30 THÁNG TƯ NĂM 1975 CHỊ Ở ĐÂU ?- NGUYỄN THỊ THÊM

NGUYỄN THỊ THÊM

C hị về nhà sau một ngày lang thang ngoài đồng. Con trâu đã vào chuồng ngủ yên. Chị lặn lội ra bờ ruộng cắt một gánh cỏ về sân hợp tác xã trình diện rồi đem vào chuồng trâu. Chị cũng không cần biết hôm nay mình được bao nhiêu điểm lao động. Cuộc đời chị như cái máy chạy theo những mắc xích vòng quay. Sáng trưa chiều tối, chị làm, chị sống, chị sinh hoạt như một cái xác không hồn. Chị đã mất tất cả niềm vui và nụ cười từ khi chị đặt chân lên mảnh đất này.

Chị bước vào nhà, buổi chiều đã buông. Ngoài sân mấy vồng ớt, nén, cà chờ chị cho tí nước uống. Nó cũng khao khát như chị. Nó muốn được sống, được hít thở khí trời, được ươm hoa kết nụ. Đứa con gái lớn bồng em lao ra mừng mẹ. Nhìn con, chị chỉ muốn khóc, muốn ôm nó vào lòng chở che, an ủi. Con ai đem bỏ nơi này. Tội thân con tôi. Đứa con gái có đôi mắt xanh thật đẹp, làn da trắng với những cọng lông tơ phơn phớt. Mái tóc vàng rối tung theo gió chiều. Bộ quần áo vải đã sờn vai, bạc màu. Quần ngắn ngủn để lộ ra cặp đùi trắng trái ngược với màu vải đã xám xịt xấu xí. Chị nhìn hai đứa con lòng như dao cắt. Đưa tay ra đón đứa con gái nhỏ, chị bảo con chị:

– Đem giỏ cơm vào nhà đi con. Mệ con đâu?

– Mệ đi qua nhà mụ Chắt. Nghe nói ngày ni bên nớ có kỵ.

– Ờ! Con đã ăn cơm chưa?

– Con đợi mạvề ăn luôn.

Chị vào nhà, ôm con bé em trong tay, xiết chặt con vào lòng, những đốt xương sườn cấn vào tay chị. Hai đứa bé vừa qua cơn bệnh nên đứa nào cũng gầy nhom, xanh mướt.

…..

Chị nhớ từ ngày chị về nơi này, vì khí hậu không quen nên mấy đứa con cứ khó chịu, nay đau mai yếu. Chồng chị đã theo lệnh triệu tập, cơm đùm gạo bới đi theo lệnh ủy ban chưa nghe tin tức gì. Con bé lớn cả tuần cứ ho. Mỗi lần cơn ho kéo tới cháu lại ói. Những thức ăn, nước dãi tuôn ra theo từng cơn ho. Nó rũ người xuống oằn oại thở không ra hơi. Nó đã trắng lại bị bệnh nên làn da trắng trở nên bạc phếch. Hai con mắt xanh lõm vào như cái hố bom. Nó cố gắng ngóc đầu nhìn chị ,đôi mắt mệt mõi, hơi thở khó khăn. Chị ôm đầu con vào lòng ứa nước mắt. Thuốc men đâu còn để lo cho nó. Làm gì có bác sĩ hay tiệm thuốc tây để mua. Con bé lớn đã vậy, con bé nhỏ lại nổi ban. Người sốt từng hồi, mặt mày đỏ bừng, hết sốt lại lạnh. Hai đứa con nằm rên hừ hừ trong sự bất lực của người mẹ. Má chồng chị dù bệnh cũng không thể nằm yên . Bảo chị phải xoa dầu cho con rồi nấu nước gạo rang cho cháu uống.

Buổi sáng chị cõng con lớn đi trạm xá. Con bé đã lớn lại cao, chị cõng con chân nó lòng thòng gần chạm đất. Con đường từ nhà đi lên trạm xá phải qua mấy xóm, bọc theo con đường dẫn ra ruộng tuốt mãi ở xóm Yên.Tới nơi thả con xuống cái ghế gỗ trước trạm xá là chị ngồi vật xuống thở dốc, dường như tất cả sức lực của chị đã cạn. Con bé rũ người ra như muốn té. Chị lại bật dậy đỡ con. Cô y tá mặc cái quần chẽn, áo trắng cổ bâu như dân công đi tải đạn. Cô ta bước tới rờ rờ đứa bé. Chẳng biết cô có kinh qua trường lớp gì hay không, chỉ biết cô là đồng chí hộ lý, là cán bộ y tế ngoài Bắc vào công tác. Phụ tá cô ta là con gái của lão chủ tịch xã, nghe nói đã tốt nghiệp lớp 2 trường làng ở đây. Loay hoay một hồi, cô ta ghi vào sổ tên họ chị và con bé. Mở lọ thuốc vạn năng, cấp cho chị vài viên Xuyên Tâm Liên bảo về canh chừng cho con bé uống. Thế là xong. Chị biết mấy viên thuốc đó chả tác dụng gì, nhưng vẫn nhận về. Vì chị cần giấy chứng nhận là con chị bệnh thật, để chị được tạm nghỉ lao động một ngày, không bị đem ra kiểm điểm và ghi vào sổ đen. Chị lại cõng con bé lớn về qua con đường hồi nãy đã đi. Chị lấy cái khăn trùm lên đầu con cho khỏi nắng và che luôn cho mình vì không thể đội nón lá.

Buổi chiều trước giờ trạm xá đóng cửa, chị lại bồng con em đi khám và cũng nhận vài viên Xuyên Tâm Liên như con bé chị. Lần này có thêm lời dặn dò: -“O nhớ tán ra cho hén uống”. Đi đi về về, hai chân chị muốn rã rời, hai tay tê dại, lưng mỏi, người ê ẩm mà hai con bé vẫn trơ ra, bệnh  càng ngày càng nặng. Chị nuốt nước mắt, nỗi uất nghẹn dâng lên làm chị không thở được. Tức ran cả ngực, cái đầu muốn vỡ tung. Mẹ chồng chị cũng đau thương không kém. Bao nhiêu chịu đựng, dồn nén khiến bà suy nhược, đau nhức toàn thân. Bà gục xuống nằm li bì . Một mình chị chăm ba con bệnh trong hoàn cảnh lạ người lạ quê. Con gà mái mới gầy, nhảy ổ được vài ba trứng, chị lấy nấu cháo cho mẹ chồng, cho con. Chị muốn thịt luôn con gà để hầm cháo mà mẹ chồng không cho:

– Thôi con! Để nó còn đẻ lấy trứng tẩm bổ cho cháu.

Một buổi tối. Chị ra giữa trời, nhìn lên bầu trời tối thui chị muốn hét to hết hơi sức của mình nhưng kịp thời dừng lại. Chị lấy tay quẹt nước mắt và nói với tất cả dồn nén trong lòng:

-Ông Trời! Tui bây giờ không còn gì hết. Hai đứa con tui, Ông muốn bắt đứa nào thì bắt một đứa. Đứa kia cho nó lành bệnh. Con ruột, con nuôi tui không phân biệt. Tui quá sức chịu đựng rồi. Tui không đấu với Ông nữa, xin Ông tha cho tui.

Chị cũng không biết sao chị lại nói những lời không đầu không đuôi, bất tôn, bất kính như vậy. Chị là Phật Tử, lúc nào cũng niệm Phật mà giờ chị lại ra sân nói chuyện với ông Trời. Buổi sáng, trời còn tờ mờ. Chị dậy sớm ra vườn hái đọt chè tươi nấu nước cho mẹ chồng. Hốt nửa lon gạo bắt cháo cho con. Ngồi khơi lửa rơm cho nồi cháo, ghế ấm nước chè bên cạnh chị nghĩ mông lung. Phải làm gì đây? Liều thôi. Sống chết có phần số. Không lẽ cứ bó tay đứng nhìn.

Chị ra vườn, hái tất cả những loại lá, loại rau mà chị biết. Đào ít cỏ gấu, giựt ít dây tơ hồng, cỏ vườn chầu, rễ tranh, lá chanh, lá ổi. Chị hái không kể số là loại gì và bao nhiêu. Chị đem tất cả xuống sông rửa sạch. chặt nhỏ, phơi hơi héo héo, rang thủy thổ rồi nấu nước cho mọi người uống. Hai đứa bé luôn cả mẹ chồng. Chị đã tới nước liều, chị cóc sợ điều gì xảy ra.

Thế rồi, như một phép lạ, cơn ho con bé lớn vơi dần và vài ngày hết hẳn. Con bé nhỏ dịu sốt và ban trắng từ từ lặn, để lại những mảng da đen đen. Mẹ chồng chị đã có thể dậy và ra chợ bán để kiếm cơm nuôi cả nhà. Sau cơn mưa trời lại sáng, các con chị đã có thể chăm sóc lẫn nhau, chị lại tiếp tục ra đồng hợp tác xã làm việc như bây giờ. Có lẽ ông Trời đã nghe chị kêu, đã đồng cảm với chị, cho chị một con đường để tiếp tục cuộc hành trình cam khổ.

…..

Chị vào nhà lấy cơm cho con ăn. Lựa khoai chị gắp ra một cái dĩa để mình ăn, còn cơm trắng đơm vào chén cho con. Mấy con cá sông kho với ớt đỏ lòm bắt mắt. Ở đây, người ta ăn ớt như không hề biết cay và con bé lớn chị không biết từ lúc nào nó có thể ăn ngon lành. Còn chị thì chỉ ăn cá, gạt ớt không ăn mà còn bị cay phỏng  cháy cả lưỡi. Chị múc nước tô canh rau tập tàng chan vào chén và đút cho bé em. Tội nghiệp mẹ chồng chị đã nấu sẵn trước khi đi có việc. Ăn xong, chị bảo con bé chị chơi với em để mạ gánh nước tưới ớt kẻo tối.

Chị gánh đôi thùng ra bờ sông. Hôm nay sao bến vắng lạ lùng, không có ai xuống tắm hay giặt giũ. Chị để đôi thùng trên mấy tảng đá rồi thọc chân xuống nước,nhìn ra mông lung. Sông Ô Lâu nước trong vắt, bên kia sông thấp thoáng nhà cửa và bóng người qua lại. Những con cá lội lững lờ dưới chân chị. Thỉnh thoảng lại đụng vào chân chị nhồn nhột. Có vài con tép nhỏ bơi qua về bình an, vô tư. Chị không biết mình nên buồn hay vui, nên khóc hay cười. Hôm nay, trong sân hợp tác xã chị đã nghe tin Sài Gòn thất thủ. Mọi người vui mừng hò reo. Mấy tên Cán Bộ hét lớn:

-“Quân ta toàn thắng, tăng ta ủi sập dinh Độc Lập rồi. Tướng Minh đã đầu hàng.

” Quân ta toàn thắng” Chị bước ra khỏi sân tập đoàn, tránh xa tiếng hò reo ồn ào. Nước mắt không chảy mà tim đập rất nhanh. Quân ta toàn thắng? Quân nào là quân ta? Quân nào là quân địch. Trong cái mớ hỗn độn đó chị nghe như có tiếng kêu gào, tiếng khóc dậy trời và những tiếng nổ kinh hồn của đạn pháo. Chị không biết cha mẹ mình ra sao? Anh em người nào còn, người nào mất. Còn thằng em út đi Hải quân có kịp về nhà, đã chết hay đã di tản theo tàu.

Con mắt chị mờ theo ánh nắng chói chang. Sài gòn thất thủ là chị còn cơ may tìm về cha mẹ. Tất cả đều đã xong hết, đã tận cùng. Đất nước và con người đã cạn kiệt sức lực vì hai chữ hòa bình và tự do. Máu đã đổ nhiều rồi, nước mắt đã chảy thành sông. Khăn tang cô phụ, thi hài tử sĩ, tiếng khóc mẹ già, nước mắt con thơ đã vang lên từ bao nhiêu năm.Thôi thì hòa bình cũng tốt.

Chị nghĩ như vậy và nghĩ đến con tàu Bắc Nam đem chị về nhà cha mẹ. Về mảnh vườn thân yêu quen thuộc. Chị lại được hít thở không khí tự do và đầm ấm gia đình.

Rồi chị lại lạnh cả xương sống khi nghĩ đến thực tế. Tự do ư? Rồi miền Nam cũng sẽ là Cộng Sản, cũng Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc. Cũng làm ăn tập thể, cũng hội họp thâu đêm, cũng chế độ tem phiếu, cũng bình bầu, cũng góp gạo nuôi quân, cũng nắm gạo bỏ hũ cho hội phụ nữ, cũng nắm gạo tích lũy cho đoàn Thanh Niên…

Cũng băng rôn, cờ xí trên mọi ngả đường, cũng cổng văn hóa mỗi đầu xóm nhỏ… Một miền Nam trù phú, rộng rãi, tự do phải đi vào hợp tác xã, phải quy nạp tài sản đất đai vào tập thể, phải lao động, chấm công, bình điểm. Chị không thể tưởng tượng được xã hội miền Nam sẽ đối phó như thế nào.

Bây giờ ngồi một mình yên lặng, chị thấy mình thật mâu thuẫn. Vui hay buồn khi Sài Gòn thất thủ, cha mẹ chị phải làm sao khi cả đàn con đều mang súng Quốc Gia. Còn chồng chị bao giờ mới về. Nơi này con sông Ô Lâu vẫn lặng lẽ trôi và buồn ngơ ngác. Ở quê nhà con sông Đồng Nai của chị có nổi sóng ba đào hay im lìm chịu đựng. Con đường về Nam hy vọng mới lóe lên đã tắt ngúm khi người kiểm soát người. Khi chế độ hộ khẩu và hệ thống kiểm tra lý lịch chặt chẽ gò bó người dân. Chị làm sao có đủ chữ ký và cái mộc đỏ chói từ ông đội trưởng hợp tác xã, hội Phụ Nữ đến Ủy Ban Nhân Dân xã, theo hệ thống các Ban Ngành kéo dài tới tỉnh để được phép về nhà thăm viếng  Mẹ Cha.

Nước mắt chị ứa ra, chị như con chim bị nhốt trong lòng không cách chi vùng vẫy.

– Mạ ơi! răng mà lâu rứa mạ!

Có tiếng con bé lớn gọi chị. Có lẽ chờ lâu không thấy chị về, con bé chạy đi tìm vì sợ chị gánh nước lên dốc bị té hay lấy nước bị hụt chân. Chị trả lời cho con yên tâm rồi quảy đôi thùng xuống sông lấy nước.

Tháng Tư, ngày 30 sẽ là điểm mốc của lịch sử Việt Nam. Chị đã chứng kiến Đà nẵng hỗn loạn, tan tác trong ngày bỏ ngỏ. Chị biết Sài gòn sẽ còn ghê gớm tang thương hơn. Ôi thành phố hoa màu, Hòn Ngọc Viễn Đông sẽ chìm trong biển lửa. Chạy trốn nơi đâu, thoát thân cách nào. Toàn bộ VN đã nhuộm màu cờ đỏ. Thế là đã hết, đã chấm dứt thể chế Quốc gia. Nơi đây không một tin tức từ bên ngoài. Chỉ nghe vang vang tiếng loa phóng thanh từ Ủy Ban xã và tiếng nhạc rền vang cao thấp  âm hưởng lạ kỳ. Bầu trời thì cao rộng mà con người nhỏ bé lạc loài vô vọng.

Mấy chục năm đã trôi qua. Ngày 30 tháng tư năm đó anh ở đâu? Chị ở nơi nào? Tôi trả lời cho câu hỏi mà mọi người hỏi thăm nhau mỗi dịp tháng tư  đen. Ngày đó tôi ngồi bên bờ sông Ô Lâu khóc cho vận nước, khóc cho chồng, cho mình, cho con. 30 tháng tư năm nay tôi đang ở California nước Mỹ. Hai đứa con gái ngày xưa bây giờ là những phụ nữ trung niên, con cái đầy đủ. Chồng tôi đi tù hơn 8 năm đã được thả về với thân thể và tâm hồn rách nát. Anh đã hoàn toàn mất hết súng đạn với nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hiện tại anh đã từ giả cuộc đời, ra đi yên nghỉ.  Còn tôi, người vợ lính ngày xưa chờ chồng tù tội trở về, bây giờ đã trở thành một bà già yên phận ở tuổi thất thập có dư. Tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ đối với gia tộc là sinh cho anh thêm hai thằng nhóc con. Bây giờ hai thằng nhóc đó đều là hai người lính trong quân đội Hoa kỳ. Một thằng Không Quân, một thằng dưới biển.

Vâng. Tôi đã kể câu chuyện của tôi trong ngày 30 tháng 4 năm 1975. Còn anh, còn chị, còn các bạn. Ngày 30 tháng 4 năm đó đã làm gì? Ở đâu?

NGUYỄN THỊ THÊM


 

Được xem 4 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay