Có một vị giáo sư đầu ngành và nổi tiếng thế giới về Ngôn ngữ học, là người Mỹ gốc Việt, nhân dịp xuất bản hai cuốn sách về tiếng Việt, thì được các trường đại học lớn của Việt Nam như ĐH Sư Phạm Hà Nội, ĐHSP Đà Nẵng, ĐH Ngoại ngữ Huế, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM… tha thiết mời nói chuyện học thuật cho sinh viên, giảng viên.
Hôm nay, sau khi nói chuyện ở trường đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) vị ấy cùng đại diện nhà xuất bản ghé qua nhà tôi chơi, ngồi chưa ấm chỗ thì công an tới làm việc về vấn đề cư trú.
Vị giáo sư ấy năm ngoái cũng được trường Hồng Đức mời nhưng không thể thu xếp được, lần này mới “bén duyên”. Chị nói, nếu không có tôi (Thái Hạo) ở Thanh Hóa thì cũng chẳng bao giờ có cơ hội đến trường Đại học Hồng Đức để nói chuyện được. Hôm nay chị chia sẻ đề tài “Giọng Thanh Hóa trong tương quan với vần Quảng Nam và thanh điệu Bắc”. Sau buổi nói chuyện, một vị phó giáo sư còn có đề nghị rằng mong muốn tác giả sẽ đóng góp cho tỉnh Thanh Hóa bằng một công trình, và sẽ liên hệ với lãnh đạo tỉnh để thu xếp đề án này.
Sáng nay nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công cũng đến dự buổi trao đổi học thuật của vị giáo sư đã nhắc, và anh nói với tôi rằng, những phát hiện của nhà khoa học này quá độc đáo và nó cần một công trình nghiên cứu xứng đáng. Hơn nữa, theo anh, đề tài này phải được cấp tỉnh quan tâm và đầu tư nghiêm túc…
Thế nhưng…
Chiều nay, trên cổng thông tin của Đại học Hồng Đức, khi những lời cảm ơn còn chưa ráo mực thì bây giờ, sau khi công an vào làm việc, lập biên bản và nêu quy định tại nhà tôi, vị giáo sư ấy đã vừa phải đi thuê khách sạn rồi, vì theo lời cán bộ công an (tên là Nguyễn Văn Sơn), ở khu vực này, người nước ngoài không được lưu trú tại tư gia người khác.
Nếu luật quy định như thế (?) thì với tinh thần luôn tôn trọng luật pháp, mọi người đã chấp hành. Tuy nhiên, là một học giả thường xuyên về Việt Nam để trao đổi học thuật và đã lưu trú ở nhiều địa điểm khác nhau, vị giáo sư rất bất ngờ trước “quy định” này. Bản thân tôi cũng lần đầu tiên nghe đến, nên thật sự băn khoăn về một quy định nhiều bất cập như thế (nếu nó có thật), nên đăng lên đây để tham khảo ý kiến của những người am hiểu luật pháp.
Dù thế, vị giáo sư là bạn tôi thì vẫn bất ngờ và buồn mãi. Vì chị đã bước vào nhà tôi với tâm trạng vui mừng, phấn chấn bởi một buổi nói chuyện nhiều ý nghĩa và cả những tiếp đón chu đáo hết mực của Đại học Hồng Đức. Chị cũng đã nghĩ đến việc viết một cuốn sách về “tiếng Thanh Hóa” sau đề nghị của vị phó giáo sư trường sở tại, nhưng giờ chị bảo không còn tâm trạng nào nữa…
Khi nhà khoa học nước ngoài không được lưu trú tại tư gia ở Việt Nam | Tiếng Dân