June 28, 2024
Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám
Tuổi của nàng, tôi nhớ chỉ mười ba.
Giữa năm Định đang học đệ lục (lớp 7) ban trung học thì ông Vinh, ba của Định bị mất việc làm, cuộc sống gia đình vốn dĩ đã nghèo túng lại càng bi đát hơn. Ông Vinh đã phải cùng với vợ nhận quần áo, chăn màn, khăn lau miệng… từ các nhà hàng ăn, khách sạn… trong thành phố đem về giặt ủi để kiếm tiền chu cấp cho đàn còn bảy đứa đang tuổi ăn học. Trong hoàn cảnh khó khăn đó việc học hành của anh em Định được coi như thứ yếu.
Dù ở cái tuổi 13, 14 đang ham chơi nhưng Định cũng phải nhảy vào công việc kiếm tiền giúp đỡ cha mẹ. Mỗi sáng, Định phải thức dậy thật sớm chở các đồ vật đã được bố mẹ giặt ủi ngày hôm trước đi giao cho các nhà hàng, khách sạn trong thành phố rồi mới lo chuyện đến trường học. Buổi trưa về nhà, có gì ăn nấy vội vã cho xong bữa cơm rồi cố dành tí thời gian lo bài vở nhà trường cho ngày mai. Sau đó khoảng 3 giờ chiều phải đạp xe lên các tòa báo trên trung tâm Sài Gòn, nhận báo đi bán rông cho mãi đến tối khuya mới về nhà. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, việc học của Định trong hai năm đệ lục và đệ ngũ xuống dốc thê thảm, gần như độn sổ! Hầu như không khi nào Định làm trọn vẹn vai trò của đứa học trò ở mức tối thiểu. Ba mẹ Định cũng biết việc học của con lết bết nhưng cũng đành chịu vì chẳng biết làm gì hơn.
Hàng ngày Định cố tranh giành xếp hàng ở các tòa báo, lấy được báo càng sớm càng tốt từ các nhà phát hành rồi vội vã đạp xe đến bùng binh ngã sáu Sài gòn hay công trường Dân Chủ hoặc các giao lộ đông người qua lại để rao bán báo mới (ngày hôm sau) cho người đi làm về lúc 4 hay 5 giờ chiều. Sau đó khi luồng người đi làm về đã thưa thớt hơn, Định mới đạp xe đi bán báo dạo hay bỏ báo tháng ở những con đường, ngõ hẻm quen thuộc trong thành phố cho mãi đến tối khuya mới về nhà.
Đường Bùi Viện là nơi Định đến bán báo sớm nhất, vì nơi đó khá gần với trung tâm thành phố. Cuối con đường này có một gia đình mua báo tháng của Định, đã ghi đậm vào ký ức của Định rất nhiều cảm tình gắn bó vì tình thân thương của gia đình họ. Hàng ngày mỗi khi gõ nhẹ vào cánh cổng bằng tôn của căn nhà, một cô bé khoảng tuổi 12, 13 cùng với chú em trai hay bà mẹ ra nhận tờ báo từ tay Định với nụ cười dễ dãi, họ không bao giờ quên nói với Định vài lời cám ơn rất chân thành.
Thông thường khi đi bán báo Định mặc chiếc quần đùi cũ kỹ vá chằng chịt như cái bẹ dừa khô ở mông chiếc quần, chiếc áo màu xanh lá mạ do mẹ sửa đổi từ chiếc áo cũ của bố nhưng cũng xệch xoạc vì các miếng vá bằng tay. Nhưng nhiều khi khi vì lười biếng, Định không thay bộ đồng phục, quần xanh áo trắng với huy hiệu trường Chu Văn An trên túi áo lúc đi bán báo. Một lần, khi vừa gõ vào chiếc cổng bằng tôn của căn nhà mua báo tháng dễ mến đó, như mọi lần cô bé gái và chú em ra mở cổng nhận báo kèm lời cám ơn lễ phép ân cần, nhưng lần đó cô bé có tí e lệ, rụt rè, không dấu được vẻ vui tươi hiện rất rõ trên khuôn mặt ngây thơ khi đưa tay nhận lấy tờ báo, cô bé nói với Định:
-Anh chờ một tí, mẹ em muốn nói chuyện với anh.
Rồi cô bé quay vào nhà gọi to:
-Mẹ ơi, anh bán báo tới mẹ ạ.
Định bình thản đứng chờ mẹ cô bé, hoàn toàn không một tí ngạc nhiên vì chẳng có gì lạ khi người mua báo tháng muốn có vài đòi hỏi, yêu cầu trong việc nhận báo hàng ngày. Bà mẹ từ phía trong nhà bước ra với nụ cười rất niềm nở trên môi, đưa tay vỗ nhẹ thân mật vào vai Định, nhìn rất kỹ vào chiếc huy hiệu Chu Văn An trên ngực áo của Định, rồi bà hỏi:
-Cháu học Chu Văn An hả? Lớp mấy?
-Vâng ạ, cháu đang học lớp đệ ngũ.
Rồi tiếp theo là những câu hỏi khác về thân thế, gia đình, việc học hành và cả lý do vì sao Định phải bán báo. Định trả lời tất cả những gì mà bà ta muốn biết, chẳng giấu giếm gì dù có chút ngượng ngùng khi cho bà ta biết về sự thua kém bè bạn cùng lớp trong việc học hành cũng như gia cảnh nghèo túng của mình. Tuy nhiên, Định có cảm tưởng bà ta nhìn sự ngượng ngập của Định với ánh mắt rất cảm thông, an ủi và có chút cảm phục. Đứng bên cạnh bà mẹ, hai chị em cô bé im lặng giương mắt nhìn Định với đầy cảm phục, dễ mến.
Ngày hôm sau, lúc đưa báo, Định chưa kịp gõ vào chiếc cổng bằng tôn, cô bé và chú em trai, hình như đã đứng sau cánh cổng chờ đợi từ trước để mở cửa. Cánh cổng vừa mở, cô bé với vẻ mặt tươi cười , thân thiện nói ngay:
-Anh chờ mẹ em một tí…
Ngay lúc đó bà mẹ đi ra, nhìn Định với nụ cười hiền hòa hỏi Định đã ăn cơm chưa, rồi bà chẳng chờ đợi Định trả lời, bà đưa cho Định một khúc bánh mì thịt khá lớn, gói trong bọc giấy. Với tí chút ngạc nhiên nhưng không giấu được vẻ mừng vui, Định cầm ngay gói quà và không quên cúi đầu liền mấy lần kèm theo lời cám ơn. Bà mẹ và hai đứa con hơi chau mắt, ngẩn ngơ khi nhìn thấy rõ nét mặt quá vui mừng của Định khi nhận món quà. Có lẽ họ không hiểu được, mỗi ngày sau khi phải giành giật khách mua báo với lũ trẻ bán báo khác ở các công trường vào giờ tan sở rồi lại phải đạp xe len lỏi vào khắp các ngõ hẻm để bán và bỏ báo tháng, cơn đói luôn luôn đến với Định. Hôm nay ngẫu nhiên nhận được khúc bánh mì kẹp thịt ngon lành, làm sao mà Định không mừng rỡ được?
(Hình: Annie Spratt/Unsplash)
Từ đó, thỉnh thoảng Định lại được bà mẹ hay cô bé gái tên Loan, chú em tên Chính cung cấp cho các món ăn. Lúc thì ổ bánh mì thịt, lúc thì vài chiếc bánh ”Pao” hay gói xôi đậu phụng… Rồi cũng nhờ bà mẹ giới thiệu, Định có thêm hai gia đình mua báo tháng ở cùng khu vực. Tình thân của Định và gia đình Loan gia tăng theo những lần cho quà, những lần trả tiền báo tháng nhiều hơn giá quy định.
Cũng có vài lần bà mẹ nói với Loan mời Định sau khi bán báo xong đến nhà ăn cơm tối. Rồi cứ thế Định và Loan thân nhau dần dần, tình cảm thân thương non nớt, ngây thơ của hai đứa hình như cũng lớn theo với gần hai năm Định bỏ báo tháng cho nhà Loan. Những câu nói, ánh mắt nhìn nhau e lệ hình như càng lúc càng nhiều hơn, kín đáo hơn. Dù chỉ là vài câu chào hỏi bâng quơ trong khoảng thời gian vài phút ngắn ngủi hàng ngày, khi Loan ra nhận tờ báo đã vô tình, êm ả trở thành những giây phút chờ đợi, niềm vui của Định và có lẽ cũng của Loan nữa. Ba của Loan là công chức sở Thuế vụ trên đường Hàm Nghi Sài Gòn, Loan thua Định 3 tuổi, sau lần thi tuyển vào lớp đệ thất trường Gia Long không đậu, nên phải theo học tại trường tư thục Hưng Đạo ở gần nhà.
Bước sang đầu năm đệ tứ, ba của Định kiếm được việc làm, mẹ quen việc nên vẫn tiếp tục nhận quần áo về giặt ủi nhờ vậy vấn đề tài chánh cho gia đình đã có phần dễ thở hơn. Không nỡ nhìn thấy các con lem luốc vì phải kiếm sống mà bỏ bê việc học hành, nhất là sang năm Định lên lớp đệ tứ, phải có thời gian chuẩn bị cho kỳ thi lấy bằng trung học đệ nhất cấp. Đúng lúc đó, báo chí ồn ào về tin một đứa trẻ bán báo dạo, cùng lứa tuổi của Định, chỉ vì món tiền bán báo nhỏ nhoi đã bị giết chết, xác bỏ xuống con rạch ở Cống Bà Xếp nên ba mẹ bắt Định bỏ việc bán báo để chuyên lo việc học.
Thời gian vẫn chậm rãi, bình thản đi qua, Định hoàn tất xong bằng trung học, sửa soạn thi tú tài bán phần. Dù không còn bán báo nữa nhưng thỉnh thoảng Định cũng trở lại con đường Bùi viện tạt vào thăm gia đình Loan. Loan cũng lớn dần, với chiếc áo dài màu trắng, màu vàng dễ thương của cô học trò trường Hưng Đạo, cô bé đã biết e lệ hay giới hạn lời nói, nụ cười, ánh mắt mỗi khi Định đến thăm. Những cuộc nói chuyện giữa Định và Loan không còn tự nhiên như trước nữa. Nó mất dần vẻ hồn nhiên, thoải mái của ngày trước, lúc hai đứa còn bé nhỏ, ngây ngô, khi Định còn bỏ báo cho gia đình Loan. Cả hai không nói ra, nhưng đều cảm nhận được rất rõ ràng là giữa họ hình như đã có cái gì vô hình, rất mơ hồ mang âm thanh của ngượng ngùng, mỗi khi có dịp gặp nhau riêng rẽ. Cả hai cũng cảm thấy có tí nhớ nhung, lo lắng cho nhau nếu bẵng đi một thời gian khoảng vài tuần lễ không gặp, không nhìn thấy nhau.
Cuối năm đệ nhị, trong một lần Định đến thăm gia đình Loan, Loan cho biết ba của Loan vừa bị thuyên chuyển xuống Sóc Trăng, vì không muốn dở dang việc học hành của hai đứa con nên ông chỉ đi một mình mà thôi. Từ đó, thỉnh thoảng vì bận việc hay gặp dịp nghỉ học, mẹ của Loan thường nhờ Định cùng đi với Loan đôi khi cả với Chính, em trai của Loan xuống Sóc Trăng thăm ba. Cũng nhờ vậy tình thân giữa Định và gia đình Loan, nhất là với Loan gia tăng theo ngày tháng cùng với sự khôn lớn của cả hai. Trong những lần đi như thế, biết bao nhiêu kỷ niệm đã đến với hai đứa, những cái nắm tay, dìu nhau vội vàng để kịp chuyển đổi xe đò hay kéo nhau lên phà đang rời cầu tầu ở hai bến bắc Tiền Giang, Hậu Giang. Gặp những buổi trời mưa ướt sũng nơi bến xe miền Tây lầy lội cả hai cùng đi dưới một cái ô dù. Những bữa cơm trưa ngon miệng, đĩa cơm tấm bì, tô hủ tíu ở bến phà lúc chờ đợi xe và cả những đụng chạm thân thể khi ngồi bên nhau trên dẫy ghế chật chội của chiếc xe đò… Tất cả là những ghi dấu đơn sơ, dù không nói ra nhưng cả hai, Định và Loan vẫn cảm thấy có cái gì ấm cúng nhè nhẹ trong lòng hai đứa.
Thực ra lúc đó, Định vừa chớm 18 tuổi vẫn chưa thoát được vẻ non nớt của người con trai mới lớn, dù cảm giác đụng chạm thân thể khi ngồi sát bên nhau trên chiếc ghế xe đò, đôi lúc cũng cho Định có tí chút đê mê. Nhưng cũng chỉ có thế, không bước xa hơn cái giới hạn được gọi là quá đáng của đứa con trai mới chớm ngưỡng cửa của lớn khôn trong yêu đương, chưa thực sự bỏ hết được vẻ ngây ngô của một thằng bé. Nhưng ngược lại Loan dù chỉ là cô gái 15 tuổi, đã biết ngượng ngập. Cái ngượng ngập mang sắc thái khôn lớn khi ánh mắt của hai đứa bất chợt chạm nhau cũng như lúc ngồi sát bên nhau trên chiếc ghế xe đó chật chội, nhất là khi vô tình Định đụng chạm vào thân thể kín đáo của Loan. Đôi lần Định chợt thấy vài nét đỏ hồng trên đôi má của Loan đã làm cho Định hiểu được phần nào cảm xúc của cô bạn gái đồng hành. Lúc đó trái tim của Định thoáng có một vài cảm giác là lạ chứa đựng cái gì rất bé nhỏ, rất mơ hồ nhưng lại rất dễ thương, đáng nhớ. Đơn giản và cũng rất tự nhiên như thế với một thằng con trai vẫn còn ít nhiều ngờ nghệch với yêu đương trong cái ngây ngô của tuổi học trò, lớp đệ nhị của Định và lớp đệ tứ ngượng ngùng, hồng hồng đôi má của Loan. Nhưng rồi thằng con trai cũng lớn dần theo năm tháng, Định cũng như Loan đã nhìn thấy, đã cảm nhận được mùi vị ngọt ngào của tình yêu bản ngã đó, nó trầm lặng đi vào ký ức đẹp của cả hai.
Một buổi tối, vào ngày cuối tuần, Định đến thăm gia đình Loan, căn nhà có vẻ bề bộn với những thùng chứa đồ đạc, lúc đó mẹ Loan và em trai hình như có việc đi đâu không có nhà. Loan mất hẳn đi vẻ vui mừng như mọi lần mỗi khi ra mở cửa cho Định. Với khuôn mặt buồn bã, im lặng Loan dẫn Định vào trong nhà. Nhíu mắt nhìn những thùng đồ đạc và thái độ khác thường của Loan, Định chắc chắn gia đình Loan lại có một thay đổi to lớn nào đó. Một lúc sau Loan cho biết ba của Loan lại vừa được nha quan thuế chuyển đổi đi làm việc ở Phan Thiết, không muốn lỡ làng việc học hành của các con, kịp nhập học niên khóa mới ở Phan Thiết, gia đình Loan đã phải gấp rút dọn nhà đi Phan Thiết.
Nghe Loan nói, tự nhiên cảm giác buồn nhè nhẹ, tiếc rẻ phủ kín lấy tâm hồn mình, đưa mắt nhìn Loan, thấy Loan cũng im lặng buồn bã nhìn mình. Trong ánh nhìn đó hình như Định tìm thấy có cái gì đó kín đáo, thân thiết mà Loan muốn gửi gấm cho mình. Hai đứa nói chuyện với nhau được một lúc thì mẹ Loan và cậu em cũng về nhà, sau vài câu chào hỏi thông thường, mẹ Loan nói sơ sơ vấn đề phải vội vàng dọn nhà cho Định biết. Bà cũng tiếc rẻ là Loan và Chính không có dịp gần gũi để Định giúp đỡ con bà trong việc học hành.
Thấy mọi người bận rộn với việc đóng thùng, thu dọn nhà, không muốn làm phiền, Định nói vài lời trấn an, chúc may mắn, tỏ bày cảm giác buồn tiếc khi phải xa mọi người, mong ước có được dịp may nào đó trong tương lai được gặp lại mọi người trước khi từ giã ra về. Loan im lặng buồn bã theo Định ra đến tận cổng nhà, trước khi chiếc cổng được khép lại, Loan nhét vội vào tay Định một gói nhỏ, với tí ngượng ngập, đưa cặp mắt ướt buồn như muốn khóc nhìn Định, Loan nói nhẹ như chỉ đủ cho hai người nghe:
-Loan tặng cho anh một kỷ niệm, hy vọng sẽ có dịp gặp lại anh sau này.
Cầm món quà nhỏ ngỏ trong bao thư, Định nghĩ rằng đó là một lá thư với vài lời thân thiết chia tay hay một vật dụng nho nhỏ bằng giấy nào đó để kỷ niệm thời quen nhau. Nhận món quà trong tay, Định cũng thẫn thờ nhìn Loan như muốn gửi lại cho Loan lời cám ơn đầy xúc động của mình, rồi im lặng bỏ món quà tặng vào trong chiếc cặp đi học. Loan cũng không nói gì, bất thình lình nắm nhẹ lấy bàn tay Định, bóp mạnh rồi cúi đầu vội vã bước mau vào trong nhà. Định thoáng thấy đôi mắt Loan ửng đỏ, hình như trên khóe mắt đôi dòng lệ đang chảy dài xuống gò má.
Trở về nhà, mở gói quà nhỏ ra đã làm Định lịm người, hoàn toàn ra ngoài dự đoán của đứa con trai, dù đã 18 tuổi, nhưng vẫn còn ngờ nghệch với yêu đương, vẫn còn thích đùa chơi với lũ bạn bè hơn là mơ mộng yêu thương. Một nhúm tóc được cột bởi một sợi len màu tím rất gọn gàng với hàng chữ viết nắn nót, trên một mảnh giấy học trò màu trắng:
”Tặng anh để kỷ niệm, cũng để nhớ mãi những lần cùng đi với anh xuống Sóc Trăng!”Loan
Chỉ có thế, Định nhìn vào món quà khôn lớn, già dặn đó, tự nhiên trái tim của mình có một tí (hay rất nhiều?) cảm giác tiêng tiếc, buồn thương bởi một bóng hình mà anh đã đánh mất chỉ vì sự nhát nhúa, ngu ngơ của một thằng con trai chưa thực sự lớn khôn trong tình cảm. Hôm nay, lúc phải chia tay mới biết rõ, cảm nhận được tâm tư của Loan thì đã muộn , đành phải nhận lấy nỗi buồn ân hận lúc chia ly.
Đúng như vậy, ở cái tuổi 18, đứa con trai hình như vẫn chưa có gì để gọi là khôn lớn đúng nghĩa, nhất là trong lĩnh vực tình yêu. Rồi vì những bận rộn học hành, những công việc kiếm tiền giúp đỡ gia đình kèm theo tánh lơ là dễ quên, ham vui với lũ bạn trai thân thiết nên Định cũng vẫn là thằng bé ngu ngơ. Sau khi gia đình Loan di chuyển lên Phan Thiết, đôi lúc Định cũng nhớ đến Loan với chút cảm giác êm ả, suy tư nhưng cũng chỉ ở mức độ nhẹ nhàng, thoáng qua mà thôi. Trong cái vẻ ngây ngô chưa lớn khôn đó, Định không quên Loan, nhưng cũng chẳng có nhiều thời gian và điều kiện để nhớ thương, tiếc rẻ một kỷ niệm. Anh nghĩ rằng cái tình cảm buồn buồn nhè nhẹ đó chỉ thoáng qua như là một lay động nhẹ nhàng của tuổi thơ ngây mà thôi. Nếu có một tí gì làm dấu tích để nhớ thương, để ghi dấu một cảm xúc trong cuộc sống, nhắc nhở Định nhớ đến Loan, đó là những khi vô tình Định nhìn thấy nhúm tóc của Loan, đã được Định dính ép vào trong một tập nhạc, để trên giá sách cùng với những cuốn sách học trò thời trung học của mình. Nhúm tóc đó vẫn được Định gìn giữ, như là một di tích một tình yêu đẹp đẽ thoáng qua của tuổi thơ ngây, chưa khôn lớn của mình. Đôi lần vì một ngẫu nhiên nào đó, bất chợt Định giở tập nhạc, nhìn thấy nhúm tóc, lúc đó làm cho Định nhớ đến Loan với ít nhiều suy nghĩ vẩn vơ. Nếu có gì hơn khi nhớ đến Loan, có lẽ trong lòng Định tự trách mình đã chưa khôn lớn để không tìm cách liên hệ với Loan, giữ lấy mối tình đẹp trong quá khứ của đời mình.
Đúng như vậy, từ khi gia đình Loan di chuyển lên Phan Thiết, Định hoàn toàn không biết tin tức gì về Loan và cũng chẳng để tâm dò la, liên hệ với Loan nữa. Cho đến cuối năm 1970 khi Định gần tốt nghiệp đại học, ngẫu nhiên trong một lần lang thang, bát phố ở trung tâm Saigon, Định ngẫu nhiên gặp Chính, em trai của Loan. Chính cho biết sau vài lần thi không đậu tú tài bán phần, nhờ quen biết của ba, Loan xin được việc làm cho tòa hành chánh tỉnh ở Phan Thiết. Sau vài năm làm việc, nhờ mối mai Loan sửa soạn lập gia đình, chồng chưa cưới của Loan là trưởng phòng hành chính trong toà thị chính Vĩnh Long.
Mặc dầu Định hiểu rất rõ, giữa mình và Loan cũng chẳng có gì nhiều hơn là tình bạn thời trẻ, tuổi học trò, không có gì khả dĩ có thể nói đến chữ tình yêu, ngoài vài kỷ niệm trong quen biết như những ổ bánh mì nhân thịt, vài chiếc bánh “Pao” và cả ánh mắt cảm phục ” học giỏi ” mà Loan đã dành cho Định ngày xưa. Nếu có hơn một tí của cái tuổi ngây thơ đó, có lẽ là những kỷ niệm của những lần cùng đi với Loan xuống Sóc Trăng, cùng đợi chờ ở hai chiếc Bắc Mỹ Thuận, Cần Thơ. Cùng kéo nhau vào trú mưa ở những quán bên đường trong lúc đợi chờ xe đò qua sông… Rồi ngày xa nhau, khi gia đình Loan dọn lên Phan Thiết, Định nhận được kỷ vật một nhúm tóc nhỏ của Loan với hàng chữ nhỏ ghi dấu một tình yêu đầu tiên, của cô bé gái tuổi 15 dành cho Định. Chỉ có vậy rồi xa nhau, không một lần tái ngộ, hoàn toàn không biết gì về nhau. Nhưng khi nghe tin Loan sửa soạn lấy chồng Định cảm thấy một nỗi buồn nhè nhẹ, một cảm giác thấm thía, tiếc nuối thấm buốt trong tim mình.
Định tự hỏi, có phải mình đã quá dại khờ, để ngày nay phải tiếc rẻ vì đã chậm chạp trong mối tình đó chăng ? Chắc không phải, vì lúc đó anh vẫn chỉ là một người sinh viên chưa tốt nghiệp, gia đình thì nghèo túng, cha mẹ vẫn còn phải tần tảo kiếm tiền nuôi sống anh em Định đang ở tuổi ăn học. Với hoàn cảnh đó thì làm sao Định dám bước xa hơn được những gì mình chưa có, hay còn thật xa ngoài vòng tay và ước muốn của chính mình và gia đình được?! Đau đớn vì dang dở tình yêu chăng?
Cũng hoàn toàn không đúng, sự quen biết giữa Định và Loan chẳng có gì hơn, khi chỉ mới thực sự tìm thấy một vài cảm giác mà hình như vẫn còn mù mờ trong tim của mình. Lúc gia đình Loan sửa soạn dọn nhà ra Phan Thiết, Loan đã tặng Định nhúm tóc khi rời xa, dù món quà đó ít hay nhiều đã nói lên cái khôn lớn và lãng mạn của cô gái 15 đã biết yêu và dành tình yêu cho Định . Nhưng dù ở tuổi 18, hơn Loan 3 tuổi, Định lúc đó vẫn còn ngờ nghệch nên chỉ đến với lời tỏ tình đó bằng một cảm xúc nhẹ nhàng dù có thoáng tí chút suy tư mà thôi. Với suy nghĩ như vậy, dù có cảm giác buồn nhưng Định cảm thấy mình có chút bình thản hơn khi nghe tin Loan lấy chồng. Nó rất tự nhiên và hợp lý, mình không phải buồn đau hay tiếc nuối một mối tình thoáng đi qua trong đời mình.
Sau đó khoảng gần một năm, khi Định đã tốt nghiệp đại học rồi đi làm việc dưới Cần Thơ. Một lần trên Bắc Mỹ Thuận, từ Sài Gòn trở lại Cần Thơ sau vài ngày công tác. Trong khi đang đứng ở đầu chiếc phà quen thuộc, nhìn bâng quơ dòng nước đục ngầu phù sa của con sông Tiền Giang. Vài tiếng gọi, âm thanh mừng rỡ của người đàn bà trên phà đã làm Định quay lại với tất cả ngạc nhiên, bên kia của chiếc phà, Loan vội vàng bước xuống từ một chiếc xe du lịch khá mới màu xanh lá mạ. Bên cạnh Loan, nơi tay lái một người đàn ông, ăn mặc chỉnh tề với chiếc cà vạt lủng lẳng trước ngực.
Loan luồn lách qua những chiếc xe khác, chạy vội đến phía Định. Mừng rỡ Loan hỏi:
-Anh Định, anh đi đâu vậy, bao nhiêu năm rồi, hôm nay em mới gặp lại anh. Cuộc sống của anh ra sao ?…
Định cũng mừng rỡ với sự tái ngộ bất ngờ, anh cũng tách rẽ đám đông đang đứng chung quanh để lấy đường chạy vội ra đón Loan. Cả hai ôm lấy nhau, nét vui mừng, quen biết hiện rõ trên gương mặt, cùng những câu nói anh, em ngọt bùi, thân thiết xa xưa được lập lại một cách rất tự nhiên, thân ái. Nhưng hai người đã vô tình không chú ý đến ánh mắt tò mò, nhíu cặp lông mày trong vẻ bực bội, không vui của người đàn ông, chồng của Loan ngồi trong xe.
Cho đến khi Loan quay lại khi nhìn thấy thái độ không vui của chồng, cố lấy lại vẻ tự nhiên, Loan dẫn Định đến giới thiệu với chồng. Cũng chính lúc đó âm thanh, ngôn từ trong lời nói của Định và Loan hình như đã bị sự ngại ngần, khuôn thước, xen vào với những câu xả giao vô nghĩa, vu vơ cùng với những nụ cười, câu nói đẩy đưa, khách sáo giả tạo.
Cái không khí, ngôn từ nặng nề đó phủ trùm lên cả ba người trong suốt khoảng thời gian chiếc phà còn chạy trên sông. Đến khi chiếc phà cập bến, cuộc tái ngộ ngẫu nhiên, mừng vui của hai người lúc ban đầu đã biến thành nhạt nhẽo, giả tạo khi xa nhau. Cuộc gặp mặt ngẫu nhiên của Loan và Định được kết thúc, bằng vài lời chào tái ngộ miễn cưỡng, chúc mừng vô nghĩa trước khi chiếc xe của vợ chồng Loan rời xa, trong ánh mắt không mấy thân thiện của người chồng và kín đáo tiếc rẻ của Loan.
Nhiều năm sau đó, Định vẫn đi và về rất thường xuyên trên phà Mỹ Thuận và nhiều lần thăm viếng bạn bè ở thị xã Vĩnh Long, nhưng không một lần nào Định gặp lại Loan cũng như người chồng của Loan nữa. Cũng từ ngày gặp mặt ngẫu nhiên ngắn ngủi đó, mỗi lần có dịp đi lại trên hai con bắc Mỹ Thuận, Cần Thơ, ký ức lại kéo Định trở lại với những kỷ niệm xa xưa. Những lần anh và Loan cùng đi xuống miền Tây thăm ba của Loan, tự nhiên Định có cảm giác buồn vu vơ, nhẹ nhàng thoáng qua xâm lấn bao phủ lấy hồn mình. Cũng từ ngày đó Định hiểu nhiều hơn, thấm thía nhiều hơn những câu hát trong bản nhạc ” Tôi Đưa Em Sang Sông ” của Y Vũ, Nhật Ngân:
“Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm, để thấm ướt chiếc áo xanh và đẫm ướt mái tóc em…” Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần, sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim…” Hôm nào đưa em sang ngang. Bằng xe hoa thay con thuyền. Giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo vướng gót chân. Gót chân ngày xa xưa. Sợ lấm trong bùn khi mưa. Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa!”
**
Rồi thời gian lẳng lặng trôi qua, với biết bao nhiêu đưa đẩy của thời thế đã đưa Định sang Âu châu định cư. Mùa hè năm 1993, trong một dịp đi công tác tại một viện khảo cứu về thực phẩm ở ngoại ô thành phố London. Vào một chiều thứ bảy, sau một lúc lang thang trên những con phố chính của trung tâm thành phố. Định vào ngồi uống nước ở một chiếc bàn dưới hàng hiên của một quán cà phê sang trọng trên đại lộ Oxford.
Đang lúc để mắt bâng quơ nhìn sinh hoạt nhộn nhịp, đông đảo của London trong một ngày cuối tuần nắng ấm. Định chợt bắt gặp ánh mắt chăm chú, ngạc nhiên nhìn Định của một thiếu phụ Á châu cùng đi với một cô bé gái khoảng 15, 16 tuổi, trên hè phố, chắc họ là hai mẹ con. Có lẽ Định cũng chẳng để ý nếu họ bình thản đi qua chỗ anh ngồi như mọi người dạo phố khác. Nhưng vừa qua chỗ Định khoảng vài chục mét, người mẹ nắm tay cô con gái, dừng lại rồi bà ta quay mặt lại, nhíu mắt nhìn Định kỹ lưỡng hơn. Rồi bà ta nói với người con vài điều gì đó trước khi cả hai lại quay trở lại khúc đường phố mà họ vừa đi qua.
Vẫn ánh mắt nhìn thân thiện, quen biết, nhưng lần này họ đi gần Định hơn, người mẹ nhìn Định nỡ nụ cười rồi gật đầu nhẹ chào Định. Vì lịch sự Định cũng gật đầu chào trả lễ bà ta, nhưng anh vẫn nhìn họ với ánh mắt không quen. Tuy nhiên thái độ thân thiện hơi khác của hai mẹ con bà Á đông đã gây cho Định có chút thắc mắc, khó hiểu. Nhưng anh cũng nghĩ rằng, đó là bản tính quá thân thiện của nhiều người châu Á khi gặp nhau trên đường phố ở Âu châu mà Định vẫn thường gặp trong những lần đi du lịch. Có lẽ thấy vẻ lơ là của Định, hai mẹ con đi qua chỗ Định thêm một lần nữa. Nhưng cũng không qúa xa họ lại dừng lại, bà mẹ quay lại, chau ánh mắt nhìn Định với chút đắn đo suy nghĩ. Cuối cùng bà ta nắm lấy tay cô con gái đi ngược trở lại, đến trước chiếc bàn mà Định đang ngồi, họ đứng lại. Người mẹ nhìn Định kỹ lưỡng hơn rồi miệng nở một nụ cười như để xác định sự quen biết, không sai rồi bà ta gật đầu rất thân thiện chào Định, nói nhẹ với Định:
– Anh Định, anh không nhận ra em hả? Chắc anh không quên, Loan ngày xưa ở đường Bùi Viện đây!
Định giật mình khi nghe người mẹ nói, với chút ngẩn ngơ trong ngạc nhiên, mừng rỡ. Nhãn quan của Định đảo khắp thân thể người thiếu phụ đứng trước mặt mình. Ký ức và tưởng tượng kéo Định trở lại với gần 30 năm về trước, cô bé Loan nhỏ nhắn, hiền lành từng đưa cho anh những khúc bánh mì thịt làm no lòng thằng bé bán báo cho gia đình cô bé ngày xưa. Loan, cô học trò xinh đẹp dễ thương lớp đệ tứ trường Hưng Đạo trong tà áo trắng, áo màu, 30 năm xa xưa. Loan cô bé đã vài lần đi cùng với anh trên những chuyến xe đò miền Tây, trong những chuyến phà vượt hai nhánh sông Cửu Long đi thăm người cha làm việc ở Sóc Trăng.
Loan, người con gái đã cho anh những cảm giác đê mê, rất nhẹ nhàng êm ấm khi anh và cô ta ngồi sát bên nhau trên chiếc xe đò chật chội. Cũng là Loan đã tặng cho anh chiếc phong bì chứa nhúm tóc của nàng để làm kỷ niệm lúc xa nhau khi gia đình nàng dọn lên Phan thiết. Ký ức cũng kéo Định về với Loan, người thiếu phụ, đôi mắt ngỡ ngàng, mừng rỡ, chạy vội đến với anh trên phà Mỹ Thuận trong buổi chiều chủ nhật của gần 30 năm về trước. Lúc đó Định và Loan, cả hai đã quá mừng vui vì ngẫu nhiên tái ngộ, vì thân thiết xa xưa, thời còn là hai đứa trẻ mới lớn… Để rồi không nhìn thấy ánh mắt bực bội, khó chịu của người đàn ông, chồng của Loan đang ngồi trên chiếc du lịch !…Tất cả là Loan đang hiện diện, đứng trước mặt mình đây sao?
Với hồi tưởng đó, Định đưa mắt ngắm nhìn Loan, người thiếu phụ đang đứng trước mặt mình, kỷ niệm đẹp vui trong ký ức đang hiện dần dần ra trong trí nhớ của Định. Sau khi đã xác nhận rõ ràng không phải người xa lạ mà là cố nhân, một lần mình đã thân quen xa xưa. Hơi chau mày, Định nhíu mắt nhìn Loan kỹ hơn như cố thu gom, tìm kiếm lại những dấu tích còn sót lại của Loan ngày xưa mà trí nhớ của mình đang diễn tả.
Thời gian ơi! Mau quá, đã gần 30 năm rồi, khoảng thời gian quá dài, trí nhớ cùn mòn vì hoàn cảnh, vì lăn lộn với sinh nhai, kiếm sống , vì thời thế đổi thay và cũng có lẽ cả vì tuổi già quên lãng đã cho Định nhìn thấy Loan có chút khác xưa, chính vì vậy anh đã không nhận được cố nhân ngay lúc ban đầu! Nhưng dù thay đổi thế nào thì bóng dáng của Loan hiện tại cũng dư đủ cho Định xác nhận được một vài điểm vẫn còn lưu giữ trên khuôn mặt, ánh mắt nhìn của Loan ngày xưa. Định nhớ lại đôi mắt Loan hơi buồn, pha cái ngơ ngác, cảm phục cuả Loan thường dành cho mình ngày xưa, ngày mà cả gia đình Loan đã coi Định như một đứa học trò khuôn mẫu, giỏi giang. Cố kéo sự tưởng tượng và ký ức mình về gần hơn một tí nữa, đã cho Định nhận rõ Loan ngày nay vẫn có đôi môi đều đặn, nụ cười dễ mến, cặp mắt hơi buồn của Loan, ngày còn là cô bé 15 tuổi. Chỉ có thế mà thôi! nhưng cũng quá đủ cho Định biết một sự thật đang hiện hữu trước mặt, hôm nay mình đã gặp lại được Loan trong lần tao ngộ lạ kỳ ở cái thành phố London hoa lệ, đông đảo này.
Hai người lại được ngồi với nhau, tâm sự về những đổi thay trong gần 30 năm thật dài, không biết gì về nhau. Trong khi cô con gái xin phép mẹ để một mình đi lang thang thăm phố phường. Loan cho biết lần gặp nhau trên Bắc Mỹ Thuận, lúc đó Loan vừa kết hôn được khoảng vài tháng rồi tiếp theo là những đổi đời thế sự đã mang vợ chồng Loan đến định cư tại Anh Quốc từ đầu năm 1979. Loan có 2 người con gái, người con gái út, là cô bé đang đi với nàng, sinh ra sau khi định cư tại Anh Quốc. Người con gái lớn sinh tại Việt Nam đã có gia đình và hai đứa con cũng định cư tai Anh Quốc. Điều làm Loan buồn đau nhất là sau khi đến Anh Quốc được vài năm gia đình bị đổ vỡ, hiện nay chồng của Loan đã có người vợ khác.
Định nhìn kỹ người thiếu phụ, người con gái mà một thời mình đã có khá nhiều ước muốn, thân thương, Loan vẫn còn đầy đủ dáng dấp của người đàn bà đẹp, tuổi hồi xuân. Vài lọn tóc thả dài, bập bồng trên vầng trán pha một tí ngây dại, trẻ trung của người thiếu phụ vẫn thích làm dáng với trang phục, phấn son…. Loan vẫn còn đầy vẻ sang trọng, thân thể vẫn lồ lộ nở nang với những góc cạnh làm đắm say đàn ông. Thỉnh thoảng Loan đưa bàn tay trắng hơi ốm, xinh xắn lên vuốt nhẹ mái tóc mềm mại, ép vào chiếc cổ trắng ngần, làm nổi bật khuôn mặt trái xoan đều đặn dễ thương. Đúng như vậy, thời gian đã qua gần 30 năm trôi qua nhưng Loan vẫn còn giữ được nét đẹp, hình như có chút hơi ngây ngô, nhiều cuốn hút dù ở lứa tuổi của người đàn bà gần 50.
Rồi những câu chuyện, kỷ niệm… xa xưa được nhắc lại, cả những vẻ ngây thơ, ngờ nghệch của Định, tuổi 18 cũng được Loan nói đến với những nụ cười thích thú cùng với chút ngượng ngùng của Định. Tình thân của hai người trở lại rất nhanh, Loan hỏi Định về nhúm tóc kỷ niệm xa xưa. Định buồn rầu cho biết, nó đã bị tiêu hủy cùng với tập nhạc bởi sự lo sợ vu vơ của lũ em gái sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975 rồi. Nhìn sự ân hận của Định, Loan nắm nhẹ bàn tay Định như để thông cảm, an ủi với sự mất mát ra ngoài ý muốn đó. Rồi tiếp theo, sự thân thiện, gần gũi, bạo dạn hơn trong những câu chuyện buồn vui của quá khứ được mau chóng trở lại với hai người. Những dại khờ, nhát nhúa mặc cảm của đứa bé bán báo, thằng con trai nhà nghèo mới lớn ngày xưa, được nhắc lại chi tiết hơn đã là những nụ cười vui cho cả hai người. Loan trách Định, ngày đó anh đã qúa nhát nhúa và khờ khệch nên đã không hiểu được những điều mà Loan mong muốn nơi anh, ngay từ khi nàng còn là cô bé 14, 15 tuổi…
Đúng như vậy Loan ạ, suốt khoảng thời gian quen biết em, ngay cả khi gặp vợ chồng em trên phà Mỹ Thuận, dù đã ra đời, đi làm nhưng anh vẫn chưa thoát khỏi cái dại khờ, non nớt của người con trai mới lớn dù lúc đó anh đã ở cái tuổi 25. Huống chi ngày đó với cái tuổi 16, 18, anh biết làm gì hơn là im lặng, ngượng nghịu dù có tí buồn đau khi biết phải xa nhau. Tình yêu nếu có, cũng chỉ là những thoáng qua, giấu giếm một tí tình si thôi em ạ. Em nên biết rõ rằng, ở khoảng tuổi đó, người con gái đã trầm lặng, già dặn hơn, cái trầm lặng tiềm ẩn sự khôn lớn, nồng nàn. Họ biết hình dung ra những hình ảnh lãng mạn trong tình yêu, cái lãng mạn đó không vu vơ, mộng tưởng mà có dáng dấp của cảm xúc thực tế. Họ muốn có những cuộc hò hẹn, biết cách làm dáng, cách giận hờn mang nhiều ý nghĩa để nắm giữ đối tượng của họ, sẵn sàng đón nhận, thưởng thức mùi vị ngọt bùi, đắm đuối của những nụ hôn… Tất cả những cái đó, người con gái bỏ xa, rất xa cái ngu ngơ, non nớt của những đứa con trai cùng lứa hay hơn họ một vài tuổi. Hãy hiểu cho anh, hiểu cho sự chậm phát triển của của phái nam, hiểu cho cái bất công của tạo hoá dành cho phái nam. Loan ơi, anh không phải là trường hợp ngớ ngẩn ngoại trừ đâu. Đó chính là lý do tại sao anh đã lơ là với ánh mắt đưa đẩy, và cả với lọn tóc tỏ tình mang nhiều ý nghĩa của em.
Nhưng Loan ơi, thời gian không thể đứng lại với cái tuổi ngờ nghệch đó mãi nơi anh, em ạ. Đứa con trai ngày xưa, ngớ ngẩn đó cũng lớn dần, mang theo những khôn ngoan từ những lăn lộn sinh nhai trong mấy chục năm qua, ngày nay anh đã là người đàn ông đúng nghĩa. Lần gặp em trên con phà Mỹ Thuận, với chồng em, anh đã thấy và hiểu rõ ít nhiều cảm giác buồn thương, tiếc nuối vì ngờ nghệch, chậm khôn lớn của mình rồi . Nhưng lúc đó đã muộn màng rồi phải không Loan?!. Hôm nay, với biết bao những dở dang trong đời, những bài học thua lỗ vì ngu ngơ đã làm anh khôn lớn hơn. Đã biến đổi anh, người thanh niên mới lớn, dại khờ ngày xưa thành một người đàn ông tạm gọi là từng trải rồi em ạ, anh đã khôn lớn, khôn lớn nhiều rồi. Anh đã thành một người đàn ông khá tự tin, kinh nghiệm trong tình yêu rồi Loan ạ. Nhìn lại em, nhan sắc dễ thương xa xưa, anh vẫn còn nguyên vẹn những cảm giác hấp dẫn, nồng nàn. Với anh bây giờ em hiển hiện là người đàn bà, một thiếu phụ vẫn còn toàn vẹn dấu tích đam mê, cuốn hút anh như xưa. Đúng như vậy, anh bây giờ, người đàn ông vẫn mang đầy thôi thúc cảm giác gần gũi em, dù muộn màng, để bù lấp sự dại khờ, khiếm khuyết của anh thời ngu ngơ xưa cũ .
Định nhẹ nhàng nắn vuốt thân thể, nét mặt, gò má của Loan muốn bù trừ cho những ham muốn ngày xưa chỉ vì mình ngây dại mà đã bỏ lỡ. Loan im lặng nhận những ái ân muộn màng đó, đôi mắt nhắm nhẹ như để hòa mình với ngây ngất và tưởng tượng về những cảm giác mà Loan đã từng mong đợi gần 30 năm về trước từ người con trai dại khờ mà Loan đã gửi tặng một nhúm tóc lúc chia tay. Còn Định cũng chẳng hơn gì, anh lịm người với cảm giác của người đàn ông gặp lại cố nhân mà mình đã từng si mê.
Cho mãi đến khi người con gái của Loan trở lại, hai người mới bước ra khỏi khoảnh khắc mê say trong lần tái ngộ ngẫu nhiên. Họ hẹn nhau ngày mai buổi chiều chủ nhật, Loan, một mình sẽ đợi Định ở chính nơi đây, dự tính sẽ đi với nhau, chắc chắn không có gì gò bó, cản ngăn họ với một ngày chủ nhật rảnh rỗi. Ngày cuối tuần, Định đang đơn độc ở một thành phố lớn, còn Loan cũng chẳng có gì lo lắng với gia đình, chồng con. Cả hai hoàn toàn tự do, sẵn sàng mở rộng tâm hồn và thể xác để nhận lấy những cảm giác nồng ấm mong bù lấp cho gần 30 năm quên lãng, xa nhau. Họ sẽ đến với tình yêu trong một dạng thức trọn vẹn, không một tí gì đáng gọi là vướng víu, cách ngăn. Cả hai đã quá dư đủ khôn lớn và già dặn của một người đàn ông từng trải với một người đàn bà vẫn còn đẹp, nồng nàn với yêu đương. Họ sẽ gặp lại nhau ngày mai,chiều chủ nhật và cũng rất có thể vào bất cứ lúc nào họ muốn trong tương lai.
Ngày hôm sau, chiều chủ nhật, ngồi trên chiếc xe bus Impérial hai tầng màu đỏ, độc đáo của London, Định vẫn mang trong lòng cảm giác phập phồng hò hẹn của tuổi trẻ ngày xưa. Đưa mắt nhìn những đám đông lũ lượt, dập dìu của trung tâm thành phố London, trên con đường Oxford dẫn đến quán cà phê hò hẹn với Loan. Cái cảm giác là lạ hơi run khi hò hẹn ngày xưa, thời còn tuổi đi học, mới biết yêu chợt đến với Định. Nhưng hình như ở một góc kín sâu nào đó trong lòng Định cũng có cái cảm giác ngại ngần pha một tí ăn năn của người đàn ông, khi nhớ đến vợ, người vợ đã dám buông bỏ biết bao nhiêu ngăn cách của gia đình, việc làm để đến với mình hơn 20 năm trước. Định cũng nhớ đến những đứa con ngoan ngoãn, vô tư luôn luôn nhìn về mình với cái khuôn của cố gắng, kiên trì… Tất cả những hình ảnh đó trở về trong tâm trí Định khi ngồi trên chuyến xe bus màu đỏ hai tầng của London để đến nơi hẹn hò với Loan.
Hình ảnh người vợ của Định hiện ra trong trí nhớ, gần ba năm yêu nhau trước khi cùng nhau bước vào tình nghĩa phu thê. Những hộp cơm trưa, những buổi hẹn hò, những sự chăm sóc, an ủi tinh thần dưới bóng dáng một người đồng hành khi Định gặp những khó khăn, thất bại…. Tất cả là những dấu tích của hy sinh đã giúp Định bước qua được những khó khăn trong nhiều chục năm chung sống. Những lúc chán nản vì thất bại, nhiều lần Định đã tưởng như đời mình phải rơi vào góc kẹt của buồn nản, buông xuôi vào những năm khổ ải, chán chường sau năm 1975.
Tiếp theo với gần 20 năm chung sống, nghĩa vợ chồng không một lời cãi vã, không một tiếng than van khổ cực…. Những cực nhọc, buồn vui của năm tháng khù khờ, non dại lúc hai đứa mới lấy nhau ở xứ lạ quê người. Những thành công khiêm nhường trong xã hội của chính Định cũng như của ba đứa con trong trường học. Tất cả là một bản hợp ca toàn là những đoản khúc hoan vui trong hạnh phúc gia đình dưới tài năng giáo dục của người vợ khuôn mẫu mà Định đã may mắn có được. Những cái đẹp đẽ đó, không phải tự nhiên mà có, cũng chẳng phải dễ dàng hiện diện ở một xã hội mà sự vỡ bể của gia đình được coi như rất bình thường. Niềm vui, tự mãn đó phần lớn nhờ bản tánh hiền thục, nhờ khéo léo cũng như nhờ tình yêu tuyệt vời của người vợ đã theo Định gần 20 năm qua.
Với suy nghĩ đó, cảm giác dằn vặt, lưỡng lự phủ trùm lên tâm tư của Định khi ngồi trên chiếc xe bus, chiều chủ nhật hôm nay đang đưa anh đến chỗ hẹn hò, nơi quán cà phê với Loan. Người tình lỡ của tuổi thơ ngây, bóng hình trong ký ức xa xưa của gần 30 năm thật dài nhưng vẫn còn nóng ấm trong lòng Định. Dáng vẻ sang trọng, lồ lộ quyến rũ của Loan hòa trộn với những cảm giác thương yêu xa cũ, dù mù mờ nhưng vẫn bừng dậy trong lòng Định trong lần tái ngộ bất chợt chiều hôm qua, đang thúc dục Định phải đến nơi hẹn hò để gặp lại Loan. Hình ảnh dễ mến của cô học sinh trong chiếc áo dài nhiều màu ngày xưa cũng lần lượt hiện về, xúc cảm mềm mại, âm ấm xác thân của cô bé tên Loan ngồi sát bên nhau trong những chuyến xe đò miền Tây ngày xa xưa đó cũng vẫn còn y nguyên trong trí nhớ… Còn hiện tại, Loan vẫn nét mặt trái xoan, vẫn đôi môi mềm hấp dẫn, vẫn dáng vẻ sang trọng của một thiếu phụ tuổi hồi xuân …tất cả là những gì mà người đàn ông không thể phủ nhận được đó là những tố chất khiêu gợi từ một người đàn bà vẫn còn đầy rẫy hấp dẫn, đa mê. Tất cả những cái của ký ức xa xưa và tưởng tượng trong hiện tại đã đang làm Định ngất ngây khi ngồi trên chiếc xe bus đến chỗ hẹn với Loan.
Chiếc xe bus đi vào con đường Oxford, không xa nơi hò hẹn với Loan. Quán cà phê đã hiện ra trước mắt, nơi chờ đón hai người gặp nhau. Nơi bước chân họ đến gần nhau trong ngày chủ nhật đẹp trời hôm nay. Nhưng bất chợt sự lưỡng lự đã làm Định ngồi yên, dù chiếc xe bus đã dừng lại ở trạm xe gần quán cà phê, nơi hò hẹn với Loan. Nhìn xuyên qua khung cửa kính xe bus, Loan đã ngồi ở chiếc bàn ngày hôm qua, nàng để mắt bâng quơ nhìn xa xa, chờ đợi. Định vẫn ngồi im lặng cùng với sự dầy vò, lưỡng lự đang cấu xé trong lòng mình, mặc dù âm thanh của cảm giác muốn sống lại với bóng dáng lỡ làng xa xưa vẫn đang bùng cháy trong lòng Định. Nhưng hình như nó đang bị hình ảnh người vợ hiền, thương yêu của Định hiện ra chấn áp. Rồi ánh nến ấm cúng bập bùng hạnh phúc vào những buổi tối vợ chồng quây quần với ba đứa con ngoan ngoãn cũng hiện về trong trí nhớ… Tất cả những cái đó lại sáng lên trong tưởng nhớ của Định, lại làm cho Định lưỡng lự, ngồi yên!
(Hình minh họa: Thomas Charters/Unsplash)
Chiếc xe bus vẫn chạy, nó vượt qua quán cà phê hò hẹn, dừng lại ở một trạm kế tiếp, Định cũng vẫn ngồi yên,vẫn mang cái tâm trạng băn khoăn, lưỡng lự trong lòng. Chiếc bus dừng lại tí chút cho vài ba người khách xuống lên rồi lại tách bến. Khoảng cách xa dần điểm hẹn lại mang đến cho Định sự tiếc nuối, thèm khát ái ân của người đàn ông trong một ngày chủ nhật cô đơn với một người tình một thời mình đã si mê. Định xuống xe, đi sang bên kia đường, đứng chờ một chuyến xe bus khác để trở lại khúc đường vừa đi qua với một quyết định, sẽ gặp lại Loan để trọn vẹn cuộc hẹn hò, tái ngộ và cũng để tìm lại những yêu si mà mình đã vì quá ngây ngô để lỡ làng của mấy mươi năm về trước.
Nhưng khi đến gần quán cà phê, qua khung cửa kính, Loan vẫn còn ngồi đó, vẫn bóng dáng hấp dẫn, vẫn đôi mắt bâng quơ nhìn xa xa đợi chờ… Định lại day dứt, hình ảnh vợ hiền, ba đứa con ngoan, hạnh phúc của hơn 20 năm lại hiện về, Định lại mất đi quyết định xuống khỏi chiếc xe dù nó đã dừng lại ở trạm gần quán cà phê, điểm hẹn hò. Chiếc xe dừng lại rồi lại tách bến, Định quay lại nhìn rất kỹ bóng dáng của Loan, người thiếu phụ, người tình lỡ xa xưa một lần nữa, lần cuối cùng như để khắc sâu vào ký ức bóng dáng của Loan, người tình trong trí nhớ mà Định không muốn quên, muốn gặp lại nhưng vẫn phải quyết định rời xa.
Buông tiếng thở dài, Định lấy tờ báo ra, đọc qua loa vài khung hình quảng cáo như muốn xua đuổi đi hình bóng của Loan, còn vương vấn trong nhãn quan của mình, nhưng cũng muốn biểu lộ một quyết định, một lựa chọn mà Định đã phải qua rất nhiều lưỡng lự, đắn đo mới có được. Sự lựa chọn đó đã đến nhờ hình ảnh của gia đình vào những buổi tối vợ chồng, ba đứa con cùng quây quần quanh những bữa ăn đậm đà đầy tiếng cười vui.
Đúng như vậy, Định đã lựa chọn, nếu còn một vài lưỡng lự nào khác có lẽ anh ước mong một lần nào đó, có thể 10 năm, 20 năm sau hay lâu hơn nữa, khi mà thời gian đã đủ để soi mòn thân xác của Định, của Loan không còn gì để mà nghĩ đến với những đê mê xác thân nữa. Lúc đó, có lẽ cả Định và Loan sẽ nhìn lại những kỷ niệm dưới nhãn quan trong thanh, đẹp đẽ hơn. Cả hai sẽ gặp lại nhau, tâm sự với nhau dưới một dạng thức thân ái khác, thân ái của tình bạn tâm giao, thân ái của tuổi già và kỷ niệm đẹp đẽ xa xưa mà thôi. Rất có thể lúc đó, có những tiếng hát đùa vui của một vài đứa cháu nội, cháu ngoại làm cho ký ức của cả hai người, Định và Loan phong phú hơn. Rồi cả hai sẽ mỉm cười để cùng nghe những âm thanh ngây ngô của lũ trẻ con như là một bản nhạc hoan lạc trong tuổi hoàng hôn, xế bóng.
Vâng, Định đã chọn lựa âm thanh hoan lạc đó để làm lỡ một cuộc hẹn hò với Loan, người tình lỡ tuổi mới lớn xa xưa. Định hy vọng Loan tha thứ cho anh, hiểu được ý nghĩa của sự lựa chọn mà Định vừa có vào buổi chiều chủ nhật, hôm nay, trên đại lộ Oxford của London. Một thành phố mà Định chợt thấy ở nó có cái gì níu kéo, khó quên.
(Switzerland, Zürich April 2024)