MÓN QUÀ TRONG ĐÊM GIÁNG SINH – Truyện ngắn

Ước Mơ Việt Tân

Nhiều năm trước, có hai cha con sống gắn bó với nhau trong một ngôi nhà sang trọng và cùng chung sở thích đó là đam mê sưu tập tranh. Trong tay họ bộ sưu tập tranh quý giá lên đến hàng triệu đô la khiến nhiều người nhòm ngó. Người cha rất hài lòng khi thấy đứa con trai duy nhất của mình trở thành một nhà sưu tập tranh nhiều kinh nghiệm.

Mùa đông đến, tiết trời u ám phủ trùm khắp thành phố. Cậu con trai của ông theo tiếng gọi của Tổ Quốc lên đường ra chiến trận. Người cha ngày đêm cầu nguyện và chờ đợi đến ngày lễ Giáng Sinh, với hy vọng gặp lại đứa con thân yêu của mình….Nhưng chiến tranh khốc liệt đã tướt đoạt niềm ao ước duy nhất của người cha. Cậu con trai đã hy sinh khi đưa một đồng đội đến nơi trú ẩn an toàn …

Vào một sáng ngày lễ Giáng Sinh, tiếng gõ cửa bất thần đánh thức người cha. Ông ra mở cửa và nhìn thấy một anh lính, tay cầm chiếc bọc lớn. Anh lính giới thiệu : Cháu là bạn cùng đơn vị với con trai của bác. Cháu đến tặng bác một “món quà trong đêm Giáng Sinh”. Anh lính bước vào nhà và kính cẩn mở gói quà bọc rất cẩn thận ra. Người cha vẫn chưa hết ngạc nhiên. Anh lính nói: “Con trai bác đã kể rất nhiều về niềm đam mê nghệ thuật của bác và anh ấy. Cháu tặng bác một bức tranh, mặc dù nó không đep như những kiệt tác trên thế giới, nhưng cháu nghĩ bác sẽ rất thích.”

Thì ra anh lính này là họa sĩ. Anh tặng ông bức chân dung cậu con trai của ông do anh vẽ. Người cha nhìn ảnh người con trai; từng nét mặt, nụ cười và tia nhìn ấm áp của người con như đang nhìn ông trìu mến; khiến ông xúc động mà không cầm được nước mắt, ông nói: “Đối với tôi, đây là một kiệt tác, là một bức chân dung vô giá. Cậu không biết là đã tặng cho tôi một món quà, một niềm an ủi lớn như thế nào đâu..”

Sau khi tiễn anh lính ra về, người cha không rời khỏi hình ảnh người con nửa bước. Ngay ngày hôm sau, bức chân dung được treo lên vị trí trang trọng nhất trong phòng trưng bày tranh.

Hơn một năm sau, người cha bị bệnh và qua đời.

Giới nghệ thuật háo hức chờ đợi ngày những kiệt tác nổi tiếng thế giới của ông được đem ra bán đấu giá. Theo nguyện vọng của người cha, cuộc đấu giá sẽ tổ chức vào ngày lễ Giáng Sinh. Vì theo ông, đây là ngày đem lại ý nghĩa thiêng liêng nhất của cuộc đời ông.

Cuối cùng ngày đó cũng đến, các nhà sưu tập tranh khắp thế giới tụ tập về nhà ông – nơi tổ chức cuộc đấu giá – để mong có được một vài tác phẩm trong bộ sưu tập tranh nổi tiếng và giá trị của hai cha con.

Thế nhưng, cuộc đấu giá bắt đầu bằng một bức tranh không hề có trong danh sách các tác phẩm danh tiếng trên thế giới. Đó là bức chân dung của người con trai.

Người điều khiển cuộc đấu giá yêu cầu khai mở cuộc trả giá, mọi người trong căn phòng im lặng. Người điều khiển nói:

“Ai trả giá bức tranh này 100 đô la?”

Nhiều phút trôi qua không có ai lên tiếng trả giá cho bức tranh đó. Giới sưu tầm tranh còn yêu cầu bỏ qua bức chân dung và hãy đấu giá những bức tranh giá trị kia. Mọi người đều hưởng ứng đồng tình … nhưng người điều khiển cuộc đấu giá trả lời:

“Không, chúng tôi phải bán bức tranh này trước. Nào ai sẽ mua bức chân dung người con trai này??”

Vẫn không có tiếng trả lời.

Cuối cùng, một ông lão – bạn của người cha – ngập ngừng lên tiếng :

“Anh sẽ bán cho tôi bức tranh với giá 10 đô la chớ? Tôi … tôi… chỉ còn bấy nhiêu tiền thôi.”

Người điều khiển cuộc đấu giá hô to: “Có ai trả giá cao hơn không??”

Không khí trong phòng vẫn im lặng.

Trả giá lần thứ nhất…

Trả giá lần thứ hai….

………. Chấm dứt ..

Bức chân dung người con trai đã được bán với giá 10 đô la – Tiếng người điều khiển vang lên khẳng định. Tiếng búa vừa gỏ xuống, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Có người reo mừng, có người nôn nóng nói: Thôi nào, hãy tiếp tục đấu giá những kiệt tác kia đi. Chúng tôi chờ đợi lâu rồi đấy!.

Nhưng người điều khiển cuộc đấu giá bỗng tuyên bố : Xin lỗi quý vị, nhưng cuộc đấu giá đến đây là kết thúc!

Mọi người sững sốt, nhiều người bực mình lên tiếng: Đã chấm dứt, ý ông muốn nói gì chứ? Chúng tôi đến đây không phải chỉ để đấu giá bức chân dung tầm thường đó, mà là những kiệt tác trị giá hàng triệu đô la kia. Chúng chưa được bán thì làm sao gọi là kết thúc được?

Người điều khiển cuộc đấu giá từ tốn trả lời: Chúng tôi tôn trọng di chúc của người cha quá cố. Theo ý nguyện của ông:

“Ai mua bức chân dung của người con trai, thì sẽ được thừa hưởng tất cả những bức tranh quý giá còn lại..!”

Đến lúc này, các nhà sưu tâp tranh mới vỡ lẽ và hiểu sâu sắc tấm lòng của người cha.

Tất cả tài sản, vật chất quý giá bao nhiêu cũng không bằng hình ảnh người con trong trái tim cha mẹ..!!

Tác giả: Hoa Phượng

#ƯớcMơViệtTân

Ảnh st Internet

Được xem 4 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay