Vì sao dân không muốn gửi tiền cứu trợ qua tay Đảng?

Ba’o Nguoi-Viet

September 16, 2024

Trần Anh Quân/SGN

Khi có thiên tai xảy ra, chính quyền là nơi duy nhất có đầy đủ mọi nguồn lực để thực hiện cứu trợ. Nhà cầm quyền biết rõ nhất nơi nào cần cái gì, vì họ có đủ người và phương tiện để làm điều đó. Họ được người dân đóng thuế, trả lương để làm công việc này, đó là nhiệm vụ bắt buộc họ phải làm để phục vụ đất nước, chứ không phải là chuyện ban phát ơn nghĩa.

Cho nên về mặt nguyên tắc, khi người dân muốn cứu trợ đồng bào bị bão lũ thiên tai thì chỉ việc chuyển tiền vào tài khoản của nhà nước là được. Từ đó cơ quan chức năng sẽ mua những mặt hàng cần thiết để phân phối cho các nạn nhân, hoặc xây dựng lại các cơ sở điện, đường, trường, trạm, nhà ở cho người dân. Ngoài ra thì các lực lượng công an, quân đội, cán bộ, tình nguyện viên tại chỗ cũng đóng vai trò quan trọng nhất trong việc cứu nạn. Vì họ nắm rõ địa bàn, địa hình nhất và có đủ các phương tiện cứu hộ, đảm bảo an toàn.

Thế nhưng những năm gần đây cứ mỗi khi có bão lũ, thì người dân lại tự vận động nhau mang đồ cứu trợ chở thẳng ra vùng bị thiên tai để trao trực tiếp cho các nạn nhân. Có những xe tải chở gạo, chở mỳ gói, chở bánh trái vượt hàng ngàn cây số, chạy thẳng từ nam ra Bắc để tặng cho người dân. Mặc dù gạo, mỳ tôm, bánh trái ở các vùng lân cận khu vực chịu thiên tai không hề thiếu.

Việc mua hàng tự phát này đã dẫn tới một bất cập là “chỗ cần thì không có, mà chỗ có thì không cần.” Trên facebook Võ Hồng Ly, ngày 12 Tháng Chín có bài viết mô tả về tình hình cứu trợ đồng bào vùng lũ phía Bắc của đoàn thiện nguyện của chị Lê Hoài Hương. Theo đó, các đoàn từ thiện cùng nhau mua áo phao, bánh mỳ, mỳ gói.

(Facebook Võ Hồng Ly)

Đọc một dòng tin nhắn trên facebook của những người đi cứu trợ dặn nhau, mới thấy họ phải tự làm, tự nhìn thấy, tự nhắc nhau, chứ không có một tiếng nói hữu ích nào được nghe từ chính quyền trong vùng bão lũ. “Áo phao giờ đã qua giai đoạn nguy hiểm nên không cần thiết. Bánh mỳ sau 1 ngày thì mềm ỉu, bị dính nước trong quá trình vận chuyển nên bị hư hỏng. Bánh mỳ ăn liền có hạn 7 ngày nhưng đến lúc đến tay người nhận thì hết hạn sử dụng. Mỳ tôm không có bếp và nước nóng để nấu, ăn khô sống thì không thể ăn nổi quá 3 gói. Trứng dễ vỡ trong quá trình vận chuyển. Gạo không có nước, không có bếp để nấu lại vận chuyển khó khăn và khi bị ướt thì mốc.”

Sở dĩ dân phải tự giúp nhau và để xảy ra câu chuyện trên là do người dân đã không còn tin tưởng vào hệ thống chính trị đầy tham nhũng của CSVN. Chẳng ai biết hàng trăm tỷ đồng quyên góp cho việc cứu trợ bão lụt có thật sự được dùng đúng mục đích không hay lại đi vào nhà của các quan chức cộng sản.

Đã có nhiều bằng chứng cho thấy cộng sản Việt Nam sử dụng tiền cứu trợ sai mục đích, hoặc thậm chí mang tiền cứu trợ đi gửi ngân hàng lấy lãi. Tức là lấy tiền dân cứu nhau lúc nguy cấp đi cho dân vay lại (thông qua ngân hàng). Ví dụ số tiền người dân đóng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 là hơn 10 ngàn tỷ đồng (10,827.06 tỷ VN đồng, bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 194.4 tỷ VN đồng). Nhưng chỉ chi ra 7,672.2 tỷ VN đồng. Số dư quỹ tới ngày 24 Tháng Tám 2023 vẫn còn 3,154.86 tỷ VN đồng được dùng để gửi ngân hàng lấy lãi và mua lại Trái phiếu Chính phủ – một hoạt động hoàn toàn không liên quan gì đến việc lập quỹ.

Mặc dù cộng sản Việt Nam có khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.” Nhưng nếu lên tiếng yêu cầu minh bạch các vấn đề thu chi của những cơ quan, tổ chức chính quyền thì người dân sẽ bị bắt giam với các tội danh tuyên truyền chống đối nhà nước. Như vậy thì làm sao người dân có thể tin tưởng chuyển tiền cho CSVN nữa.

Còn nhớ năm 2016, khi lũ lụt diễn ra ở miền Trung, thay vì chuyển tiền cho Mặt Trận Tổ Quốc, người dân lại chuyển cho MC Phan Anh, một người dẫn chương trình có uy tín. Hoặc mùa lũ năm 2020, người dân cũng chuyển hàng trăm tỷ VN đồng cho các ca sỹ, nghệ sỹ như Thuỷ Tiên, Hoài Linh… Khiến cho CSVN phải thực hiện cả một chiến dịch phong sát để hạ uy tín các cá nhân này. Sau đó các văn nghệ sỹ bị bắt buộc phải chuyển tiền cho Mặt Trận Tổ Quốc (cơ quan nhà nước có vai trò quyên góp cứu trợ nạn nhân thiên tai) để tránh các án phạt của nhà cầm quyền.

Thật ra CSVN cũng thừa biết rằng người dân đã không còn tin tưởng vào nhà nước sau khi “thất thu” trong việc vận động tiền ủng hộ của người dân. Cho nên mới đây, Mặt Trận Tổ Quốc đã phải công bố hơn 12,000 trang sao kê tiền quyên góp của người dân ủng hộ nạn nhân lũ lụt. Cố tỏ ra minh bạch là vậy, nhưng điều đáng nói là họ chỉ công bố khoản thu đầu vào mà không công khai các khoản chi đầu ra, làm cái gì, mua cái gì,… Điều này lại càng là tăng thêm nghi vấn về vấn đề sử dụng tiền quyên góp của người dân.

Để người dân tin tưởng vào chính quyền thì không có cách nào khác là phải bạch hoá các hoạt động của nhà nước, và đặc biệt là giao việc cho các tổ chức xã hội dân sự thực hiện công khai, minh bạch. Đảng CSVN giờ không chỉ cần  công khai về việc sử dụng ngân sách quốc gia mà còn là công khai về lá phiếu của người dân. Đó là cách mà các quốc gia dân chủ làm. Còn trong chế độ độc tài tại Việt Nam hiện nay thì công khai minh bạch lại là tử huyệt của Đảng CSVN. Ở một nhà nước mà cán bộ nào cũng là sâu mọt thì công khai minh bạch chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này.”


 

Được xem 2 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay