Viết về một ngày đen tối, với một ước vọng bình minh

Ba’o Nguoi – Viet

April 7, 2024

Kathy Phạm/SGN

Tôi có ký ức tuổi thơ khá loáng thoáng và mờ nhạt về đất nước Việt Nam Cộng Hòa, tuy nhiên những ký ức ít ỏi này vẫn ở mãi trong trí nhớ của tôi cho đến ngày hôm nay.

Tôi còn nhớ rõ vào năm 1975, gần một tháng trước ngày sinh nhật lần thứ chín của tôi, má tôi dự tính mua cho tôi một cái áo mới để đi học và nấu một nồi chè đậu xanh nước dừa để mừng sinh nhật đứa con gái út lên chín tuổi.

Nhưng ngày vui đó không được thực hiện như tôi mong đợi. Lý do vì ngày đó đã xảy ra sự kiện đánh dấu một biến cố lịch sử đau thương cho đất nước và dân tộc Việt Nam: ngày 30 tháng Tư năm 1975. Từ đó cho đến hôm nay, mỗi năm đến ngày sinh nhật, riêng với cá nhân tôi, đều gợi lại những kỷ niệm buồn nhiều hơn vui.

Nhà tôi ở trong khu xóm lao động gần chợ Bàn Cờ. Ba tôi là công chức làm việc tại Phi trường Tân Sơn Nhất. Ba tôi thường xuyên nghe các đài BBC và VOA hàng đêm để biết thêm tin tức thời sự tại Việt Nam và trên thế giới.

Vì là con gái út trong bảy anh chị em, nên tôi thường đeo sát bên Ba và nằm kế bên bộ ván gỗ mỗi khi Ba nghe radio. Tôi còn nhớ rõ, mỗi khi có tình hình chiến sự sôi động tại các chiến trường, như mặt trận Quảng Trị, Huế, Kom Tum, Bình Long, An Lộc, Xuân Lộc…, thì các anh chị lớn tôi đến ngồi nghe ké tin tức cùng Ba, với vẻ mặt lo âu hiện rõ trên khuôn mặt mọi người.

Mùa Hè đỏ lửa 1972 thật sự là một biến động lớn cho gia đình tôi. Anh Hai tôi là sinh viên đang học năm thứ ba Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Sài Gòn. Vì tình hình chiến sự sôi động tại các tỉnh miền Trung do Cộng quân nổi lên đánh phá, anh phải tạm ngưng việc học, theo lệnh tổng động viên lên đường gia nhập quân đội khóa 6/1972 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Bộ Binh Thủ Đức, năm anh vừa tròn 21 tuổi.

Sau khi khóa huấn luyện kết thúc, má và ba có cho tôi đi theo dự ngày lễ tuyên thệ mãn khóa sinh viên sĩ quan của anh Hai. Tôi còn nhớ trong buổi lễ, các tân sĩ quan đứng nghiêm xếp hàng, với bộ quần áo đại lễ của quân đội thật trang trọng, đẹp và oai hùng. Các anh đứng nghiêm trang dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trước gió, làm lễ chào quốc ca VNCH, và đọc lời tuyên thệ trung thành với đất nước, với quốc gia dân tộc. Trong niềm tự hào và xúc động, tôi đã hát theo bài Quốc ca VNCH mà tôi đã thuộc lòng và thường xuyên cùng các bạn hát vào dịp lễ chào cờ mỗi sáng thứ Hai đầu tuần tại sân trường tiểu học.

Sau khi ra trường Bộ Binh Thủ Đức, anh Hai đã nhận tờ “Sự Vụ Lệnh” bổ nhiệm về Tiểu đoàn II thuộc Sư Đoàn Công Binh Chiến Đấu. Kể từ sau khi anh Hai vào lính, các dịp Tết của những năm 1973, 1974 và 1975, anh không bao giờ được có mặt ở nhà, giống như lời bài hát “Xuân Này Con Không Về.”

Đơn vị anh phải cắm trại 100% trong dịp Tết. Đôi lúc, khi có được 24 giờ phép về Sài Gòn thăm nhà, lúc nào anh cũng mặc bộ quần áo lính trên người, với nón sắt và cây súng lục trong bao da đeo bên thắt lưng phải, và trên cổ áo anh mỗi bên có một bông mai màu đen. Một lần tôi tò mò hỏi anh rằng: “Sao cổ áo của anh Hai có cặp bông mai đen thui vậy, em thấy người ta đeo bông mai vàng mà?”.

Anh mỉm cười nói: “Đơn vị anh xây dựng các căn cứ quân sự và các cây cầu cho xe nhà binh chạy qua để đưa chiến sĩ ra mặt trận, do làm việc ngoài trời nên bông mai phải được nhuộm đen để không bị mặt trời làm chiếu sáng và tránh bị Việt Cộng bắn lén”. Lúc đó trí óc trẻ thơ của tôi mới hiểu rằng cái bông mai đen hay vàng là có gắn liền với sự sống chết hàng ngày mà anh Hai phải đối diện.

Những khi được về phép, lúc rảnh, anh Hai thường ôm cây guitar hát lại những bài ca quen thuộc, lời lẽ của bài nhạc mà tôi vẫn còn nhớ mãi đến bây giờ, như là “Từ khi anh thôi học, lòng thương biết mấy cho vừa…”, hay “Đất biển mặn nuôi lớn khôn tôi, nên năm 21 tuổi tôi đi vào quân đội…”. Lời bài nhạc đơn giản nhưng thật thiết tha, diễn tả được hết tình cảm, tâm tư của người lính xa nhà.

Một hình ảnh nữa trong trí nhớ là tôi được Ba dẫn đi xem cuộc diễn binh nhân dịp kỷ niệm ngày Quân Lực VNCH năm 1973. Tôi nhìn thấy được hình ảnh trang nghiêm và hào hùng của từng đoàn chiến sĩ VNCH thuộc các binh chủng, trong đó có mặt anh Hai trên đoàn xe Sư Đoàn Công Binh Chiến Đấu diễn hành qua đại lộ Trần Hưng Đạo của Thủ đô Sài Gòn.

Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, Ba tôi càng thường xuyên nghe các chương trình radio hơn, từ 7 giờ tối cho đến 11 giờ đêm, để theo sát tin tức chiến sự hàng ngày. Cho đến buổi trưa ngày 30-4-1975, cả nhà tôi đều ngồi bên chiếc radio và sau khi nghe lệnh quân lực VNCH phải buông súng, ba tôi im lặng, hai tay ôm đầu buồn bã, còn má tôi thì nước mắt chảy dài trên khuôn mặt lo âu. Đây cũng chính là lý do tại sao ngày sinh nhật của tôi đã không thể tổ chức như dự tính.

Sau biến cố 30-4-1975, vì ba tôi là công chức VNCH nên bị buộc phải đi “học tập cải tạo tại chỗ” trong vòng ba ngày. Còn anh Hai, lúc đó vừa tròn 24 tuổi, là sĩ quan thiếu úy, thì được chính quyền Việt Cộng thông báo (ma giáo) phải “Đi trình diện, và chuẩn bị lương thực trong vòng 10 ngày để tập trung “học tập cải tạo” ở vùng ngoại ô Sài Gòn.”

Còn các ông già, bà lão, phụ nữ, thanh niên, thiếu nhi cũng phải họp mỗi tuần để gọi là “học tập” đường lối, chánh sách…

Cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, thiếu trước hụt sau. Ba tôi có lúc đi làm cho tiệm điện và có lúc thì làm cho tiệm cơ khí. Má và chị tôi phải bươn chải ra chợ bán chuối chiên, rau cải, để phụ nuôi sống cả gia đình. Má tôi cũng dành ra chút ít tiền để mua đường, đậu, khô mắm… để mỗi năm đi thăm nuôi anh Hai đang “học tập cải tạo” tại các trại tù Suối Máu, Hàm Tân.

Sau ba năm, vào cuối năm 1978, anh Hai được thả về với gia đình vì bị bệnh gần chết. Khi vừa từ trại tù về nhà, lập tức anh được đưa ngay vào bệnh viện Chợ Quán để chữa bệnh. Sau bốn tuần, anh Hai xuất viện về nhà, thân thể vẫn gầy gò với bộ xương biết đi. Nhìn cảnh đó làm cho dòng nước mắt của tôi tự nhiên tuôn trào.

Hơn hai năm sau, năm 1980, anh Hai quyết định đi vượt biên để thoát khỏi cảnh bị kỳ thị và phân biệt đối xử tàn tệ dưới chế độ độc tài Việt Cộng. Rất may mắn, anh đi thoát được sau hai lần vượt biên, và được định cư ở Mỹ theo diện sĩ quan quân lực VNCH. Anh vừa đi làm vừa học lại college ở San Jose, California, anh luôn giúp đỡ gia đình còn ở VN và sau đó bảo lãnh cho cả gia đình định cư tại Mỹ.

Đến nay, anh Hai không còn nữa nhưng anh đã có được hậu duệ là ba đứa con thành đạt, gồm con gái lớn và con trai kế, đều tốt nghiệp MBA cao học quản trị kinh doanh đang làm việc tại thành phố San Jose, còn đứa con trai út vừa tốt nghiệp dược sỹ năm 2019 và đang làm việc cho CVS tại Las Vegas.

Bản thân tôi, sau biến cố 30-4-1975, tôi tiếp tục đi học, nhưng phải học theo cách thức của chế độ Việt Cộng. Việt Cộng tuyên truyền nghe rất lý tưởng, nào là độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, giàu mạnh…, nhưng nhìn lại thực tế hoàn cảnh sống của gia đình và mọi người xung quanh, tôi thấy hoàn toàn trái ngược.

Từ những năm đầu thập niên 1980, khi bắt đầu vào học lớp 10 trường trung học Gia Long tại Sài Gòn, sau này bị Việt Cộng đổi tên là Minh Khai, tôi  bắt đầu tìm hiểu và so sánh thế nào là xã hội dân chủ và xã hội độc tài. Tôi may mắn là được nghe kể lại nhiều câu chuyện trước và sau 1975 từ ba, má, các anh chị, người thân quen và bạn bè, cộng thêm nghe tin tức từ BBC, VOA…, cho nên tôi cũng có được những nhận thức căn bản về đời sống.

Sự so sánh về xã hội dân chủ và độc tài càng được chứng minh rõ ràng, khi tôi chứng kiến sự sụp đổ của bức tường Bá Linh tại Đông Đức năm 1989 và sự sụp đổ của cái gọi là “nhà nước công nông đầu tiên của giai cấp vô sản” trên thế giới: Liên Xô – vào năm 1991.

Từ năm 1991, khi gia đình định cư tại Mỹ, tôi được học hỏi thêm nhiều về các mặt sinh hoạt xã hội tại Mỹ, tôi càng hiểu biết về sự cần thiết của hệ thống xã hội “Tam quyền phân lập”: Lập pháp, Hành Pháp, Tư Pháp, cộng thêm quyền thứ tư là tự do báo chí và ngôn luận. Sự cân bằng và phối hợp của “đệ tứ quyền” giúp cho xã hội các nước được phát triển, trong khi cộng sản luôn phủ nhận và cho rằng bốn quyền nầy chỉ là đồ trang trí ở các nước tư bản mà thôi.

Tôi tin rằng, nếu không có biến cố 30-4-1975, VNCH đã có thể phát triển ngang hàng mọi mặt về kinh tế, chính trị, văn hóa và đời sống xã hội như Nam Hàn ngày nay. Trước và sau năm 1975. Việt Cộng thường tuyên truyền rằng Nam Hàn và VNCH là “tay sai của đế quốc Mỹ” nhưng chỉ hơn 20 năm sau thì chính Việt Cộng lại ve vãn Nam Hàn để xin nhận đầu tư và viện trợ nhân đạo.

Nếu có thể đặt ra câu hỏi cho người Nam Hàn rằng: “Bạn có muốn được thống nhất đất nước Nam và Bắc Hàn theo kiểu của Bắc và Nam Việt Nam vào năm 1975 hay là theo kiểu của Đông và Tây Đức năm 1989?” thì tôi tin rằng câu trả lời sẽ hết sức nhanh gọn là chỉ muốn được theo mô hình năm 1989 của Đức mà thôi.

Hơn 46 năm, kể từ biến cố 30-4-1975, Việt Cộng vẫn gian xảo và tàn ác, dùng bạo lực để cai trị sắt máu đối với nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, ngọn cờ vàng ba sọc đỏ VNCH, tượng trưng cho dân chủ và tự do của người Việt Nam đã và vẫn tồn tại, vẫn tung bay trên khắp các thành phố có cộng đồng Việt Nam sinh sống tại các đất nước dân chủ, từ Âu châu đến Úc châu qua Mỹ châu.

Chúng ta luôn mong ước rằng trong một ngày không xa, VNCH với ngọn cờ chính nghĩa ấy sẽ hội tụ về quê hương Việt Nam để xây dựng một đất nước thật sự có Dân Chủ, Tự Do, Văn Minh, Pháp Quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải.

(Garden Grove, CA, ngày 5 tháng 4, 2021)


 

Được xem 5 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay