đất nước, nhưng không nhất thiết phải trở về nước mà vẫn có thế đóng góp cho đất nước từ xa, học cao hơn nữa, đóng góp cho quốc gia sở tại và từ nước ngoài vẫn có thể đóng góp cho đất nước,” ông Tô Lâm trả lời câu hỏi thứ ba của nữ sinh viên Lê Kiều Oanh, sinh ra ở Hà Nội.

Sau đó, thêm bốn sinh viên đặt câu hỏi, trong đó có một người Úc, hai người Trung Quốc, và một người Việt Nam.

Gặp thủ tướng Vatican và giới chức Mỹ

Trước đó, hôm Chủ Nhật, 22 Tháng Chín, ông Tô Lâm gặp Hồng Y Pietro Parolin, thủ tướng Vatican, bên lề cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, theo thông tấn xã Việt Nam.

Tại cuộc gặp, hai bên đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ Việt Nam-Vatican, nổi bật là đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam và Văn Phòng Đại Diện Thường Trú của Vatican tại Hà Nội đã đi vào hoạt động hồi Tháng Giêng năm nay.

Theo Vatican News, Hồng Y Parolin có mặt tại New York từ ngày 22 đến ngày 30 Tháng Chín để tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 79.

Nhân dịp này, ông Tô Lâm cảm ơn Đức Giáo Hoàng Francis đã thăm hỏi, động viên người dân Việt Nam vượt qua hậu quả cơn bão số 3, vẫn theo thông tấn xã Việt Nam.

Nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam đánh giá cao và trân trọng những tình cảm tốt đẹp của Đức Giáo Hoàng và Hồng Y Parolin dành cho Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian qua, Việt Nam đã tạo thuận lợi cho các chuyến thăm mục vụ của đại diện thường trú hiện nay và đặc phái viên không thường trú của Vatican trước đây.

Ông Lâm cũng bày tỏ sự trân trọng đối với sứ điệp của Vatican qua các vị giáo hoàng và nhấn mạnh tinh thần “người công giáo tốt là người công dân tốt” và khuyến khích Giáo Hội Công Giáo Việt Nam “đóng góp vào đời sống quốc gia, vì lợi ích của toàn thể dân tộc trên tinh thần đối thoại và hợp tác.”

Hồng Y Pietro Parolin nhắc lại ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam trong chuyến thăm trước đây, và khẳng định “Giáo Hội Việt Nam luôn mong muốn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước trên tinh thần chân thành, trách nhiệm và tin cậy.”

Sinh viên Lê Kiều Oanh, sinh ra ở Hà Nội, đặt câu hỏi cho ông Tô Lâm tại tọa đàm ở đại học Columbia University. (Hình: Chụp từ màn hình trang web của Columbia University)

Hai nhà lãnh đạo đồng ý duy trì trao đổi các chuyến thăm cấp cao, và cơ chế họp nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau.

Thủ tướng Vatican khẳng định đại diện thường trú của Tòa Thánh tích cực hợp tác với Việt Nam và cho biết: “Đức Giáo Hoàng Francis mong sớm thăm Việt Nam, góp phần thúc đẩy mối liên kết giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam-Vatican.”

Trước đó, cũng trong ngày Chủ Nhật, ông Tô Lâm tham dự sự kiện kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện và hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ, do Asia Society tổ chức.

Sự kiện có sự tham dự của ông John Kerry (cựu thượng nghị sĩ Dân Chủ, cựu ngoại trưởng, và cựu đặc sứ môi trường của Mỹ), Thượng Nghị Sĩ Dan Sullivan (Cộng Hòa-Alaska), cùng nhiều giới chức, cựu giới chức cấp cao trong chính quyền cùng đông đảo bạn bè người Mỹ và cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ, theo báo Nhân Dân. (Đ.D.)


 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay