Tưởng Năng Tiến
11-7-2024
Tôi không thân thiết và cũng chả quen biết chi nhiều với Trương Văn Dũng (TVD). Thản hoặc, mới có chút chuyện cần – cần phải trao đổi đôi ba câu ngăn ngắn – thế thôi. Tuy thế, tôi hoàn toàn không ngạc nhiên khi nghe ông bị “túm” và bị kết án tù.
Dù rất ngại làm mất lòng thiên hạ (và cũng rất sợ gạch đá tán loạn, từ khắp bốn phương) nhưng tôi vẫn phải khách quan mà nhìn nhận rằng ông Tô Lâm chưa hề bắt “lộn” một nhân vật bất đồng chính kiến nào (ráo trọi) nhất là trường hợp của TVD!
Cũng như bác tài Vũ Huy Hoàng, tài xế T.V. D vô cùng năng động. Ngoài chuyện sẵn sàng nhận tiền của bà con cô bác, rồi sốt sắng mang đi phân phối cho những gia đình có người thân là tù nhân lương tâm, TVD còn tham gia vào tất cả những cuộc tuần hành: Xuống đường để ủng hộ nhân quyền, để phản đối xâm hại môi sinh, xâm phạm chủ quyền đất nước, dù ông đã bị đánh đập (bầm dập) nhiều lần.
Cứ “linh tinh” như thế thì bị “tó” là phải (giá) chứ chả có oan ức gì để mà thắc mắc, khiếu nại, kêu ca, hay kêu la sất cả!
Chỉ có điều phiền phức là bắt TVD thì dễ nhưng nhốt nhân vật này lại khó. Cũng nhiêu khê lắm. Tuy đã vào tù, ổng vẫn quậy tưng bừng và quậy đục nước luôn. Tác giả Vi Cầm vừa ái ngại loan tin (“Nghe Tin Một Người Tù Già Bị Cùm Chân”) trên trang báo Sài Gòn Nhỏ:
“Nhà tù Gia Trung vừa gửi thông báo đến bà Nghiêm Thị Hợp, vợ của ông Trương Văn Dũng (được biết đến với biệt danh quen thuộc Trương ‘tráng sĩ’), cho biết ông đang bị cùm chân trong buồng kỷ luật với thời hạn bảy ngày… vì được cho là đã có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác’… quy định tại điểm đ, khoản 2, điều 1…
Không biết ông Dũng đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ai mà đến mức phải bị tống vào buồng cùm? Ngọn ngành câu chuyện ra sao, có lẽ phải chờ đến chuyến thăm nuôi sắp tới của bà Hợp, may ra mới được tiết lộ”.
Không cần “phải chờ” đợi gì đâu. Vụ này thì tui biết mà. RFA cũng đã loan tin: “Trại giam kỷ luật TNLT Trương Văn Dũng vì bị cho là xúc phạm nhân phẩm cán bộ”. The 88 Project For Free Speech in Viet Nam còn cho biết thêm chi tiết:
“Dung and officials got into an argument when the package sent by his family was carelessly torn open by guards not wearing gloves and the contents spilled all over the floor. He also loudly protested when they did not let him keep a photo because it had the ‘Viet Tan’ logo in it”.
Chúa/Phật, Quỷ/Thần, Thiên/Địa … ơi! Chuyện nhỏ (cỡ con thỏ) thôi. Có gì nghiêm trọng đâu, chả qua là cán bộ trại giam khám đồ thăm nuôi của TVD mà quên đeo găng tay, rồi lỡ tay làm rớt vài món xuống sàn, và không cho nhận một tấm hình “nhậy cảm” (gì đó) chớ có gì đâu mà ổng nỡ “xúc phạm nhân phẩm” của con nhà người ta. Thiệt là tội nghiệp hết sức.
TVD, rõ ràng, là một người khó tính!
Vậy mà còn có những tù nhân “khó” hơn nữa, và khó hơn nhiều lắm. Nhân vật này đã “xúc phạm nhân phẩm cán bộ” bằng một cái tát thẳng tay, chứ chả phải bằng lời lẽ (suông) đâu – theo như lời tường thuật của một người đồng cảnh ngộ:
“Chúng tôi được chuyển từ trại Vĩnh Quang lên Phong Quang, Lao Kay. Lên đến trại vào quãng nửa đêm…Và nếu ta cho điểm Cổng Trời là 10 thì Phong Quang cũng được 7 hoặc là 8.
Ở đây cũng ghê lắm. Có một Quản giáo ác ôn tên là Tằng, người Thái Bình, mặt da tai tái, mắt ti hí mắt lươn lại hơi toét, to béo, khỏe mạnh, vũ phu, tướng của một tên côn đồ đứng bến xe, cười cười nói nói, chuyên gọi tù bằng thằng. Khi cần, môi mím lại, mặt tái dại hẳn đi, lúc ấy là có chuyện giết người đấy.
Và sáng hôm sau, tôi được chứng kiến một điều mà hai lần tù gần 15 năm tôi chưa thấy bao giờ, trước không có và sau này cũng khó có. Một chuyện động trời…
Theo thường lệ, tù được gọi đến tên, ôm đồ đạc ra trước mặt quản giáo, rồi để những tù hình sự trật tự viên lục lọi khám xét. Lần lượt như vậy. Cho đến lúc gọi tên Lâm Ðình Túy. Không thấy trả lời. Ác ôn Tằng cao giọng đến lần thứ ba rồi cáu quát: “Nó đâu? Thằng Túy đâu. Câm hả.”
Lúc đó ông Túy đang quỳ ở một góc để làm việc thiêng liêng. Cũng như ở các trại dưới, như ở trong nhà thờ, ông quỳ xuống cúi đầu nghiêm chỉnh, đàng hoàng, đĩnh đạc cầu nguyện thành kính. Với ông lúc ấy không có ai ở chung quanh, không có chuyện gì xảy ra cả.
Hắn đã gọi, gọi đến ba lần mà thằng tù không thèm đáp lại. Lâu nay có thế này bao giờ đâu: hắn nói mọi người phải răm rắp tuân theo, bây giờ lại có một thằng tù chính trị dám coi thường hắn. Ác ôn Tằng lừ lừ đi đến …
Hắn nắm gáy ông lôi đứng dậy, ông vốn nhẹ cân và gầy yếu.
“Mày là thằng Túy. Sao tao gọi mày không trả lời hả?”
Ông nhìn hắn, từ từ quay người đứng thẳng dậy trước mặt hắn. Và thật bất ngờ đối với tất cả, ông giơ tay tát thật mạnh vào tên ác ôn Tằng, rồi ông lại từ từ quay người quỳ xuống tiếp tục làm công việc thiêng liêng của mình…
Chắc chắn là đối với tất cả những người đi tù ở miền Bắc này, từ xưa cho tới lúc ấy chưa có ai, chưa có bao giờ một người tù dám tát vào mặt Quản giáo hay một người lính coi tù cả. Điều này xẩy ra ngoài sức tưởng tượng của ác ôn Tằng nên hắn phản ứng rất là chậm chạp.
Hắn đứng yên, hai tay thõng xuống mặt nghệt ra. Mười lăm năm tù tôi chưa bao giờ thấy có chuyện ấy xẩy ra: Tù tát vào mặt quản giáo ác ôn và quản giáo đứng yên chịu trận”. (Kiều Duy Vĩnh. “Đức Thánh Tử Đạo Lâm Đình Túy”. Văn Việt – 20/12/2016).
Đụng phải một “vị thánh tử đạo” thì kể như là quá xui (rồi) chả nói làm gì. Ngay cả đến loại tù nhân tầm thường (một tù binh của bên thất trận, thuộc diện học tập cải tạo 10 ngày) mà cũng “chảnh” ra mặt, lớn tiếng chỉ trích đủ chuyện, và đòi hỏi này nọ đủ điều:
“Ban giám thị trại giam Nam Hà họ rất ngại và rất ít xuống thăm buồng số 6. Bởi vì đã nhiều lần họ xuống đây đã bị anh em tù chính trị miền Nam thẳng thừng la ó phản đối, quyết liệt chẳng e dè hay giữ mồm giữ miệng gì làm cho các cán bộ lãnh đạo rất bối rối và thật khó phản ứng …
Cứ mỗi lần như vậy thì anh Sương đều là người đứng đầu đấu tranh và ban giám thị trại Nam Hà phải điều hàng chục binh sĩ và cán bộ công an xuống khoá tay, đưa anh đi cùm biệt giam ở nhà kỷ luật…
Các tù nhân Trần Văn Tuấn, Vũ Văn Khiêm, Ngô Văn Phụng, Hoàng Đồng, Phạm Văn Viết, Vũ Hữu Huynh đều kể rằng: không năm nào là anh Trương Văn Sương không bị đưa đi cùm và biệt giam trong buồng giam kỷ luật vài tháng. Sau mỗi lần như vậy anh Sương trở về buồng giam chung lại tiếp tục đấu tranh và lại tiếp tục bị đi cùm. Có những năm, anh Sương bị kỷ luật như vậy tới 2-3 lần…” (Nguyễn Khắc Toàn. “Chuyện Về Người Tù Nhân Trương Văn Sương, Một Nelson Mandela của Việt Nam”. Việt Báo – 16/05/2006).
Đâu cần gì tới cỡ Đỗ Bá Lung, Lâm Đình Túy, Trương Văn Sương, Cấn Thị Thêu… Thử đọc qua hai tác phẩm Đứng Thẳng Làm Người và Những Mảnh Đời Sau Song Sắt của hai hai vị nữ lưu Tạ Phong Tần và Phạm Thanh Nghiên xem. Ban giám thị của tất cả các trại giam mà hai nhân vật này đã đi qua cũng đều … chín bỏ làm mười và đều lấy bồ hòn làm ngọt cả.
Mềm nắn rắn buông mà. Gông cùm, súng đạn, bạo lực không khống chế được tất cả mọi người. Dù chế độ hiện hành đã vận dụng hết mọi thủ đoạn bất nhân cùng mọi thủ thuật hạ tiện (gần cả trăm năm qua) nhưng chưa bao giờ làm mất được chất rắn của vô số những tù nhân lương tâm ở Việt Nam.
Khi đối diện với lẽ phải, cùng với tư cách và tinh thần bất khuất của tha nhân – theo lẽ thường – con người dễ có khuynh hướng nhượng bộ (hay ngưỡng mộ) hoặc cả hai. Nếu ban giám thị trại giam Nam Hà không “ngưỡng mộ” TVD (lắm) thì cũng “nhượng bộ” đi, cho nó lành. Giữa tòa mà ổng còn thản nhiên hô lớn (“đả đảo cộng sản”) thì chuyện cùm chân vài bữa, đối với Trương Tráng Sĩ, chỉ là những trò mèo (hoặc trò cười) lố bịch thôi. Thôi, bỏ đi Tám!