RFA
2023.01.19
Hình chụp hôm 4/8/2020: một thành viên của Liên minh Red Hacker đang làm việc trên máy tính ở một văn phòng tại Đông Hoản, Trung Quốc (hình minh hoạ)
AFP
75% người sử dụng mạng Việt Nam nhận được cuộc gọi lừa đảo tài chính online, hơn một nửa người dùng nhận được tin nhắn lừa đảo, trong đó có 5,7% đã thực hiện theo yêu cầu trong tin nhắn, cuộc gọi giả mạo…
Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin Truyền thông cho truyền thông Nhà nước hay tin trên trong ngày 19/1 dựa theo số liệu từ chương trình đánh giá an ninh mạng dành cho người sử dụng cá nhân, do Tập đoàn Bkav thực hiện trong tháng 12/2022.
Theo số liệu từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, trong năm 2022 đã ghi nhận gần 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với hai loại hình lừa đảo chính: lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm hơn 24%) và lừa đảo tài chính (chiếm gần 76%).
Tin nhắn SMS Brandname giả mạo từ các tổ chức ngân hàng, tài chính cũng được hacker chuộng dùng trong năm 2022. Kết quả khảo sát của Bkav, hơn nửa số người dùng Việt Nam bị làm phiền bởi các tin nhắn này.
Cũng theo thống kê của Bkav, Việt Nam hiện có 6,8 triệu người tham gia thị trường tiền mã hóa, thuộc top các nước có số người tham gia cao hàng đầu thế giới. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, cho biết trong năm 2022 đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.460 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân (tương ứng 6,7% người dùng Internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Trong năm 2023, lừa đảo qua hình thức gửi tin nhắn, gọi điện sẽ tiếp tục phổ biến khi hacker có thể kiếm tiền dễ dàng với các phi vụ lên tới hàng tỷ đồng. Dù nhận thức của người dùng đã được cải thiện, hacker sẽ ngày càng có thêm nhiều thủ đoạn tinh vi. Các chuyên gia dự báo, tấn công APT (tấn công mạng kỹ thuật cao có chủ đích) nhằm mục đích gián điệp sẽ gia tăng trong năm 2023.