February 26, 2024
Đoan Trang/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Nếu ai ở California từng phải đặt bánh pía và các loại “bánh tuổi thơ” của tiệm bánh Kim Ninh bên Dallas, Texas, thì nay chẳng cần đi đâu xa, vì Kim Ninh Bakery nay đã có tại Westminster, trung tâm Little Saigon.
Vợ chồng chủ tiệm bánh Kim Ninh trên đường Westminster. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
Từ Texas sang California
“Lấy chị mấy cái bánh quai vạt đi cô chủ,” chị Phượng Tôn ở Westminster vừa bước vào đã nhanh chóng “order” loại bánh mà theo chị, mấy chục năm rồi mới được ăn lại.
Trong lúc chờ lấy bánh, chị Phượng kể, hồi nhỏ ở Việt Nam, chỉ khi vô chùa chị mới được ăn bánh quai vạt, sau này người ta chiên, bán ở lề đường.
“Tôi sang Mỹ lâu lắm rồi, giờ mới biết tiệm bánh Kim Ninh có bán bánh này, mừng húm, dù bị đường cao nhe, mà thèm quá, cứ mua ăn đại, rồi uống thuốc,” chị vừa cười vừa nói.
Cô chủ tiệm bánh Kim Ninh tên là Trịnh Mỹ Yêm. Tên khó gọi, nên chị nói từ nhỏ, mọi người gọi chị là “Kim con” vì ba của chị tên Kim, chủ tiệm bánh lớn Vĩnh Kim, ở Buôn Mê Thuột.
Năm 2005, chị lập gia đình và theo chồng sang Mỹ định cư, sống bên Dallas, Texas. Sau khi sanh được ba người con, năm 2011, chị quyết định mở tiệm bánh – nghề truyền thống ba đời của gia đình.
“Thật ra mấy năm ở nhà sanh và nuôi con, mình đã làm bánh bán tại nhà, vì ngoài nghề làm bánh, mình không biết làm gì khác,” chủ tiệm bánh Kim Ninh, mà chúng tôi cũng gọi tên thân mật là Kim, kể.
Lúc mới qua Mỹ được một tháng, vào Tháng Sáu, 2005, mẹ chồng chị được biếu hộp bánh từ một tiệm nổi tiếng bên California, bà ăn mà tấm tắc khen ngon. “Nổi máu” làm bánh, chị liền ăn thử, rồi chê, và nói với mẹ chồng: “Mẹ muốn, con sẽ làm cho mẹ ăn.”
Bà mẹ chồng ăn thử bánh con dâu làm, thấy ngon quá, liền kêu chị làm thêm để đem biếu. Vì ba mẹ chồng của chị Kim làm việc trong cộng đồng người Việt ở Dallas, nên quen biết nhiều người, ai ăn cũng khen, rồi đặt mua.
“Đặc sản” của Kim Ninh là bánh pía. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
Năm đầu tiên xa quê, chị vừa vác bụng bầu, vừa làm bánh bán. Nhà có cái lò nướng nhỏ xíu, một lần nướng chỉ được bốn cái, nên chị làm tới khuya cũng chưa xong. Nhưng vừa nhớ nhà, vừa nhớ nghề, chị làm mãi mà không biết mệt là gì. Năm đó, chị làm được 200 hộp bánh. Người ăn khen ngon, chị… sướng quá, nên năm kế tiếp chị nhận làm tới cả ngàn hộp, và số bánh đặt cứ tăng dần vào những năm sau.
Chị kể, khách hàng đặt bánh hay nói: “Muốn ăn bánh con làm, bác phải chờ cả năm, thôi mở tiệm đi, để ngày nào bác cũng có bánh ăn.”
Nhưng vì con còn nhỏ, dù muốn lắm, vẫn phải chờ cho đến khi cậu út được 1 tuổi, chị mới mở tiệm.
“Lấy chồng qua Mỹ, cứ nghĩ sẽ phải bỏ nghề truyền thống gia đình, ai dè, mình không vái ông tổ, mà ông tổ qua tới đây luôn,” chị Kim nói. “Biết bố mẹ chồng lo cho chồng mình ăn học đến nơi đến chốn, nên khi mở tiệm bánh, mình bàn: ‘Bố không phải là người trong nghề, nhưng để cảm ơn bố, và muốn mọi người gọi tên bố mỗi ngày, tiệm của mình sẽ ghép tên bố anh và bố em.’ Ninh là tên bố chồng mình, nên tiệm có tên Kim Ninh là vậy đó.”
Năm 2022, khi chồng của chị nghỉ hưu, anh chị quyết định chuyển sang California sinh sống, để được hưởng thời tiết mát mẻ, thuận hòa.
“Lúc mới sang đây, mình thấy ok, nhưng một hôm nghe văn phòng nha sĩ nhắc đi làm răng, có câu ‘ngày hẹn của chị đúng Tết Trung Thu nhe.’ Đang vui vẻ, tự nhiên nghe tới từ ‘Trung Thu’ mình mệt ngang, cảm giác buồn mà ‘không biết vì sao tôi buồn,’ rồi nằm dẹp lép cả chục ngày trời, không ăn, không uống, giống như mắc cái bệnh gì ghê gớm lắm,” chị Kim kể.
Thật ra chị buồn vì không được làm bánh, chứ chẳng có bệnh tật gì cả. Tháng Tám, 2023, chị quyết định mợ tiệm bánh trên đường Westminster, giữ nguyên tên Kim Ninh.
Chị Phượng Tôn (phải) dù bị cao đường vẫn thích ăn bánh Kim Ninh. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
Ba đời làm bánh
Chị Kim nói, ông bà nội ngoại và ba mẹ chị đều là người Hoa. Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nên chị giỏi tiếng Việt hơn tiếng Hoa. Ông ngoại của chị Kim, một trong những người đầu tiên làm bánh pía ở Việt Nam, vừa làm thầy giáo, vừa làm bánh.
Ông bà ngoại của chị có sáu người con, các cậu các dì đều làm bánh, có tiệm trên Pleiku, như Thái Sơn, Mỹ Ngọc, Kim Vinh,… Bố mẹ chị cũng theo nghề gia đình, mở tiệm bánh Vĩnh Kim. ở Buôn Mê Thuột, sau đó ông bà tách riêng, bà dọn lên Pleiku mở tiệm bánh Kim Sơn.
Năm 15 tuổi, chị Kim được mẹ giao hết “tài sản” của tiệm, chủ yếu là mối lái, để chị chủ động đặt hàng, giao hàng đi khắp nơi, các tỉnh miền Tây, qua tới Lào, Cambodia.
“Cực nhất là Tháng Tám, vào mùa Trung Thu, ngày nào cũng vậy, 2 giờ sáng mình vẫn chưa được về nhà, vì phải lo bỏ mối, rồi lấy bánh ở tiệm bán chậm đưa qua tiệm bán chạy, để bánh không bị tồn,” chị Kim nhớ lại. “Bỏ mối hơn 40 tiệm chứ có ít đâu. Có lần làm cực quá vừa xuống xe là xỉu, thợ thầy khiêng vô nhà thương, vì tưởng mình đi toong, ai cũng nói đó là ngày giỗ của mình. Nhưng nằm có một đêm, sáng ra mình tỉnh dậy khỏe ru!”
Chị Loan Trần (bìa phải) có tiệm ở Los Angeles, tới mua bánh để tặng nhân viên. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
Tôi thắc mắc, không biết chị được cha mẹ truyền nghề cho khi nào, mà có thể một mình đứng tiệm từ Texas, sang tới California, mà không thuê bất cứ người thợ nào khác.
Chị cười, nói: “Thiệt ra hồi mình còn nhỏ, mẹ không cho làm bánh đâu, mà bắt rửa chén, lau chùi, quét dọn, đó là những việc thợ không làm. Mẹ nói: ‘Muốn làm chủ phải biết từ chuyện nhỏ nhất, thì mới thành công.’ Nhà làm bánh bán sỉ, nên khoảng 10, 12 tuổi, mẹ đã cho đi bỏ bánh, giao hàng, thu tiền. Đến năm 13 tuổi mới được đi nhận đặt hàng.”
“Còn làm bánh hả? Hình như nó ngấm từ trong máu, chẳng biết tự bao giờ, mà lớn lên là mình biết làm đủ loại bánh, bánh quai vạt, bánh dừa, bánh in, bánh phục linh, Trung Thu thì làm bánh dẻo, bánh nướng,… mà ‘đặc sản’ vẫn là bánh pía.”
Chị Kim nói, 11 năm bán bánh ở Dallas, cho đến khi mở tiệm ở Orange County, chị đều làm một mình, từ đi mua nguyên vật liệu, làm bánh, bán hàng, dọn dẹp,… tất tần tật mọi thứ, mà không cần người phụ, vì chị làm đúng như lời mẹ dặn, là phải biết làm từ chuyện nhỏ nhặt nhất.
Xấp bao thơ là những tấm chi phiếu khách hàng gửi trả tiền cho tiệm, sau khi nhận được bánh. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
Làm cho đã cái nư, không cần sự nổi tiếng
“Mùa Trung Thu thì có các con và chồng phụ, thỉnh thoảng mướn thêm vài người Mễ dọn dẹp. Ngày mình làm 18-20 tiếng, nhưng không mệt, vì khách vô khen là thấy khỏe. Ai nhìn thấy mặt mày bơ phờ, bột dính tùm lum khắp người, nói ‘Ôi trời, sao em cực vậy, tội quá!’ Nhưng mình thấy vui, khỏe mà, làm cho đã cái nư, không cần nổi tiếng, lời lỗ tính sau,” chị Kim nói.
Đang rôm rả kể chuyện, khách lại vô, chị Kim đứng dậy chào đón.
Cô Phước Trần, nói mình là khách quen của Kim Ninh, chia sẻ: “Tui dân Dallas nè, con gái dọn qua đây, tui đi theo. May sao giờ Kim Ninh cũng qua luôn, mừng quá!”
Tưởng tôi là khách, cô Phước quay qua giới thiệu: “Mua đi, nó làm bánh ngon lắm đó! Mà kêu tặng nó tặng liền hà. Đúng nhận sai cãi, nhỏ kia!”
Chị Kim gật đầu: “Dạ đúng!”
Cô Phước tiếp: “Thấy chưa, tui biết nó quá mà. Ăn bánh nó làm, riết ghiền đó nha!”
Nhớ lại lúc sáng, khi thấy chị Loan Trần ở Los Angeles ghé mua bánh để tặng nhân viên trong tiệm nail, hỏi bánh này ngon không, bánh kia thế nào, chị Kim cắt bánh mời ăn thử, khách khen ngon, chị còn tặng thêm bánh để… ăn cho đã, vì là người ở xa.
Gia đình chị Kim tại tiệm bánh Kim Ninh hồi còn ở Dallas, Texas. (Hình: Nhân vật cung cấp)
“Bán bánh lời bao nhiêu mà sao thoải mái đem tặng và cho ăn thử vậy chị?” tôi hỏi.
“Người bỏ tiền ra mua bánh sẽ không biết bánh đó ngon hay dở, mình cứ mời họ dùng thử, bánh mình ngon thì không sợ lỗ, vì khách sẽ quay lại. Mình tự tin 100% là khách sẽ quay lại,” chị Kim trả lời.
Bác Cúc Phan, 82 tuổi, ở Reno, Nevada, tới mua bánh, kể: “Hôm qua bác bay xuống Los Angeles là kêu người cháu lái xe tới Kim Ninh để mua bánh cho em gái. Em bác ăn ngon, nên hôm nay bác quay trở lại mua thêm đó mà.”
“Cũng làm bánh pía, và các loại bánh thông thường khác, vậy bánh Kim Ninh khác bánh nơi khác ở điểm nào, mà nhiều khách ghiền quá vậy?” tôi lại hỏi.
Vừa nâng niu, sắp xếp lại quầy bánh, chị Kim vừa trả lời: “Khác chứ, vì bánh Kim Ninh có tình thương của người làm bánh đặt vào trong đó. Bữa nào giận ông chồng, hoặc có chuyện buồn, mình không làm bánh, vì biết chắc bánh hôm đó sẽ không ngon. Làm dở mất công đi xin lỗi khách.”
“Chị có bí quyết, hay công thức đặc biệt nào không?”
“Công thức y chang nhau thôi, nhưng công thức của mình có tình thương, có tình cảm trong đó. Chiếc bánh giống như con mình, nó nhúc nhích một chút là mình biết nó muốn cái gì, cần gì, để thêm bớt, hay thay đổi,” chị Kim tâm sự. “Lúc Kim Ninh thành công bên Dallas, có người muốn mua công thức với giá $1 triệu, nhưng mình từ chối, vì tình thương thì không mua bán gì được. Nhưng nếu biết chắc ai thương bánh như mình, là người có đạo đức, mình sẵn sàng đưa công thức, mà không lấy một xu!”
Tiệm bánh Kim Ninh trên đường Westminster. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
Vì tiệm mới mở được sáu tháng, nên không có nhiều khách California, nhưng bù lại, chị Kim vẫn có khách đặt từ 50 tiểu bang, và cả ở ngoại quốc, như Úc.
Chỉ một xấp bao thơ trên bàn, chị giải thích: “Khách đặt hàng, mình gửi bánh đi, họ trả tiền sau bằng chi phiếu, có cả thơ cảm ơn trong đó nữa. Có người tới tiệm mua cả trăm đồng tiền bánh, không đủ tiền trả, mình nói đi đi, khi nào có, tới trả cũng được, mà hồi nào tới giờ, mình chưa bị ai quỵt.”
“Mình may mắn được làm chủ, vì nếu làm công, mình sẽ không có được quyền chăm sóc khách hàng như vậy. Lúc đóng cửa bên Dallas, mình khóc quá trời, mấy bác cũng khóc, nói sẽ nhớ bánh Kim Ninh lắm. Đó là niềm động viên mình phải làm bánh giỏi hơn, ngon hơn, thương khách hơn, yêu khách hơn.”
——
Liên lạc tác giả: [email protected]