(Một bài học sâu sắc cho cả hai)
Những ngày này, tôi đang bất mãn về cuộc hôn nhân của mình, người chồng sáng sáng ra khỏi nhà từ lúc tôi chưa ngủ dậy, tối khuya mới trở về, nhưng thu nhập chẳng khá khẩm gì, tình cảm thì cứ nhạt dần, không còn khái niệm tặng quà, cũng chẳng còn niềm vui mỗi khi chồng đi làm về…
Khi nghe nỗi niềm tâm sự của tôi, mấy cô bạn gái thân nghiêm túc phân tích vấn về rồi kết luận: “Sống với nhau nhạt nhẽo như vậy thì nên giải thoát sớm đi”. Chia tay hội chị em, trên đường về nhà, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc ly hôn. Bước vào nhà, nhìn căn phòng đơn giản mấy năm rồi không có gì thay đổi, tôi bỗng cảm thấy chán chường khó tả.
Đón con về, nó đánh đổ cả sữa xuống sàn nhà, rồi nó bày bừa đồ chơi khắp nơi khiến căn nhà đã chật chội càng thêm bừa bộn. Tôi chỉ lo thu dọn cái bãi chiến trường ấy cũng đủ mệt bở hơi tai. Đang vội vàng nấu cơm thì chuông điện thoại réo rắt, chồng báo tối nay về muộn, cả tuần nay anh ấy không về nhà ăn tối lấy một bữa. Tôi bực mình, thò tay nắm hai quai nồi định bắc xuống bếp thì bị rớt, tay tôi bị bỏng rộp cả lên.
Miếng nhựa chống bỏng ở quai nồi đã rụng ra từ lâu, tôi đã nói với chồng năm lần bảy lượt, nhưng mãi vẫn chưa sửa. Tôi tắt bếp, bước vào phòng, soi vào gương, đôi mắt trong trẻo ngày nào nay bỗng trở nên mờ nhạt và lấm tấm nếp nhăn. Cuộc sống gia đình thật đáng sợ, đã bao lâu rồi tôi không chăm sóc cho bản thân mình, mọi thứ chỉ xoay quanh căn hộ bé xíu và cậu con 3 tuổi. Tôi cần phải thoát khỏi cuộc sống vô nghĩa này, nhanh chóng rời xa khỏi đây.
Hai tiếng sau chồng tôi về, không thấy có cơm trên bàn, chỉ thấy tôi ngồi một mình trong bóng tối. Sao chưa nấu cơm? Sao phải nấu cơm? Tôi nấu đủ rồi, từ nay trở đi sẽ không nấu nữa. Sống thế này tôi không chịu được. Chúng ta ly hôn thôi. Anh nghe nhầm phải không? Em nói lại xem nào!
Lúc này con trai tôi bỗng cất tiếng khóc, anh ta chạy vội vào trong phòng bế con và cho nó uống sữa, ngạc nhiên hỏi dồn: “Sao đang sống tử tế lại đòi ly hôn?”. Tôi cười khẩy. Tối đó, tôi cố ý ngủ riêng. Theo kinh nghiệm của các cô bạn, ly hôn không đơn giản, nhiều thứ ràng buộc như tình cảm, tài sản, thói quen, vì thế nhất định phải có nghị lực mới làm được. Để có thể tiến hành thuận lợi, tôi cần thực hiện 3 điều:
Thứ nhất không nấu cơm nữa, tách sinh hoạt của hai người ra. Thứ hai không ngủ chung, không cho cơ hội làm lành. Thứ ba, kinh tế riêng rẽ.
Nằm trên ghế sofa mãi mà không sao ngủ được, tôi bật dậy viết đơn ly hôn. Tôi người Bắc, chồng người Nam, cùng nhau đến thành phố biển này, mua được căn nhà đứng tên tôi. Chồng tôi có một cửa hàng làm ăn có vẻ không khá lắm, nhưng dù sao đó cũng là tài sản của anh ta. Như vậy chia ra tôi sở hữu căn nhà, anh ấy lấy cửa hàng cũng là hợp lẽ. Con trai tôi nuôi, anh ta gửi tiền trợ cấp hàng tháng là ổn.
Hôm sau, khi đưa cho anh ta tờ đơn ly hôn: Tôi muốn tự do! Anh ta ngây người ra, tôi sốt ruột giục: Anh ký đi! – nói xong tôi liền cảm thấy mình có phần hơi quá đáng, liền đổi giọng – Lẽ nào anh không thấy chúng ta là người của hai thế giới? Chia tay tốt cho cả anh lẫn tôi… Một tuần sau, anh gọi điện cho tôi và nói: Anh ký rồi, chiều nay cùng ăn với nhau một bữa nhé. Vẫn chỗ cũ, anh sẽ đưa đơn cho em.
Hết giờ làm việc, tôi đi đến nhà hàng ven biển mà chúng tôi thường đến. Mấy hôm không gặp, trông anh gầy đi, ánh mắt ưu tư, râu đã được cạo nom sáng sủa hơn. Anh lặng lẽ đẩy cái phong bì đến trước mặt tôi, bỗng tôi thấy cay cay mắt, trong lòng có một cảm giác hoang mang khó tả. Đã đến rồi thì gọi chút gì ăn nhé, có thể đây sẽ bữa cơm cuối cùng của chúng ta.
Anh quay ra gọi người phục vụ: Cho một suất cơm thịt bò xào ớt, một bát canh nghêu. Đây đều là những món tôi thích nhất. Tôi ngồi im, anh bỗng nói với tôi: Bữa cơm cuối cùng này em có thể gọi cho anh món anh thích ăn không? Tôi bỗng bối rối, tôi chẳng biết anh thích ăn món gì. Trước giờ anh đều rất dễ tính, món nào cũng ăn được, món nào cũng thấy ăn ngon lành.
Anh thích món gì? Chẳng phải anh luôn ăn giống em hay sao? Anh lại mỉm cười, nói chậm rãi: Thực ra, ngần ấy năm, anh luôn ăn những món mình không thích. Em quên rồi sao, anh là người miền Nam, anh thích chế biến kiểu miền Nam, hơi ngọt chút. Anh cũng thích ăn cay nhưng em không thích nên đành thôi. Nghe anh nói, mặt tôi nóng bừng. Đúng là tôi chưa từng nghĩ đến việc hỏi anh thích ăn món gì. Lần đầu tiên biết anh thích ăn ngọt lại là lúc ly hôn, thật nực cười. Tôi muốn ứa nước mắt nhưng cố kìm lại.
Anh quyết định rồi, nhà, cửa hàng, mọi đồ đạc trong nhà đều thuộc về em, anh chỉ mang theo mấy quyển sách và vài bộ quần áo thôi. Anh định đi đâu? Hình như tôi thực sự chưa từng suy nghĩ nghiêm túc rằng chúng tôi sẽ sống như thế nào sau khi ly hôn.
Bố mẹ và bạn bè anh ở miền Nam luôn giục anh về quê làm ăn. Nhưng do em thích biển nên anh chiều theo em. Ở đây gió biển mang mùi tanh của cá, ăn đồ biển anh cũng không thích, công việc cũng chẳng sáng sủa gì, đã làm em thiệt thòi…
Anh nói gì thế? Em không phải ly hôn vì những thứ đó. Tôi không ngăn được nước mắt. Ly hôn xong anh sẽ về Nam. Sau này em sống một mình nuôi con sẽ vất vả. Anh để lại tất cả cho em. Cửa hàng dạo này kinh doanh cũng khá hơn trước, em lấy tiền đó tích lại, đừng tiêu linh tinh, để phòng khi cần có cái mà tiêu. Vậy anh thì làm thế nào? Đàn ông quăng đâu chả sống, không như đàn bà con gái, cả tin lương thiện, dễ bị tổn thương.
Tôi bỗng trào nước mắt.
“Đừng khóc!” – Anh đặt tay lên vai tôi, cử chỉ quen thuộc, vậy mà không hiểu sao lúc sống bên nhau tôi lại không hề nhận thấy tình cảm của anh. Anh phải đi rồi. Em biết không, mỗi lần gia đình bên em tụ họp đông vui anh đều cảm thấy trống trải. Anh cũng rất nhớ ba mẹ, họ cũng già cả rồi… Tôi bỗng thấy mình quá vô tâm. Anh là người đàn ông tốt, vậy mà đến tận giây phút này tôi mới biết sống với tôi, anh đã phải che giấu những cảm xúc không vui, những điều không hợp, chỉ vì tôi.
Sao anh không nói những điều này sớm hơn? Anh muốn em sống vui vẻ, không phải bận lòng vì những việc vặt ấy. Tôi thẫn thờ, một lúc sau tôi nói: Anh… Anh có thể không đi không? Chúng tôi bước ra khỏi nhà hàng, bên ngoài gió biển rất mát, tôi ngồi sau xe của anh đi về nhà. Tôi ôm chặt lấy anh, cảm thấy thật hạnh phúc.
Sự việc vừa rồi đã cho tôi một bài học. Sau khi kết hôn, những lo toan chuyện cơm áo gạo tiền khiến người ta ngày càng không có thời gian quan tâm tới nhau, nhưng đó thực ra không phải vì họ đã thay lòng đổi dạ, mà bởi cuộc sống cần phải vậy. Nếu mỗi người biết nghĩ cho người kia một chút, bao dung và nhường nhịn lẫn nhau một chút, gia đình sẽ êm ấm, hạnh phúc.
Xã hội ngày nay ly hôn càng ngày càng dễ, chính vì thế, chúng ta càng cần trân trọng, giữ gìn những gì đang có của hôn nhân phải không các bạn?
Bài & ảnh sưu tầm.
Hãy theo dõi trang để cập nhật nhiều câu chuyện nhân văn hay và ý nghĩa hơn, xin cảm ơn!