April 3, 2024
Trong vụ Vạn Thịnh Phát, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao (VKSNDTC) trơ trẽn tới mức ở trước toà kỳ kèo, mặc cả, ép các bị cáo phải chung thêm tiền chạy án. Dường như công lý chỉ là một phần, xoay được tiền – mà như vụ Việt Á hay chuyến bay giải cứu, tiền đòi được chưa bao giờ là dành cho các nạn nhân, mới là chuyện chính.
Trong phiên toà ngày 19 Tháng Ba, VKSNDTC đề nghị tử hình bà Trương Mỹ Lan với ba tội danh gồm: đưa hối lộ, vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, và tham ô tài sản. Thế nhưng đến ngày 1 Tháng Tư, họ lại cho biết đang tính thiệt hại theo hướng có lợi cho bà Trương Mỹ Lan.
Báo điện tử Vnexpress dẫn lời VKSNDTC tại phiên toà: “Nếu vụ án không bị phát hiện thì hành vi của bị cáo còn tiếp diễn. Hiện, SCB quản lý một số tài sản có khả năng khắc phục hậu quả. Vì vậy, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, các tài sản này sẽ được dùng để loại trừ một phần trách nhiệm hậu quả.”
“Nếu Viện Kiểm sát (VKS) áp dụng mức thiệt hại của vụ án là hơn 670,000 tỷ (Việt Nam Đồng) thì mức hình phạt đề nghị đối với các bị cáo sẽ khác. Còn hội đồng xét xử có chấp nhận quan điểm của VKS hay không, hay xác định thiệt hại là 670,000 tỷ làm căn cứ xác định mức hình phạt, thì do tòa quyết định,” đại diện VKS nói.
Tại phần này, có thể thấy VKSNDTC muốn bà Lan chi tiền để được giảm án, loại trừ trách nhiệm và áp dụng các nguyên tắc có lợi. Nhưng chi tiền cho VKS thì không đủ, phải chi thêm cho hội đồng xét xử thì toà mới chấp nhận quan điểm của VKSNDTC.
Nhưng bà Lan cho rằng khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng SCB thì bà đã đưa nhiều tài sản vào SCB “khiến cả gia tộc mất hết tài sản.” Đây có vẻ như là lời từ chối lo lót thêm tiền chạy án của bà trước những đòi hỏi vô lý của VKS.
Thế nhưng phản biện lại lập luận của bà Lan, VKS cho rằng “bà Trương Mỹ Lan không mất hết tài sản của gia tộc,’ mà chỉ có 60 trong số 1,169 tài sản bị kê biên là hình thành trước thời điểm hợp nhất SCB, còn lại có được trong thời gian phạm tội”.
Tức là VKS biết bà Lan vẫn còn tiền, và đòi phải chi thêm. Sau đó xảy ra đôi co giữa hai bên và bà Lan tỏ ra cứng rắn trong việc không chấp nhận đòi hỏi, thì đại diện VKS lại đánh giá rằng “bị cáo Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không dám chịu trách nhiệm, thể hiện sự ngoan cố của bị cáo.”
Không chỉ vậy, phía VKSNDTC còn nói thẳng rằng các luật sư (của bà Lan) trong phần tranh luận chưa thật sự nghiêm túc, luận cứ đưa ra không bám sát diễn biến của phiên tòa làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo.
Tổng kết lại diễn biến có thể thấy rằng đầu tiên VKSNDTC đưa ra khung hình phạt cao nhất; sau đó tuyên bố sẽ tính thiệt hại theo hướng có lợi cho bị cáo, với điều kiện là phía bà Lan phải chấp nhận lấy tài sản để khấu trừ trách nhiệm. Nhưng bà Lan từ chối, Viện tiếp tục mặc cả việc kê biên tài sản. Bà Lan vẫn cứng rắn từ chối chung chi, nên bị VKSNDTC nhận xét là ngoan cố và mấp mé vấn đề “ảnh hưởng quyền lợi của các bị cáo.”
Chung tiền chạy án là câu chuyện quen thuộc trong mỗi vụ án tại Việt Nam, nơi mà công lý thuộc về kẻ có tiền, có quyền và có mối quan hệ.
Trước đây, tội phạm phải âm thầm chung chi cho điều tra viên, công an, toà án và VKS. Điển hình như vụ Việt Á, ông Nguyễn Minh Quân, giám đốc bệnh viện Thủ Đức bị phát hiện đã chi $2.2 triệu cho cán bộ thuộc cơ quan cảnh sát điều tra (C03) để chạy án. Hoặc vụ “chuyến bay giải cứu,” phía công ty Blue Sky muốn chạy án đã chi $2.6 triệu cho Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám Đốc Công An Hà Nội) và Hoàng Văn Hưng, trưởng phòng 5, cục An Ninh Điều Tra.
Còn vụ Vạn Thịnh Phát này, VKSNDTC trơ trẽn tới mức ở trước toà để kỳ kèo, mặc cả, ép các bị cáo phải chung thêm tiền để được giảm án.
Đặc biệt, những lời này không phải do VKS ở cấp huyện, cấp tỉnh, cấp thành phố, mà là từ VKS tối cao nói ra, cho thấy luật pháp của nhà nước CSVN nhìn vào là có vẻ nghiêm minh, nhưng luật bất thành văn và công khai là cứ nộp tiền thi được giảm án.
Nộp càng nhiều, án càng nhẹ đi. Sợ bà Trương Mỹ Lan không hiểu, nên đại diện VKS mới nói toẹt, và có phần đe dọa.
Đúng là công lý cộng sản.