Về nạn ‘bảo hoàng hơn vua’

Ba’o Tieng Dan

Thái Hạo

2-5-2024

Thật không ngờ, khi tôi viết “anh em trong nhà đánh nhau” mà lại khiến nhiều người, trong đó có cả những người là nhà báo như ông Trần Quang Đại (báo Lao Động) lại tỏ ra khó chịu và hằn học đến thế. Không bàn đến việc ông Đại chỉ lên Wikipedia đọc lõm bõm vài thông tin méo mó rồi copy rất tự tin mà không hiểu về lịch sử của Hoa Kỳ cũng như lịch sử của chế độ nô lệ (ví dụ, ông Đại nói “Nước Mỹ đã tự đẻ ra tệ nạn nô lệ”!!!).

Cũng xin lưu ý, đây không phải là bài viết trao đổi với ông Trần Quang Đại, tôi chỉ nhân tiện một ý kiến mà viết bài nhằm chia sẻ với đông đảo những ai quan tâm. Bây giờ xin trở lại câu hỏi “Có chuyện anh em trong nhà đánh nhau hay không?”.

Ảnh chụp màn hình status của tác giả Thái Hạo

Không gì “thuyết phục” những người cuồng tín cho bằng phát biểu của chính nhà nước. Vì thế, có lẽ không cần và không nên dẫn chứng hay phân tích dài dòng, cũng không cần thiết đến cả việc nêu quan điểm cá nhân, tôi chỉ cần dẫn lại đây quan điểm chính thống của nhà nước từ bộ “Lịch sử Việt Nam” do Viện Sử học Việt Nam biên soạn và các phát biểu của các tác giả về bộ lịch sử này được báo Tuổi Trẻ tường thuật lại năm 2017, khi bộ sách ra đời. Đó là việc chính thức từ bỏ tên gọi “Ngụy quyền Sài Gòn” và thay bằng “Việt Nam Cộng Hòa, Chính quyền Sài Gòn, Chính thể Việt Nam Cộng Hòa”.

45 năm sau cuộc chiến tranh, sự thay đổi cách gọi này có ý nghĩa gì và vì sao? Xin trích ra đây phát biểu của một số tác giả trong bài báo đã nói trên: “Thừa nhận Việt Nam cộng hòa là bước tiến quan trọng”.

Ảnh chụp màn hình bài báo Tuổi Trẻ

– “TS Nguyễn Nhã cho rằng, về pháp lý quốc tế cũng như về mặt lịch sử, Việt Nam cộng hòa là một thực thể chính trị rất hiển nhiên không thể chối cãi. Có thể khi còn đấu tranh chính trị vì lợi ích chính trị thì không công nhận nhau cũng là chuyện thường tình. Song chính trị thì có thể thay đổi, nhất là khi đất nước đã được thống nhất và đang có nhu cầu thống nhất lòng người, đoàn kết dân tộc để phát triển hùng cường và đấu tranh chống các nguy cơ từ nguy cơ trở thành thuộc quốc hay nguy cơ tụt hậu”.

– “Từ năm 1954 – 1975 chỉ có chính quyền ở miền Nam Việt Nam mới có quyền quản lý Hoàng Sa và Trường Sa vì hai quần đảo này ở vị trí dưới vĩ tuyến 17, cũng đã từng được rất nhiều nước thừa nhận, nên chính quyền Việt Nam cộng hòa phải được chính thức thừa nhận mới bảo đảm tính pháp lý quốc tế liên tục”.

– “Ông Nhã cũng lưu ý rằng “Hiện nay có hơn 4 triệu Việt kiều trong đó các thành phần trong chính quyền Việt Nam cộng hòa cũng rất quan trọng. Công nhận Việt Nam cộng hòa sẽ tạo sự đoàn kết, hòa hợp hòa giải dân tộc, như ý nguyện lúc sinh thời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt”.

Không chỉ thế, theo ông Nhã, “… Thừa nhận Việt Nam Cộng hòa, Việt Nam chúng ta hiện nay có thể chính thức thừa hưởng gia tài rất quý báu về văn hóa giáo dục, kinh tế với cơ chế mà gần như cả thế giới hiện nay đang thực hiện. Đặc biệt như tôi đã phát biểu trong Đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Khoa học lịch sử Việt Nam rằng giới sử học ở miền Nam trước đây không bị ảnh hưởng về chính trị, hay quan điểm. Bất cứ nước nào tôn trọng giới học thuật, khoa học, nghiên cứu, nước ấy sẽ phát triển và ngược lại rất khó phát triển”.

– “Việc từ bỏ cách gọi “ngụy quân”, “ngụy quyền” và công nhận Việt Nam cộng hòa như một chính quyền độc lập là một bước tiến quan trọng trong việc hàn gắn những vết thương của người Việt sau chiến tranh. Mặt khác điều này có những tác động tích cực đối với việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng công pháp quốc tế”.

– “Các nghiên cứu này đã so sánh các cách thức, quan điểm khác nhau và đi đến kết luận rằng việc công nhận hai quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975 có lợi trong việc tranh biện pháp lý cho chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa trước Trung Quốc.

Và đó cũng là quan điểm có thể chấp nhận về mặt chính trị hiện nay, so với việc chỉ công nhận một quốc gia tại miền Bắc hay tại miền Nam.

Nhận định Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa là hai quốc gia cũng là điều được chấp nhận dưới góc độ luật pháp quốc tế theo nghiên cứu của nhiều luật gia quốc tế nổi tiếng”. (Hết trích).

[…]

Đến đây, tôi băn khoăn là có cần phải tiếp tục giải thích để ông Trần Quang Đại và những người như ông hiểu bản chất của vấn đề hay không, vì nó đã quá rõ ràng đối với bất cứ ai có chút tư duy lành mạnh. Thừa nhận chính thể VNCH và tất nhiên là phải từ bỏ “Ngụy quyền Sài Gòn” thì có nghĩa rằng ở đó có một chính quyền độc lập. Xin lưu ý hai chữ “độc lập”. Và cũng tất nhiên sẽ dẫn đến một sự thừa nhận rằng Mỹ hay bất cứ nước nào hiện diện tại miền Nam Việt Nam và được VNCH chấp thuận trong giai đoạn đó thì đều là ĐỒNG MINH của VNCH.

Sách sử chính thống của nhà nước đã thừa nhận VNCH bởi đó không chỉ là một thực tế lịch sử mà nó còn có ý nghĩa tiên quyết đến việc đòi lại chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo của chúng ta. Và còn hơn thế nữa, như đã lần lượt dẫn ra trong các trích dẫn ở trên. Ông Trần Quang Đại và những người như ông có hiểu được rằng chối bỏ chính quyền VNCH (không thừa nhận việc anh em đánh nhau) là đang tự lấy đá ghè chân mình?

Đáng ngạc nhiên là trong khi ở “thượng tầng”, vì biết đặt lợi ích quốc gia lên trên, nên đã rất hiểu vấn đề và có những thay đổi cần thiết trong quan điểm đối với VNCH, thì bên dưới, những người đang phục cho cái thượng tầng ấy như ông nhà báo Trần Quang Đại, lại tỏ ra sốt sắng và nhiệt tình đúng với tinh thần “bảo hoàng hơn vua”. Ông Trần Quang Đại đang muốn chứng tỏ điều gì? Tôi chợt nhớ đến câu “Làm tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại”.

***

Tôi không muốn tiếp tục bàn về bản chất cuộc chiến 1954 – 1975 vì nó đã được mổ xẻ quá nhiều, bởi chung quy có mấy quan điểm sau: Chiến tranh xâm lược/ chiến tranh ủy nhiệm/ nội chiến. Dù là quan điểm nào, thì như cách thay đổi tên gọi từ “Ngụy quyền Sài Gòn” thành “Chính thể VNCH” mà bộ Lịch Sử Việt Nam đã chính thức ghi nhận, thì nó cũng đã gián tiếp thừa nhận một cách hiển nhiên rằng có tính chất nội chiến. Và như đã dẫn, sự thừa nhận này có ý nghĩa lớn lao đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, bên cạnh đó là hàn gắn lòng người và kế thừa các thành tựu của chế độ VNCH về nhiều mặt, những điều sẽ góp phần vào sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều rằng, những người vì thiếu sự cập nhật hay vì giàu tính thể hiện để mong lấy lòng bề trên như nhà báo Trần Quang Đại, hãy: Thứ nhất, đừng đi ngược lại với “chủ trương” của chính nơi mà các anh đang phục vụ; thứ hai, phải biết tôn trọng lịch sử và đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên bằng một cái nhìn rộng mở, sẵn sàng từ bỏ những lối nghĩ thủ cựu và hẹp hòi.

Thời gian đã lùi xa nửa thế kỷ, chừng đó có lẽ đã quá đủ để nhìn lại quá khứ và nhìn thẳng vào thực tế trước mắt để có những ứng xử phù hợp. Và như chúng ta đã thấy, vì lợi ích quốc gia, chính nhà nước đã “xóa bỏ hận thù” với Mỹ, bắt tay làm thân, nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện, nhưng ông Trần Quang Đại vẫn muốn giữ mối hận thù, đặc biệt là thâm thù với VNCH, là vì sao thế?

Tiếp tục khoét sâu và gieo rắc thù hận, đó là sự nông cạn và có tội với dân tộc. Là những người có học thì nỗ lực hàn gắn và xây dựng tình đồng bào để cùng hi vọng cho một Việt Nam phú cường, thịnh vượng, phải là ý chí bao trùm lên tất cả. Nhưng trước hết, để có được tinh thần ấy, cần vượt qua những nhỏ nhen và toan tính cá nhân.

Trên đây hoàn toàn là “quan điểm chính thống” được phát biểu từ Viện Sử học Việt Nam mà tôi chỉ là người dẫn lại. Những ai quan tâm thì có thể đọc toàn văn bài báo trên Tuổi Trẻ tại đây, và xin nhớ cho đừng “bảo hoàng hơn vua” mà kéo lùi sự phát triển của đất nước.

_______

* Bài của nhà báo Trần Quang Đại: NGƯỜI MỸ ĐÃ “NHÂN VĂN VÀ QUẢNG ĐẠI” NHƯ THẾ NÀO?

– Ngày 29/4/2024, ông Thái Hạo viết trên Facebook cá nhân: “Anh em trong nhà, đánh nhau một trận, năm mươi năm sau còn ăn mừng chiến thắng. Đó là tiểu khí của người nhỏ nhen.

Người Mỹ đánh nhau, hai miền đều hạ vũ khí, không ai là kẻ thua trận, không ai bị sỉ nhục. Đó là phong độ của người quân tử: nhân văn và quảng đại. Không lạ khi Mỹ thành siêu cường.

Hòa giải chỉ có thể đến từ bên thắng cuộc. Thù hận hay ăn mừng, cả hai đều bít lối tương lai. Cờ quạt và lễ lạt chỉ chứng tỏ bụng dạ hẹp hòi, dân tộc không bao giờ lớn nổi”.

– Xin có vài lời thưa cùng ông:

+ So sánh khập khiễng: Nội chiến Mỹ (1861-1865) hoàn toàn khác với Chiến tranh Việt Nam (1954-1975). Một bên là cuộc chiến giữa 2 miền Nam Bắc Mỹ để xóa bỏ chế độ nô lệ, 1 vết nhơ trong lịch sử Mỹ.

Nước Mỹ đã tự đẻ ra tệ nạn nô lệ tàn khốc và vô nhân đạo, họ đã phải tự giải quyết bằng máu, sinh mạng của khoảng 750.000 binh lính cả hai miền (chưa tính thương vong của dân thường). Đây là 1 con số thương vong khủng khiếp so với dân số Mỹ lúc đó. Sử gia John Huddleston ước tính số người chết chiếm 10% toàn bộ số nam giới miền Bắc từ 20 đến 45 tuổi, và 30% đàn ông da trắng miền Nam trong độ tuổi từ 18-40.

– Còn Việt Nam, dân tộc này đã phải gồng mình để chiến đấu chống ngoại xâm, với sự hiện diện của ít nhất 500 nghìn lính Mỹ trên chiến trường miền Nam với những vũ khí và phương tiện chiến tranh tối tân. Người Mỹ đã “ban phát” cho Việt Nam 15 triệu tấn bom đạn, cùng với khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, đến nay bao nhiêu nạn nhân vẫn quằn quại đau khổ. Họ “nhân văn và quảng đại” như thế đó, thưa ông Thái Hạo.

– Người Mỹ không muốn nhắc lại nội chiến 1861-1865 là đúng, vì đó là vết nhơ đáng xấu hổ trong lịch sử của họ. Còn Việt Nam thì ngược lại, chúng ta có quyền mãi mãi tự hào về võ công oanh liệt chống ngoại xâm trong lịch sử dân tộc. Kỷ niệm chiến thắng để có động lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là điều đương nhiên của mọi dân tộc.

+ Thông tin sai lệch về lịch sử: Có phải sau nội chiến, nước Mỹ “không ai là kẻ thua trận, không ai bị sỉ nhục” như ông Thái Hạo viết?

– Không, sự thực hoàn toàn khác:

“Sau chiến thắng, Chính phủ Mỹ trấn áp mạnh tay tàn dư của quân đội miền Nam để đảm bảo dập tắt mầm mống ly khai. Tất cả binh sỹ của quân đội miền Nam đều bị giam giữ trong khoảng 2-4 năm cho tới khi một đạo luật ân xá được thông qua vào tháng 5/1866, và phải thêm 6 năm sau đó thì lính miền Nam mới được trao lại quyền công dân theo đạo luật ân xá năm 1872, tuy nhiên luật ân xá này không áp dụng với 500 chỉ huy quân sự cao cấp của Hợp bang miền Nam.

Các lực lượng tàn dư của Liên minh miền Nam cũng không chịu thất bại, họ tổ chức ám sát các quan chức miền Bắc để trả thù, mở màn bằng việc với sự kiện tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát ngày 14/4/1865, tiếp đó là sự ra đời tổ chức Ku Klux Klan vào 24/12/1865, một tổ chức chuyên khủng bố người da đen và cả một số người da trắng chống chế độ nô lệ…” (Wikipedia, mục “Nội chiến Mỹ”).

– P/s: Không rõ, ông Thái Hạo đã đọc qua những thông tin nói trên, ông không đọc hay ông đã đọc và đã quên, hoặc cố tình quên? Có những điều khắc cốt ghi tâm mà 1 công dân trong mối quan hệ với đất nước không được phép quên, thưa ông Thái Hạo!

 


 

Được xem 4 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay