Những ngày cuối của thủ đô yêu dấu-Truyen ngan

Ba’o Nguoi-Viet

April 22, 2024

Lâm Nguyễn/SGN

Sáng 28 Tháng Ba, ba cứ dẫn cả nhà đi tới đi lui. Tàu mỗi lúc mỗi ít mà người thì mỗi lúc mỗi đông.

Mình không nhớ rõ ràng từng chi tiết lắm nhưng cái hình ảnh mấy trăm ngàn con người ứ đọng lại trên bến tàu để giành giựt 1 chỗ trên tàu và thỉnh thoảng lại có những tiếng rơi nặng nề xuống biển thì không làm sao mình quên được.

Đám đông người Việt Nam chen chúc di tản tại phi trường ngày 29 Tháng Tư, 1975. (Hình: National Archives/AFP via Getty Images)

Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, bối rối, kinh hoàng, cùng quẫn. Kẻ đi tới, người đi lui, khóc lóc, kêu réo dội lên nghe thật dễ sợ. Mấy bao gạo sấy cứng như đá nhưng cũng được tụi mình chiếu cố tận tình. Suốt một ngày vất vả, lang thang khắp các xó xỉnh của bến cảng, đợi chờ, hy vọng rồi tuyệt vọng, cả nhà mệt lả. Mình tưởng như không thể nào đi nổi nữa (Lúc đó mình là đứa con lớn nhất trong nhà chỉ mới 11 tuổi).

Đêm đến. Người đến mỗi lúc một đông. Cả nhà đứng trên bến. Mình còn nhớ rõ lúc đó có một chiếc tàu đậu ở ngoài xa. Nhũng người đứng trên bến kêu la í ới nhưng chiếc tàu không vào được. Nếu lúc đó chiếc tàu tiến vào, mấy chục ngàn người mà ùa xuống, chắc chắn sẽ chết mấy trăm lần so với những ngày qua vì điều chắc chắn là chiếc tàu sẽ chìm lỉm.

Lúc đó có một người lính có lẽ vì hoảng quá đâm ra liều lĩnh nên nhảy đại xuống biển và cố gắng bơi ra chiếc tàu. Mặt biển tối sẫm nhưng cũng thấy đầu ông lúc trồi lên lúc chìm lỉm. Mọi người trên bờ hồi hộp theo dõi, thỉnh thoảng lại cổ vũ: “Gắng lên, gắng lên, gần tới rồi” và hàng trăm tiếng “Ồ” bật lên mỗi khi thấy ông ta bị chìm có lẽ vì đuối sức. Cứ thế mọi người kể cả tụi mình hồi hộp theo dõi nhưng cuối cùng ông ta mất tăm. Mọi người cũng chẳng còn hơi sức, tâm trí đâu để mà than thở, hay tỏ một câu thương xót cho cái chết bi thảm của ông. Hình ảnh ấy cứ bám riết tâm trí, ám ảnh mình suốt chuyến đi.

Ba dẫn cả nhà ra ngay giữa bến. Ngoài khơi có một chiếc tàu to đang tiến vào. Nhưng rồi nó cũng không dám vào sâu hơn nữa vì mỗi lần tiến lên được chút ít là “họ” từ trên núi pháo xuống mặt biển ầm ầm. Có một ông lính to cao mặc đồ bộ binh, mũ giáp đàng hoàng cầm đèn pin chớp chớp 3 cái một, hình như là để ra hiệu cho tàu vào. Thình lình ở phía bên phải bỗng chớp lên một vệt sáng dài như sấm chớp. Mình nghe tiếng ông ta hét to: “Pháo, nằm xuống”.

Ba dúi đầu tụi mình xuống. Cả nhà vừa kịp nằm dài ra là :”Ầm, ầm”. Lúc đó mình mới thật sự thấy khiếp sợ. Ngày hôm qua, tuy bị nhưng họ pháo rải ra, thưa thớt hơn và cả nhà ở trong một phòng kín. Còn bây giờ thì liên tiếp không ngớt. Tưởng chừng như bao nhiêu tiếng động kinh khiếp của trái đất đều đổ dồn vào đây. “Ầm ầm” liên tục làm mọi người không ngóc đầu dậy được. Tụi mình nằm im thin thít.

Người tỵ nạn cộng sản từ Đà Nẵng, Huế và các thành phố thất thủ khác của miền Nam Việt Nam, chen chúc hành lý trên xe buýt, cố gắng kiếm thức ăn và nước uống khi họ từ Thành phố Cam Ranh hướng về Sài Gòn (Bettmann / Getty Images)

Sau này nghe ba nói lại mình mới biết là lúc đó ba đã cố ý cho cả nhà nằm túm tụm vào nhau để lỡ có rủi quả nào rớt trúng thì bị hết cả nhà còn hơn là người còn người mất. Pháo cứ trên núi dội xuống trên đầu mọi người. Giữa bến không có một tàng cây hay một túp nhà nào. Mọi người buông xuôi, mặc cho may rủi. Nằm lồng lộng giữa trời để hứng những quả pháo không có mồm có mắt. Nghĩ lại mình còn thấy ghê sợ. Pháo vừa ngớt, ba kéo hết ra một cái hầm dầu ca-dôn. Nói là hầm nhưng thật ra đó là một đường ống giống như những cái cống chứa đầy dầu trơn nhẫy. Tụi mình phải nửa ngồi nửa đứng, hai tay bấu vào vách đá, lưng dựng vào vách này, chân bíu vào vách kia. Láng quáng sảy chân rơi xuống cũng chết. Mình không hiếu lúc đó hai cu Kỳ và Tí (5 và 3 tuổi) lấy sức đâu mà bíu vào vách đá như vậy. Tê dại cả chân tay đầu óc. Pháo gần khoảng 1 tiếng thì ngớt dần và ngưng hẳn. Lúc đó trời đã rạng sáng. Sáng 29/3.

Lúc này soát xét lại thì đồ đạc lẫn lộn đâu hết, chỉ còn một xách gạo sấy, 1 xách quần áo trong có cái radio cassette. Còn cái xách Boeing của nhà trong đựng những bộ quần áo quý của má thì mất tiêu. Nhưng cũng chẳng ai có vẻ tiếc rẻ (khi cả nhà mình vừa thoát khỏi cái chết). Còn hơi sức đâu mà nghĩ tới những chuyện vớ vẩn nữa.

Mặt trời lên. Một cảnh tượng hiếm có đập vào mắt mình. Trên bến la liệt những đồ vật, xe cộ, người bị thương, bị chết nằm ngổn ngang. Xe cộ nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Xen giữa những hàng xe cộ là đồ vật. Quần áo, ti vi, máy quạt, va-ly, túi xách, kể cả những đồ vật đắt tiền và thậm chí mình còn thấy cả những đôi hài, sandale, hoặc đôi giày cao gót của đoàn người di tản cởi bỏ và vất lại.

Ba má lại thất thểu kéo tụi mình ra đi. Dọc đường, mình thấy máu me và tiếng rên rỉ xin cứu vớt, xin nước của người bị thương vang lên không ngừng. Có một người đàn bà bị thương nặng, 4 đứa con vây quanh bà ta khóc lóc nhưng bà xua đi và nặng nhọc nói:
– Thôi mẹ gần chết rồi, mấy đứa con đi đi. Chạy theo họ chứ không là bị pháo kích nữa đó.

Bốn đứa nhỏ vùa chạy theo sau đoàn người nhà mình vừa quay lại nhìn bà mẹ và khóc nức nở. (Cảnh tượng này suốt đời mình không bao giờ quên được). Không biết máu của ai văng lên cái xách đồ mà dính be bét trên quần áo. Vào đến Cam Ranh, nhà mình mới hay.

Có người chết rồi mà mắt mở trừng trừng. Có người bị thương đau quá rên siết thật thê thảm. Có người nuốt nước mắt bỏ thân nhân bị chết ở đó và ra đi. Chưa bao giờ mình thấy đồ đạc nhiều như vậy. Đồ đạc nằm chỏng chơ trên cảng, lăn lóc ngoài đường. Giá lúc ấy có ai mà chụp được cảnh đó hẳn bức ảnh đáng giá ngàn vàng.

Khung cảnh cảng ngổn ngang, bừa bãi và vắng lặng vì bây giờ, sau trận pháo kinh thiên động địa, mọi người lại hoảng hốt ra đi. Đi về đâu? Cũng chẳng ai biết chắc họ sẽ đi về đâu. Nhưng thấy người khác đi, mình cũng đi. Cứ như những con kiến hoảng hốt bò quanh miệng chén nước sôi. Cùng quẫn, tuyệt vọng, bơ phờ, kinh hoàng, ngần ấy thứ in hằn lên từng khuôn mặt già cũng như trẻ.

Cứ đi, dù không có cái đích cuối cùng, kéo nhau đi hoài, đi hủy dù không có phương tiện. Cả nhà cùng đoàn người chạy loạn lại kéo nhau về Sơn Chà – Chợ Chiều. Từ Cảng Tiên Sa đi ra Chợ Chiều cũng 9, 10 cây số. Đi ngang dãy nhà ở Tiên Sa mà hồi xưa gia dình mình ở, mình thấy ở đó đã bi pháo dội đổ nát hết.

Lúc đó mình mới 11 tuổi, QG 9, Bé Ba 7, Bé Tư 6, cu Kỳ 5, cu Tí 3 và Bé Tí 2. Lại thêm bà Tuyên cùng hai đứa con: đứa 1 tuổi, đứa hai ngày tuổi. Thật là nheo nhóc. Ba thì xách đồ, chị Lụa bồng bé Tí, má bồng đứa con lớn của bà Tuyên, bà Tuyên bồng đứa mới sinh.

Ba dặn mình phải níu tay Bé Tư. Bé Ba đi với QG. Còn Kỳ và Tí thì đi sát bên ba. Lên đường, không phấn khởi, không tin tưởng, không có đích như những chuyến đi chơi. Tới đâu hay tới đó. Cả nhà mình như trôi đi trong một khối biển người khổng lồ, cuồn cuộn, nối tiếp nhau tưởng chừng như không bao giờ hết được.

Dọc đường đi, nhiều cảnh tượng kinh khủng đã đập vào mắt mình. Và người! Người từ Sơn Chà, từ Đà Nẵng lại đổ trở ra Tiên Sa.

Người vô kẻ ra. Đúng là môt bầy kiến vĩ đại đang bò quanh miệng chén nước sôi. Thật là bế tắc. Mọi người lại nhìn nhau bàng hoàng, ngơ ngác. Bây giờ phải đi đâu, đến đâu. Đứng im một chỗ cũng không thể bình tĩnh được nên phải chạy tứ tung ngoài đường. Rốt cuốc hàng đoàn người dài dằng dặc đi ngược chiều nhau, nhìn ngó nhau, thắc mắc, lo sợ và tuyệt vọng.

Có những cái đã in sâu trong óc mình. Mình đã gặp dọc theo con đường (ngay trước cổng vào khu hải quân ở Sơn Chà) một người đàn ông mặc bộ đồ thủy quân lục chiến nằm vắt tay lên trán, bên cạnh là chiếc xe Honda chất đầy đồ đạc. Trông ông ta có vẻ thản nhiên quá. Lại ngủ nữa à? Không ai biết được là ông ta đã chết rồi, người chạy loạn thương tình xếp lại tư thế nằm của ông cho ngay ngắn. Có thể giờ này vợ con ông đang đi tìm ông. Trông tư thế nằm của ông có vẻ vô tư quá. Trông như 1 bác nông dân đang say sưa đánh giấc sau khi làm những đường cày.

Tái bút:

Hành trình chuyến đi còn kéo dài đến hơn 10 ngày mới đến được Sài Gòn nhưng không hiểu sao lúc đó mình chỉ viết đến đây thì dừng. Tuy nhiên, cách đây vài năm, mình có nhớ lại nên viết kể tiếp về chuyến đi với đích đến cuối cùng là Sài Gòn. Chuyện cá Ông cứu thuyền là có thật. Năm 2018, mình đã đưa ba má ra đảo Bình Ba (ba má sau khi lục lọi trí nhớ đã xác định tên đảo) để thắp hương tại Lăng Cá Ông, cảm tạ Ông đã cứu chiếc ghe không bị lật chìm giữa biển.

Cuối cùng, điều mình muốn nói là qua chuyến đi chết chóc này, mình muôn vàn cảm tạ, biết ơn ông bà Tổ Tiên phúc đức đã che chở cho cả nhà toàn vẹn cho đến khi đặt chân lên đất Sài Gòn dù thân hình xơ xác, tiều tuỵ đúng nghĩa đen đầu trần chân đất.


 

Được xem 2 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay