Tác Giả: Tưởng Năng Tiến
14/03/2024
Sau 30 tháng 4 năm 1975 Bên Thắng Cuộc đã dàn dựng một hệ thống gồm những “tổ chức phục quốc” ở rất nhiều nơi, và đã khiến cho không ít thanh niên miền Nam bị rơi vào … bẫy! Nhà báo Vũ Ánh (V.A) là một trong những người này – như chính ông cho biết, trong cuốn hồi ký (Thung Lũng Tử Thần) do Người Việt Books xuất bản vào năm 2014:
Tôi còn nhớ rõ buổi hoàng hôn ngày 16 tháng 8 năm 1975, khi mặt trời đỏ lừ đang từ từ rơi xuống phía sau hàng cây trên bờ sông La Ngà, toán chúng tôi gồm tôi, Cự, Phụ, Khải, Thuật và một số khoảng 20 người khác đã rơi ngay vào tay một cánh quân mà sau này chúng tôi biết là của Quân Khu 7 Việt Cộng khi vừa đến một điểm hẹn tập trung gần bờ sông.
Hầu hết những người bị bắt đều là sĩ quan, công chức, cảnh sát VNCH khước từ lệnh trình diện để lựa chọn một con đường khác: đi tìm bóng dáng của các nhóm tàn quân VNCH mà chúng tôi được mật báo một cách sai lạc bởi chính bọn quân báo Việt Cộng qua trung gian gồm chính một số cựu sĩ quan, viên chức VNCH cộng tác với họ.
Giận dữ, nôn nóng, vội vã và cả tin đã khiến chúng tôi bị sập bẫy như những đứa con nít. Và khi vào nằm trong gông cùm rồi, chúng tôi chỉ còn biết tự an ủi: bản thông báo của Ủy Ban Quân Quản ra lệnh cho các sĩ quan, viên chức chỉ huy trong chính phủ VNCH, thành viên trong các chính đảng ở Miền Nam Việt Nam phải trình diện và mang theo lương thực đủ 10 ngày để đi “học tập cải tạo” không đánh lừa được chúng tôi, dù cái giá chúng tôi phải trả cho sự tỉnh táo ấy rất đắt.
Rất đắt là bao nhiêu?
Xin thưa là hơn 13 năm tù, với 7 năm biệt giam, và khẩu phần là “ba muỗng nước, với ba muỗng cơm” mỗi bữa. Không phải ai lãnh án “phục quốc” đều bị giam cầm khắc nghiệt như thế cả. V.A là một “trường hợp đặc biệt” nên được ban giám thị trại tù A-20 Xuân Phước … đối đãi cách riêng – theo lời nhận xét của một bạn đồng tù:
Vũ Văn Ánh đến từ trại Hàm Tân Z-30C, nguyên là một công chức cao cấp của Bộ Thông Tin, anh có học báo chí ở Hoa Kỳ và giáo sư ngành truyền thông Đại học Cửu Long, sau tháng 4 năm 1975, anh học tập ba ngày tại cơ sở rồi trốn trình diện.
Ánh và số bạn bè như Đại-úy Cảnh sát Vũ Trọng Khải, Trung-úy Dù Đoàn Bá Phụ, Đại-úy An Ninh Quân Đội Nguyễn Đại Thuật, những người trốn học tập. Các anh được móc nối tham gia tổ chức của Bác-sĩ Phan Huy Quát, người móc nối đưa các anh vào bưng vùng Biên Hòa thì bị bắt…
Ở các trại Ánh sống đứng đắn, trọng danh dự nên được rất nhiều sĩ quan trẻ mến, trong đó có Trần Bửu Ngọc sĩ quan Biệt Kích và Ngô Văn Ly sĩ quan Biệt Động Quân. Ở đâu Ánh cũng là một cá nhân có sức thu hút và thuyết phục. Chính điểm son này, ở trại giam nào anh cũng bị giam cùm trong kỷ luật…” (Nguyễn Chí Thiệp. Trại Kiên Giam. Los Angeles, CA: Sông Thu, 1992).
Cái “điểm son thu hút” của V.A, thực ra, không phải lý do khiến ông thường trực bị giam riêng. Cá tính “đứng đắn” cũng không thể khiến ông bị gông cùm suốt từ năm này sang năm khác. Vấn đề – có lẽ – chỉ vì V.A quá “trọng danh dự” mà thôi, theo như quan điểm và cách ứng xử cố hữu của ông:
“Cuối cùng muốn giữ nhân phẩm, duy trì nhân cách và khí tiết, một người tù cải tạo phải biết chấp nhận phần xấu nhất cho đời tù của mình, đó là sẵn sàng ra nằm ở Ðồi Thông (nghĩa địa của tù nhân cải tạo). Sự chấp nhận ấy là chiếc chìa khóa hóa giải bất cứ sự sợ hãi nào.” (V.Ánh, sđd, 107).
Chính nhờ “sự chấp nhận ấy” nên bạn đồng tù đã nhiều lần “há hốc mồm lắng nghe” khẩu khí của V.A, khi ông thay mặt anh em để đặt vấn đề với ban quản lý trại giam:
“Anh sửa micro cho vừa với tầm đứng của mình và bắt đầu nói… ‘Ông giám thị nói về chính sách nhân đạo khoan hồng rất hay, người tù chúng tôi nghe rất sướng tai, nhưng rất tiếc lời nói và việc làm thường không đi đôi với nhau; người đời thường nói một đàng và làm một nẻo.’ Anh nói về chế độ ăn uống… Anh nhấn mạnh về việc cán bộ võ trang đánh tù (chính trị có án).
Và sau cùng anh nói về chính sách kỷ luật… Lúc ấy trông anh đẹp quá! Hiên ngang quá! Anh ứng khẩu, giọng chững chạc, đầy uy lực. Cả hội trường há hốc mồm, lắng nghe như uống từng lời nói của anh.” (Phạm Đức Nhì. “Vũ Ánh Và Tôi – Chung Một Đoạn Đời”. Việt Báo 03.06.2014)
Không chỉ nói suông mà V.A còn làm những chuyện kinh khủng khác. Cùng với Trần Danh San, Nguyễn Chí Thiệp…, ông thực hiện một tờ báo chui (underground press) khiến cho không chỉ Cục Quản Lý Trại Giam mà đến cả Bộ Công An Việt Nam cũng phải rúng động.
Chuyện làm báo, vượt trại, tuyệt thực, chất vấn cán bộ quản giáo, tổ chức những buổi văn nghệ tù ca … của những tù nhân A-20 có thể làm thành một cuốn phim hấp dẫn, với rất nhiều pha ngoạn mục, cùng những mẩu đối thoại “đôm đốp” rất bất ngờ (và cũng rất khó tin) đã có thể xẩy ra thường xuyên trong một trại kiên giam.
Chúng tôi đã có dịp nhắc đến tờ Hợp Đoàn (trong những trang sổ tay trước, cũng trên diễn đàn này) nên xin phép chỉ ghi thêm đôi điều, theo lời của chính những người trong cuộc:
- Nằm trong cùm bị bớt khẩu phần và nước uống nhưng không phải lao động khổ sai để đổi lại 300 grams thực phẩm mỗi ngày. Nằm cùm, dù bị cắt bớt khẩu phần, có đói đến lả đi, nhưng sẽ không chết trừ phi bị nhiễm kiết lỵ. Ngược lại ở ngoài trại, lao động nặng lại ăn uống thiếu thốn kiểu đó, bị lao phổi có khi lại chết mau hơn không chừng…
Phân tích và quyết định như thế khiến tôi yên tâm và coi việc nằm chuồng cọp là một hình thức nghỉ ngơi. Ðó cũng là lý do tại sao giữa vòng vây của an ninh trại giam và những nội gián trong số bạn đồng tù với mình, tôi gấp rút chuẩn bị cùng với một số anh em khác đồng chí hướng cho ấn hành một nguyệt san lấy tên là “Hợp Ðoàn,” một nguyệt san chỉ có một ấn bản viết tay duy nhất và bí mật lưu hành trong trại, nhưng lúc nào chúng tôi cũng chuẩn bị nếu có cơ hội là gởi ra nước ngoài. (Vũ A., s.đ.d, tr.106 -107).
- Hợp Đoàn xem như là một thành công, anh em tiếp nhận đọc rất thận trọng và nghiêm túc. Thực chất nội dung vẫn chưa hẳn là một tờ báo đáng giá gì nhưng vì ở trong tù vừa khó khăn vừa nguy hiểm, mỗi lần Ánh hay Cường viết và lên khuôn tờ báo, những anh em thân thiết đều phải canh chừng và tổ chức đánh cờ chung quanh để tránh sự dòm ngó của an-ten, nên công một người thành công của nhiều người. Anh em đọc củng cố bảo vệ nó như người phát hành, vì nếu đổ bể ra thì tất cả đều bị chịu thiệt hại. (Nguyễn C.T., s.đ.d, ch.13).
Nhưng trước sau gì thì cũng “bể” thôi, theo bút ký (Ký Ức Bỏ Quên) của A-20 Nguyễn Thanh Khiết: “Cũng vì tờ Hợp Đoàn mà 1983 có gần 60 mạng vào biệt giam … Tháng 10-1986 Alpha, Nguyễn Chí Thiệp, Trần Danh San, Trần Bửu Ngọc, Ngô Văn Ly, Nguyễn Tú Cường, cùng vài đấng máu mặt bị quăng lên xe đưa về trại T20 (Thành Gia Định).
Bọn chèo dứt khoát muốn đào tận gốc rễ tờ báo ‘Hợp Đoàn’. Chính vì thế tại trại giam này, một số các anh được thả từ 1981- 82 cũng bị hốt lại, trong đó có mặt những hào kiệt từng làm điêu đứng bọn cai tù ở trại A20, Phạm Đức Nhì, Trần Đức Long, Bùi Đạt Trung, Nguyễn Văn Hiếu, Phạm Chí Thành …”
Tuy nhiên, vào phút chót, đám lãnh đạo Hà Nội (bỗng dưng”) đổi ý. Họ chợt nhận thức được rằng khoác thêm cái bản án chung thân cho những con người đã trải qua gần hết đời mình trong những trại biệt giam (mà không hề nao núng) chả phải là chuyện khôn ngoan.
Thêm một phiên tòa dành cho tờ Hợp Đoàn chỉ giúp cho công luận thấy được rõ hơn sự tàn bạo của chế độ hiện hành, cùng tính chất bất khuất và can trường của những kẻ thuộc bên thua cuộc mà thôi.