Đỗ Kim Thêm
14-6-2024
Vấn đề
Việc tòa án New York sẽ công bố mức án của phạm nhân Donald Trump vào ngày 11 tháng 7 năm 2024 và kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5 tháng 11 năm 2024 là hai diễn biến nội chính trọng đại của nước Mỹ, nhưng cũng sẽ là thách thức mới dành cho các nước khắp thế giới. Nhiều nước đang quan tâm, theo dõi và chuẩn bị tìm cách đối phó, trong đó có cả châu Âu.
Cho dù Trump sẽ nhận mức án như thế nào đi nữa và ai sẽ đắc cử tổng thống Mỹ, Biden hay Trump, đối với châu Âu, vấn đề ngoại giao và an ninh trong tương lai là chuyện sống còn, mà cụ thể là chiến tranh Ukraine, đến nay vẫn chưa kết thúc.
Quan tâm trước mắt của chính giới châu Âu là phải biết kết hợp hai chính sách cũ và mới sao cho phù hợp, để phục vụ cho lợi ích lâu dài. Châu Âu sẽ tiếp nối truyền thống hay phải thích nghi với tình hình mới là vấn đề sẽ được thảo luận ở đây.
Trump 2.0
Ngay trong nhiệm kỳ đầu Tổng thống, Trump tuyên bố rằng sẽ thay đổi vai trò căn bản của Hoa Kỳ ở châu Âu. Trump tỏ ra coi thường các đồng minh lâu đời và không dành thiện cảm đối với khối NATO và Ukraine.
Ngược lại, châu Âu luôn xem trọng vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc thi hành chính sách an ninh và muốn là Mỹ sẽ duy trì vai trò trụ cột. Tình thế đổi thay trước một tương lai đầy bất trắc, châu Âu bắt đầu có nhiều lo ngại.
Trong cuộc bầu cử ở Mỹ lần này, châu Âu tỏ ra bi quan không kém khi nhận ra rằng, nếu tái đắc cử, Trump sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại trước kia của ông ta. Do đó, để tìm cách ứng phó trước các bất lợi khôn lường sắp đến, châu Âu tự phải chuẩn bị cho mình một chiến lược chu đáo hơn.
Nhưng nhìn chung, nếu so với nhiệm kỳ đầu, Trump có hai thay đổi quan trọng.
Đầu tiên, về mặt nhân sự, đội ngũ cố vấn đối ngoại của Trump lần này sẽ rất khác biệt. Những tướng lĩnh và các nhà ngoại giao Mỹ có nhiều kinh nghiệm lão luyện trong mối quan hệ đối tác chiến lược xuyên Đại Tây Dương và xây dựng lợi ích của Mỹ, vì nhiều lý do khác nhau, sẽ không quay trở lại tham chính. Thay thế cho giới này là một thế hệ mới gồm các nhà hoạt động thuộc cánh hữu của đảng Cộng hòa và các tổ chức tư vấn. Hai nhóm này đều đang được đảng ủng hộ và sẽ tranh nhau vai trò lãnh đạo trong tương lai.
Nhóm đầu tiên là những thành phần tỏ ra kiềm chế, họ muốn đặt các ưu tiên về chính trị và ngân sách để giải quyết vấn đề nhập cư ở biên giới phía nam và sẽ yêu cầu cắt giảm mọi sự hợp tác về an ninh quốc tế. Ý kiến này được các tổ chức cựu chiến binh và các thành phần quân sự ủng hộ, mà cả hai vốn dĩ luôn hòai nghi về sự can dự của quân đội Mỹ ở châu Âu và Trung Đông.
Nhóm thứ hai là những thành phần muốn đặt các ưu tiên trong chính sách đối ngoại, nhưng đặc biệt là Mỹ phải tập trung ảnh hưởng ngoại giao nhiều hơn vào châu Á và Trung Quốc, trước mắt là tìm cách ngăn chặn việc Trung Quốc xâm lăng Đài Loan mà họ suy đoán là có thể xảy ra vào năm 2027.
Cho dù có những ưu tiên khác nhau, điểm ngạc nhiên là cả hai nhóm này cùng có một quan điểm chung: An ninh của châu Âu không còn là mối quan tâm hàng đầu của Mỹ vì các nước châu Âu phải chịu trách nhiệm của mình. Mỹ phải cắt bỏ các nguồn quân viện và triệt thóai các binh sĩ ra khỏi châu Âu, nếu không thi hành triệt để như vậy, thì châu Âu sẽ không bao giờ tự lực phát triển chính sách quốc phòng và an ninh.
Thứ hai, bối cảnh an ninh quốc tế và châu Âu đã thay đổi đáng kể ngay sau khi Nga tấn công Ukraine và phải xem đây là một cuộc chiến có tiềm tàng bùng nổ trên quy mô lục địa.
Tình hình chiến cuộc leo thang giữa Israel và Palestine ở Gaza, một lần nữa đã lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột ở Trung Đông. Nhìn chung, thế giới đang bùng cháy khắp mọi nơi, nhưng Mỹ phải đặt ra những ưu tiên để giải quyết. Dù chọn ưu tiên nào, Mỹ cũng phải tính đến chi phí cho châu Âu, nhiều hay ít.
Giới thân cận của Donald Trump đã lần lượt đưa ra một số lựa chọn cho nhiệm kỳ thứ hai: Mỹ sẽ rút khỏi khối NATO và hòa đàm trực tiếp với Nga. Nhưng cụ thể, Trump sẽ làm gì sau khi tái đắc cử, không ai biết rõ. Tuy nhiên, các kịch bản sau đây có thể đang được chuẩn bị.
Ukraine
Rõ ràng là Trump tin rằng, Mỹ không nên trở thành cảnh sát đạo đức của thế giới và không còn muốn cung cấp viện trợ cho Ukraine nữa. Trump muốn chấm dứt chiến tranh Ukraine, nhưng lại không quan tâm đến sự toàn vẹn lãnh thổ. Trump cáo buộc Biden đã lôi Mỹ vào cuộc chiến toàn cầu vì lý do tài chính. Lý do của Donald Trump là kho vũ khí của Mỹ nay đã cạn kiệt, vì chính quyền Biden dành quá nhiều ưu tiên cho chiến trường Ukraine. Tranh luận về một giải pháp quốc tế cho Ukraine đã trở thành đề tài gây phân hóa trong chính trị quốc nội.
Để giải quyết, Trump hứa sẽ xúc tiến ngay việc hòa đàm để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến. Thực tế, có nghĩa là Donald Trump đàm phán trực tiếp với Vladimir Putin để đạt thỏa thuận. Và thuận lợi chính cho Trump hiện nay là đã có tình bạn thân thiết với Putin.
Khối NATO
Donald Trump cho rằng Mỹ có quá nhiều cam kết để bảo vệ an ninh ở nước ngoài và đang bị các đồng minh lợi dụng triệt để. Đối với những người ủng hộ Trump, việc Mỹ rút quân khỏi châu Âu là hợp lý và là cơ hội duy nhất để thực hiện kế hoạch này. Việc yêu cầu các đồng minh trong khối NATO phải tuân thủ cam kết đóng đủ 2% chi tiêu quân sự chỉ là một khía cạnh của vấn đề.
Hơn nữa, để giảm thiểu vai trò của Mỹ, Mỹ nên buộc châu Âu phải nhận trách nhiệm điều hành khối NATO, có nghĩa là, Mỹ không mở rộng bất kỳ lĩnh vực nào mới và nhanh chóng giảm bớt sự hiện diện ở châu Âu.
Ngoài ra, Trump còn cáo buộc là Joe Biden làm suy yếu quyền tự chủ chiến lược của châu Âu bằng cách tăng cường đồn trú 20.000 lính Mỹ ở châu Âu hồi năm 2022 và tăng cường hỗ trợ phòng không của Mỹ.
Tóm lại, châu Âu phải tự tạo ra một cấu trúc an ninh mới, không lấy Mỹ làm trung tâm, quân đội Mỹ rút và sửa đổi các quy tắc của NATO. Từ nay, châu Âu lãnh đạo NATO và Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ.
Rút quân khỏi Trung Đông
Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tin rằng, kỷ nguyên can thiệp và xây dựng một quốc gia dân chủ theo kiểu Mỹ dành cho Trung Đông đã kết thúc và khu vực này không còn đóng vai trò ưu tiên.
Tuy nhiên, sau vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7 tháng 10 năm 2023, Tổng thống Joe Biden đã bị lôi kéo trở lại khu vực. Đảng Cộng hòa đồng ý hỗ trợ quân sự và chính trị cho Israel. Đồng thời, cả hai giới chủ trương kiềm chế và ưu tiên của Đảng Cộng hòa đều muốn tránh sự can dự trực tiếp của quân đội Mỹ vào khu vực. Cả hai đều muốn rút 3.500 lính Mỹ khỏi Iraq và Syria, những người có nguy cơ bị Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này tấn công.
Ngoài ra, Mỹ còn có các lo ngại khác: Iran ngày càng tác động mạnh hơn để tạo nên các cuộc khủng hoảng mới nghiêm trọng ở Trung Đông. Kể từ sau vụ sát hại ba lính Mỹ ở tiền đồn Jordan, người Mỹ muốn Mỹ rút quân. Nếu để quân Mỹ ở lại Iraq và Syria mà không có sứ mệnh quân sự nào rõ ràng, thì việc đồn trú này không giúp Mỹ an toàn hơn; trái lại, có nhiều nguy cơ tổn thất về nhân mạng và leo thang thành một cuộc chiến tranh quy mô.
Các phong trào cánh hữu liên kết
Xu hướng chung của các chính phủ châu Âu tự do là muốn kết hợp việc đề cao vấn đề bản sắc vào trong chính sách đối ngoại, thí dụ như Đức đã có các hướng dẫn việc đề cao vai trò nữ quyền trong chính sách đối ngoại và Liên Âu, sẵn sàng áp dụng các chính sách giáo dục và nhập cư một cách tự do hơn.
Ngược lại, đảng Cộng hòa luôn phản đối việc đề cao chuyên đề bản sắc trong các chương trình nghị sự. Các cuộc thăm dò cho thấy, vấn đề bản sắc và tính đúng đắn trong lập trường chính trị là đầu mối của sự phân hóa lưỡng đảng. Đảng Cộng hòa liên tục cáo buộc đảng Dân chủ bị ám ảnh nặng nề bởi chủ trương thiên về bản sắc và không công khai bảo vệ lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới.
Trong thời gian tại chức, ngoài Vladimir Putin, Donald Trump còn dành nhiều thiện cảm cho Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, là người nổi tiếng chống lại trào lưu nhập cư ào ạt. Mối thiện cảm này hiện đã lan rộng đến nhiều đảng viên Cộng hòa khác. Điều này có thể dẫn đến suy luận là tổng thống tương lai và ngay cả trong đảng Cộng hòa sẽ ngày càng thân thiết với Hungary và xem Thủ tướng Hungary tâm đầu ý hiệp về mặt tư tưởng hơn là với Pháp và Đức, hai quốc gia dân chủ có cùng truyền thống hợp tác với Mỹ.
Biden 2.0 sẽ không khác Trump 2.0 về chính sách công nghiệp
Lập luận chung cho rằng, nếu Joe Biden tái đắc cử, tình hình chung của Mỹ sẽ ít bất ổn và mối quan hệ quốc tế sẽ liên tục hơn nếu so với sự kiện Trump trở lại Nhà Trắng. Thật ra, dù ai cầm quyền đi nữa, Mỹ cũng phải đối mặt với một số biến động khác, nhất là trong việc thực thi các chính sách thương mại, công nghiệp chiến lược và cạnh tranh với Trung Quốc. Điểm ngạc nhiên là, về mặt hoạch định chính sách, viễn tượng Biden 2.0 sẽ không khác nhiều khi so với Trump 2.0.
Qua thời gian, về mặt kinh tế, đảng Cộng hòa và Dân chủ cùng có một tầm nhìn giống nhau, có nghĩa là, ít triệt để hơn để theo đuổi chủ thuyết tân tự do trong việc giải quyết nền kinh tế quốc nội hay quốc tế.
Do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tầm quan trọng của cử tri thuộc tầng lớp lao động ở các tiểu bang dao động, hai đảng cùng nhận ra rằng, vấn đề bảo hộ mậu dịch sẽ là giải pháp chính để tạo ra công ăn việc làm trong nước và thu hút các giới cử tri. Về mặt chiến lược phát triển, cả hai cùng xem một số ngành công nghệ nhất định là quan trọng như nhau và cân nhắc cẩn trọng có nên chuyển ra nước ngoài không.
Đối với vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ, dường như Trump bị ám ảnh nặng nề hơn. Trump cho rằng các thỏa thuận trong chính sách thương mại trước đây đã đưa Mỹ vào bẫy mà không mang lại công bằng, trong khi đó các đồng minh châu Âu giành được lợi thế kinh tế trước Mỹ lại còn được Mỹ bảo đảm an ninh.
Trong nhiệm kỳ đầu, Trump dùng mọi biện pháp thương chiến với Trung Quốc để làm giảm tình trạng thâm hụt thương mại. Trong chiến dịch tranh cử hiện tại, ông ta có hứa là sẽ tăng thuế đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc lên 10%, Trump dự định 40 điểm phần trăm đến 60 phần trăm.
Cho đến nay, Biden đã duy trì hầu hết các biện pháp của Trump trong việc làm tái cân bằng và xây dựng năng lực sản xuất của Mỹ. Thí dụ như thuế quan đối với nhôm và thép nhập khẩu từ châu Âu đã được Biden thay thế bằng hạn ngạch và hạn chế xuất khẩu tự nguyện. Hoa Kỳ vẫn chưa có ý định tham gia lại Hiệp định kế thừa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn đã bị Trump hủy bỏ, và cũng không quan tâm đến việc tạo ra một Hiệp định thương mại tự do với Liên Âu.
Thay vào đó, Biden theo đuổi một chính sách công nghiệp chiến lược mà mục tiêu là trợ cấp cho các ngành công nghiệp nội địa nào mà Mỹ muốn duy trì vị trí dẫn đầu. Một số chính sách quan trọng đã được Biden thực hiện trong nhiệm kỳ đầu gồm: Đạo luật đầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm; và Đạo luật khoa học và giảm lạm phát. (Infrastructure Investment and Jobs Act, der CHIPS and Science Act und der Inflation Reduction Act).
Trong nhiệm kỳ thứ hai, Biden cũng sẽ không thể làm khác hơn là tiếp tục giảm sự phụ thuộc kinh tế của Mỹ từ Trung Quốc.
Liên Âu thay đổi nhận thức
Về cơ bản, việc Nga xâm chiếm Ukraine đã làm thay đổi mức độ đe dọa an ninh đối với châu Âu và ảnh hưởng đến tương lai về chính sách an ninh và quốc phòng cho toàn lục địa.
Trước ngày 24 tháng 2 năm 2022, các cuộc tranh luận của Liên Âu về an ninh và quốc phòng thường xoay quanh các chủ đề nhắm vào việc phát triển khả năng xử lý khủng hoảng trong khu vực lân cận. Khi nhìn lại cuộc chiến ở Nam Tư cũ, ngay về mặt địa lý cũng phải nhận ra rằng, Nam Tư nằm ngay trước cửa Liên Âu, nhưng vào thời điểm đó, không ai cho rằng sự bất ổn tại Nam Tư sẽ tác động to lớn đến nền an ninh chung như chiến cuộc Ukraine ngày nay.
Do kinh nghiệm trong quá khứ, châu Âu có thói quen tập trung vào khía cạnh xử lý khủng hoảng hơn là chuẩn bị cho việc phòng thủ chung bằng các biện pháp quân sự. Cho đến nay, Liên Âu luôn xem khu vực Balkan, Trung Đông, Bắc Phi và vùng Sahara là các mối đe dọa gián tiếp và có thể được giải quyết bằng các cách xử lý thích hợp.
Khi Nga xâm lược Ukraine năm 2022, Liên Âu thay đổi triệt để nhận thức về mọi mặt: Hình ảnh tội ác chiến tranh của Nga xảy ra hằng ngày, làn sóng người Ukraine tị nạn ngày càng tăng, Nga đe dọa leo thang chiến cuộc bằng cách dùng vũ khí hạt nhân và hóa học. Do đó, Liên Âu nhận ra rằng Nga đang đe dọa trực tiếp đến vận mệnh lục địa. Nhưng phải làm để gì ứng phó trước tình thế là vấn đề.
Một mặt, Liên Âu tỏ ra đoàn kết hơn và đồng ý phải tăng cường chi tiêu quốc phòng. Mặt khác, tình hình đảo ngược làm cho việc Mỹ dự định rút khỏi châu Âu phải trì hoãn. Mỹ phải định hình lại khả năng phòng thủ của châu Âu và tìm kiếm sự hỗ trợ của châu Âu. Mỹ muốn dùng các thói quen cũ thời Chiến tranh Lạnh, nhưng lại muốn tìm sự hỗ trợ cho những nỗ lực của mình trong hoàn cảnh mới. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Châu Âu hiện nay không đủ khả năng phòng thủ để chống lại Nga ngoài khuôn khổ NATO, đặc biệt là liên quan đến việc răn đe bằng vũ khí hạt nhân.
Việc Nga tấn công Ukraine khiến cả Thụy Điển và Phần Lan thay đổi vị thế trung lập cố hữu và trở thành thành viên mới của khối NATO. Các nước Trung, Đông Âu và vùng Baltic luôn ngờ vực về ý chí và khả năng của Liên Âu trong việc răn đe Nga hay tự vệ. Tất cà các nước hầu như chỉ đặt niềm tin vào khả năng quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, điều khoản hỗ trợ của Liên Âu (Điều 42 (7) của Hiệp ước về Liên minh Châu Âu) tạo ra một cam kết chính trị không được xem là hỗ trợ bởi khả năng quân sự.
Nếu Liên Âu không thể tự bảo vệ mình trước sự xâm lược của Nga, thì không thể nói đến khả năng xử lý các cuộc khủng hoảng ở khu vực lân cận. Sau thất bại ở Balkan vào thập niên 1990, các quốc gia thành viên Liên Âu cam kết tại Helsinki năm 1999 là có thể triển khai lực lượng từ 50.000 đến 60.000 binh sĩ trong vòng 60 ngày và sẽ được duy trì ít nhất một năm. Sau khi Nga tấn công Ukraine, trong chiến lược của Liên Âu từ tháng 3 năm 2022 con số này được đưa ra là 5.000 binh sĩ.
Sự phân hóa đang đe dọa
Trong nhiệm kỳ thứ hai, Trump có thể mang lại những rủi ro cho Ukraine và khối NATO, cụ thể là rời bỏ khối NATO, cho phép Nga tấn công các thành viên NATO không hoàn thành nghĩa vụ đóng góp 2% và chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong vòng 24 giờ, tất cả các tuyên bố này đã gây hoang mang tột độ cho Liên Âu.
Nhưng hoang mang vẫn không đủ để giải quyết vấn đề, mà phải chuẩn bị ứng phó như thế nào. Cho đến nay, Liên Âu vẫn chưa ứng phó toàn diện trong kịch bản Trump 2.0. Cho dù đã có những sáng kiến riêng của từng quốc gia, nhưng thật ra vẫn chưa đủ.
Thí dụ như Đức, là nước trợ viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, Đức đã có nhiều đóng góp quan trọng. Đan Mạch đã cung cấp hỏa lực pháo binh cho Ukraine và Ba Lan hứa sẽ tăng chi tiêu quân sự lên đến 4% tổng sản phẩm quốc nội.
Tuy nhiên, những nỗ lực này không thể bù đắp được việc Mỹ ngừng hỗ trợ cho Ukraine. Trump có thể sẽ đề ra các sáng kiến khác về chính trị để tìm một giải pháp, nhưng không chắc sẽ tạo điều kiện cho tất cà các nước khác cùng tham gia giải quyết.
Nếu Liên Âu không đoàn kết chính trị, thì nhiều nguy cơ khác có thể xảy ra, có thể Trump sẽ gây chia rẽ Liên Âu để tạo thành một tình thế hỗn loạn, kết quả là Ukraine suy yếu, Liên Âu và khối NATO bị phân hóa. Đây là dự kiến mà Putin cũng sẽ cùng theo đuổi với Trump.
Trump sẽ gây áp lực buộc Ukraine phải chấp nhận một hòa ước trong điều kiện tương nhượng một phần lãnh thổ cho Nga, việc này sẽ gây ra tranh cãi trong Liên Âu và khối NATO. Theo các suy đoán hiện nay, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ ủng hộ; ngược lại, Anh, Pháp và các nước khác phía Đông sẽ phản đối giải pháp này.
Trong chiều hướng này, Đức sẽ đóng một vai trò quan trọng. Gần đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký một thỏa thuận song phương, hợp tác về an ninh vào tháng 2 năm 2024, trong đó Đức cam kết khôi phục chủ quyền lãnh thổ của Ukraine trong phạm vi biên giới Ukraine năm 1991, nhưng về mặt nội dung, đây là một lời tuyên bố về ý định hơn là có giá trị ràng buộc về mặt luật quốc tế.
Tất nhiên, với tính khí bất thường cố hữu, Trump sẽ còn làm nhiều chuyện ngoạn mục hơn, có thể là đi ra ngoài khuôn khổ giải quyết vấn đề Ukraine, mở rộng sang việc can thiệp trong các vấn đề khác như khí hậu, thương mại, Trung Quốc và xung đột Israel – Palestine.
Kết luận
Châu Âu đang hy vọng các kịch bản trên sẽ không xảy ra hoặc một kịch bản xấu nhất trong đó sẽ không xảy ra, nhưng cuối cùng đồng thuận được một kế hoạch an ninh chung là vấn đề then chốt. Đó là vấn đề cải thiện khả năng quân sự để bù đắp cho việc Mỹ rút quân và tạo khả năng hành động độc lập cho phù hợp. Thoả thuận chung tại Brussels hoặc thông qua các hiệp định song phương để đạt được các mục tiêu này là thách thức mới khởi đầu.
Cuộc chiến tranh của châu Âu với Nga, nếu xảy ra, năng lực phòng thủ quân sự là chuyện sinh tử. Châu Âu không chỉ lo bảo vệ Ukraine, lục địa mà còn phải tìm cách ngăn chận các phương sách mà Trump sẽ gây chia rẽ châu Âu trong các lĩnh vực chính sách khác.