July 25, 2024
Kỷ niệm 400 năm hình thành chữ quốc ngữ (1624-2024)
K.W.Taylor (Keith Weller Taylor) sinh năm 1946 tại Michigan, Hoa Kỳ, có bằng cử nhân vào Tháng Năm năm 1968 tại Đại học George Washington. Chỉ hai tuần sau, ông bị gọi khám sức khỏe để đi quân dịch và đã tình nguyện vào Cơ Quan Tình Báo Quân Đội với hy vọng không bị đưa sang chiến trường Việt Nam.
Thế nhưng ông vẫn phải sang Việt Nam vào năm 1970 với cấp bậc trung sĩ trong quân đội Mỹ rồi được trở về Mỹ vào năm 1971 sau khi bị thương. Vào Tháng Giêng năm 1972, sáu tháng sau khi trở về từ Việt Nam, ông được giải ngũ và tiếp tục theo học Đại học Michigan, chuyên về lịch sử Việt Nam.
Sau khi lấy được bằng tiến sĩ về lịch sử vào năm 1976 với luận án “The birth of Vietnam” (Việt Nam thời dựng nước), ông làm giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Quốc Gia Singapore (1981-1987), giáo sư khoa Lịch sử ở Hope College (1987-1989) rồi làm giáo sư của khoa Nghiên cứu châu Á của Đại học Cornell (từ năm 1989 đến nay)
K.W.Taylor đã viết hai cuốn sách về Việt Nam:
-Luận án tiến sĩ bảo vệ năm 1976, được xuất bản năm 1983 với nhan đề “The Birth of Vietnam” (Việt Nam thời dựng nước).
-“A History of the Vietnamese” (Một lịch sử của người Việt, Cambridge University Press ấn hành, New York, 2013).
Trong lời giới thiệu đầu sách “A History of the Vietnamese”, K.W.Taylor định nghĩa: “Lịch sử Việt Nam là những gì có thể tìm biết được về một mặt nào đó của quá khứ. Lý do gọi nó là sử Việt là vì những biến cố đã xảy ra trên phần đất mà hiện nay chúng ta gọi là Việt Nam và một số phiên bản của nó đã từng được dạy như là một hồi ức hay kỷ niệm chung cho nhiều thế hệ người nói tiếng Việt và do đó gây ra một cảm giác rằng họ làm chủ. Tôi thích thú với quá khứ của Việt Nam không phải vì đấy là của [nước hay người] Việt Nam, mà vì nó giúp tìm hiểu về cách xã hội con người được tổ chức và cai trị như thế nào trong nhiều năm bên cạnh một đế quốc.”
Với các sử gia ngoại quốc như K.W.Taylor, Alexandre de Rhodes có phải là “tên gián điệp,” “biệt kích Kitô” như lời kết án của một số tác giả người Việt như Chu Văn Trình?
K.W.Taylor viết về giáo sĩ Alexandre de Rhodes: “Vào năm 1651, Alexandre de Rhodes cho in cuốn “Từ điển Việt – Bồ – La” tại Rome. Đây là cuốn từ điển đầu tiên dùng chữ cái La tinh để ghi âm tiếng Việt. Chính vì vậy, người ta thường cho rằng Alexandre de Rhodes là người đã sáng chế chữ quốc ngữ, nhưng sự thật, chữ quốc ngữ do người Bồ Đào Nha sáng chế và các giáo sĩ dòng Tên vận dụng để hiểu được tiếng Việt.
Nhà nghiên cứu Keith Weller Taylor (Instagram)
Alexandre de Rhodes đến từ miền Avignon của Pháp, là một trong những nhà truyền giáo đầu tiên của Dòng Tên đã đến truyền đạo cho người Việt. Sau khi ở Đàng Trong trong một năm rưỡi để học tiếng Việt, ông ra Đàng Ngoài vào năm 1627, ở lại đó suốt ba năm rồi bị trục xuất.
Sau khi trở về Macao và ở lại đó trong 10 năm, ông trở lại Đàng Trong trong 5 năm (1640-1645), rồi đến Rome vào năm 1649. Alexandre de Rhodes đã cung cấp cho người Âu châu những kiến thức về Đàng Ngoài qua tác phẩm “Vương quốc Đàng Ngoài” ấn hành bằng tiếng Ý vào năm 1650, bằng tiếng Pháp vào năm 1651 và bằng tiếng La tinh vào năm 1652.
Sau đó, những tác phẩm về xứ Đàng Trong của những nhà truyền giáo Dòng Tên khác lần lượt ra mắt. Joseph Tissanier (1618-1688) ở Đàng Ngoài từ năm 1658 tới năm 1663 đã viết một bản tường trình bằng tiếng Pháp vào năm 1663. Cũng trong năm ấy, Giovanni Filippo de Marini (1608-1677) truyền giáo ở Đàng Ngoài từ năm 1647 tới năm 1658, đã viết một bản tường trình bằng tiếng Ý được dịch ra tiếng Pháp vào năm 1666. Một bản tường trình của Christoforo Bori sống tại Bình Định từ năm 1618 tới năm 1622 đã được dịch ra tiếng Ý vào năm 1631 và chỉ 2 năm sau được dịch ra tiếng La tinh, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hà Lan và tiếng Đức. Alexandre de Rhodes viết một bản tường trình về cuộc truyền giáo ở Đàng Trong được xuất bản bằng tiếng Pháp vào năm 1652. Trong những bản tường trình này là những trải nghiệm của hàng chục nhà truyền giáo của Dòng Tên đã sống ở Đàng Trong và Đàng Ngoài vào tiền bán thế kỷ 17.
Sự khởi đầu của Thiên Chúa Giáo ở xứ sở của người Việt thường được gắn kết với các nhà truyền giáo đã viết những bản tường trình bằng những ngôn ngữ của châu Âu, đặc biệt là Alexandre de Rhodes với cuốn “Từ điển Việt – Bồ – La” và cuốn “Phép giảng tám ngày” được ấn hành tại Rome…
Sự nhầm lẫn về Alexandre de Rhodes bắt nguồn từ việc cho ông là người sáng chế chữ quốc ngữ trong khi thật ra, chữ cái La tinh được các nhà truyền giáo của Dòng Tên vận dụng khi học tiếng Việt và được người Việt vận dụng để học tiếng La tinh, và cả người Việt lẫn người Âu châu đều dùng chữ cái La tinh để dạy tiếng Việt cho các nhà truyền giáo mới đến hoặc để phục vụ những mục tiêu riêng… (A History of the Vietnamese, tr. 287, 288)