Cuba kiệt sức khi đã chạm tay vào CNXH, còn CSVN?

Ba’o Dat Viet

April 3, 2024

Nguyễn Phú Trọng từng than thở “không biết 100 năm nữa chúng ta thấy được chủ nghĩa xã hội hay chưa.” Nếu ông sang Cuba sống với người dân tại đây, mà không bị chính quyền che mắt thì có lẽ ông sẽ mừng rỡ la lên: “A! Đây rồi, niềm mơ ước của chúng ta đang hiện diện tại Cuba!”

Biểu tình làm rung chuyển cái nôi cách mạng Cuba khi mất điện và khan hiếm lương thực. Hàng trăm người biểu tình đã tụ tập vào ngày 17 Tháng Ba tại công viên Carretera Del Morro của Santiago, hô vang “điện và thực phẩm.”

Đây có lẽ là lần biểu tình hiếm hoi tại một đất nước mà chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện và nằm đó suốt từ ngày Fidel Castro lên cầm quyền. Ước mơ của nhà cách mạng Cuba này đã thành hiện thực khi đất nước của ông ta đạt được những thành tựu nhất định, mà mục tiêu của chủ nghĩa xã hội nhắm tới.

Người Việt trong nước, nhất là ở miền Bắc có cảm tình với đảng, khi nhắc tới Cuba thì hình ảnh Fidel Castro lại xuất hiện trong tâm trí với những câu chuyện thú vị về cách mạng Cuba do ông ta lãnh đạo, cộng với những trợ giúp mà Cuba đã gửi gắm cho Việt Nam trên bước đường chống Mỹ. Ngược lại, người Việt sống ở nước ngoài khi nhắc tới hai chữ Cuba thì hầu như ngay lập tức câu tuyên bố của Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết lại hiện lên: “Có người ví von, Việt Nam-Cuba, như là trời đất sinh ra, một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây, chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ.”

Bản chất của cộng sản là nói lời không thật, ông Triết sang Cuba chắc thấy rất rõ đời sống của người dân tại đây, nhưng vẫn buông lời dối trá, khoác lên chiếc áo lộng lẫy cho người dân nước này khi thực tế họ đang sống trong chế độ bao cấp như Việt Nam trước năm 1975. Hoàn cảnh bi đát của người dân Cuba thì ông Triết là người hiểu hơn ai hết, họ bất hạnh hơn Việt Nam khi sống dưới sự cai trị của một gia đình trị, vì sau Fidel Castro là em trai của ông này, Raul Castro, tiếp tục đè đầu người dân Cuba xuống đất với mục tiêu tuyên truyền cho chủ nghĩa xã hội mà nước này phát động từ năm 1950.

Thành tựu lớn nhất của Cuba là có tỷ lệ trẻ em biết đọc biết viết thuộc hạng cao nhất thế giới khi có tới 99.7%. Thành tựu thứ hai là số lượng bác sĩ của đảo quốc cũng không hề thua kém tỷ lệ biết đọc biết viết. Theo The Economist, Cuba là một trong những quốc gia có tỷ lệ bác sĩ cao nhất trên thế giới, với khoảng 8.4 bác sĩ/1,000 dân, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 2.6 hay, tại Italia là 4.1.

Tuy bác sĩ là mũi nhọn xuất khẩu của Cuba, nhưng trong lĩnh vực kinh tế người dân sống chủ yếu vào kỹ nghệ mía đường. Trong thời kỳ Liên Bang Xô Viết, Cuba đã được viện trợ bao cấp cho rất nhiều máy móc để sản xuất nên đường là vật phẩm quan trọng giúp Cuba sống còn. Trong những năm tháng chiến tranh tại Việt Nam, Tố Hữu từng ca ngợi Cuba như một quốc gia đáng sống và tươi đẹp đến nỗi Việt Nam phải mơ ước: “Em ạ Cu Ba ngọt lịm đường/mía xanh đồng bãi hết đồi nương/cam ngon xoài ngọt vàng nông trại/ong lạc đường hoa rộn bốn phương!”

Những tưởng chủ nghĩa xã hội trong tầm tay, nhưng khi Liên Xô sụp đổ cũng là lúc Cuba đổ nhào theo. Máy móc công nghiệp không có, mía trồng ra không nơi chế biến thành đường, dầu khí ngày càng cạn kiệt, kỹ nghệ xuất cảnh bác sĩ chững lại, vì giá cả quá thấp khiến Cuba ngày càng mất phương hướng.

Tuy nhà nước vẫn bao cấp từ lon gạo ký muối cho tới bao thuốc lá cục xà phòng… người dân Cuba ngày một tuột xuống cùng cực của đói nghèo lạc hậu. Những chiếc xe sản xuất từ thập niên 40 của thế kỷ trước chạy lộc cộc trên đường phố, trông giống như đang triển lãm loại xe cổ điển không làm cho Cuba hiện đại hơn, nhưng có thể hấp dẫn khách ngoại quốc khi nhìn quốc gia này qua lăng kính một đất nước còn nghèo đến khó tin trong thời đại con người đang tính tới chuyện lên mặt trăng lập nghiệp. Ý tưởng mở cửa cho du khách nhằm cứu vãn tình trạng xuống cấp kinh tế đã nổi lên khi Tổng Thống Barack Obama tỏ thiện chí với nước này, và cho phép công dân Mỹ du lịch Cuba vào năm 2014, mặc dù ba năm trước đó muốn du lịch Cuba phải đi theo đoàn.

Tuy nhiên, khi du lịch được mở cửa thì lại nảy sinh một vấn đề khác khiến xã hội Cuba bị chia rẽ trầm trọng hơn. Khách du lịch mang đô la vào Cuba nhưng lại đòi hỏi việc phục vụ nhằm đổi lấy nó. Những ai phục vụ trong ngành du lịch sẽ kiếm được tiền nhiều hơn những người nằm bên ngoài. Lương bác sĩ $40 một tháng, trong khi một bồi phòng khách sạn có thể kiếm tới $100. Những dịch vụ làm ra tiền nằm lọt trong khu vực du lịch và người dân bên ngoài chỉ biết đứng nhìn và mơ ước, chứ không thể tham gia vì số khách du lịch vẫn còn hạn chế.

Tới khi Fidel Castro mất thì sự phân hóa càng lên cao. Cái chết của lãnh tụ trong lúc nước Mỹ thay chủ đã kéo Cuba về vị trí trước đó. Tổng thống Donald Trump có lẽ là người làm cho Cuba ngày càng tiến gần hơn đến giấc mơ xã hội chủ nghĩa khi ông công khai tuyến bố về Fidel Castro như sau: “Hôm nay, thế giới đánh dấu sự qua đời của một tên độc tài tàn nhẫn đã đàn áp chính người dân của mình trong gần sáu thập niên. Di sản của Fidel Castro là những cuộc hành quyết, bòn rút, khổ đau không tưởng, nghèo đói và sự đàn áp quyền con người. Trong khi Cuba vẫn còn là một hòn đảo phải sống dưới một chế độ độc tài toàn trị. Tôi hy vọng rằng, ngày hôm nay đánh dấu một bước tiến xa khỏi sự kinh hoàng mà người Cuba đã phải chịu đựng trong một thời gian quá lâu để hướng tới một tương lai, mà nhân dân Cuba cuối cùng có thể được sống một cuộc sống tự do mà họ vô cùng xứng đáng.”

Và việc gì tới đã tới, dưới thời ông Trump, Cuba lùi về thời gian trước khi Fidel còn sống. Người dân Mỹ không còn được phép du lịch Cuba, mặc dù hai nước chỉ cách nhau 213 cây số tính từ bờ biển Miami tới La Habana. Cuba bị Mỹ từ chối gỡ bỏ lệnh cấm vận khi Liên Hiệp Quốc có được 180 phiếu thuận vào Tháng Mười Một, 2022.

Ngày càng lún dần vào nghèo đói và khó khăn, người dân Cuba lây lất sống, lây lất chờ người thân vượt biên sang Mỹ gửi tiền về nuôi cũng ngày càng kiệt sức. Xã hội lầm than đến nỗi không còn sức sống. Những khu phố vắng lạnh, những căn nhà bỏ hoang hàng cây số. Những building từ thời cách mạng không được tu bổ, chống chỏi chấp vá như bản thân người dân Cuba ngày nay.

Vì cách xa Cuba bởi một rào cản chính trị của nước này, nên chúng ta chỉ có thể tưởng tượng ra điều tệ hại nhất, nhưng mới đây một người Mỹ gốc Việt đã sang Cuba vào năm ngoái quay lại những thước phim mô tả đời sống của người dân Cuba một cách chi tiết nhất. Trang Youtube của Ser Andy quay năm 2023 cho thấy, toàn bộ cảnh quan của thành phố Havana. Video clip có tên “Cuba Đổ Nát, Hoang Tàn – Người Dân Sống Trong Nước Mắt – Ký Sự Cuba 2023.”

Nguyễn Phú Trọng từng than thở “không biết 100 năm nữa chúng ta thấy được chủ nghĩa xã hội hay chưa.” Nếu ông sang Cuba sống với người dân tại đây, mà không bị chính quyền che mắt thì có lẽ ông sẽ mừng rỡ la lên: “A! Đây rồi, niềm mơ ước của chúng ta đang hiện diện tại Cuba!”

Kim Ngữ/Người Việt


 

Được xem 2 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay