January 21, 2024
ĐẮK LẮK, Việt Nam (NV) – Chỉ sau năm ngày xét xử 100 bị cáo trong vụ bạo động tại hai đồn công an xã ở tỉnh Đắk Lắk, phán quyết của tòa án tỉnh này tuyên 10 án chung thân, số còn lại bị kết án từ chín tháng đến 20 năm tù.
Theo báo VNExpress hôm 20 Tháng Giêng, hai trong số bị cáo bị án chung thân là Y Sôl Niê và H Wuêñ Êban bị quy kết là “cầm đầu, lôi kéo, kích động các bị cáo khác.”
Các bị cáo nghe tòa công bố phán quyết hôm 20 Tháng Giêng. (Hình: VNExpress)
Đáng lưu ý, theo tờ Tuổi Trẻ, Y Sôl Niê, 45 tuổi, cư trú tại tiểu bang North Carolina, Hoa Kỳ.
Phán quyết của tòa Đắk Lắk cũng kết án khiếm diện từ chín đến 11 năm tù đối với sáu bị cáo đang ở ngoại quốc và bị truy nã với cáo buộc “khủng bố” gồm các ông Y Mut Mlô, Y Quynh Bdap, Y Čhik Niê, Y Niên Êya, Y Bút Êban và Y Chanh Byă.
Trong số này, ông Y Quynh Bdap, bị kết án 10 năm tù, là người đồng sáng lập tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (MSFJ).
Đề cập vụ chính quyền tỉnh Đắk Lắk khép tội ông Y Quynh Bdap, Facebook MSFJ viết: “…Không có bằng chứng cụ thể nào, mà chính quyền chỉ dùng các hình ảnh rồi chỉnh sửa bằng photoshop để bôi nhọ danh dự và vu khống, nhắm vào ông Y Quynh Bdap nhiều nhất, rồi còn tung ra lệnh truy nã và còn phạt tù với tội ‘khủng bố’ trong khi đó ông Y Quynh chỉ hoạt động về nhân quyền cho người bản địa. Sau khi thấy lệnh truy nã thì ông đã báo cáo ngay với quốc tế về vụ việc này, vì đây là sự trả thù của chính quyền đối với nhà hoạt động chân chính.”
“Chính quyền chiếm đất đai, đẩy họ [người Thượng] vào cảnh nghèo khổ. Dù không có gì đáng ghét hay thù hận, nhưng đó là sự thật và ai cũng thấy rõ. Nếu chính quyền không thay đổi, liệu người dân có thể im lặng mãi không? Sự im lặng đáng đặt câu hỏi – họ sẽ làm gì trong thời gian tới? Tất cả sẽ đoàn kết và hoạt động mạnh mẽ hơn vì nhân quyền, cất tiếng nói của mình với thế giới,” theo Facebook MSFJ.
Liên quan phiên tòa, Luật Sư Đặng Đình Mạnh được đài Á Châu Tự Do (RFA) dẫn lời: “…Chưa đầy năm ngày để xét xử 100 bị cáo là bất khả thi. Vì chỉ cần Hội Đồng Xét Xử, công tố và luật sư xét hỏi để làm rõ tội trạng của từng bị cáo đã không đủ thời gian chứ nói gì đến một loạt thủ tục trước và sau đó. Trừ phi đây là phiên tòa mà dân gian hay gọi xách mé về nền tư pháp trong nước là án bỏ túi’.”
Phiên tòa hạn chế sự tham dự của người dân và thân nhân các bị cáo. (Hình: VNExpress)
Luật Sư Mạnh cũng bình luận thêm rằng trong vụ án này, việc xét xử của tòa án, tranh luận của công tố và bào chữa của luật sư “đều chỉ là hình thức và thực hiện quấy quá cho xong.”
Vụ bạo động hôm 11 Tháng Sáu năm ngoái được mô tả là do một nhóm người bịt mặt, mang theo các loại vũ khí gồm súng và bom xăng tấn công hai đồn công an ở xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, vào rạng sáng 11 Tháng Sáu, khiến chín người thiệt mạng, trong đó có bốn viên chức công an cùng bí thư xã Ea Ktur, chủ tịch xã Ea Tiêu. (N.H.K) [kn]