April 11, 2024
HƯNG YÊN, Việt Nam (NV) – Sau vài năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, tỉnh Hưng Yên ở Việt Nam vừa tái diễn thói đua đòi làm bánh chưng, bánh giầy “khổng lồ” để “gây tiếng vang.”
Theo báo Thanh Niên hôm 10 Tháng Tư, một cái bánh chưng nặng đến 10 tấn và cái bánh giầy 2 tấn vừa được nấu trong năm ngày tại đền Quốc Mẫu Âu Cơ ở thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Lượng gạo nếp, thịt, đậu xanh để làm bánh chưng nặng 10 tấn và bánh giầy 2 tấn. (Hình: Thanh Niên)
Vụ nấu bánh “khổng lồ” được giải thích là nhân dịp “lễ hội truyền thống chùa Hoàng Xá và đền Quốc Mẫu Âu Cơ” vào Tháng Ba Âm Lịch hằng năm.
Bản tin cho biết, kinh phí mua gạo nếp, thịt, đậu xanh, lá dong và 50-70 tấn củi là do người dân, Phật tử đóng góp.
Ông Lã Văn Lưu, chủ tịch xã Hùng Cường, thành phố Hưng Yên, nói rằng cái bánh chưng năm nay nặng “gấp đôi” cái bánh chưng 5 tấn nấu hồi năm 2014 cũng tại địa phương này.
Sau khi được luộc chín, do bánh rất nặng nên được đặt tại vị trí ban đầu ở sân đền Quốc Mẫu Âu Cơ và được làm lễ dâng bánh từ ngày 14 đến 18 Tháng Tư.
Ông Lưu nói thêm: “Nhiều người lo ngại với trọng lượng bánh chưng, bánh giầy lên tới 12 tấn sử dụng không hết sẽ gây phí phạm. Tuy nhiên, sau khi làm lễ xong, bánh sẽ được chia cho toàn bộ nhân dân địa phương và du khách thập phương đến dự lễ hội. Chúng tôi bảo đảm sẽ không còn miếng bánh nào dư thừa.”
Vụ Hưng Yên cho nấu bánh chưng “khổng lồ” khiến người ta nhớ lại chuyện tỉnh Nghệ An mấy năm trước thường tổ chức lễ dâng cặp bánh chưng nặng 7 tạ tại mộ bà Hoàng Thị Loan, mẹ ông Hồ Chí Minh, vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán hằng năm.
Sau khi bị công luận chỉ trích vì sự phí phạm thực phẩm, chính quyền tỉnh này đã ngưng làm bánh chưng “khổng lồ” và thay bằng hàng chục cái bánh chưng với kích cỡ thông thường.
“Nồi” nấu bánh chưng đỏ lửa trong năm ngày, với 50-70 tấn củi. (Hình: Thanh Niên)
Báo Lao Động hồi năm 2018 từng chỉ trích vụ thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, chạy đua làm bánh giầy kỷ lục 3 tấn dâng Vua Hùng là “phô trương, hình thức.”
“Kinh phí dành cho việc dâng bánh ‘khủng’ không phải là quá lớn. Nhưng điều đáng nói là việc làm ấy đã khơi mào cho thói đua đòi theo hư danh, hình thức, lãng phí trong lễ hội quan trọng của quốc gia, trong khi chúng ta đang phát động ý thức cần kiệm, sự thành tâm, chân thật, nhân văn. Việc làm những cái bánh ‘khủng’ không phải chứng minh chúng ta đã giàu có, sung túc hay có tiến bộ về khoa học, công nghệ. Đó chỉ thể hiện tư duy giản đơn, thích ‘chơi trội,’” báo này kết luận. (N.H.K) [qd]