20/03/2024
Trần Văn Chánh
20-3-2024
Mấy năm gần đây, qua việc đại phát động chống tham nhũng quyết liệt, được hầu hết thường dân hoan nghênh, trong giới quan chức từ cấp trung ương trở xuống và giới doanh nghiệp đại gia, hầu như ngày nào cũng có kẻ “vô lò”, gây chóng mặt cho một số người quan tâm, theo dõi thời cuộc. Họ đi sóng đôi với nhau, trong một xã hội tiền và quyền vốn có mối quan hệ rất chặt chẽ, thời nào cũng vậy, nhưng trong hiện tại phổ biến là bất chấp pháp luật và văn hóa-đạo đức.
Mới nhất và đang diễn ra rầm rộ là vụ đại án Vạn Thịnh Phát. Theo tin các báo cho hay thì chiều hôm qua 19-3-2024, sau phần luận tội, đại diện cơ quan công tố tại tòa đề nghị tử hình kẻ đứng đầu là bị cáo Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”; 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; 19-20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng hợp hình phạt mức án tử hình.
Những người khác liên quan, bị đề nghị mức án 5-10-20 năm hoặc chung thân cũng khá nhiều.
Riêng bà Lan, đã ngất xỉu khi nghe Viện Kiểm sát đề nghị “loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội”. Điều này cũng dễ hiểu, vì tính phụ nữ dễ bị xúc động, cũng là “nhi nữ thường tình” mà thôi. Hơn nữa, bà Lan tuy tuổi không còn trẻ nhưng chưa già lắm, vẫn còn yêu đời và muốn sống. Giả định, nếu cho bà có cơ hội làm lại cuộc đời, chắc chắn bà sẽ làm khác.
Tham lam chi quá đến giờ có hối cũng bất cập, không nghe lời dạy của một nhà lãnh đạo cấp cao: “Tiền nhiều để làm gì, chết cũng có mang theo được đâu, danh dự mới là quan trọng…”. Lời khuyên đạo đức này thật chí lý, nếu các quan chức cả nước ai cũng biết nghe theo thì sẽ không có quốc nạn tham nhũng tràn lan và ngày càng gia tăng một cách khốc liệt đến độ gần như mất kiểm soát, như từ trước tới nay.
Nhưng khổ nỗi, trên thực tế, hầu hết các quan chức đều chỉ vâng lời trước mặt, có nghĩa là khẩu phục mà chưa tâm phục, đôi khi có kẻ còn cười thầm trong bụng vì đối với họ, tài sản có giá trị hơn đạo đức! Bởi vì chúng ta đang bị sống trong một xã hội mà do cách tổ chức, tham nhũng gần như đã trở thành một thứ văn hóa mới, hay cũng có thể gọi là một loại dân tộc tính mới, sờ tới đâu cũng thấy?
Ngay như kẻ viết bài này, nếu được làm quan có chức có quyền, chưa chắc tránh khỏi mọi sự cám dỗ rất hấp dẫn về vật chất, trong điều kiện thu nhập tiền lương thấp, luật pháp rối loạn, và không có các nhánh quyền lực kiềm chế lẫn nhau…
Không ít quan chức, hôm trước rao giảng đạo đức, thề thốt trung thành với…, trách nhiệm cao với…, học tập nêu gương với… đủ thứ, chỉ một thời gian sau, dân chúng thấy họ bị kỷ luật, hoặc thậm chí vào tù!
Có một bà khác rất nổi tiếng, cũng “quậy” dữ lắm, phạm đại tội chủ yếu về kinh tế, đã bị tòa xử khiếm diện sơ thẩm 30 năm tù trong lúc bỏ trốn, nghe đâu đang ở một xứ phương Tây nào đó, mà lệnh truy nã của phía Việt Nam tạm thời chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Kể ra phụ nữ Việt Nam không ít người tài năng lỗi lạc và bản lĩnh xuất chúng, lại thêm gan dạ cùng mình, vì họ mua chuộc một cách hiệu quả dưới hình thức đưa hối lộ hoặc lừa gạt trên diện rộng đám mày râu “đường đường phương diện quốc gia” cũng là một thứ tài năng đặc biệt, không phải ai cũng làm được. Nếu bộ máy nhà nước lành mạnh và nhà cầm quyền biết dùng người đúng cách, nhiều phụ nữ trước nay đã vô tù về tội danh kinh tế hay chính trị chắc chắn đã có thể đóng góp được nhiều cho đất nước theo hướng tích cực.
Tham ô tài sản thì phải có người cộng tác; đưa hối lộ thì phải có kẻ nhận hối lộ; vi phạm quy định… là do quy định có nhiều sơ hở, tổ chức quản lý lỏng lẻo… Tất cả đều đã diễn ra trong cái nền tham nhũng. Và như nhà đại cách mạng tiền bối Lênin đã từng phát biểu khoảng một thế kỷ trước, nếu còn có thể hối lộ được thì người ta không thể làm chính trị được, vì khi đó mọi chỉ thị, quyết định, nghị quyết đều sẽ chỉ lơ lửng trên không trung… Rất giống với thực trạng đã và đang diễn ra ở nước ta.
Trước đây 30-40 chục năm, khi nạn tham nhũng mới chỉ đe dọa trở thành quốc nạn, đa số các giám đốc, đại gia hoạt động trong lĩnh vực kinh tế bị vào tù chỉ vì lý do “vi phạm nguyên tắc nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, tương ứng với thời kỳ mò mẫm, mà nếu không chịu bung ra vượt nguyên tắc thì dành phải bó tay chẳng làm được việc gì ích nước, lợi mình, kết hợp với lợi dân. Mấu chốt của vấn đề trong giai đoạn này là sự mâu thuẫn giữa chế độ quan liêu bao cấp với thị trường, mà sau đã có được một số điều chỉnh tiến bộ hơn nhiều, nhất là sau Đại hội VI (1986) đổi mới tư duy cả về kinh tế lẫn chính trị. Nhìn vấn đề theo hướng này sẽ thấy một số người đi tiên phong vượt rào (trước 1986) trở thành tù nhân lúc đó coi như đã bị tù oan.
Giờ thì thời cuộc đã thay đổi nhiều, với đặc điểm chủ yếu là nạn tham nhũng gia tăng tràn lan đến độ gần như mất kiểm soát, tiêu biểu nổi bật như các vụ Việt Á và “Chuyến bay giải cứu”, có một không hai trên thế giới, thì trách nhiệm để xảy ra tình trạng phải quy hết về cho nhà cầm quyền mới phải, chứ “còn ai trồng khoai đất này”? Chả lẽ lại đổ mãi cho “các thế lực thù địch” nữa hay sao?
Người có tội thì phải xử tội một cách công bằng theo đúng quy định của pháp luật, nhưng xét cho cùng, theo cái logic của xã hội ta hiện tại, các đại gia kinh tế “vô lò” là ít tội hơn so với những quan chức vì quyền lợi cá nhân đã câu kết bao che cho họ, ăn tiền của họ, bởi nếu họ không câu kết móc ngoặc với cán bộ có chức có quyền thì không thể làm ăn lớn được. Mặt khác, bên cạnh phần làm sai tất yếu này, các đại gia đầy tài năng kia cũng có công đóng góp tích cực trong việc xây dựng các mô hình hoạt động kinh tế thị trường theo hướng văn minh tiến bộ. Xã hội phải ghi nhận ở họ về điều này.
Trong tương lai, phải phấn đấu tiến tới một xã hội lành mạnh, giảm bớt tối đa các tệ nạn tham ô, hối lộ, vi phạm quy định này khác… Nhưng hiện tại, một cách thực tế và “cận nhân tình”, nếu toàn bộ công chức các cấp đột nhiên trở nên liêm chính hết thì bản thân họ và cả người dân cũng khó sống, “nước trong quá thì cá không sống được”, trong điều kiện thu nhập bằng đồng lương hoàn toàn phi lý kéo dài…
Vậy nên, nếu xử lý pháp luật theo hướng nhân văn như người ta thường nói, thì cả đám cán bộ công chức tham nhũng lẫn các thường dân đại gia kinh tế “vô lò” đều chỉ đáng tội chừng 50% thôi, bởi tất cả họ đều là con đẻ tất yếu của cả một hệ thống chính trị chứa đựng tùm lum những điều phi lý, mà lâu nay chỉ lo chăm bẵm “sai đâu chữa đấy” ở các phần ngọn, không dám mạnh dạn cải cách đi vào phần gốc!
Còn như để cho một số phụ nữ chân yếu tay mềm, thông minh, sắc sảo, khuynh loát cả triều chính thì trước hết các đấng mày râu đầu bạc ở ngôi cao trên miếu đường đang sính va sính vính trong tình trạng rối bời hiện tại phải biết hổ thẹn với trách nhiệm của những người đứng đầu, từ đó hạ quyết tâm thay đổi căn bản tư duy và hành động chính trị, chứ không nên tự hào về thành tích đã cho vô tù ngày càng nhặt số người vi phạm luật pháp nối đuôi nhau không có điểm dừng…