Tác Giả: Nguyễn Văn Lục
16/04/2024
Sau người Pháp, chính quyền nay tính đến chuyện người Việt gốc Hoa.
Đây là bụi cỏ dại lớn nhất, rộng nhất, ảnh hưởng nhất đến nền kinh tế cần phải được nhổ. Báo chí đồng loạt lên án, tố cáo nạn đầu cơ, tham nhũng. Thực phẩm khan hiếm, giá cả gia tăng đều là do bọn thương gia tích trữ, đầu cơ, tạo ra khan hiếm giả tạo nhờ đó lên giá làm giầu
Đợt càn quét đầu, nhà nước đã bắt giam hơn 100 thương gia người Tầu có máu mặt trong thành phố nội trong hai ngày. Một quỹ của người Tàu đã quyên được 4 tỉ đồng trong một buổi họp bí mật tại một nhà thương gia trong Chợ Lớn… Người Tàu Chợ Lớn tìm cách phản công bằng cách nhờ cậy đàn anh là Trung Cộng can thiệp và tẩy chay Việt Nam. Đây cũng là đầu mối sau này có nạn đi bán chính thức và nhân cơ hội đó, nước Tàu lấy cớ để gây hấn và để gây một thứ chiến tranh mới mệnh danh là cho “Việt Nam một bài học”.
Đặng Tiểu Bình đã nói với các nhà báo ở Bắc kinh như thế này: “Chúng tôi có thể dung thứ việc Liên Xô có 70% ảnh hưởng ở Việt Nam, miễn là 30% dành cho Trung Quốc’’. Lần khác, Đặng Tiểu Bình nói: Trung Quốc là NATO phương Đông, và Việt Nam là Cuba phương đông.
Bài học khá là nặng. 4 tỉnh phía Bắc VN bị phá hủy đến như bình địa. Nước uống bị nhiễm dộc. Trẻ con bị rạch mặt, cắt tai cho nhớ đời đến 50 năm về sau.
Bài học “dạy cho Việt Nam một bài học” cũng làm cho các nước trong khối ASEAN (The Association of Southeast Asian Nations) như Thái Lan, Phi Luật Tân, Singapore lo ngại. Thái Lan trước đây lo ngại VN xâm chiếm, nay thì có nỗi lo ngại lớn hơn: Nước Tàu.
Trước khi dạy cho VN một bài học, họ đã dùng đủ mọi biện pháp sức ép trên chính quyền Hà nội như:
- Ngay từ 1975, cắt viện trợ không hoàn lại. Tất cả những công trình xây dựng ở VN gần như ngưng lại.
• Cắt viện trợ và cắt sự giúp đỡ các trang thiết bị, tháng 6/1978
• Rút Đại sứ Tầu về nuớc với lý do đau ốm. 1978
• Yêu cầu VN đóng cửa các toà lãnh sự tại Quảng Châu v.v…
• Trả về các sinh viên VN đang theo học tại nước Tàu.
• Cắt đứt đường xe lửa giữa Việt Nam và nước Tàu vào ngày 22/12/1978
• Sau này, 31/7/1978 ông Hua Kuo-Feng ủng hộ Cam pu chia: “Cuộc chiến đấu của các ông là chính đáng và cuối cùng các ông sẽ chiến thắng, chúng tôi ủng hộ các ông’’
Mối bang giao trở nên căng thẳng đến độ đi đến quyết định cho VN một bài học. Thật ra bài học này trở thành một bài học cho cả kẻ cho và kẻ nhận bài học.
Thảm họa đã không tránh được vì người Tàu đã mang quân sang xâm chiếm nước ta vào sáng sớm ngày 17 tháng 2, 1979. Suốt dọc biên giới 1300 km, 20 vạn quân Tàu theo báo ngoại quốc và 60 vạn theo báo trong nước đã làm cỏ, phá tan hoang bốn tỉnh biên giới là Cao Bằng, Lào Cay, Lạng Sơn và Móng Cáy. Ngay từ 24 giờ đầu tiên, quân Tàu đã xử dụng chiến thuật biển người. “Ở chiến trường Lạng Sơn, đồng chí Lê Canh, ủy viên chính trị tỉnh cho biết: Chiến thuật biển người thật khủng khỉếp. Bộ đội ta đã bắn giết hết lớp người này đến lớp người khác hằng giờ đồng hồ. Cuối cùng thì quân đội ta phải rút lui’’.
Chỉ hai tuần lễ sau của cuộc chiến, tức ngày 5/3, chính quyền VN ra lệnh tổng động viên: tất cả công dân từ 18/35 đối với phụ nữ, 18/45 dối với đàn ông đều phải sẵn sàng tham dự chiến đấu. Cụ thể là mỗi ngày phải dành hai giờ luyện tập quân sự. Cả một dân tộc sẵn sàng chiến đấu.
Và đến ngày 20 tháng ba, tờ Nhân Dân đã chạy một hàng tít lớn: Chiến thắng. Vâng, nhưng với biết bao hy sinh về người và tài sản. Cho đến nay, chưa ai biết rõ thiệt hại nhân mạng người VN là bao nhiêu.
Về phía người Tàu thì Đặng Tiểu Bình vẫn còn cay cú vì thất bại không dạy nổi cho VN một bài học đã tuyên bố: “Chúng tôi biết rằng cuộc phản công tháng hai vừa qua vẫn chưa đủ để dạy cho VN một bài học. Vì vậy, một phản công mới trong tình trạng tự bảo vệ mình một cách chính đáng không phải là không có thể xảy ra” và Đặng Tiểu Bình kết luận: Chúng tôi dành cái quyền lại có thế bắt đầu… Họ Đặng còn tuyên bố tiếp: “Quân đội của Bắc Kinh có thể tiến thẳng tới Hà nội’’ Nói cương vậy thôi. Trên thực tế, người Trung Quốc phải nhìn nhận đây là một cuộc thua trận về mặt quân sự. Không thể nói khác được.
Theo giáo sư Philippe Devillers, trong lúc mà chiến tranh Việt Nam-Tàu đang ở lúc cao điểm là tháng giêng 1979, bộ ngoại giao chính phủ Tàu đã gửi ít nhất là cho 7 nước Âu Châu một kháng thư như sau: “Chúng tôi yêu cầu các ông chấm dứt mọi giúp đỡ cho VN. Nước Tàu sẽ coi mọi sự giúp đỡ cho VN là một hành vi gây hấn và sẽ gây ra những hậu quả”.
Phải chăng, do áp lực của Tàu mà chính phủ Carter của Mỹ đã thiếu hẳn một đường lối rõ rệt trong việc thiết lập lại bang giao với Việt Nam. Xin nhắc là Chính Phủ Carter đã có ý định thiết lập lại bang giao với Việt Nam vào mùa thu 1978, nghĩa là trước khi quân Tàu tràn sang xâm chiếm VN, sau đó đã bất thần bãi bỏ mọi thương thuyết về vấn đề này. Mỹ đã chọn quyết định bình thường hoá với Trung Quốc và gác sang bên việc quan hệ bình thường với Việt Nam. Vì thế, trong khi gặp Carter ở Washington. Đặng Tiểu Bình đã tỏ ý sẽ tiến công vào Việt Nam và không gặp phải phản ứng bất lợi nào từ phía Mỹ. Và sau đó Mỹ đã đưa ra 6 biện pháp xử sự trong trường hợp Trung Quốc xâm lăng Việt Nam.
Tuyền là những biện pháp bất lợi cho Việt Nam như bất can thiệp, Việt Nam phải rút khỏi Campuchia, cuộc xung đột không đe dọa lợi ích của Mỹ v.v… — Hồi ức của ông Trần Quang Cơ (1).
Ông Phan Hiền đáp lễ lại: “Chúng tôi nghĩ rằng nước Tàu phải suy nghĩ lại hằng triệu lần trước khi quyết định tiến hành một cuộc gây hấn mới’’.
Còn ông Võ Văn Kiệt đã có lần than thở: “Mình bị nó lừa nhiều quá. Tôi nghĩ Trung Quốc chuyên là cạm bẫy.”
Còn Ông Tô (Phạm Văn Đồng) vốn người điềm đạm cũng đã phát biểu: “Mình hớ, mình dại rồi mà còn nói sự nghiệp cách mạng là trên hết, còn được hay không thì không sao’’
Nhưng theo Alain-Roux trong cuốn Le casse-tête chinois, bộ chính trị Tàu đã phê phán nặng đường lối của Đặng Tiểu Bình trong một buổi họp tự kiểm thảo vào ngày 14 tháng ba 1979. Nhưng thực tế thì đường lối cứng rắn của ĐTB đối với VN vẫn được thi hành và thực hiện như người ta đã thấy sau này.
Nói cứng thì như vậy, nói ngoại giao thì như vậy. Nhưng thực tế Đại tướng Wu Hsiu-Chuan, Tham Mưu Trưởng của Tàu đã nhìn nhận chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn trong việc đánh sang Việt Nam. Ông nói thêm, một trong những khó khăn đó là, chúng tôi cần những tin tức phóng ảnh địa hình, địa lý chính xác hơn.
Không lạ gì sau này, chính phủ Tàu yêu cầu chính phủ Mỹ giúp đỡ kỹ thuật để canh tân quân đội Tàu.
Phiá chính quyền Cộng Sản thì chỉ rêu rao hai cuộc chiến thắng chống đế quốc Pháp và Mỹ. Nhưng nể mặt, chưa bao giờ dám xác nhận là đã chiến thắng nước Tàu. Việc đó cũng chẳng khác gì cái lễ phải giữ của các vua chúa thời xưa. Tây Sơn, Nguyễn Huệ cũng đã vang lừng truy sát quân nhà Thanh, sau đó đã không quên cái lễ thần phục. Vẫn phải nể mặt.
Dù sao, những diễn tiến cuộc chiến tranh này cũng chỉ là câu truyện sau này để từ đó chúng ta rút ra nhũng bài học.
Cuộc bắt bớ truy lùng gian thương vẫn tiếp tục một cách quyết liệt và mạnh mẽ trong thành phố cũng như tại các tỉnh. Loa Phóng thanh, các đoàn thanh thiếu nhi quàng khăn đỏ đi ngoài đường với biểu ngữ, hô hào, đả đảo gian thương. Nhà nào có xe hơi, có tý máu mặt nay sợ xanh mắt. Trước cửa nhà tôi ở đường Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận, có hai ông bà già mở một quán chạp phô trong một túp lều với mấy mái tôn che nắng. Ông bà cụ là người mua bán, cho mua chịu, có thể cho vay lãi cho các gia đình nghèo túng trong các hẻm Nguyễn Huỳnh Đức. Căn nhà được canh gác ngày đêm, dở trần nhà, đào đất sàn nhà để tìm kiếm vàng. Chẳng hiểu kết quả ra sao? Phần gia đình tôi sợ xanh máu mặt vì ở đối diện nhà ông bà cụ, lại có phần khá giả hơn nhiều. Phúc tổ bảy mươi đời không sao cả. Chỉ lén lút mang xe hơi của người anh để lại đậu xa nhà. Vậy là xong. Một hai bữa sau, chiếc xe đã bị làm thịt tanh banh, tách bách. Chỉ còn cái khung xe hơi.
Người ta cũng dựng lên một thứ toà án nhân dân đặc biệt để xử những con buôn đầu cơ, trục lợi. Hình phạt có thể từ ba năm tù đến án tử hình cộng với tịch thu toàn bộ tài sản. Cuộc truy lùng bọn đầu cơ tích trữ này kéo dài mãi đến tháng 6 năm 1976. Trong một vụ án vào tháng 6, năm 1976. Tòa án nhân dân đã đem xử 6 thường dân và 6 cán bộ. Trong đó, một trong những người bọn họ bị kết án tù chung thân và tịch thu toàn bộ tài sản. Những người khác từ 8 đến 20 năm tù. Riêng 6 cán bộ thì bị nhẹ hơn từ 6 tháng tới 15 năm tù.
Tiếp đến là các ông vua xuất cảng lúa gạo, vua thép, vua cà phê, vua vải vóc lần lượt bị bắt. Ở các tỉnh như Bạc Liêu đến lượt các vua nhà máy xay thóc. Có ông có đến 100 nhà máy xay lúa, ông khác cất dấu, nói một cách chính xác là 3740 hạt kim cương. Các ông vua con đó nay lần lượt rủ nhau vào tù. Từ vua vựa cá, vua xi măng, vua thép gai, vua hải sản, v.v…
Không lúc nào mà số phận mấy ông vua khổ sở như lúc này. Nhưng người ta cũng ngại nhấn mạnh đến tên các chú Ba Tàu, vì ngại sự dòm ngó của Bắc Kinh.
Các ngả đường vào Chợ lớn bị chặn để ngăn chặn tẩu thoát tài sản, vàng bạc châu báu và tiền bạc. Những rào cản đặt ở một số đường lục soát người ra vào. Quý kim và vàng bạc bị tịch thâu. Tiền bạc không được quá số 50 chục ngàn. Sau Chợ Lớn đến lượt Gia định vào những ngày sau đó.
Thứ hai 22 tháng 9, 1975, một ngày không như mọi ngày — Đây cũng là một ngày đáng ghi nhớ. Ngay chiều chủ nhật, người ta đã chờ đợi một thông cáo quan trọng vào lúc 10 giờ tối. Có lệnh giới nghiêm trên toàn thành phố. Bộ đội canh giữ khắp nơi. Thông cáo cuối cùng được dời đến 5 giờ sáng thứ hai.
Hóa ra có lệnh đổi tiền. Mỗi gia đình được đổi tối đa 100.000 đồng. Một đồng tiền mới tương đương 500 đồng tiền cũ. Và chỉ được lãnh trước 10 ngàn đồng. Số còn lại do nhà nước giữ lại. Để hiểu giá trị tiền mới thì 100.000 đồng tương đương với số tiền 600 đồng quan Pháp hay hơn 100 đô la Mỹ. Số tiền thật là nhỏ nhoi so với một gia đình.
Gọi là bần cùng hóa nhân dân. Chữ dùng cũng không xa lắm.
Việc đổi tiền này áp dụng ngay cả đối với các cơ sở thương mại, các hãng xưởng và các tòa đại sứ như Pháp. Toà đại sứ Pháp có số tiền là 50 triệu đồng cũng chỉ được đổi ra 500.000 đồng.
Tự nhiên, trong một ngày, cả nước trở thành trắng tay — Giá cả ngay từ ngày chủ nhật tăng đến chóng mặt. Giá một con gà nay là 15 ngàn. Một chiếc xe đạp đang từ 60 ngàn lên một triệu đồng. Một xe máy thành mười lăm triệu đồng. Việc đổi tiền trù liệu trong một ngày phải xong. Nó đã kéo dài đến thứ sáu. Việc kéo dài này ra ngoài trù liệu của giới chức thẩm quyền, vì nạn thiếu tiền mới. Họ không thể ngờ rằng nhà nào cũng đổi một trăm ngàn đồng cho mỗi hộ. Những hộ nghèo không có tiền thì đã có hộ giầu dúi tiền cho để đổi dùm.
Việc đổi tiền này đã tạo ra một cú sốc, một sự oán hận không cách nào bào chữa được. Đây là đòn chí tử đánh vào giới tư bản, giới thương gia của chế độ cũ. Nhiều tin đồn nói có người này tự tử, người kia quyên sinh. Cũng có tin đồn là đám tàn quân trốn lánh tại núi Bà đen, Tây Ninh đã đánh cướp một xe bạc mới dùng để đổi tiền cho dân chúng. Người ta cũng nói tới một lá cờ nền xanh da trời, với ba gạch đỏ và một con rồng vẫn bay phất phới trên núi Bà đen. Chuyện chỉ nghe, chẳng biết đâu là thực hư. Chỉ là loại tin đồn.
Vợ tôi thường có thói quen cất dấu tiền chỗ này, chỗ kia. Chỉ sau khi đổi tiền tình cờ khám phá ra một gói tiền cũng khá lớn, chẳng nhớ là bao nhiêu?
Không, nay nó không còn giá trị một đồng tiền nữa. Giá trị một mảnh giấy cũng không đáng nữa.
Chủ nhật 28 tháng 9/1975, hậu quả sau vụ đổi tiền — Việc đổi tiền đã bị dân chúng ca thán oán hận. Nhà nước qua tờ báo Tin sáng, số ra chủ nhật đã được chính quyền tỏ lời xin lỗi về những bất tiện gây ra cho người dân trong việc đổi tiền này. Lời xin lỗi đó đã chẳng có tác dụng gì, vì ai cũng biết rằng, đây là cách bần cùng hóa mọi người, triệt tiêu tư hữu, triệt tiêu tư sản tư bản, mại bản.
Sau đợt đổi tiền quá tàn bạo vừa qua. Chính quyền hình như muốn tạm ngưng các vụ bắt bớ tư sản. Bí thư Lê Duẩn trong dịp này lại tới Bắc Kinh, chẳng hiểu vì thế mà việc đánh tư sản, mại bản người Việt gốc Tầu có vì thế giảm bớt đi chăng?
Hậu quả đi kinh tế mới — Sau cái nạn đổi tiền đến nạn đi kinh tế mới. Theo chính quyền thì có khoảng ba trăm ngàn người đã dời bỏ thành phố để đi về các vùng kinh tế mới. Nhưng nhiều người cho biết là họ đi cho có, ký giấy tờ xong, lánh nạn ở nhà bà con. Ít lâu sau lại mò về.
Kế hoạch đi Kinh tế mới của chính quyền mới kể như hoàn toàn thất bại.
Sau này, hầu như không ai nhắc tới chuyện đi kinh tế mới nữa.
Thứ ba, 28 tháng 10/1975, tàu Việt Nam Thương Tín (VNTT) — Đi mà lại mò về là chuyện lạ. Tàu VNTT trở về lại Việt Nam chở theo 1600 người hồi hương. Người ta không biết số phận nào sẽ dành cho những người hồi hương này. Trước hết họ bị giam tập trung lại để điều tra lý lịch từng người.
Sau vụ đi học tập, đánh tư sản, đổi tiền và đi kinh tế mới. Đây là bốn vố nặng nhất đè nghiến trên người dân miền Nam. Không nhà nào thoát ra khỏi bốn vố này.
Nhiều gia đình tỏ ra tuyệt vọng với chế độ. Chế độ đã đẩy họ đến con đường cùng, đến ngõ cụt. Nhiều gia đình, trong đó có gia đình chúng tôi đã nghĩ đến chuyện phải trốn đi bằng đường biển. Không ai còn thiết tha nghĩ tới chuyện kéo dài thêm chuyện sống ở VN nữa.
Dấu hiệu chán nản và tuyệt vọng đã rõ rệt trong các buổi họp dân phố.
Người ta không còn muốn đi họp tổ, không còn muốn nghe phát biểu nữa. Và để phản đối bầy tỏ sự chán nản, bất mãn của mình mà không bị làm phiền hà, người dân có lối phản ứng của họ: cán bộ phường chưa nói hết câu thì ở dưới bà con vỗ tay tràn lan không để cho cán bộ nói nữa. Cứ như thế mà các buổi họp tổ, khu xóm loãng dần. Người dân đâm chai lì, không còn biết sợ nữa. Nhiều thành phần dân chúng phát biểu lung tung chỗ công cộng chả còn ra thể thống gì nữa. Những lời châm chọc, chỉ trích, nói bóng gió đủ kiểu đủ cách đến cán bộ, bộ đội, chính quyền mới mỗi ngày mỗi công khai, mỗi ngày mỗi bạo dạn đến không còn kiêng nể gì nửa. Cán bộ, bộ đội có nghe thấy cũng giả điếc lảng đi chỗ khác.
Chính quyền với thêm nhiều tệ nạn do cán bộ gây ra đã hầu như không còn được dân chúng tín nhiệm nữa.
Cách đối phó của người dân đối với chính quyền là những câu thơ diễu cợt, những câu chuyện hài ước ác ý nhằm nói cho hả dạ.
Như thể mà nảy sinh ra một thứ văn chương truyền khẩu bôi đen chế độ bằng đủ hình thức.
Thứ năm, 30 tháng 10/1975 — Trên một chuyến bay đi Băng Cốc, có 14 người từng bị bắt cầm tù sau 30 tháng tư. Trong đó có 9 người Mỹ, hai Gia Nã Đại, hai Phi Luật Tân và một Úc Đại Lợi. Họ là người ngoại quốc thì trước sau gì cũng phải để họ ra đi thôi.
———————-
Đầu tháng 11-1975, một vài vấn đề tôn giáo như Phật giáo (PG), Thiên Chúa Giáo (TCG) đối với chính quyền Cộng Sản
Trước hết, xin rảo qua vài dòng về hiện tình PG Việt Nam (VN) trước và sau 1975. Sau biến cố Phật giáo 1963, người ta có nhiều hy vọng Phật giáo đang trở mình, dần dần hiện đại hoá, có được những ảnh hưởng trên giới Phật tử về phạm vi tôn giáo và trên lãnh vực văn hoá, xã hội và chính trị đối với chính quyền. Tham vọng một giải pháp Phật Giáo và dân tộc không phải là không có. Ấy là chưa nói tham vọng đó có nên hay không, bới vì tham vọng thế quyền bao giờ cũng đi ngược lại yếu tính của bất cứ tôn giáo nào.
Trước mắt, để có được những ảnh hưởng trên, giới Phật Giáo cần tăng cường đội ngũ trí thức PG trong hàng tăng sinh. Theo bản tường trình của Hội tài trợ Á Châu vào năm 1965, trong con số 20 chục ngàn tăng ni ở VN thì chưa đầy 20 người có đi du học ở nước ngoài trong đó phải kể luôn 12 người đang đi du học. Trong nước thì có khoảng 30 người có bằng cử nhân. Những con số trên cho thấy giới trí thức Phật giáo không đáng kể và còn thiếu nhiều lắm. Phẩm chất cũng chưa dạt đủ.
Vì thế, giáo sư Như Hạnh, giáo sư đại học George Mason (1) đã có những nhận xét thẳng thừng hơn khi cho rằng ngay cả các thầy như Thích Minh Châu cũng không thông hiểu đủ về Phật giáo. Chúng tôi ghi nhận lại với sự dè dặt về những nhận xét như thế.
Cũng theo Như Hạnh thì không có bao nhiêu hiểu biết về Phật giáo VN vì thiếu tài liệu, thiếu văn bản Phật giáo như trong bài viết của ông: Vài ghi chú về Tâm Kinh Bát Nhã hay truyền thống Phật giáo VN. Về điều này, Hà Văn Tấn cũng đã nhìn nhận trong bài viết: “Vấn đề văn bản trong các tác phẩm văn học của Phật giáo”, tạp chí Văn học, viện văn học Hà nội, số 4, 1993. Ngay như tài liệu về Thiền Tông VN với bộ VNPG sử luận của Nguyễn Lang, tức Nhất Hạnh đã được nhiều người ca tụng cũng đầy những thiếu sót. Thiếu sót thứ nhất là thiền sư Nhất Hạnh đã bóp méo lịch sử Phật giáo thành lịch sử Thiền tông. Thứ hai là đã vay mượn thuật ngữ Phật giáo một cách bừa bãi, bình dân hoá Thiền dưới. Thầy Tuệ Sĩ cũng nhận xét không khác xa lắm: “Đọc kinh bây giờ ít thịnh hành hơn, còn học Thiền thì lại rất rầm rộ. Cái tệ hại của nó, quả thật, là những kẻ quê mùa dốt nát này, sau khi thăm viếng các Thiền viện và nghe các thiền sư giảng pháp, họ thích thú quá cỡ, và ít chịu suy nghĩ về tinh thần của giáo thuyết, tự cho mình là những bậc thầy, không những đã khinh miệt cỡ đức mà còn coi nhẹ kinh điển và nội dung của kinh điển với những phát ngôn bừa bãi của họ. Quần chúng ngây ngô bị lừa dối và những bậc trọng vọng, nhưng vốn ít học, lại vui thích với những lời rỗng tuếch của các môn đệ Thiền”. Phần tôi chỉ nêu ra mà chẳng dám có lạm bàn. Thầy Minh Châu cũng là một bậc trưởng thượng. Ông Như Hạnh là người mà tôi có đọc một số bài viết về Phật học thì cũng là người có chuyên sâu.
Nhưng người Mỹ hơn ai hết đã nhìn nhận ra điều này và trong một bản tường trình mật nêu mục đích rõ việc tài trợ cho Phật giáo: “Phật giáo đã đảm nhận một vai trò xã hội và chính trị. Có thể biến Phật giáo thành một lực lượng ưu thế xã hội trong vòng một vài năm. Tài trợ chủ yếu nhằm mục đích đào tạo giới lãnh đạo Phật giáo, tài trợ những tăng ni trẻ tuổi khá nhất. Họ sẽ trở thành những người diễn giải chính yếu của Hoa Kỳ và chính sách của Hoa Kỳ cho Phật giáo.’’ — Tài liệu của hội đại diện Mỹ của hội Quakers là Michael và Diane Janes đã trao cho Tổng hội Sinh viên (THSV) Sài Gòn, 1974.
Sau 75, những dự định của Mỹ và Phật giáo về hiện đại hoá đạo Phật đã tan thành mây khói khi người CS vào miền Nam. Và trước đó, ngay trong nội bộ Phật Giáo đã có sự chia rẽ trầm trọng đến độ có thể thanh toán nhau như trong bạch thư của TT Tâm Châu đề ngày 31/12/1993.
Sau này, dựa vào tài liệu của đảng Cộng Sản, Lữ Phương một lần nữa cho thấy có sự hợp tác giữa Phật Giáo và đường lối chính sách của Mỹ như sau trong sách: “Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam VN’’, Nxb Văn Hóa, Hà nội, 1981.
Quan điểm của Lữ Phương dựa trên các tài liệu từ nguồn của Cộng Sản, như thường lệ cũng cần rất dè dặt. Lữ Phương đã vạch ra kế hoạch tài trợ, việc gửi tu sĩ Phật giáo đi du học về giáo dục, y tế xã hội. Những dữ kiện mà Lữ Phương đưa ra đều dựa trên tài liệu của quỹ tài trợ Châu Á. (chương trình phát triển Phật giáo ở VN, tài liệu mật của đại diện VN gửi Giám đốc tổ chức này, trang 228, sách dẫn trên). Những người trong giới tu sĩ hay không phải tu sĩ, nếu đã dược chọn thì theo “chế độ du học đi thẳng”, nghĩa là chỉ qua Hội đồng du học của Bộ Giáo dục để làm thủ tục giấy tờ hành chánh mà Hội Đồng này không có quyền quyết định chọn lựa ai đi, ai không đi. Về điểm này, tôi có người bạn có chức vụ trong Hội Đồng du học có xác nhận là có như vậy.
Sau này, những trí thức Phật giáo này trở thành niềm hãnh diện và một niềm hy vọng cho Phật giáo. Nếu trong tương lai, Viện Đại Học Vạn Hạnh được mở lại thì ta sẽ có đủ các giáo sư có trình độ để đảm đương công việc này.
Rất tiếc là sau 1975, tất cả kế hoạch chủ trương trên đã tan rã trở thành mây khói như bất cứ những chương trình nào khác thời trước 1975
Trở lại sự nứt rạn mà TT Tâm Châu nhắc tới trong Bạch thư thì vào những năm 1972, nhóm các thượng tọa Thiện Minh và Thích Huyền Quang đã muốn tách ra khỏi chùa những nhóm tranh đấu. Vì thế, cuối năm 1973, Thượng Tọa Thích Thiện Minh và Thích Huyền Quang đã bị các nhóm tranh đấu loại ra đến phải từ chức. Sau ngày giải phóng, Giáo hội Ấn Quang , cũng như Thiên Chúa giáo, đã bắt buộc chuyển cho nhà nước toàn bộ các trường học cũng như các cơ sở xã hội, các nhà nuôi trẻ mồ côi. Thượng Tọa Thích trí Thủ đã hoàn toàn tán đồng chủ trương đó. Nhưng các Thượng Tọa Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ phản đối việc trao trả các nhà nuôi trẻ mồ côi. Mối liên lạc hai bên, chính quyền và nhà chùa thêm tồi tệ đi đến chỗ đối đầu, phản đối. Có việc bắt bớ một số nhà sư. Trong số 4.000 chùa rải rác trong toàn miền Nam, người ta còn thấy sự giảm sút rõ rệt về số sư sãi, từ 3 chục ngàn xuống còn 10.000 người. (toàn bộ sư sãi ở ngoài Bắc phỏng chừng 4.000 người. Con số đưa ra không có gì là thực chứng cả).
Theo một bài viết của ông Huỳnh Kim Quang: “Giáo Hội Phật giáo VN thống nhất, bốn mươi năm hành hoạt’’. Đừng kể sự thống nhất đã có mặt kể từ đời Đinh với Khuông Việt làm Tăng Thống đầu tiên theo Lê Mạnh Thát. Hãy cứ kể từ 31/12/1963, tại chùa Xá Lợi, trong 5 ngày đã thông qua bản Hiến chương và thành lập GHPGVNTN.
nghĩa thống nhất đó đã được minh thị rõ ràng như sau: “Quan niệm thống nhất Phật giáo Việt Nam được thể hiện theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của các tông phái cũng như của hai giới Tăng Sĩ và Cư sĩ, chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp có chỉ đạo’’.
Xin để các giới chức thẩm quyền Phật giáo giải quyết những nan đề này.
Nhưng tôi có một điều thâm tín rằng: Tổ chức nào bất kể, tôn giáo nào bất kể, ở thời kỳ nào bất kể, ở đâu bất kể, hễ có bàn tay của chính quyền CS dính vào, cầm chịch ở nơi đó là có điều chẳng lành. Người nào bênh vực quan điểm thế quyền của tôn giáo, với sự chi phối (ingérence), ngay dù chỉ là tài trợ vật chất, đã không hiểu rằng, yếu tính của tôn giáo là là Siêu Vượt. Ở trong trần thế mà để thoát ra khỏi trần thế. Cái mạnh trần thế với quyền lực, với đủ thứ kềnh càng vật chất, thay vì chỉ là phương tiện như cái thuyền chỉ để qua sông. Nay thuyền là chính, qua sông là phụ. Ấy là chỗ yếu, cái sa đà của tôn giáo vậy.
Theo tài liệu trong bài viết của C. Bonjean, le point, 25 tháng tư, 1977: La résistance vient des pagodes (Sự chống đối đến từ các chùa). Tài liệu tiết lộ cho thấy có một số nhà sư chống đối chính quyền bẳng cách tuyên truyền, chống báng nhà nước, ngăn cản phật tử tham dự các buổi họp phường khóm, chống đối việc chuyển giao các cô nhi viện. Thậm chí tung tiền giả, truyền đơn đủ loại và cả vũ khí nữa, ngay cả giết các viên chức chính quyền như ở Trảng Bom vv…
Trong một kháng thư của Viện Hoá Đạo gửi cho Thủ Tướng Phạm Văn Đồng ngày 9/2/1977, Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo đã liệt kê danh sách 19 Tăng Sĩ trên khắp các tỉnh miền Nam đã bị chính quyển CS bắt giữ mà không có lý do chính đáng. Đặc biệt có các TT Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Thích Thuyền Ân, Thích Thông Bửu, Thích Thông Huệ, Thích Thanh Thể.
Tôi nghĩ rằng danh sách các nhà sư bị tù đầy phải nhiều hơn thế nữa. Chỉ vì thiếu thông tin liên lạc mà thôi. Chẳng hạn, tôi không thấy một đại đức tuyên úy Phật giáo nào trong danh sách những người bị đi tù. Họ là những người đầu tiên bị đi học tập cải tạo.
Về phía Thiên Chúa giáo (TCG) thì danh sách có vẻ đầy đủ hơn. Có cả thảy 303 linh mục, trong đó 109 là tuyên úy quân đội bị đi tù. Các tuyên úy quân đội sau 10, 15 năm được thả về, họ không có quyền công dân và bị cấm làm mục vụ.
Trong khi đó, tôi cũng rất lấy làm ngạc nhiên là ký giả Alain Ruscio trong cuốn sách của ông ta Vivre au Viet Nam cho rằng theo TT Thích Trí Thủ thì Phật giáo VN hoàn toàn tự do truyền đạo và hành đạo.
Trong một bài phỏng vấn trả lời cho đài TF 1, truyền đi ngày 11 tháng 5, 1987 sau này, Thượng Tọa Thích Minh Châu, cựu viện trưởng viện đại học Vạn Hạnh, nhân danh nhóm Ấn Quang cho rằng ở Việt Nam hoàn toàn có tự do theo đạo, và rằng những nhà sư bị bắt là do những hành vi cá nhân của họ, không có liên quan gì đến tôn giáo.
Giải thích về lý do số nam tu sĩ Phật giáo giảm đi thì được cắt nghĩa rằng một số bọn họ trước đây đi tu chỉ là để trốn quân dịch. Có đến 2 chục ngàn người đã trốn quân dịch như thế trong các chùa. Bằng chứng là số nữ tu sĩ vẫn không giảm.
Dù giải thích thế nào thì việc đào luyện và tuyển chọn ở các chùa cần được xét lại, vì tình trạng tuyển chọn tùy tiện, thiếu phương tiện đào tạo có thể tạo ra một số tăng ni không đủ trình độ về mọi mặt.
Cho đến hiện nay, tôi đã hỏi ý kiến một vị Thượng Tọa trách nhiệm đào tạo tăng sinh ở một Phật học viện, Vị TT cho biết quả thực có hiện tượng một số tăng ni ở các vùng quê đã gia nhập các tu viện với mục đích chỉ vì những lý do kinh tế. Điều đó cũng xảy ra tương tự cho các tu tập bên TCG. Tôi đã hỏi một LM bề trên làm thế nào ngăn chặn tình trạng các tu sinh từ các vùng quê nghèo khổ vào tu viện. Vị LM cho rằng, việc tu tập kéo dài 6, 7 năm. Thời gian sẽ giúp nhận ra ai là người có thiện chí tu tập, ai không.
Mong là có những chọn lọc trong sáng để tránh tình trạng trong hàng ngũ tu trì có những người thiếu phẩm chất.
Dù sao, đây vẫn là một cảnh báo thường trực. Chưa kể, người của chính quyền có thể gia nhập các tu hội, giả làm tu sĩ và gây rối, phá nát từ bên trong.
Cách giải thích của TT Thích Minh Châu có điều không đúng hẳn như vậy. Bên TCG, kể từ sau 1975, việc truyền chức linh mục (LM) của TCG bị suy giảm đến trì trệ. Theo báo Công giáo và Dân tộc, số 747, ngày 11/3/1990. Năm 1963-64. có 21 LM được truyền chức. Cao điểm năm 1968-1969 có 61 LM. Năm 74-75 chỉ còn có 22. Nhưng kể từ 1975 đến 1990, trong suốt 15 năm, chỉ có 23 tân LM. Trung bình một năm có hơn một người được truyền chức LM.
Sự suy giảm trầm trọng như thế ở phiá giáo hội TCG có thể áp dụng tương tự cho phía Phật giáo được không.
Phiá Phật giáo còn có một vấn nạn trầm kha là có sự chia rẽ giữa những nhà sư theo GHPGVN và những nhà sư theo GHPGVNTN cho mãi đến nay vẫn chưa có cơ hội hòa giải được. Nhà nước CS đã lợi dụng kẽ hở về tổ chức của GHPG và tạo thêm những rắc rối giữa hai bên nhằm thủ lợi, dùng những thủ đọan vật chất tiền bạc, ngay cả nữ giới để mua chuộc. Rõ ràng là có bàn tay của chính quyền trong sự chia rẽ này.
Trong kỳ Đại Hội Phật giáo VN toàn quốc diễn ra từ ngày 19 đến 23/11, 1998 đã thành công tốt đẹp. 47 tỉnh thành đã tiến hành bầu cử Đại hội Phật giáo ở các tỉnh. Đài BBC, 22/11, đưa tin về Đại Hội này đã lưu ý rằng chính tại Đại Hội này, một lần nữa Hoà Thượng Thích Minh Châu đã lên án một số phần tử lợi dụng Phật giáo để tạo các ảnh hưởng tiêu cực và phá hoại đất nước. Những phần tử này đã và đang bị cô lập’’.
Về phiá TCG giáo: Chính quyền cũng muốn cài nhóm tứ nhân bang như nói ở trên Và cho đến năm 1977-1988, người ta thấy có tên mấy LM sau đây cộng tác với chính quyền mới: Nguyễn Đắc Cầu, Lý Quý Phụng, Nguyển Hữu Thanh, Trần Quảng Nghiêm, Lê Ngọc Triệu, Nguyễn Văn Triều, Trần Văn Kim, Mai Đức Long và Phạm Trung Kiên.
Những tu sĩ này bị chỉ mặt, bị cách ly đến độ không được nhìn nhận trong cộng đoàn TCG nữa. Họ trở thành những thứ LM quốc doanh và chỉ với hai chữ đó thôi, họ không làm được trò trống gì nữa.
Có hai thái độ của các vị lãnh đạo TCG tiêu biểu là Hà Nội và Sài Gòn: Ở Sài Gòn và toàn miền Nam, TGM Nguyễn văn Bình chọn thái độ hợp tác với chính quyền mới. Sau 1975, toàn bộ hàng giáo phẩm lãnh đạo là các giám mục đều chọn ở lại, thay vì di tản. Điều này khác biệt hẳn với cuộc di cư năm 1954. Trong cuộc di cư năm 1955, có 5 vị Giám Mục và 700 linh mục đi theo giáo dân trong cuộc di cư này.
Ngay từ ngày 19/4/1975, đã có một tuyên ngôn về vấn đề di cư ra nước ngoài, mang 102 chữ ký, (đợt 1) của nhiều thành phần như linh mục, tu sĩ nam nữ, dân biểu, giáo sư, cán sự xã hội, sinh viên, viên chức, lao động, y tá, nội trợ, thành viên hội đồng giáo xứ, phế binh… Họ bầy tỏ lo ngại về ý đồ của Mỹ, muốn lập lại phong trào di cư năm 1954. Họ tán đồng thông cáo của TGM Sàigòn kêu gọi đồng bào TCG không di tản. “Chúng tôi xác tín rằng dầu bất cứ việc gì xảy ra, chúng tôi sẽ ở lại quê hương để góp phần nhỏ mọn của mình vào việc hòa giải dân tộc’’.
Trong khi đó tại Hà Nội, TGM Khuê vẫn giữ khoảng cách trong tinh thần bất hợp tác. Cho mãi đến 16 tháng 8/1975, tòa GM Hà Nội mới ra một thông cáo mà nội dung hoàn toàn có tính cách đạo giáo, không có nhắc nhở gì đến biến cố 30 tháng tư. Sau đó, bản thông cáo để cho một LM thư ký đại diện ký tên là cha Trần văn Mai.
Nên nhớ rằng giáo hội thầm lặng sau bức màn sắt bị nhiều kiểm soát, giới hạn đủ thứ. Người ta chưa quên được những giám mục chui ở miền Bắc. Cha Đaminh Đinh Đức Trụ, được tòa thánh cử làm giám quản giáo phận Thái Bình, 1955. Năm năm sau, 1960, được phong giám mục. Ông phải giả làm phu xích lô đạp, đến toà GM Hà Nội để được GM Trịnh Như Khuê tấn phong chui, sau đó ông lại sang Bùi Chu tấn phong chui cho GM Phạm Năng Tĩnh. Giám mục Phê rô Phạm Tần, được phong Giám Mục (GM) năm 1960, nhưng 21 năm sau, ngày 26/6/1975 mới chính thức được thụ phong GM. Giám mục Phạm Văn Dụ được chính thức phong GM năm 1960, tại Lạng Sơn, nhưng mãi đến năm 1979, do quân Tàu lấn chiếm sang VN, bắt buộc chạy về Hà Nội và bị kẹt lại Hà Nội cho đến 1990 mới được quay trở lại Lạng Sơn, nghĩa là sau 31 năm ẩn dật.
Trong Hồi ký Tôi phải sống, LM Lễ kể lại có đi dạo với Hồng y Trịnh Văn Căn trên sân thượng, ông Hồng y có chỉ cho ông thấy một đường hình quả trám khổng lồ trên sân thượng như có ai mài rửa, chà sát trên đó. Và cho biết đó là dấu tích vết chân của Hồng Y Trịnh Như Khuê, trong suốt 20 năm bị quản chế, ngài đã chỉ đi bách bộ trên sân thượng này. Vì đi bộ nhiều năm nên những bước đi của Ngài đã tạo thành đường mòn hình quả trám như vậy. Nghe câu truyện này, tôi quá thương cho hoàn cảnh Đức Hồng Y tiên khởi của Việt Nam và cho Giáo Hội miền Bắc lúc bấy giờ.
Cho mãi đến năm 1974, sau 20 năm, giám mục phó Trịnh Văn Căn mới được phép sang Roma họp Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới. 20 năm bị trói, bị bưng bít, bị kiềm chế đối với thế giới bên ngoài.
Hiểu hoàn cảnh giáo hội miền Bắc trong bối cảnh đó. Sẽ hiểu được cách ứng xử của lãnh đạo tôn giáo hai miền.
Và sau đây xin tóm lược hoàn cảnh của hai giáo hội Phật giáo và TCG về bức tranh tôn giáo trên đất Bắc như biểu tượng. Ông Đỗ Trung Hiếu, một cán bộ tôn giáo cao cấp của chính quyền Cộng Sản đã vẽ lại như sau: “Hầu hết chùa, nhà thờ ở miền Bắc mà tôi đến thăm đều rêu phong tàn tạ. Các nhà sư lẩm cẩm sợ sệt, một bá cáo cụ, hai bá cáo cụ. Các linh mục, giám mục đóng kín cửa lạc hậu với thời cuộc. Phật giáo gần như không còn gì nữa, chỉ ẩn hiện dưới dạng mê tín, cúng bái linh tinh và rất e dè trước khách lạ. Tín đồ Thiên Chúa giáo thì khổ cực, hằn sâu trong mắt họ những nét u uất thâm-nghiêm, nhưng rực lửa và sẵn sàng bốc cháy khi có mồi… (Đỗ Trung Hiếu: Thống nhất Phật giáo, trong hồ sơ: Hồ sơ Phật giáo thống nhất–Thống nhất Phật giáo).
Những nhận xét của ông Đỗ Trung Hiếu thật sự không xa với thực tế bên ngoài. Nó là vậy đấy. Cứ ra Hà nội sẽ thấy điều đó là thật.
Và sau cùng đây là danh sách những vị đã lên tiếng cho tự do tôn giáo xếp theo thứ tự A, B, C như sau, đặc biệt lưu ý không có trong danh sách TT Trí Siêu, người từng bị kết án tử hình với Tuệ Sĩ. Danh sách này do ông Nguyễn Chính Kết thực hiện ở trong nước, tôi chỉ xin chép lại.
Gm Nguyễn Kim Điền. Hoà thượng Thích Quảng Độ. Lm Nguyễn Hữu Giải. Hòa thượng Thích Thiện Hạnh. Giáo sĩ Trương Chí Hiền. Thượng tọa Thích Chân Hỷ, Ông Nguyễn Chính Kết. Gs Nguyễn Ngọc Lan. Ông Lê Quang Liêm. Lm Phan Văn Lợi. Lm Nguyễn Văn Lý. TT Thích Thiện Minh. Mục sư Phạm Đình Nhẫn. Hòa thượng Thích Huyền Quang. Mục sư Nguyễn Hồng Quang. Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ. Thượng tọa Thích Không Tánh. Lm Chân Tín, v.v… và cuối cùng có cụ bà Nguyễn Thị Thu của Phật giáo Hoà Hảo đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền CS
15/1/1976, bức tượng Thương Tiếc không còn thương tiếc nữa
Thêm một ngày, thêm một tuần, thêm một tháng… Có điều gì thay đổi không? Có, vẫn có. Người ta xác nhận với nhau rằng: Bức tượng “Thương Tiếc” ghi lại hình ảnh một người lính Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) trầm ưu giữa 16 ngàn người lính tử trận, trên một ngọn đồi nay đã bị giật sập. Đây là một tin làm buồn lòng rất nhiều người. Bức tượng đó biểu tượng cho những cái chết đủ kiểu trong một cuộc chiến. Đối với người chết, không có kẻ thắng người bại. Trong một nghĩa trang quân đội, cái chết đều bình đẳng đối với mọi người, không còn biên giới của thù nghịch, không còn phân biệt niềm kiêu hãnh hay sự tủi hổ. Rõ ràng chỉ còn một thứ tình cảm thương tiếc, nhớ thương. Họ, những người lính, những đứa con đó không bao giờ trở về. Nhất là đối với những bà mẹ, người chị, người em gái, người vợ, những đứa con thơ. Đối với người vợ hay người mẹ tử sĩ, không có lý tưởng tốt hay xấu, không có lằn ranh thù địch mà chỉ có người chồng, người con đã mất. Nhất là bức tượng Thương Tiếc nay đã đi vào huyền thoại của tình nhớ thương, biến bức tượng trở thành linh thiêng sống động và gần gũi
Chỉ có điều đó là đáng kể. Ta đã lấy đi sự sống của chồng con họ, nỡ nào dập tắt một chút tình cảm nhớ thương Từ nay, họ không có chỗ đễ thăm hỏi người đã mất. Chẳng bao lâu, có thể nghĩa trang sẽ được san bằng và ta sẽ xây cái gì trên mảnh đất đó? Hận thù Chăng? Cố tình xóa bỏ để quên, vì tự nó biết quên đã là một điều thắng lợi? Như Jules Roy viết sau trận chiến Điện Biên Phủ: “Đối với một bà mẹ, không có lý tưởng tốt xấu, mà chỉ có những đứa con đã mất. Ở đây, trước những ngôi mộ phần, cái biên giới thù nghịch không còn, sự kiêu hãnh cũng như cay đắng không còn, có chăng chỉ còn là niềm thương nhớ của một người đối với một người đã khuất’’.
Xin ghi lại đây về lịch sử bức tuợng “Thương tiếc’’ do ký giả Lô Răng viết:
“Anh ngồi đó một mình, sau lưng là bao nhiêu người đã chết. Chiếc mũ sắt lỏng dây quai, súng nằm nghiêng một bên, dáng ngậm ngùi, mắt ngó mông về khoảng trước mặt. Anh đang thương tiếc ai. Bao nhiêu đồng đội vừa nằm xuống, những dãy mộ chí dài dằng dặc sau lưng anh biết bao giờ chấm dứt. Hay anh đang tiếc cho sức xuân của dân tộc đang chết dần đi trong cuộc chiến này. Pho tượng như có mang chứa linh hồn của người đã chết ở trên khắp mọi miền đất nước nên thiêng lắm. Người ta đồn rằng có những lúc trời chạng vạng tối, âm dương hỗn độn, người lính từ trên cao đi xuống ngồi bên vệ đường. Hoặc những lúc đêm khuya trăng lạnh, có tiếng hát thê lương từ bức tượng bay đi’’.
Vậy mà nỡ lòng nào dẹp bỏ đi. Bức tượng đã bị dật sập, đầu người lính chúi mũi xuống đất và cứ nằm ở vị thế tủi nhục như thế ngót nghét khoảng hai tháng trời. Sau đó được kéo về Dĩ An, Biên Hòa. Nơi đây, người ta đúc để lấy đồng đem bán. Hồn linh thiêng của gần 2 chục ngàn chiến sĩ theo những miếng đồng đó phát tán đi khắp nơi, tha phương cầu thực. Bây giờ có hối tiếc cũng không kịp. Có đắp bức tượng khác y như cũ cũng không được. Bởi vì bức tượng mang chứa linh hồn của người đã chết nên thiêng lắm. Cái hồn của bức tượng không còn nữa, phiêu diêu nơi nào, trôi dạt nơi đâu. Làm sao thay thế được?
Thiêng lắm nên không có cái gì có thể thay thế được. Phải nói lại một lần nữa. Cho dù sau này có dựng lên một bức tượng Thương Tiếc khác cũng vô ích. Dựng ở đâu cũng thế thôi. Chả có ý nghĩa gì, vì nó thiếu cái linh hồn của gần 2 chục ngàn người lính đã nằm xuống nhập vào bức tượng. Bức tượng không phải chỉ là đồng, là sắt, là xi măng nữa. Nhưng là vong linh của những người lính VNCH.
Trong trí nhớ nhỏ nhoi, trong tâm địa nhỏ nhoi muốn quét sạch quá khứ, kỷ niệm, tâm tình người miền Nam, ta trông chờ được gì nơi họ. Vì thế, bài viết này là một cuộc hành trình đi lại dĩ vãng, bằng cách chống lại sự quên lãng, mong mỏi mọi người nhớ lại. Hãy nhớ và đừng quên.
Tết đầu tiên, sau Ngày Giải Phóng. Thứ bảy 31/1/1976 — Tết năm nay lặng lẽ khác thường. Thiếu hẳn cái nhộn nhịn, xôn xao, nôn nóng đón tết. Đúng ra là thiếu không khí tết. Mọi người như gượng gạo vui, gượng gạo cười. Tôi có nuôi một đàn gà vài chục con nay vừa biếu tết các anh, các chị hai bên, vừa để nhà dùng.
Xe cộ ngoài đường cũng thưa vắng. Nay thì phương tiện chính là xe đạp. Cũng không có nhiều tiếng pháo nổ.
Thay vào đó, khoảng 1 giờ, 1 giờ 30, một chuỗi tiếng nổ lớn làm dân thành phố tự nhiên vui mừng. Cứ mỗi lần có tiếng nổ là ngưởi ta lại nuôi hy vọng. Nếu lên sân thượng sẽ nhìn thấy những cột khói den bốc lên từ hướng Biên Hòa. Nhiều người cho rằng kho đạn Long Bình bị đốt cháy. Kết quả là trong dịp đầu năm có 180 người chết vì các vụ nổ và 200 người bị thương.
Tất cả cũng chỉ là phỏng đoán. Nhưng sau này, tôi hỏi những người bị giam ở trại cô nhi Long Thành vào thời điểm này. Không thấy có kho đạn nào bị nổ cả.
Tôi cũng được nghe kể, một số lớn viên chức chính quyền cũ từ giám đốc trở lên bị giam giữ ở đây. Trong những buổi học tập, người duy nhất có can đảm đứng lên phát biểu là luật sư Trần Văn Tuyên. Nhưng thường người ta kéo ông ngồi xuống. Sau này ông bị đưa ra Bắc và chết trong tù.
Trong giai đọan này, có hai khuynh hướng khác nhau đối với tù cải tạo. Đám ít quá khích trong mặt trận thì nghĩ đến giải pháp thả một số tù cải tạo vào dịp tết và sẽ thả phần lớn vào dịp tháng tư, kỷ niệm một năm giải phóng miền Nam, đồng thời kỷ niệm ngày bầu cử Quốc Hội. Vả lại, phần đông những người của mặt trận thường có anh em, bà con thân thích phải đi học tập cải tạo nên cũng mong giải cứu sớm họ hàng của họ. Chẳng hạn con trai của ông Mai Văn Bộ và con trai của chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đều là những sĩ quan trong quân đội Sài Gòn cũ.
Nhưng có một điều chắc chắn và rõ rệt là nếu Ủy ban quân quản còn tồn tại, nếu người của mặt trận giải phóng miền Nam còn có cương vị và năm quyền hành trong tay thì việc đi học tập cải tạo đã không kéo dài như sau này. Rất tiếc, việc đó đã không xảy ra.
9/1/1976 — Như có tin đồn trước đây, Nghiệp đoàn nhà thương Grall đã đứng lên đòi trục xuất bác sĩ giám đốc là đại tướng Fourré. Ông bị nhân viên bệnh viện tố cáo là lãng phí tài sản của nhà thương nay cũng là tài sản của chính quyền Việt Nam. Từ việc tố cáo này dẫn đến việc phải trục xuất giám đốc bênh viện vào trước thứ năm tuần sau. Với việc trục xuất này, chỉ còn duy nhất một bác sĩ người Pháp còn ở lại.. Việc đó củng sẽ bắt buộc chính phủ Pháp phải dóng cửa nhà thương Grall. Trong khi đó thì như thương thảo giữa hai chính phủ, chính phủ Pháp sẽ vẫn duy trì quản lý nhà thương Grall cho đến tháng 6 năm sau.
Nhà thương Grall đã có một thư viện đồ sộ với 7 chục ngàn cuốn sách chuyên môn về các bệnh nhiệt đới và sẽ được chuyển giao cho chính quyền VN vào ngày 25 tháng 5 , 1976.
Và sau này, một thánh lễ đã được cử hành lần chót tại nhà thương này vào ngày 23 tháng năm 1976 sau gần một thế kỷ hoạt động.
12 tháng hai, năm 1976, một lần nữa, lại có chiến dịch truy quét tàn dư văn hoá Ngụy — Chiến dịch đó được đăng trong mục Diễn đàn của tờ Tin Sáng, trong đó vạch ra 56 tác giả nhà văn, nhà báo, nhà thơ mà nội dung sách vở của họ cấm không được đọc.
Cứ mỗi lần có chiến địch truy quét tàn dư văn hoá ngụy tôi có cảm tưởng con người tôi bị xúc phạm. Tôi đã lớn lên ở đây. Tôi đã ăn miếng cơm miền Nam. Thở không khí này, được đào tạo ở đây. Tôi đã thích nhà văn này, đã mê đọc những nhà văn kia, đã say mê nghiền ngẫm triết lý của tác giả ngoại quốc này, tác giả kia. Nay tất cả những thứ đó, sản phẩm tinh thần cao quý đó bỗng dưng bị xếp loại tàn dư Mỹ Ngụy. Phải tịch thu, phải đốt. Tàng trữ là phản động.
Công việc càn quét này lại giao vào tay các em bé 10 đến 15 tuổi.
Tôi có cảm tưởng chính quyền lợi dụng tuổi thơ mà đáng lẽ tuổi các em được miễn trừ. Tuổi các em là để vui đùa, ca hát, để nhởn nhơ, để chỉ biết yêu mà không biết ghét, không biết oán hận.
Thế giới của các em là thế giới trẻ, không biết việc người lớn làm.
Các ông chính quyền kể như tàn ác. Các ông bắt trẻ con đi đánh tư sản mại bản, đi càn quét văn hoá Mỹ Ngụy đồi trụy. Nào phải công việc của các em. Tại sao các ông không làm? Tại sao cứ xúi trẻ con ăn cứt gà? Tại sao biến học đường thành một xưởng đào tạo những người máy Robot về chính trị? Hãy trả học đường về cho thầy giáo, cô giáo. Tại sao những bàn tay non nớt đó châm lửa đốt sách? Có khác gì ngày nay, người ta bắt các bé gái đi làm điếm? Mỹ-Ngụy biết gì về Hermann Hesse, về Kierkergaard. Ông Nguyễn Văn Thiệu, Kissinger biết gì về những tư tưởng cao quý đó?
Đó là sản phẩm tinh thần của cả nhân loại liên quan gì đến Mỹ Ngụy. Tức muốn chết.
Thứ hai 12 tháng 2/1976, vụ Vinh Sơn: mở đầu cho một biến cố — Ngày đầu năm mới đã nổ ra vụ Vinh Sơn. Nốt nhạc hợp tác giữa địa phận Sài Gòn và chính quyền đang có vẻ là trơn chu thì nổ ra vụ Vinh Sơn. Vụ Vinh Sơn do chính Linh mục (LM) Nguyễn Quang Minh, chính xứ và một vài người lẻ loi chủ xướng, dùng vũ lực chống lại chính quyền. Nó không có bất cứ một liên quan xa gần nào đến thẩm quyền Giáo Hội cũng như vụ Cha Nguyễn Văn Vàng, dòngChúa Cứu Thế (CCT) sau này vào năm 1970-1980. Ngay khi vụ việc xảy ra, TGM Nguyễn Văn Bình đã phát biểu như sau tại Hội Trường Ủy Ban NDCM quận X ngày 14-1-1976: “Tôi rất buồn trong cái tình trạng thật là đau khổ của tâm hồn tôi, tôi thấy không biết dùng lời nói nào để tỏ ra cái tâm tình của tôi trong lúc này’’.
Vụ nhà thờ Vinh Sơn được báo chí cho nổ bung ra. Tờ Sài Gòn Giải Phóng, số 177 đưa tin: đã phá vỡ một ổ phản cách mạng, đội lốt tôn giáo. Nó chẳng đội lốt tôn giáo gì cả. Người chủ chiên của họ đã xác nhận chỉ là cá nhân ông LM làm phản.
Tờ Tin Sáng, số 161 thì đưa tin: “Những bằng cớ tịch thu được của bọn phản cách mạng chứng tỏ bọn họ muốn phá bỏ những thành quả của nhân dân ta trong suốt 100 năm nay.’’ Người ta được biết rằng, đây là một âm mưu phản loạn có võ trang vũ khí đầy đủ, được che dấu trong nhà thờ Vinh Sơn. Báo chí cũng phanh phui một ổ phản cách mạng khác được ngụy trang công giáo tại khu công giáo Tân hiệp, Biên Hòa. Nguời ta cho hay rằng, bọn phản động đội lốt tôn giáo do bàn tay CIA Hoa Kỳ nhúng vô với sự trang bị đầy đủ điện đài, Radio và phát tuyến.
Bọn họ tung ra những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang trong dân chúng. Người chủ động là LM Nguyễn Quang Minh, chánh xứ nhà thờ Vinh Sơn. Báo Sài Gòn Giải phóng (SGGP) cũng đưa ra những tin tức nóng hổi vừa ra lò tố cáo LM Nguyễn quang Minh chỉ là LM giáo gian. Ban đêm, ông này thường dẫn gái vào nhà thờ để làm bậy.
Tờ báo còn cảnh báo giới công giáo cần thay đổi thái độ và thay đổi lập trường đã lỗi thời của họ. Đồng thời cần gia nhập vào quần chúng, mạnh dạn tố cáo những thành phần phản động còn ẩn náu trong lòng các cơ chế của Giáo Hội.
Trong vụ Vinh Sơn này, những người chống đối chính quyền đã cầm cự và cố thủ bên trong nhà thờ Vinh Sơn. Chính quyền đã tỏ ra khách quan bằng cách mời mấy người đại diện TCG như quý ông Huỳnh Hữu Đặng, Nguyễn Đình Đầu và LM Nguyễn Huy Lịch đến chứng kiến vụ vây bắt những người cố thủ bên trong nhà thờ. Sau đó chính quyền đã dùng biện pháp mạnh. “Dầu trong khi dùng biện pháp mạnh đó, chính quyền còn tế nhị muốn tránh được chừng nào hay chừng đó sự thiêt hại cho nhân mạng, sự thiệt hại cho cơ sở nhà thờ và chính tôi thấy khi nãy những vết súng bắn vào tường bất đắc dĩ như thế, nhưng cố tránh những tượng thánh. Tôi rất cảm động’’ . Đó là lời phát biểu của cụ TGM Nguyễn Văn Bình về vụ Vinh Sơn, tại hội trường Uỷ ban Nhân dân Cách mạng (UBNDCM) quận 10, ngày 14-2-1976.
Sau này, trong dịp nói chuyện với Vũ Sinh Hiên, Đức TGM Nguyễn Văn Bình đã tâm tình: “cho đến giờ này, tôi vẫn còn ngờ ngợ’’. Nắm bắt được ý của ông, Vũ Sinh Hiên đã không hỏi thêm nữa.
Kết quả, LM Nguyễn Quang Minh bị kết án tử hình.
Sau khi biến cố hồ Con Rùa trên đường Duy Tân bị phá hoại, Nguyễn Thụy Long (NTL) cùng nhiều trí thức, văn nghệ sĩ và nhà văn đã bị bắt vì vụ này. Sau đó, ông bị giam cạnh phòng các tử tội là LM Nguyễn Quang Minh. Xin nghe lại lời nhân chứng là nhà văn NTL trong vụ này:
Những câu chuyện vặt trong phòng giam bỗng im bặt, khi tiếng nói thật lớn thật to ở phòng giam tử tội cuối hành lang cất lên: Chào tất cả các anh em bạn tù, chúng tôi ba người mang án tử hình, sẽ bị xử bắn vào sáng sớm ngày mai, chúng tôi có lời chào vĩnh biệt tất cả các anh em còn ở lại. Tôi là Nguyễn Xuân Hùng, tự Ali Hùng, hai người bạn tôi, một là linh mục, một là chiến sĩ. Tôi là một người Việt Nam lai da đen, xứ Phi Châu Sénégalais, mẹ tôi là người Việt Nam, vậy tôi xin nhận nơi này làm quê hương, vì mẹ Việt Nam của tôi đã nuôi tôi khôn lớn và thành người. Trong phòng giam của tôi, vị linh mục đang quỳ dâng mình cho Chúa, người bạn chiến sĩ thì đang huấn nhục. Tôi có giọng khỏe, xin được hát thân tặng lại tất cả những anh em còn ở lại. Những bài hát thấm đượm tình quê hương của Phạm Duy mà tôi rất ngưỡng mộ… ’’Chúng tôi đã mất Sàigòn thật rồi’’.
Sau này thầy Tuệ Sĩ (Thầy Tuệ Sĩ tên thật là Phạm Văn Thương, sinh ở Pakse, bên Lào bị bắt giam hai lần, lần đầu 1978-1981, lần hai ngày 1-4-1984, nhưng mãi đến năm 1988, trong một phiên xử kéo dài ba ngày 28, 29, 30/9/1988, Thầy Tuệ Sĩ bị kết án tử hình. Nhưng nhờ Uỷ Ban Bảo Vệ quyền làm người VN, Liên Hiệp Quốc, chính quyển phải giảm án xuống 20 năm khổ sai. Ngày 2/9/1998, thầy Tuệ Sĩ được trả tự do sau 14 năm khổ sai) và thầy Trí Siêu, tức Lê Mạnh Thát, cũng âm mưu làm phản, có võ trang, với khoảng 30 người đồng bọn, cũng bị bắt, cũng ra tòa cùng với ni sư Trí Hải, cũng lãnh án tử hình, sau giảm xuống chung thân, rồi cuối cùng được thả ra. Hiện nay, thầy Lê Mạnh Thát làm phó viện trưởng Học Viện Phật Giáo VN và được giao trọng trách xây dựng một Đại học Phật Giáo trong tương lai. Sắp tới đây, ông sẽ tổ chức một buổi hội thảo về Phật giáo vào các ngày 14/15 tháng 7.
Hai giai đoạn, hai biện pháp.
Có lẻ niềm mong mỏi thâm sâu của người Phật tử là có được một Khuông Việt như một giải đáp cho những vấn nạn hiện nay.
Thứ tư 17 tháng 3/1976, thanh niên xuống… đường làm vệ sinh — Thường mỗi khi sinh viên học sinh xuống đường là có chuyện. Xuống đường là để đi biểu tình, để đòi hỏi, để phản đối một điều gì. Ngay cả khi xuống đường ủng hộ một điều gì thì cũng gián tiếp chống đối một điều gì.
Đó là truyền thống của sinh viên (SV), học sinh.
Nay theo báo chí nhà nước, có hơn một triệu thanh niên, sinh viên xuống đường làm sạch thành phố chuẩn bị đón cuộc bầu cử sắp tới với sự có mặt của các nhà báo ngoại quốc. Tôi không tin vào con số đó. Tôi cũng có mặt trong thành phố này và không có gì cho phép tôi cả quyết có một triệu sinh viên, học sinh xuống đường trên tổng số 3 triệu dân thành phố. Tôi cũng đang dạy một số lớp học và tôi cũng không thấy ai điều dộng cho công việc xuống đường này. Cái thói quen thổi phồng thì ai cũng biết rồi. Ừ thì cứ cho là một triệu đi thì điều đó thay đổi được gì diện mạo thành phố.
Cho dù có thay đổi một chút về diện mạo thành phố thì làm thế nào thay đổi được diện mạo 3 triệu khuôn mặt của thành phố ấy. Những khuôn mặt xanh xao mất máu, ủ rũ và buồn nản là diện mạo dân Sài Gòn.
Các Sinh viên nay đã đi vào nửa năm học, nhưng hình như họ cũng chưa bắt đầu công việc học, vì còn nhiều nhiệm vụ trước mắt phải làm và kể từ nay, để được nhận vào các trường đại học, họ phải có giấy chứng nhận là “đã tham gia vào những hoạt động chống Mỹ và tay sai”.
Phải chăng, việc xuống đường làm vệ sinh thành phố là cái giấy chứng chỉ đầu tiên cho mỗi sinh viên nhập học.
Thứ tư 31 tháng 3/1976, những người con của đảng — Có 50 vạn người đã dự cuộc mít tinh để đưa 25 ngàn thanh niên lên đường đi về các vùng kinh tế mới.
Cũng lại vấn đề những con số. Những con số làm phiền.
50 vạn người tiễn đưa 25 ngàn người thanh niên lên đường đi kinh tế mới.
Cũng như mới đây, cũng đã có những buổi lễ tiễn đưa những người con của đất nước lên đường đi nghĩa vụ quân sự .
Đất nước vừa ra khỏi chiến tranh chưa đầy một năm. Việc tuyển quân mang ý nghĩa gì. Con trai của một dân biểu cũng đã gia nhập quân đội trong những dịp ra quân này. Nhân dịp này, ông đã làm bài thơ bầy tỏ nỗi lòng của người cha vui mầng khi thấy con mình đi làm nghĩa vụ cho tổ quốc. Sự bầy tỏ làm nhiều người quen biết ông đến ngạc nhiên. Có phải thật sự là ông không? Xưa nay, con nguời ấy có cần bầy tỏ công khai về một việc là con mình đi thi hành nghĩa vụ quân sự. Nếu là một nhiệm vụ bình thường của một xã hội mà đến tuổi trưởng thành, thanh niên có bổn phận nhập ngũ, hà cớ gì ông bầy tỏ một cách hồ hởi như vậy? Sau này, các con trai ông đều trở thành đảng viên đảng Cộng Sản, đi học các lớp sĩ quan của quân dội nhân dân..
Những con số làm phiền — Tôi nhắc lại đây như một điều chẳng nên nói như thế nữa. Những con số làm phiền, những con số quấy nhiễu, những con số ảo, những con số mà Tờ Sài Gòn Giải Phóng, số 234, nghĩa là sau gần một năm ngày 30-4 cho tin đến ngạc nhiên, không phải miền Nam mà chính miền Bắc cứu trợ miền Nam: Hà Nội đã vắt ruột gửi vào Nam 1.600.000 tấn vật liệu hàng hoá và lương thực như gạo, đường, xăng dầu, trang thiết bị và phân bón cũng như thuốc men. Thêm vảo đó 32 triệu mét vải đủ loại cũng được gửi vào Nam cho dân chúng may mặc. Trong khi đó, miền Bắc chỉ nhận được một con số nhỏ nhoi là 80.000 tấn sản phẩm của miền Nam.
Vụ nổ ớ tháp con rùa đưa đến việc bắt bớ giới văn nghệ sĩ — Thứ sáu, mồng 2 tháng tư. Đây là chuyện có thật, không phải là tin đồn nữa. Một vụ nổ lớn, dữ dội, vang động cả thành phố. Ngã tư tháp con rùa, sau nhà thờ Đức Bà vẫn là điểm hẹn hò của trai gái trên đường Duy Tân. Nhiều người còn nhớ bài hát của Phạm Duy: Con đuờng Duy Tân, cây dài bóng mát.Trả lại em yêu, con đường học trò. Tiếng nổ chắc có gây thương tích và người chết nên có xe cứu thương chạy qua chạy lại.
Dù sao vụ nổ này chẳng gây được tiếng vang gì. Báo ra ngày thứ bảy quy kết tội cho bọn phá hoại muốn gây rối trong ngày bầu cử sắp tới. Một trong những người phá hoại đã tử thương và một số người khác đã bị bắt.
Sau vụ nổ ở tháp Con Rùa, hơn 200 trăm văn nghệ sĩ, nhà văn, giáo sư đã bị bắt đi tù. Chẳng hạn như các ông Nguyễn Sỹ Tế, Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường (HHT). Sau này ông HHT thì chết trong tù, riêng ông Vũ Hoàng Chương được thả về nhà mấy bữa thì đã qua đời.
Thứ bảy 17 tháng tư 1976 — Kết quả cuộc bầu cử sắp tới thì như ai nấy đều biết cả rồi. Nhưng người ta vẫn làm như thể không ai biết và báo chí, loa phóng thanh vẫn làm công việc cổ võ tuyên truyền cho việc đi bầu cho đông. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ trong một buổi họp vào ngày thứ ba đã trả lời một câu của một thính giả: Tại sao không có ứng cử viên đối lập. Trả lời: Quyền hành ở trong tay nhân dân, nhân dân là những thợ thuyền, người nông dân, nghĩa là nằm trong tay đa số. Vậy đối lập là đối lập với ai. Không lẽ nhân dân lại đối lập với chính mình. Nhân dân sẽ đi bầu và xác lập cái quyền làm chủ đất nước (ses droits de maitre du pays).
Trong khi đó, tòa đại sứ Nhật chính thức đóng cửa. Tòa Đại sứ Pháp thì kiên nhẫn hơn. Thư từ ngoại giao bị lục tung và bị kiểm soát. Phản đối cũng chẳng ăn thua gì.
Bộ đội thì được thưởng một ngày thứ ba đi coi chiếu bóng miễn phí. Kết quả là trên đường Trần Hưng Đạo có vụ nổ bom với 25 người chết và 80 người bị thương. Rạp Đại Nam gần đó cũng lãnh một vụ nổ Plastic.
Tờ SGGP, số 262 hiển nhiên không đăng tải những tin về những vụ nổ này. Nhưng đã chạy bốn cột báo với nhan đề: “Dân chúng thành phố đã vui mừng tham gia vào việc giữ gìn an ninh bảo đảm an ninh nhân dịp cuộc bầu cử Quốc Hội sắp tới’’
———————-
Kể từ ngày 30 tháng 4/1975 — Nay đã gần được một năm. Để kết thúc một năm sau ngày giải phóng, chính quyền quyết định một cuộc bầu cử trên toàn quốc. Danh sách 44 ứng cử viên của thành phố Sài Gòn đã được niêm yết. Phần lớn là người trong đảng, điều đó là dĩ nhiên rồi. Có một vài người của MTGPMN, một vài trí thức tiêu biểu của thành phần thứ ba và để tỏ ra dân chủ, có thêm một ứng viên là thợ làm cho công ty CARIC của Tây.
Trong danh sách cử tri, người ta nhận thấy có điều gì không ổn. Ở Hà nội, có 43 vạn đàn ông đi bầu so với 44 vạn đàn bà. Chênh lệch là 10 ngàn người. Một tỉ lệ chênh lệch hiểu được vì số đàn ông đi lính, tử trận. Riêng tỉ lệ cử tri đi bầu ở Sài Gòn có khoảng cách khá lớn giữa hai phái. Có một triệu cử tri phái nữ, nhưng lại chỉ có 75 vạn cử tri đàn ông. Có một khoảng cách tỉ lệ giữa hai phái khá xa làm nhiều người thắc mắc, đặt thành câu hỏi. Vậy con số 25 vạn đàn ông ít hơn này, họ đi đâu? Trong các trại cải tạo?
Hay là do không được phép đi bầu? Điều đó vẫn không ai biết được một cách rõ ràng tại sao.
Thứ tư mồng 7 tháng tư 1976 — Thành phố chăng đầy các biểu ngữ về ngày bầu cử sắp tới. Nhiều biểu ngữ có nội dung ca ngợi đảng Lao động muôn năm. Báo chí thì viết đầy các tiểu sử các ứng cử viên. Tất cả đều là những cựu kháng chiến không chống Pháp thì cũng chống Mỹ.
Người ta ghi nhận một điều là trong tiểu sử bà Nguyễn Thị Bình không có ghi ngày sinh tháng đẻ. Truyền thống của Tây là không nên nhắc đến tuổi của phụ nữ chăng? Tiểu sử chỉ ghi một cách rất mơ hồ là bà đã chống Pháp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường trung học. Chống thế nào thì không ai được biết
Cũng có trường hợp một ông bác sĩ tên Nguyễn Ngọc Hà, ông này tham gia phong trào những người Việt Nam yêu nước ở nước Pháp từ năm 1948 cho đến hôm nay. Ông về nước lúc nào và tham gia cuộc bầu cử này dưới danh nghĩa gì.
Trong dịp kỷ niệm một năm ngày Giải Phóng, các báo cũng đăng tải hồi ký của Tướng Văn Tiến Dũng. Đây là một hồi ký đánh bóng mình không ít. Đồng thời làm giảm vai trò của tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc chiến kết thúc chiến tranh ở miền Nam.
Sau này, hồi ký đã bị đánh giá là thấp, thiếu trung thực, nhiều chỗ thổi phồng. Theo cụ Trường Chinh, chủ tịch Quốc Hội, cuốn sách này có khá nhiều điều viết không trung thực.
Cũng trong dịp đặc biệt và hiếm hoi này, người ta lại thấy xuất hiện cờ Mặt Trận Giải phóng miền Nam (MTGPMN) ở dinh cựu Tổng Thống Thiệu.
Thứ sáu, 16 tháng tư 1976 — Để đánh dấu một năm sau ngày Giải Phóng, người ta có một hai thống kê về chỉ số sinh hoạt kinh tế như sau để người đọc tiện việc theo dõi:
– Chỉ số về giá sinh hoạt thực phẩm từ tháng tư 1975 đến tháng tư 1976 tăng 183,44 %.
– Chỉ số về giá sinh hoạt không phải thực phẩm tăng cũng cùng thời gian trên là 401%.
Những con số thống kê gia tăng như trên chẳng nói được gì và cũng chẳng phản ánh thực tế đời sống của người dân. Nó làm ra có vẻ khoa học mà chẳng có gì khoa học.
Cuối cùng thì dân vẫn có cảm tưởng là đói đến nơi rồi. Đó là tín hiệu rõ rệt nhất về sinh hoạt đời sống của người dân. Cái gì cũng khan hiếm như thể biến đâu mất.
– Cũng trong dịp này, theo báo Tin Sáng của ông Ngô công Đức, do nguồn tin của dân chúng, chính quyền đã tịch thu 2700 m3 các ấn phẩm, tương đương 2 triệu cuốn sách và hàng tấn sách vở tịch thu tại 5 địa điểm được dấu sau đây:
237 đường Điện Biên Phủ, 127 Nguyễn thị Minh Khai, 193 Nam Kỳ Khởi Nghĩa và tại số 28 và 62 Lê Lợi. Kho sách này của ai? Thưa một phần của ông Khai Trí.
Vậy mà bằng cách nào sau này, ông có tên trên một bảng đường thành phố ngay từ lúc còn sống như đã trình bầy ở trên?
Thứ năm 22 tháng tư 1976 — Các em tiểu học được chỉ dạy để về nói với cha mẹ bầu cho ai và không bầu cho ai. Ở quận ba, có chuyện rỉ tai không bầu cho các ứng viên số 1, số 3 và số 13. Những ứng viên này chỉ có mặt cho có hình thức. Họ là những người thuộc thành phần ứng cử viên tôn giáo và tư sản cũ. Có một số cán bộ phường đến từng nhà khuyên dân chúng nên bầu cho ai.
Cái điều chính yếu mà người dân quan tâm trong cuộc bầu cử này là họ sẽ có được tờ giấy chứng nhận đã đi bầu. Tờ giấy có giá trị như tấm căn cước hay một thứ chứng minh nhân dân. Tất cả chỉ có chừng đó là quan trọng, còn ai đuợc bầu, ai không được không phải việc của họ.
Cũng trong dịp này, báo chí cho biết theo thống kê thì ở miền Nam có 1328 bác sĩ cho 24 triệu dân. Nghĩa là 18000 dân, có một bác sĩ. Số bác sĩ này bao gồm cả bác sĩ từ miền Bắc vào? Người ta ước lượng có từ 300- 500 bác sĩ di tản theo Mỹ. Vậy số còn lại ở đâu? Có thể còn ở trong các trại học tập cải tạo
Thứ sáu, ngày 23 tháng tư: Tờ Tin Sáng loan tin: dân chúng sẽ đi bầu đông đảo, đúng cách và nghiêm chỉnh. Còi báo động của thành phố với những hồi thật dài mở màn cho cuộc bầu cử tại các phòng phiếu vào đúng 7 giờ. Đảng uỷ thành phố cũng không quên yêu cầu dân chúng ăn mặc tề chỉnh, quét dọn nhà cứa phía trước cho sạch sẽ. Một vài hãng thông tấn còn sót lại như hãng AFP đã đi một công điện như sau, mặc dầu đã có sự kiểm duyệt: “Người ta vẫn theo thói quen bàn đến vụ nổ lớn ở khu vực Long Khánh vào ngày 24 tháng 4 vừa qua. Vụ nổ lớn kéo dài đến tận Sài Gòn cũng nghe thấy tiếng nổ. Chung quanh khu vực đó, có nhiều trại cải tạo tập trung, không biết vì lý do thiếu an ninh mà sau này các trại đó đã chuyển dần ra phía ngoài Bắc.”
Chủ nhật, ngày 25/4/1976: ngày bầu cử, kết thúc một năm Sài Gòn sau 30/4/1975 — Hôm nay là ngày lịch sử. Toàn quốc đã đi bầu. Ngoài đường cấm xe cộ lưu thông. Đường phố vắng vẻ, chỉ trừ các xe phóng thanh đi tuyên truyền. Những người đi xe đạp hoặc xe gắn máy thì có các người gác các nút chặn yêu cầu xuống xe dắt bộ.
Trên đường phố, chỉ còn những đoàn người, phần lớn là phụ nữ thanh niên, thiếu nữ, do các tổ dân phố hay phường khóm hướng dẫn đến các địa điểm bỏ phiếu. Mọi sinh hoạt đình chỉ. Ngay cả những ngưởi buôn bán lẻ dọc đường phố cũng phải tạm nghĩ, tạm lánh mặt.. Không khí vui vẻ và tấp nập.
Có nhiều nơi, như trong Chợ Lớn, 10 giờ toàn thể dân chúng trong các khu phố đã làm xong nhiệm vụ đi bầu.
Một vài máy bay phản lực bay lượn trên không vụt qua vụt lại, tiếp theo là hai trực thăng kêu phành phạch trên trời làm tăng thêm cái vẻ nghiêm trọng trong ngày bầu cử. Đến xế chiều, kể như công việc bầu cử đã hoàn tất từ lâu. Thành phố Sài Gòn như một thành phố ngủ, không một bóng người hay xe cộ qua lại. Ngoài đường chỉ còn lại xe cộ qua lại của công an, cảnh sát. Những người giữ trật tự an ninh, đeo băng đỏ trên xe phóng lướt nhanh, dáng vẻ khẩn trương của một màn kịch sắp đến hồi kết thúc. Trật tự đạt mức độ an toàn tuyệt đối và hầu như không có một sự cố nào xảy ra, dù nhỏ thôi. Không có phá hoại, không có mất trật tự, tranh dành.
Sau một năm, thành phố Sài Gòn đã đổi diện mạo. Sài Gòn không còn là Sài Gòn năm trước nữa.
Đối với người dân thành phố, vấn đề không phải là bầu ai, vì đó là nhiệm vụ của chính quyền. Đối với họ, điều quan trọng là tấm giấy chứng nhận đã đi bầu. Vậy là đủ.
Nếu có điều gì đáng nói trong chuyện bầu cử này như một câu chuyện bên lề. Đó là chuyện “Big Minh” đi bầu. Ông này vừa được chuyển về từ miền Bắc về lại miền Nam cách đây hai tháng. Big Minh đã đi bỏ phiếu tại trường Tây cũ Saint Exupéry trước mặt một số phóng viên ngoại quốc như báo L’humanité của Pháp và L’Unita của Ý.
Cũng tin đồn cho hay Nhân vật số 1 là ông Phạm Hùng đã bị hai người ngồi xe gắn máy nhắm bắn về phía ông ở góc bà Huyện Thanh Quan, khi ông vừa dời khỏi nhà ở đường Tú Xương, vào lúc 6 giờ 45 sáng để đi bầu. Người tài xế của ông bị thương, phần ông không sao cả. Sau đó hai người trên xe gắn máy đã bị bắt ngay. Những ngày sau đó, trước dinh của ông Phạm Hùng, luôn luôn có 4 người an ninh gác cửa.
Xin lưu ý mọi người là các đường Tú Xương, bà Huyện Thanh Quan, nhất là Trương Định là nơi trú ngụ của các nhân vật cao cấp đảng Cộng Sản bây giờ. Mỗi khi vào Sài Gòn là họ ở đấy. Nó cũng giống như ở Hà nội, dọc đường Hoàng Diệu đều là dinh thự của các cấp lãnh đạo đảng và nhà nước. Tôi đã đến thăm nhà bà quả phụ Vũ Đình Liệu ở số 28 đường Trương Định và lúc ra về, bà đã chỉ cho biết bên kia đường, xế phía tay phải là nhà ông Phó Thủ Tướng Dũng, một nhân vật có nhiều dấu hiệu sẽ dành được chức vụ Thủ Tướng trong kỳ sắp tới đây.
Thứ tư ngày 28/4/1976 — Báo chí cho hay chỉ có khoảng 95% dân chúng miền Nam đi bầu, so với 99,82% cử tri miền Bắc đi bầu. Nhưng riêng các tỉnh Minh Hải, bao gồm Cà Mâu và Bạc Liêu, số người đi bầu là 100%. Một tỉ lệ tuyệt đối không đâu sánh bằng.
Ở Sài Gòn, có 9 người không đắc cử, trong đó có 6 phụ nữ. Trong số 35 người đắc cử, có 8 phụ nữ, hai nhà sư, một linh mục Thiên Chúa giáo và 6 người thuộc Mặt trận Giải Phóng miền Nam. Mặc đầu kết quả được sắp đặt, người ta vẫn thấy sự sắp xếp có phần lộ liễu. Có thể nào có một sắp đặt ít lộ liễu hơn được không? Chúng ta muốn lộ liễu hóa một điều mà tự nó đã lộ liễu rồi? Con số nhiều nơi 100 phần trăm đi bầu, bất kể những trường hợp ốm đau, sinh đẻ hoặc có những lý do bất khả kháng.
Tưởng những con số trên là phi thực lắm rôì, vậy mà gần một phần tư thế kỷ sau, 3 tháng trước ngày bầu cử 14/11/1999, thủ tướng Phan Văn Khải đã tuyên bố: “Phải tổ chức bầu cử thật dân chủ’’ (SGGP ngày 24/8/1999). Dân chủ thật. Số cử tri đi bầu HĐNDTPHCM đạt tỉ lể 99, 84%, bầu đủ số 85 đại biểu.
Nhân tiện đây cũng nhắc đến nhà văn Tô Hoài, Ông là nhà văn đi công tác nước ngoài nhiều lần nhất ở ngoài Bắc trước 75.. Ông kể truyện, mỗi lần đi công tác nước ngoài là phải đi mượn quần áo của Bộ tài chánh: “… giày không có dây, cả thành phố không đâu bán dây giày và hộp kem. Tôi lại phải đi xin dây giày và mượn cái cà vạt của Nguyễn Văn Bổng’’. Nói về người bạn cũ di cư vào Nam, ông viết với giọng khinh miệt như sau: “… còn cái thằng Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, làm báo Tự Do ở Sài Gòn… Tôi được biết nó ở lại Sài Gòn. Có lẽ cũng không ai buồn xách cái tã ấy đi di tản’”. Và viết về bầu cử, ông đã trơ trẽn tả lại một cách tự nhiên như sau: “Chỗ nào cũng tíu tít… có người đi bầu hộ cả nhà… Khi mọi người đã ra về, chúng tôi bóc miếng giấy dán niêm phong, đổ cả thùng phiếu ra mặt bàn. Hai chúng tôi mở từng cái phiếu rồi lại bỏ vào thùng. Cả phiếu không gạch tên, phiếu trắng cũng bỏ lại vào. Chỉ để riêng ra cái phiếu nào viết vẽ nhảm nhí hay viết phản động. Những phiếu này gói lại, tự tay trưởng ban đem nộp lên khu. Trong những năm nay tôi làm việc, mấy lần bỏ phiếu thành phố hay toàn quốc đều làm như thế theo kế hoạch mật của khu’’. Đặc biệt nhà văn này, chúng tôi giới thiệu tài liệu trích dẫn ở trong cuốn hồi ký Chiều Chiều, của ông do nxb Hội Nhà Văn, dày 562 trang. Hình như ông vào ngụ ở Đàlạt thì phải.
Đó là sản phẩm của những đầu óc chính trị quá mẫn. Người ta vẫn chưa tìm được một sự dung hòa giữa ảo và thực, giữa sự nghiêm chỉnh và sự đùa nghịch. Sự nghiêm chỉnh (esprit du sérieux mà theo Voltaire cái nghiêm chỉnh thì thiếu cái duyên dáng, đối lại với esprit du ridicule) mà dấn đến mức quá độ, tuyệt đối, nó không chừa cho bất cứ kẽ hở nào của thực tế thì nó biến thành sự khôi hài, kệch cỡm. Tỉ lệ đi bầu 99,82%, đắc cử ở mức độ tín nhiệm tuyệt đối 99.76% là một chuyện quá nghiêm chỉnh trở thành chuyện khôi hài.
Phải có một đầu óc lãng mạn chính trị ghê lắm mới đưa ra được kết quả trên.
Vì thế mà hội Hài ước thế giới đã phải tặng Việt Nam giải chú Hề Vàng. Ông Phuck Temall, chủ tịch Hội đã phát biểu: “Bộ máy nhà nước hiện nay là trò hề lớn nhất mà chúng ta từng được biết tới, không có đối thủ cạnh tranh. Ông nhấn mạnh là tính khôi hài của bộ máy nhà nước Việt Nam vượt quá sức tưởng tượng của bất cứ người sáng tác nào: “Không một nhà viết kịch bản nào có thể bịa ra được những tình tiết ly kỳ như hiện thực Việt Nam, không một nhà hài ước nào có thể nghĩ ra dược những phát ngôn tiếu lâm của các quan chức nhà nước’’.
Ở Sài Gòn, bà Bình dẫn đầu với 97% phiếu bầu. Đáng nhẽ cần minh định rõ hơn tý nữa. Bà Bình đã được tín nhiệm với 97% phiếu trên tổng số 95% số cử tri đi bầu. Nguyễn Hữu Thọ 95% và Võ văn Kiệt 94%, Huỳnh tấn Phát 92%. Một vài ghi nhận là ông Phạm Hùng, nhân vật số 1 ở miền Nam chỉ đạt tỉ lệ đắc cử là 92% ở quận 3. Ngôi sao Phạm Hùng đang đi xuống. Bà Dương Quỳnh Hoa, bộ trưởng y tế, không phải đi xuống mà có vẻ bị thất sủng chỉ đạt được 81% phiếu bầu ở quận hai. Tỉ lệ 81% là quá thấp như một rẻ rúng.
Vì vậy, có thể xem kết quả bầu phiếu để biết được số phận tương lai chính trị của các nhân vật lãnh đạo nhà nước.
Ít ra thì một cuộc bầu cử về mặt này cũng tỏ ra có ích lợi, nhờ đó người dân biết được ai còn, ai mất.
Có vẻ như bộ máy bầu cử ở trong Nam có điều chi trục trặc. Nó không tuân thủ một trình tự sắp xếp tính toán từ trước.
Ngoài Bắc, riêng ở Hà Nội, nghiêm chỉnh hơn nên khôi hài hơn. Số người đi bầu là 99,82%. Trong khi đó, nhân vật số 1 miền Bắc ông Lê Duẩn, Tổng bí thư dẫn đầu với 99,76%, Thủ tướng Phạm văn Đồng 99,73%, Trường Chinh 99,60%. Tất cả 6 nhân vật cao cấp của chính phủ đều đạt tỉ lệ 99,35% số phiếu bầu. Nhưng theo kết quả công bố, ngay cả những ứng viên không được bầu, nghĩa là rớt không trúng cử, cũng đạt được tỉ lệ 50% số phiếu. Làm sao có thể người trúng cử đạt tỉ lện hơn 90% số phiếu đi bầu và người rớt cũng đạt được 50% số phiếu bầu.
Ở một mặt khác, người ta để ý thấy tỉ lệ số phiếu của bà Bình phải thấp hơn so với tất cả các vị lãnh đạo miền Bắc. Tỉ lệ của Bí thư phải cao hơn Thủ Tướng và cứ thế, cứ thế, sự cao hơn đến độ vô nghĩa cũng cần phải được tôn trọng.
Tin tức báo chí về kết quả bầu cử nghiêm chỉnh, đứng đắn như thế nên ông Hồ Ngọc Nhuận đã có nhận xét như sau về hai nền báo chí Sài Gòn trước và sau giải phóng. Ông nhận xét khá chính xác khi nói: Báo chí ngày nay ít dành chỗ cho biếm họa. Mà nếu có cũng ít khi thấy đã. Có lẽ là vì báo chí bây giờ ngay ngắn, đứng đắn hơn chăng. Người ta nhớ thuở nào làng báo Sài Gòn có những họa sĩ “Ớt’’, tức Huỳnh Bá Thành cùng với các họa sĩ Chóe, Diệp Đình v.v… Sau 30 tháng tư, họa sĩ Ớt mới lộ diện là một cán bộ chỉ huy điệp vụ cách mạng. Ông Hồ Ngọc Nhuận cho biết tiếp như sau về câu chuyện hoạ sĩ Ớt: “Chiều 28/4/75, sau vụ ném bom của Nguyễn Thành Trung, chúng tôi thấy nhóm ông Minh bị cô lập, tôi liền thực hiện ý định. Tôi gặp anh Hồ Ngọc Nhuận và tự xưng là điệp báo của Mặt trận, truyền đạt lời yêu cầu của cách mạng đến ông Minh, rằng ông nên giao chính quyền lại cho cách mạng’’
Thứ sáu 30 tháng tư- 1976, kỷ niệm một năm sau ngày Sài Gòn giải phóng — Sáng nay, tờ Sài Gòn Giải Phóng đã chạy một tít lớn như sau: “Cũng ngày nay năm ngoái, quân đội chúng ta gồm năm binh đoàn đã tiến vào Sài Gòn, trong khi hằng triệu người đã nhất tề đứng lên hưởng ứng cuộc cách mạng thành công”.
Ngày kỷ niệm diễn ra một cách êm ả. Không có mít tinh mà cũng không có biểu tình. Trên trời, có hai nhóm máy bay, mỗi nhóm ba chiếc máy bay chiến đấu, có thể là máy bay phản lực A 37 của quân lực VNCH cũ bay lượn nhiều lần và bay sà trên thành phố.
Chỉ có điều con số 5 binh đoàn, nay đổi ra là 15 binh đoàn. Đối với người dân, chẳng ai thắc mắc cái chuyện 5 hay 15 binh đoàn. Đó là công việc của nhà nước.
Văn phòng báo chí AFP sẽ đóng cửa vào ngày mồng 8 tháng năm sắp tới loan tin còn có 30 vạn người còn bị giam giữ trong các trại học tập. Bản tin này đã bị nhà cầm quyền kiểm duyệt từng chữ một. Dầu vậy, cũng đánh động được Amnesty International (Hội Ân xá quốc tế) và các cơ quan bảo vệ nhân quyền trên thế giới để can thiệp.
Ngô Công Đức đã tổ chức một bữa ăn để kỷ niệm ngày 30 tháng tư 1976, tại nhà nghỉ mát Thanh Đa của ông. Ông đã mời tất cả các bạn bè đã từng sát cánh tranh đấu với ông trong thời kỳ đệ nhị cộng hoà. Không có danh sách những người bạn cũ là những ai. Nhân dịp này, đám khách khứa, bạn bè cũng kiểm điểm xem ai mất, ai còn, ai là người đã đi xa.
Buổi họp mặt vui thật, nhưng đã có người báo cáo về những câu chuyện bàn tán trong bữa tiệc. Vì thế có kiểm điểm, cảnh cáo. Dư âm nghe nói mãi tận ngày 30/4 năm sau vẫn còn.
Và kể từ đó, Hồ Ngọc Nhuận thề không dám mời những lần hội ngộ như vậy nữa. Và nếu có ai mời, cũng không dám tham dự nữa.
Một vài con số về tình trạng giáo dục đại học sau 75 — Trước 75, số sinh viên ở các đại học miền Nam là 131.500 người. Cho mãi đến cuối tháng 12, 1975, một số Đại học mới bắt đầu mở cửa học lại. Và sau 4 tháng học, người ta ghi nhận chỉ có 29.000 sinh viên tham dự kỳ thi cuối năm nay. Nếu tính số dân miền Nam là 29 triệu dân thì chỉ có 3.976 sinh viên ở trình độ cao học.
Cho đến nay, Sài Gòn thiếu trầm trọng các bác sĩ. Trường Y khoa chỉ thu nhận 349 sinh viên trên số 5.558 ứng viên ghi danh. Trường Nha 100 sinh viên và dược khoa 79. Thời trước 75, số sinh viênn Y nha dược là 15000 sinh viên, cộng thêm 883 sinh viên Đại Học Sư Phạm.
Cũng ghi nhận là nay tất cả các trường từ trung học đến đại học đều thuộc trường công lập của nhà nước. Không có hệ thống các trường tư thuộc giáo hội TCG, Phật Giáo, trường Tàu hay tổ chức nào khác. Chương trình giáo dục kéo dài 12 năm, thay vì 10 năm như ở ngoài Bắc.
Chương trình trong các trường có một số đặc điểm như:
- Ưu thế hàng đầu cho chính trị trong các bài về văn chương, sử ký, địa lý và ngay cả toán học.
• Ưu thế cho các bài học đạo đức chính trị về vô sản, đề cao đảng, tôn sùng cá nhân bác Hồ kính yêu.
• Tinh thần ái quốc cực đoan, sô vanh (chauvin) đề cao sức mạnh của đất nước và quân đội, gieo rắc sự nghi ngờ và hận thù.
• Các giáo chức phải luôn được giáo dục cải tạo để thấm nhuần tư tưởng chủ nghĩa xã hội. Các bài học đưuợc phân phối mỗi hai tuần một lần và giờ làm việc của giáo chức trung bình ngày 12 tiếng với số lương khoảng 20 chục ngàn đồng tiền cũ.
Sau một năm, người dân tự hỏi tương lai sẽ ra sao? Thấm thoát mà đã hơn 30 năm rồi.
Câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời trọn vẹn.
Theo Dương Thu Hương, sau 30/4/1975, nó còn những chiều kích đau khổ khác. Và chính những chiều kích ấy mới là tổn thất khủng khiếp nhất. Một năm sau ngày giải phóng, miền Nam là một xã hội tan rã và hủy diệt về mọi phương diện: phá sản về đạo lý con người, một xã hội băng hoại mất hết mọi giá trị đạo đức, luân lý cổ truyền. Chính sách đi học tập cải tạo vô hạn định có thể lừa được người dân trong ngắn hạn, nhưng sau này trả rất đắt, nói không ai nghe, không ai tin nữa, mất hoàn toàn tín nhiệm nơi dân chúng. Giải thể MTGPMN và thống nhất đất nước vội vã là một phản bội miền Nam, một sai lầm chiến thuật, bất cập. Đi kinh tế mới là một chính sách đầu voi đuôi chuột, đem con bỏ chợ, nhằm trả thù hơn là lợi ích kinh tế hay xã hội. Nó thất bại ngay từ đầu đến nỗi sau này không ai còn muốn nhắc tới nữa. Rồi đánh tư sản mại bản, chính sách đổi tiền, chính sách bài trừ và xua đuổi người Hoa ra khỏi nước, việc mang quân sang xâm chiếm Campuchia. Tất cả dẫn đưa đất nước vào vòng lao lý, tù tội hận oán mãi đến bây giờ chưa hết. Một xã hội bị xoá trắng về Văn Học nghệ thuật, phá sản về tư hữu, một nền kinh tế kiệt quệ lâm vào cảnh đói nghèo báo hiệu nguy cơ sụp dổ toàn diện.
Về đối ngoại, đóng cửa các tòa đại sứ, nhất là tòa đại sứ Hoa Kỳ, trục xuất các người ngoại quốc, chiếm hữu tài sản của các công ty người Pháp là tự mình cô lập chính mình. Hủy bỏ mọi cam kết, ký kết, các thương ước thương mại, các khoản cho hoặc vay mượn, các cơ quan từ thiện quốc tế, các tổ chức nhân đạo, các quỹ tiền tệ Quốc tế, các ngân hàng ngoại quốc… mà VNCH đã nhiều năm xây dựng là một việc làm ngu xuẩn. Vì thế, phải nhiều năm sau này chính quyền CS mới khôi phục và nối kết lại bang giao với các cơ quan Quốc Tế vừa kể trên.
Chúng ta đã bịt tai không thèm nghe về tư thế và lợi ích chiến tranh của Việt Nam giữa hai đại cường, nên đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Andrew Young đã nói rõ như sau: “Chúng tôi coi Việt Nam như một Nam Tư ở Châu Á. Không phải một bộ phận của Trung Quốc hay của Liên Xô, mà là một nước độc lập. Một nước Việt Nam mạnh và độc lập là phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ’’ (tháng 01-1977)
Như thế, Việt Nam đã bỏ mất nhiều cơ may đưa đất nước tiến lên và phát triển. VN đã tụt hậu gần 20 năm trong sự trì trệ và ngu dốt. Đã có một lịch sử đứt đoạn phân chia rạch ròi trước 1975 và sau 1975. Đã có một giai đoạn mất mát, cắt đứt với cộng đồng quốc tế và đất nước rơi vào tình trạng nghèo đói, lạc hậu và chậm tiến.
Đó là một lỗi lầm lịch sử lớn lao mà trách nhiệm là đảng cầm quyền CS.
Cả một tập đoàn cán bộ cao cấp đều thiếu một cái nhìn viễn kiến, một chính sách hợp tác quốc tế ngay từ đầu. Cái tư thế chính trị, quân sự của ta lúc bấy giờ là lớn lắm nếu có một chính sách ngoại giao cởi mở, mềm dẻo, biết điều, không hỗng hãnh quá lố đến lố bịch sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế. Ta đã ngu dại, ngủ quên với những chiến thắng, coi trời bằng vung.
Và cho đến bây giờ, cái đảng cầm quyền đó vẫn vấp phạm những sai lầm lớn nhỏ với tình trạng tham nhũng hầu như vô phương cứu chữa.
Một nhận xét cuối cùng của tôi sau một năm ngày giải phóng là:
Họ đã làm mất lòng dân mà họ không cần biết — Sau một năm giải phóng, Tất cả mọi người từ già tới trẻ, từ đủ mọi thành phần xã hội đều mất tin tưởng và thấy rằng đất nước này không khá dược nếu còn đảng CS.
Xu hướng này đến nay càng rõ nét. Phải thay đổi, phải dẹp bỏ đảng CS nếu muốn đất nước đi lên.
Cho đến nay, những gì họ tuyên truyền để phá huỷ, trù dập, phỉ báng, bôi nhọ, kết án, v.v… thì sau thời kỳ đổi mới kể từ 1986… Họ làm cuộc cách mạng trở về với cái cũ, cái mà họ từng phỉ nhổ, lăng nhục. Và một biểu tượng hết ý hết lời về đất nước mình, ấy là hình ảnh những cột xi măng thay vì phải là cột xi măng cốt sắt, nó lại là những cột xi măng cốt tre.
Đất nước này chỉ toàn là những cột xi măng đúc bẳng cốt tre thay vì cốt sắt. Chúng ta hãy tự chọn cho mình một thái độ thích hợp.
Hết
——————
GS. Nguyễn Văn Lục
Nguyễn Văn Lục: Bài viết này mà tính chất là ký như một truyện kể, để cố gắng đạt được tính sinh động, nhẹ nhàng và bớt nặng nề của một bài khảo luận. Người viết đã không làm footnote dưới mỗi dẫn chứng và xin chỉ liệt kê một số sách, số tài liệu chính đã sử dụng trong bài viết này. Nhiều chỗ, nhiều đoạn đã lấy nguyên văn để cho có được độ chính xác và nghiêm túc. Sau nữa cũng không liệt kê vô số các tài liệu rút ra từ các báo ngoại quốc, các bản tin hay tiếng Việt như Tin Nhà, Đi Tới, Sài Gòn Giải Phóng…
Tài liệu ngoại quốc được trích dẫn từ cuốn:
La mousson de la liberté của Brigitte Friang.
Vivre au Viet Nam của Alain Ruscio
L’aigle et le dragon của Claude de Groulat.
La guerre d’Indochine của Lucien Bodar.
Le temps des chiens muets. Mgr Paul Seitz. Flamarion.
Cũng xin cám ơn các bạn Nguyễn Trọng Văn đã cho tôi có dịp in Cuốn Đời của Hồ Ngọc Nhuận mà tôi đã xử dụng nó rất nhiều trong bài viết này. Cám ơn đặc biệt bạn Đỗ Hữu Nghiêm đã gửi cho tôi cuốn: 30 năm công giáo VN dưới chế độ CS, 1975-2005 mà tôi đã dùng để trích dẫn nhiều tài liệu quý giá về Thiên Chúa giáo của những tác giả như Đỗ Hữu Nghiêm, Trần Ngọc Báu, Vũ Sinh Hiên, Lê Thiên và giáo sư Nguyễn Chính Kết. Sau chót, không quên Nhận Định 10, trong nước, ngoài nước của Nguyễn Văn Trung.
Về phía các tác giả phương Tây thì tôi chẳng có cách gì để liên lạc để cám ơn họ cả, dù có muốn cám ơn.