Việt Á là câu chuyện đại ác tập thể đối với quê hương dân tộc. Nhưng lúc này, sự vụ được nhắc lại nghe có vẻ nhẹ như một trò lừa cỏn con, lừa lẫn nhau, chứ không liên quan gì đến vận mệnh quốc gia trong khốn cùng.
Từ xưa, thời nhà Lý (1009-1225) với bộ luật Hình Thư, âm mưu tham nhũng, lừa đảo lấy lợi riêng, được liệt vào thập ác. Một trong những chi tiết của luật hình, có ghi “ai ở kho lụa nhận riêng một thước lụa bị phạt 100 trượng, nhận từ một tấm trở lên bị phạt trượng theo tấm kèm 10 năm khổ sai”. Thời ấy, ít kẻ phạm tội nào đi qua nổi trăm trượng.
Thời vua Lê Thánh Tông ban hành luật Hồng Đức (Quốc triều Hình luật), hoàn chỉnh năm 1497, gồm 722 điều. Trong 722 điều, có hơn 40 điều chỉ rõ việc xử tội tham nhũng. Chẳng hạn, Điều 138 của luật Hồng Đức ghi: “Quan lại tham ô từ một đến 9 quan tiền, bị cách chức; từ 10 đến 19 quan bị đánh trượng, đi đày; từ 20 quan trở lên, bị ch*m. Ăn lễ từ một đến 9 quan phải phạt 50 quan; từ 10 đến 19 quan phạt từ 60 đến 100 quan; từ 20 quan trở lên phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ”. Từ ngày xưa triều đình đã nhận ra việc dân phải hối lộ, là bởi bị quyền lực nhũng nhiễu, nên luôn có tình tiết chỉ rõ tội trạng về phía quan lại.
Đời nhà Nguyễn, luật Gia Long (Hoàng Việt luật lệ), càng nghiêm khắc hơn với tội tham nhũng và cùng nhau tham nhũng. Trong 400 điều của luật Gia Long (ban hành năm 1815), có đến 79 điều quy định cụ thể về các tội liên quan đến tham nhũng. Nhiều điều là xử ch*t.
Giai đoạn của vua Minh Mạng cầm quyền, chủ trương không có chuyện nộp tiền giảm án hay chạy án bằng các tên gọi khác. Vua ra lệnh phải luôn đem can phạm ra trước chợ Đông Ba ch*m đầu, cho mọi người trông thấy mà sửa mình. Đó là lúc đất nước Việt Nam thống nhất toàn vẹn lần thứ nhất trong lịch sử.