18-1-2024
Tờ Dân Trí giật tít “Cha mẹ lên mạng rao bán con ruột vì túng tiền tiêu”, tuy nhiên kéo xuống đọc đến hết bài thì không hề thấy có chi tiết nào như tiêu đề cả, ngược lại bài báo viết: “Tại tòa (…) Tuấn và Nhung cho rằng thực hiện hành vi bán con do hoàn cảnh nghèo khó, định lấy số tiền bán con út để nuôi 3 đứa con còn lại”. Vậy xin hỏi báo Dân trí, các vị lấy ở đâu ra cái lý do “bán con ruột vì túng tiền tiêu”?
Liên quan đến vụ án đau đớn này, hai vợ chồng (lần lượt 19 và 22 tuổi) đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh kết án 23 năm tù giam. Và sau khi giật dòng tít “Đôi vợ chồng hờ mua bán con lãnh 23 năm tù về tội mua bán người”, báo Tuổi Trẻ viết “Trước đó, khoảng tháng 11-2022, do cần tiền trang trải cuộc sống và lo cho các con nhỏ, Nhung và Tuấn (sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn) bàn bạc thống nhất liên lạc các gia đình hiếm muộn con có điều kiện kinh tế, có nhu cầu nhận nuôi trẻ để “chuyển giao” đứa con gái thứ 4 của hai bị cáo là bé N. (2 tuổi) để nhận lại một khoản tiền”.
Báo Công an Nhân dân (CAND) chạy một tiêu đề vô tư hơn “Bán con với giá 18 triệu đồng, hai vợ chồng lãnh án”. Bài báo viết “Theo cáo trạng, Nhung và Tuấn sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Khoảng tháng 11/2022, cả 2 cần tiền trang trải cuộc sống và lo cho gia đình nên bàn bạc thống nhất liên lạc gia đình hiếm muộn có nhu cầu nhận nuôi trẻ để “chuyển giao” đứa con gái thứ 4 (sinh ngày 12/10/2022)”.
Bà Nhung và ông Tuấn tại phiên tòa xét xử. Ảnh trên mạng
Trước hết, ngoài tiêu đề trung tính rất đáng khen trên tờ CAND, thì hai tờ báo còn lại: Một là thêu dệt (túng tiền tiêu) và một là ác ý (vợ chồng hờ). Về nội dung thì ba bài viết này tuy có cách diễn đạt không giống nhau và không hoàn toàn thống nhất về thông tin, nhưng đều khẳng định một ý quan trọng, là hai vợ chồng này bán đứa con thứ 4 để có tiền lo cho 3 đứa còn lại.
Hơn nữa, hai vợ chồng này không phải “bán” con một cách vô cảm như bán một món hàng. Báo CAND ghi: Họ “bàn bạc thống nhất liên lạc gia đình hiếm muộn có nhu cầu nhận nuôi trẻ”; báo Tuổi trẻ còn viết chi tiết hơn: “bàn bạc thống nhất liên lạc các gia đình hiếm muộn con có điều kiện kinh tế, có nhu cầu nhận nuôi trẻ”, và bịa đặt như báo Dân trí mà còn phải thừa nhận “do hoàn cảnh nghèo khó, định lấy số tiền bán con út để nuôi 3 đứa con còn lại”. Như vậy, họ có ý thức tìm cho con một gia đình có nhu cầu nuôi trẻ thật sự, và gia đình ấy phải có đủ điều kiện để chăm lo cho đứa bé. Rõ ràng, nó không vô cảm và tàn ác như tiêu đề một số báo đã gợi lên trong lòng người đọc.
Hành vi mua bán người bị pháp luật nghiêm cấm và trừng trị, dù là bán con mình, điều ấy không cần bàn cãi làm gì nữa. Tuy nhiên, hai vợ chồng trẻ này dù là “hờ” nhưng họ đã chung sống với nhau có đến 4 mặt con, như vậy có thể họ vi phạm các quy định hành chính về đăng ký kết hôn nhưng trên thực tế họ là vợ chồng thật sự. Thứ hai, như đã nói, họ không đủ khả năng nuôi con nữa nhưng có ý thức tìm cho con một gia đình vừa có nhu cầu vừa có điều kiện chăm lo cho đứa trẻ, chứ không phải chỉ là một hành vi buôn bán ráo hoảnh và ác độc lạnh lùng.
Tôi không được tiếp xúc với hồ sơ vụ án để biết hai bên (mua và bán) đã bàn bạc với nhau cụ thể như thế nào, ngôn từ ra sao, họ bán mua hay cho và nhận con nuôi, nên không dám đưa ra kết luận; nhưng thiết nghĩ, việc làm của hai vợ chồng này rất giống như việc cho (và nhận) con nuôi. Tuy nhiên, có thể vì hạn chế về kiến thức pháp luật nên mới tiến hành “chuyển giao” con một cách không đúng các thủ tục pháp lý để rồi dẫn đến một bản án bi thảm như trên.
Cho và nhận con nuôi vốn là việc làm được pháp luật cho phép và bảo hộ. Trong hành vi này, người nhận con nuôi cũng được phép trao cho cha mẹ đứa bé một khoản tiền mà luật pháp không cấm, như một sự trả ơn hoặc giúp đỡ. Tôi đoán rằng, do thiếu hiểu biết pháp luật nên hành vi hỗ trợ này đã bị các bên thực hiện như một loại giao dịch mua bán, thành ra phải gánh chịu một hậu quả quá đau thương là 23 năm tù giam. Vì vậy, tòa án cần xem xét một cách tỉ mỉ để xác định đúng bản chất hành vi của hai vợ chồng này. Và nếu đúng đây chỉ là cho và nhận con (nhưng bị thực hiện một cách vụng về thành ra vi phạm pháp luật) thì cần xét lại bản án để giảm hình phạt hoặc hướng dẫn người dân cách tiến hành thủ tục sao cho đúng quy định.
Hoàn cảnh và số phận con người trên cuộc đời này không ai giống ai; và luật pháp được sinh ra là để ngăn ngừa và chống lại cái xấu, cái ác nhằm bảo vệ và xây dựng những điều tốt đẹp. Nếu chỉ vì một sự vụng về trong một hành vi dân sự mà cha mẹ thành tù nhân cả chục năm trời và 4 đứa trẻ thành mồ côi, mất đi một gia đình, thiếu tình yêu thương và chăm sóc của cha mẹ, thì không có bi kịch nào lớn hơn.
Cuối cùng, xin dẫn ra một câu chuyện ở nước Mỹ được đăng trên Kenh 14. “Dưới đây là một trong những bức ảnh có lẽ gây đau buồn và gây sốc nhất từng được chụp về nước Mỹ giữa thế kỷ 20: Tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc một người mẹ trẻ xấu hổ giấu mặt đi khi 4 đứa con của cô túm tụm lại với nhau, vẻ mặt bối rối ngồi trên bậc thang. Ở phía trước của bức ảnh, một tấm biển có dòng chữ lớn in đậm ghi “Bán 4 đứa trẻ, hãy hỏi bên trong”. Và sự thật 4 đứa bé đã bị bán đi khi người mẹ đang mang thai đứa thứ 5 trong bụng. “Sau khi nổi tiếng qua bức ảnh gây chấn động, Lucille Chalifoux [người mẹ] đã nhận được sự trợ giúp của chính phủ và sinh đứa con thứ 5 tên David vào năm 1949”.
Một lần nữa tôi mong muốn, Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh sẽ xem xét lại bản án. Nếu đây là hành vi mua bán người một cách phi nhân đạo thì việc trừng trị là đích đáng, nhưng nếu chỉ vì sự thiếu hiểu biết mà vô tình diễn đạt sai đi bản chất của việc cho và nhận con nuôi và dẫn đến vi phạm thủ tục hành chính thì cần mở cho gia đình bất hạnh ấy một con đường sống. Vì xét đến cùng, pháp luật là để nhân đạo hóa con người, trao cho họ một cơ hội sống tốt hơn chứ không phải để đẩy họ xuống vực thẳm tối tăm.