Khủng hoảng nhân sự ở thượng tầng, nhân vật nào sẽ ngồi ghế Chủ tịch nước?

Ba’o Tieng Dan

Nông Văn Tiềm

25-3-2024

Kịch bản phù hợp nhất khi tướng Phan Văn Giang ngồi ghế Chủ tịch nước, thay Võ Văn Thưởng; Nguyễn Tân Cương nắm Bộ trưởng Quốc phòng thay Giang; Trần Cẩm Tú ngồi ghế bà Mai (nếu bà cáo quan, hồi hương). Bùi Thị Minh Hoài sẽ cầm trịch Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Lê Minh Khái sẽ nắm Trưởng Ban Kinh tế.

Ghế chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam hiện đang bị bỏ trống. Trong khi chờ Bộ Chính trị chuẩn thuận một nhân vật chính thức lên thay ông Võ Văn Thưởng, hiện bà Võ Thị Ánh Xuân đang ngồi tạm ghế này kể từ ngày 21-3-2024. Đây là lần thứ hai bà Xuân ngồi tạm ghế Chủ tịch nước, nhưng bà Xuân sẽ không bao giờ được ngồi ghế này chính thức, bởi bà không ở trong Bộ Chính trị.

Khủng hoảng nhân sự

Lịch sử đảng cộng sản từ sau năm 1975 đến nay, chưa bao giờ bị khủng hoảng nhân sự cấp cao như hiện nay. Chỉ trong khoá 13, số Ủy viên Trung ương bị bỏ tù, kỷ luật, buộc thôi chức… đã chạm con số 20! Trong số bốn Uỷ viên Bộ chính trị bị buộc phải về vườn, có hai người bị phế truất từng giữ chức Chủ Tịch nước.

Đến đây, công cuộc “phòng chống tham nhũng” của ông Trọng đã đi sang hướng khác. Không chỉ dân chúng, mà nhiều đảng viên và lão thành cách mạng đều có chung nhận định: “Lò ông Trọng” đã biến thành nơi thanh trừng, để các phe phái trong đảng tranh giành quyền lực.

Ngày 20-3-2023, Võ Văn Thưởng bị các “đồng chí” của ông ta phế truất y hệt cách mà họ từng làm với người tiền nhiệm của Thưởng là ông Nguyễn Xuân Phúc. Chuyện Võ Văn Thưởng bị phế truất là một sự kiện rúng động, cả trong và ngoài nước. Thế giới cũng bất ngờ với bất ổn chính trị hiếm hoi bị lộ ra từ chốn cung đình cộng sản.

Trước đó, ngày 13-3-2024, Tiểu ban nhân sự đại hội 14 nhóm họp. Mọi người nhìn thấy, Thưởng còn rất vui, thần thái sáng ngời. Thưởng được ông Trọng dìu dắt, đưa lên để tranh vé A1 trong đảng nhiệm kỳ tới. Gió đổi chiều nhanh quá, chỉ ba ngày sau, ngày 16-3, Thưởng bị ép viết đơn “xin thôi các chức vụ”. Ngày 20-3, Thưởng bị tước bỏ sạch trơn quyền lực. Chỉ trong vòng một tuần, mọi thứ quay 180 độ!

Xót xa hơn khi một nguyên thủ quốc gia bị “chém” tới hai lần. Ngày đầu, đảng vung búa “chém” Thưởng một nhát. Dù bị xiểng niểng, đi đứng không vững sau nhát chém đầu của “đồng chí” mình, nhưng hôm sau Thưởng phải chường mặt ra để quốc hội “chém” thêm một nhát nữa, hồn xiêu phách lạc rồi mới được về vườn “làm người tử tế”! Không rõ Thưởng đã tỉnh lại chưa sau hai nhát chém chí mạng này?

***

Về “công cuộc đốt lò”, lâu nay đã có lời ra tiếng vào về chuyện “củi lửa” trong “cái lò” của ông Trọng. Lò càng đốt, củi càng tăng mạnh. Tham nhũng không hề giảm mà nó ngày càng tinh vi hơn. Số tiền quan cướp của dân, của đất nước, không chỉ là “ăn cắp vặt” vài trăm triệu, mà đã lên đến con số trăm tỷ, ngàn tỷ… Chỉ một quan chức nhỏ như bà Đỗ Thị Nhàn nhưng đã nhận hối lộ trong một vụ án, số tiền 5,2 triệu Mỹ kim, tương đương 130 tỷ đồng! Thử hỏi, các quan chức lớn hơn, số tiền mà họ nhận trong nhiều vụ án cộng lại, sẽ là bao nhiêu?!

Những lo lắng của các nguyên lão về việc các phe nhóm trong đảng sẽ tận dụng chiến dịch “đốt lò” để tiêu diệt, hạ bệ nhau, nay đã rõ mười mươi. Đáng chú ý, khủng hoảng nhân sự cấp cao đã làm cho ông Nguyễn Phú Trọng đang rơi vào tình trạng không kiểm soát được tình hình. Nội bộ đảng đang rối bời, xa hẳn tầm nắm của ông Trọng, một người ở tuổi gần đất xa trời, đi đứng không vững, bệnh tật đầy người, có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Gần hai năm qua, kể từ ngày Nguyễn Thanh Long bị bắt giam, Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khoẻ Trung ương – một ban quan trọng của đảng – không có trưởng ban.

Lê Đức Thọ bị bắt giam, suốt ba tháng qua, tỉnh Bến Tre không có bí thư.

Gần hai tháng kể từ lúc Trần Tuấn Anh bị buộc phải thôi chức, Ban Kinh tế Trung ương không có trưởng ban.

Năm 2013, khi đề nghị tái lập Ban Kinh tế Trung ương, trong cương vị tổng bí thư, ông Trọng cho rằng, đây là ban cực kỳ quan trọng, nên cơ cấu trưởng ban phải là Uỷ viên Bộ Chính trị.

Cấp trưởng Trần Tuấn Anh mất chức, cấp phó Nguyễn Thành Phong cũng ra khỏi Uỷ viên Trung ương về “đuổi gà”, đến nay Phó Trưởng ban phụ trách Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng lại chưa là Uỷ viên Trung ương. (Hưng là con trai cựu Phó chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn Yểu, chị gái Hưng là Nguyễn Thị Phương Hoa, thứ trưởng bộ Tài nguyên – Môi trường).

***

Thượng tầng hiện đang đánh nhau “một mất một còn”. Họ đánh nhau kinh hoàng đến nỗi, bà Trương Thị Mai, nữ ủy viên Bộ Chính trị duy nhất trong số 14 vị, đe doạ sẽ nghỉ việc. Bà Mai nói: “Các anh suốt ngày cứ bắt bớ, triệt hạ lẫn nhau, ném cả cán bộ lẫn doanh nhân vào tù hết, thì cái kết sẽ đi đến đâu?”. Bà Mai cũng thẳng thừng từ chối khi có Uỷ viên Bộ Chính trị ngỏ ý: “Chị Mai nên nhận ghế chủ tịch nước”.

Những người trong Đảng bàn tán rằng, Nguyễn Phú Trọng đã đưa mọi việc vượt quá giới hạn. Ông Trọng trao “thượng phương bảo kiếm” cho Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Bộ Công an, nhưng không có chế tài để kiểm soát quyền lực.

Việc bắt Uỷ viên Trung ương trước rồi mới đình chỉ sinh hoạt đảng hoặc khai khừ sau, là trái với điều lệ đảng. Tương tự, việc bắt đại biểu quốc hội trước, rồi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới “tạm dừng hoạt động đại biểu”, là xem thường Hiến pháp. Cả Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, đang bị rẻ rúng; bị chế giễu là bù nhìn; phải làm những việc đã được quyết định rồi, chứ thực ra không có quyền hành gì.

Quay trở lại khoảng trống quyền lực đang bị thách thức, nhân vật cấp cao nào trong đảng sẽ ngồi ghế chủ tịch nước? Sau đây là các phương án:

  1. Phương án Tô Lâm

Tô Lâm hiện là ứng viên sáng giá nhất cho ghế Chủ tịch nước. Nếu được vào “tứ trụ”, Tô Lâm sẽ nghiễm nhiên nhận được “kim bài” miễn hồi tố, cùng sự bảo đảm bình yên cho gia đình. Một nhân vật có quá nhiều kẻ thù như Tô Lâm, được ngồi ghế A2, mới tìm kiếm được an toàn trong tương lai.

Tô Lâm vốn “nắm được thóp” các Uỷ viên Bộ Chính trị, điểm danh các Uỷ viên Trung ương chỉ như “con tin”, nên ngồi vị trí A2 xem như đã đặt một chân vào “nhân sự đặc biệt” khoá 14 để tranh ghế A1 – Tổng bí thư, trong đại hội 14.

Hai đệ tử ruột của Tô Lâm là thứ trưởng Lương Tam Quang, thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra và thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra. Hàng trăm cán bộ cấp tướng, tá quê Hưng Yên đang được Tô Lâm cơ cấu cứng ở các Cục, Vụ của Bộ Công an. Tất cả những người này, cùng với số sĩ quan Tô Lâm rải đi biệt phái “nằm vùng” trong Chính phủ và các cơ quan đầu não của đảng, nắm chủ chốt hầu hết các Sở Công an tỉnh thành cả nước, sẽ làm “lá chắn thép”, trung thành, bảo vệ cho họ Tô, bất kể bộ trưởng Bộ Công an kế nhiệm là ai.

Ảnh: TBT Nguyễn Phú Trọng chụp với bộ trưởng BCA Tô Lâm. Nguồn: Báo CAND

  1. Phương án Phan Văn Giang

Phan Văn Giang chưa đủ tiêu chuẩn “trọn một nhiệm kỳ trong Bộ Chính trị”. Nhưng không sao, quy định 214 QĐ/TW vẫn thòng một câu “Trường hợp đặc biệt, Bộ Chính trị sẽ quyết định”.

Sắp tới, Nguyễn Phú Trọng sẽ phải triệu tập Hội nghị trung ương 9 để bầu bổ sung ít nhất ba Uỷ viên Bộ Chính trị, đến từ các ủy viên chính thức nổi trội, sau đó bổ sung vài Uỷ viên chính thức từ nguồn Ủy viên Dự khuyết Trung ương. Ba gương mặt có thể bổ sung Bộ Chính trị lần này là Bùi Thị Minh Hoài (Trưởng ban Dân vận Trung ương), Lê Minh Khái (Phó Thủ tướng Chính phủ) và tướng Nguyễn Tân Cương (Tổng Tham mưu trưởng Quân đội).

Kịch bản phù hợp nhất khi tướng Phan Văn Giang ngồi ghế Chủ tịch nước, thay Võ Văn Thưởng; Nguyễn Tân Cương nắm Bộ trưởng Quốc phòng thay Giang; Trần Cẩm Tú ngồi ghế bà Mai (nếu bà cáo quan, hồi hương). Bùi Thị Minh Hoài sẽ cầm trịch Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Lê Minh Khái sẽ nắm Trưởng Ban Kinh tế. Được biết, Khái là nhân vật được quy hoạch ghế thủ tướng cho nhiệm kỳ 2026-2031.

TBT Nguyễn Phú Trọng với Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang. Nguồn: Báo Tài chính VN

  1. Phương án Vương Đình Huệ

Họ Vương được Nguyễn Phú Trọng ưu ái, quy hoạch vị trí A1, thay thế khi ông Trọng rút lui. Nếu Vương Đình Huệ qua A2 lúc này, tình thế sẽ nguy hiểm. Khi quân bài của ông Trọng lật ngửa, Huệ cầm chắc suất “nhân sự đặc biệt” khoá sau, sẽ là bia ngắm bắn của các phe khác trong đảng.

Còn hai năm nữa mới tới đại hội 14, ai dám chắc Huệ không bị phế truất nửa chừng, với trọng tội “đạo đức và lối sống”, “tham vọng quyền lực” hay “có vấn đề về lập trường”…

Trường hợp ông Huệ ngồi ghế chủ tịch nước, bà Mai phải được điều sang Quốc hội, Trần Cẩm Tú sẽ điền vào chỗ bà Mai. Bùi Thị Minh Hoài sẽ trở thành nhân vật nữ thứ hai (sau bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ), ngồi ghế Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

TBT Nguyễn Phú Trọng với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Nguồn: TTXVN

Tô đại tướng sẽ ra sao nếu trượt ghế A2?

Nếu phương án Phan Văn Giang hoặc Vương Đình Huệ được thực thi, xem như đây là canh bạc tồi đối với Tô Lâm. Khi ấy, cánh cửa đi tiếp của họ Tô sẽ bị khép lại, Tô Lâm sẽ về vườn vào cuối khóa này. Cả hai đàn em của Tô Lâm là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc cũng sẽ phải về vườn, vì chưa có chính trị gia nào vào Bộ Chính trị lần đầu bằng “vé vớt” lần hai. Kết cục, vai trò “Hưng Yên hoá” Bộ Công an của Tô Lâm sẽ chấm hết.

Thời gian không còn nhiều, chỉ còn hơn hai tuần cho các phe toan tính để chọn nước cờ nào mà đi. Bộ Chính trị sẽ nhóm họp để chốt nhân sự, giới thiệu cho quốc hội bầu tân chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026. Thoả hiệp để quân bình cán cân quyền lực, hay “đánh nhau” để phân chia ngôi thứ trong đảng?

Có lẽ lúc này, ngay cả bản thân ông Nguyễn Phú Trọng cũng chưa chắc tìm được câu trả lời!


 

Được xem 4 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay