3 ĐIỀU NÊN BIẾT GIÚP BỚT NÓNG GIẬN

Gieo Mầm Ơn Gọi

Đã bao giờ bạn tự dưng “nổi điên” vì một câu nói vô tình của người thân, một sai sót của đồng nghiệp, hay đơn giản là vì kẹt xe trong giờ cao điểm?

Đã bao giờ bạn tự hỏi:

– Tại sao những chuyện nhỏ nhặt cũng dễ dàng khiến bản thân “nổi đóa”?

– Tại sao những lời nói vô tình lại khiến bạn “nóng mặt” muốn nộ khí xung thiên đến vậy?!

Cơn giận như một vị khách phiền phức; ta không mời, nhưng chúng cứ tự nhiên đến.

Chúng ta đều biết tức giận là điều không nên. Thế nhưng bạn có biết sự giận dữ có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến vận khí và cuộc sống của bạn sâu sắc đến thế nào không?

** Đầu tiên hãy tìm hiểu về cơ chế và ảnh hưởng của cơn giận lên cuộc sống của chúng ta:

Ai đó từng ví: “Giận dữ cũng giống như việc bản thân tự uống thuốc độc rồi cầu cho người khác chết đi vậy!”

Tức giận – tưởng chừng như chỉ là cảm xúc nhất thời, nhưng lại là “kẻ thù” thầm lặng, âm ỉ gặm nhấm tâm hồn, hủy hoại những mối quan hệ và cả chính bản thân ta.

Quan sát hình tướng người đang giận dữ sẽ thấy:

Khi một người tức giận, trán và 2 đầu lông mày sẽ co rút lại; thần mắt lộ ra cảm xúc hung hãn – đôi khi nổi lên những vằn đỏ li ti, 2 cánh mũi nở to, môi mím lại, 2 hàm răng nghiến chặt vào nhau, quai hàm bạnh ra – căng cứng, các gân và cơ trên mặt hằn lên rõ rệt. Bộ dạng hết sức khó coi.

Bên trong cơ thể, nhịp tim sẽ đập nhanh hơn, hơi thở gấp gáp, hô hấp trở nên khó khăn hơn bình thường.

Những biểu hiện như vậy, nếu chỉ thỉnh thoảng xảy ra, cũng không phải là vấn đề quá lớn. Kỳ thực, ai trong chúng ta cũng từng trải qua cảm giác tức giận ít nhất một vài lần trong đời.

Thế nhưng nếu điều này cứ được lặp đi lặp lại một cách thường xuyên và liên tục… dần dà sẽ thành thói quen, về lâu dài chắc chắn sẽ làm thay đổi cả hình tướng của một người.

Không chỉ thế, sự tức giận lâu dài còn bào mòn cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bạn.

Nên mới có câu “Tâm sinh tướng” là vì vậy!

Dù cha sinh mẹ đẻ có đẹp đến đâu, nhưng nếu thường xuyên tức giận, cũng khiến cho khuôn mặt ngày càng khó coi và tăm tối. Bệnh tật sẽ ghé thăm ngày càng nhiều.

Thực tế là, chẳng ai muốn ở gần người hay khó chịu, bực bội cả. Vậy nên với người hay nóng giận, vận khí và các mối quan hệ cũng vì vậy mà suy giảm đi, càng ngày càng trở nên cô độc, bị xa lánh.

** Vậy tập khí nóng giận được hình thành thế nào?

“Suy nghĩ tạo nên cảm xúc.

Cảm xúc tạo nên hành động.

Hành động/Phản ứng được lặp đi lặp lại thành thói quen.

Thói quen vô thức được lặp đi lặp lại thì sinh ra NGHIỆP.

– Cơ chế vận hành của “Nghiệp” của một người, đơn giản là vậy.”

Vậy nên, chớ bao giờ coi thường, dù chỉ là một cảm xúc khó chịu hay một cơn giận nhỏ.

Nếu không tỉnh táo để nhận biết và làm việc với chúng, bất kỳ cơn giận nhỏ nào cũng có thể trở thành mầm mống tạo nên thói quen, tạo nên “NGHIỆP” sâu dày trong cuộc sống của bạn.

Và một khi “NGHIỆP” đã trở nên sâu dày: khi có bất kỳ điều khó chịu hay không như ý xảy ra, dù chỉ nhỏ thôi, bạn cũng sẽ vô thức trở nên tức giận và phản ứng ngay lập tức!

Điều này như vết bánh xe lăn đi lăn lại cùng một chỗ trên cùng một mặt đường, lâu dần sẽ tạo nên rãnh sâu. Tập khí nóng giận cũng chính là vì thế mà hình thành.

** Sự nóng giận tiềm ẩn nhiều mối nguy hại đến thế, vậy thì ta cần làm gì khi đối diện với cơn giận?

Sau đây là 3 lời khuyên giúp bạn có thái độ đúng đắn với cơn giận và giúp bản thân bớt nóng giận hơn:

Thứ nhất, tập “phản hồi” thay vì “phản ứng”

Khi tức giận, chúng ta thường phản ứng một cách bộc phát, vô thức theo cảm xúc lúc đó. Điều này dẫn đến những lời nói, hành động thiếu suy nghĩ, gây hậu quả nghiêm trọng về sau.

Giải pháp để ứng phó với cơn giận chính là hãy học cách “phản hồi”, thay vì “phản ứng” hoặc “kìm nén”.

“Phản hồi” chính là cách thể hiện cảm xúc, nhu cầu của bản thân một cách bình tĩnh, rõ ràng, trung thực.

Khi tức giận, hãy hít thở sâu, đếm nhẩm đến 10 để lấy lại bình tĩnh.

Nếu cơn giận quá kiểm soát, hãy tạm thời rời đi nơi khác hoặc cho bản thân 24h để suy ngẫm trước khi đưa ra bất kỳ lời nói và hành động, quyết định nào.

Thay vì đổ lỗi, hãy tập bày tỏ cảm nhận của bạn bằng cách bắt đầu với cụm từ “tôi cảm thấy”;

Bạn chỉ nên tập trung nói về hành vi, không nên phán xét về nhân phẩm của họ:

Ví dụ: thay vì nói “Tại sao anh luôn thất hứa…”, hãy đổi thành: “Em cảm thấy buồn và tổn thương khi lần hẹn vừa rồi anh không đến.”

Thay vì nói: “Con thật lười biếng…”, hãy đổi thành: “Mẹ rất không đồng ý khi tối qua con chơi xong nhưng không dọn dẹp đồ chơi lại như cũ…”

Khi “phản hồi”, hãy giữ bình tĩnh, thể hiện rõ ràng cảm xúc, nhu cầu của bản thân nhưng vẫn lắng nghe một cách cởi mở, tôn trọng quan điểm của người khác.

Tập “phản hồi” thay vì “phản ứng” chính là nghệ thuật giao tiếp hiệu quả, giúp giải quyết mâu thuẫn một cách văn minh, hướng đến sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau.

Thứ hai, buông bỏ mong muốn kiểm soát mọi thứ

Sự tức giận xuất phát từ mong muốn kiểm soát. Khi bạn tức giận, nghĩa là bạn đang cố níu giữ thứ gì đó, đang cưỡng cầu những gì không thuộc về mình.

Hãy hiểu rằng ta không thể kiểm soát được suy nghĩ, hành động của người khác. Thay vì cố gắng thay đổi người khác, hãy tập trung vào thay đổi bản thân.

Tha thứ cho người khác không phải để thể hiện sự cao thượng, mà là để giải thoát cho chính mình. Khi bạn tha thứ, bạn sẽ không còn oán hận, không còn níu giữ những cảm xúc tiêu cực.

Buông bỏ ý muốn kiểm soát không có nghĩa là buông xuôi, mặc kệ mọi thứ.

Đó là hành trình giải phóng bản thân khỏi những gánh nặng, lo âu, những ràng buộc của tâm trí; để từ đó tập trung vào những gì bạn có thể làm và hướng đến mục tiêu của bản thân.

Thứ 3, học cách “chấp nhận”

Chìa khóa để giải thoát bản thân khỏi cơn tức giận, đó là “Chấp nhận.”

Trước nhất, đó là học cách chấp nhận bản thân.

Chỉ khi ta có năng lực chấp nhận chính mình, chấp nhận tất cả những điểm tốt và chưa tốt của mình, khi ấy ta mới thôi trách móc bản thân, khi ấy ta mới thấy được bình an; khi ấy ta mới có thể mở lòng bao dung, tha thứ cho người khác và tìm thấy hạnh phúc đích thực.

Hãy sống thật với chính mình, với những điểm tốt và chưa tốt của mình, đồng thời không so sánh bản thân với người khác.

Sự thực là mỗi người đều có suy nghĩ, tư duy, hoàn cảnh, nền tảng khác nhau, vậy nên việc có cảm nhận và góc nhìn khác nhau là điều hiển nhiên, hiểu được lẽ tất yếu của cuộc sống này, ta sẽ biết cách tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt của mỗi người.

Hãy nhớ rằng, “chấp nhận” không phải là “cam chịu”, mà là một thái độ sống tích cực, giúp ta vượt qua những rào cản và hướng đến những điều tốt đẹp hơn.

Thay đổi cách phản hồi, tập chấp nhận, buông bỏ và tha thứ sẽ giúp bạn hoá giải cơn tức giận, cảm thấy nhẹ nhõm, bình an và tự do hơn. Từ đó mà có nhiều năng lượng hơn để tập trung vào những điều quan trọng và ý nghĩa trong cuộc sống của mình.

ST


 

Được xem 3 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay