Khoảng thời gian ở tù đã trải qua, có lẽ khủng hoảng nhất là khoảng thời gian bị giam cách ly để điều tra. Vì nhiều yếu tố chi phối, thứ nhất, bản thân đang ở bên ngoài, đột ngột bị tống vào buồng giam cách ly, mọi thứ ở hai thái cực, từ thiên đường rơi xuống địa ngục. Thứ hai, thời gian bị hỏi cung mỗi ngày từ sáng tới tối, khi trở về phòng giam là cơ thể rã rời như không còn chút năng lượng. Cả ngày phải liên tục làm việc với trạng thái cân não, phải tỉnh táo trong toàn thời gian để không bị ép cung hay mớm cung, suốt mấy tháng ròng như vậy.
Buồng giam cách ly điều tra ở trại tạm giam B5, diện tích sử dụng khoảng 8 mét vuông, nền xi măng đen, một bệ dành cho chỗ nằm hai người, phía sau là một khoảng dành cho tắm giặt và bệ xí. Người nào nằm kế bệ xí, nếu người ở chung không có ý thức, đi vệ sinh dội mạnh là nước văng cả vào chỗ nằm. Tắm giặt, đi vệ sinh hoàn toàn lộ thiên. Đồ dùng cá nhân, và đồ ăn để 1 góc đối diện chỗ nằm, ngay đường đi rộng vài tấc. Phòng chỉ có ánh sáng mờ, đèn được lắp trong một hộp vuông kính mờ, ở góc phía trên cao của trần buồng giam. Ánh sáng chỉ đủ nhìn những vật dụng kích thước lớn, hai người ở chung không nhìn rõ mặt nhau.
THÈM CHỮ.
Bỏ qua việc ăn uống khắc nghiệt như tôi đã nói trong bài viết trước, sẽ có những bi hài khác mà người ở ngoài chắc không tưởng tượng được. Thời gian tôi ở khu điều tra, phòng hai người, thời điểm đó, tất cả phạm nhân nữ chỉ có 4 người, chia ra hai phòng, chỉ có tôi án chính trị, còn hai em án ma túy và một người án giết người. Tôi ở với một em án ma túy, còn trẻ. Tôi hầu như ngoài giờ bị đi cung khi trở về phòng chỉ ngồi hoặc nằm nghe em ấy kể về chuyện em ấy, rồi tôi cũng kể em nghe tại sao tôi bị bắt, tôi giảng giải cho em hiểu cơ bản về chính trị xã hội, em thích nghe, vốn thông minh sẵn, em hiểu và thương tôi, chị em chia sẻ như vậy.
(Hầu như những tù nhân án xã hội tôi gặp và tiếp xúc qua, họ điều quý mến vì biết rằng tôi đi tù không phải phạm tội như họ, họ hỏi tôi về những vấn đề xã hội mà họ chưa hiểu, họ thích nghe và nắm bắt cũng nhanh, họ sống có nghĩa khí, chỉ có vài trường hợp không được tốt, mà mấy người này, ai họ cũng gây chuyện chứ không riêng gì tôi, vậy nên, đối với tôi, cho dù là tù nhân phạm tội, họ vẫn là con người, vẫn phải tôn trọng họ. Sống trong một xã hội không nề nếp, việc họ phạm tội phải được nhìn rộng hơn, vì sao họ phạm tội? Đương nhiên, những trường hợp phạm tội một cách dã man thì tôi sẽ lên án và không bao biện cho họ).
Qua chừng một, hai tháng thì cũng hết chuyện để nói. Lúc đó, chúng tôi, nhất là tôi, thèm một cuốn sách để đọc. Trại giam không cho bất cứ một vật dụng gì có giấy trống hoặc có chữ vào buồng giam. Vỏ hộp bánh kẹo gửi vào họ bỏ hộp ra, chỉ đưa ruột vào. Suốt mấy tháng trời, thèm một cuốn sách, chưa bao giờ cảm giác thèm đọc nó ngốn nghiến mình đến vậy. Có bữa, em ở chung bị đau mắt, xin được chai thuốc nhỏ mắt vào, em nói quản giáo cho luôn tờ hướng dẫn sử dụng, vậy mà thấy nó quý quá chừng, tôi cất để dành, không dám bỏ! Hai chị em nói vui, nếu cứ kéo dài thế này, sau này ra tù chắc mình bị mù chữ vì quên luôn con chữ rồi. Thật sự ở trong phòng tối có mấy mét vuông, ngoài giờ ăn ngủ, chỉ ngồi nói chuyện qua ngày, thời gian trôi qua vô vị không sao diễn tả nổi, bình thường tôi cũng không phải siêng năng đọc sách, nhưng trong hoàn cảnh đó, sách là ước ao, còn quý hơn vàng. Mà nghĩ lại, nếu có sách cũng không đọc được, dù là ban ngày, thì ánh sáng cũng không rọi được vào buồng giam, lúc nào ánh sáng cũng lờ mờ, không thể nhìn chữ. Ở trong không gian như vậy vài tháng thôi, đã thấy mình như ở trong hang, mọi sinh hoạt cơ bản nhất của con người không còn được cảm nhận.
LA HÉT VÀ HÁT.
Phòng giam tối, ẩm thấp, nóng bức và ngột ngạt, thật sự phải chịu đựng lắm mới không phát điên. Dãy tù nam, kế bên dãy nữ không bao giờ thấy nhau, nhưng âm thanh lớn thì nghe rõ. Tôi từng nghe thấy nhiều người nam bị nhốt chịu không nổi, họ la hét, đập cửa đòi thả ra. Có lúc họ gào vài tiếng thì quản giáo lờ đi rồi thôi, nhưng khi họ đập cửa nhiều quá thì quản giáo xuống, thế là vừa tiếng la hét của tù nhân, vừa tiếng quát và đánh đập của quản giáo, tạo nên một âm thanh hỗn độn và dễ làm cho con người phát hoảng và đau lòng. Biết họ bị đánh nhưng lực bất tòng tâm. Ở trong môi trường như vậy, phát điên là bình thường, có vài người chịu không nổi, đã tự tử, thời tôi ở thì không có ai tự tử, nhưng tôi nghe kể lại như vậy.
Những lúc buồn quá, tù nam thường hát, một hai người hát thì người phòng khác hưởng ứng thế là gây ra âm thanh lớn. Có bữa quản giáo xuống, nghe giọng nói biết đã say rồi, anh ta lè nhè, tụi bây im chưa, có tin là tao bỏ tù hết cả đám không? Tụi tôi chỉ biết cười, không nói được gì, chẳng phải đang ở tù sao mà còn hăm bỏ tù!
KHÓC.
Nói, cười rồi khóc. Đó là em chung phòng với tôi, tôi nghe em tâm sự rồi thỉnh thoảng em khóc, thường những người trẻ mang án buôn bán ma túy, họ trải đời và có bản lĩnh lăn lộn, nên đa số cũng là dạng cứng cỏi so với bình thường. Thế nhưng vào tù rồi cũng phải rớt nước mắt. Tôi không nói sâu xa về việc phạm tội của họ, vì nói sâu vào vấn đề thì phải nói quá nhiều vấn đề xã hội, nhiều yếu tố góp phần đẩy họ vào con đường phạm tội. Gia đình, xã hội, sự giáo dục, đời sống kinh tế,… chung quy lại cũng là chánh trị. Vậy nên, nhìn những người trẻ phạm tội như vậy, tôi thương nhiều hơn là trách, vì như vừa nói, bản thân họ cũng không biết được họ phạm tội do nhiều yếu tố tác động như vậy, họ chỉ đơn giản là kiếm tiền, muốn thỏa sức nếm trải cuộc đời, mà không ý thức được tù tội. Ở đây chưa nói đến tội phạm ma túy đường dây tổ chức thế nào, những người trẻ này chỉ là những chấm nhỏ trong những đường dây đó, ai điều hành phía sau, họ đa số chỉ là nạn nhân cho một thị trường ranh ma và đầy cạm bẫy.
Còn tôi, thật sự là tôi chưa bao giờ khóc trong những năm tù tội này. Tôi bình thản đến mức chính tôi còn ngạc nhiên, còn bực mình về bản thân mình, vì đơn giản, có những áp lực đè nặng, chỉ cần khóc được là sẽ vơi bớt, nhưng mà tôi không khóc được. Những lúc nhớ con, nhớ gia đình, cũng chỉ rưng rưng, không ra được giọt nước mắt nào. Điều tra của tôi nói rằng, tính cách tôi giống… mẹ của anh ta(!!!), anh ta nói, mẹ anh ta là một người phụ nữ chịu đựng rất giỏi. Còn tôi, không phải chịu đựng mà là bình thản, lạnh lùng.
Mà thật sự, sao lại phải khóc, bản thân đi tù không phải là bất ngờ, đi tù cũng vì vận mạng chung cho một cộng đồng, lý tưởng hoàn toàn đúng đắn. Có chăng là khóc vì thương nhớ gia đình, nhưng lại cũng không khóc được vì bản tính bẩm sinh đã mấy chục năm không biết khóc, có lúc nào đó hiếm hoi tôi khóc, chỉ một chút rồi thôi.
Đấy, sơ lược về tù là vậy. Chỉ là sơ lược thôi, từ từ tôi sẽ kể tiếp!
HUỲNH THỊ TỐ NGA
Nov 8, 2023
Các anh công an đọc những bài viết của tôi nếu thấy khó chịu thì hãy suy nghĩ lại, tại sao các anh lại thấy khó chịu. Tôi viết 100% thực tế bản thân tôi đã trải qua, không thêm bớt. Vậy nên, thay vì các anh muốn che dấu nó, thì hãy thay đổi nó.
Thêm Chi tiết về Chị Huynh Tố Nga (theo Đài Á Châu Tự Do)
Bà Nga, 40 tuổi, là chuyên viên xét nghiệm của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (thành phố Hồ Chí Minh). Bà bị bắt ngày 28/01/2019 cùng với anh ruột Huỳnh Minh Tâm vì các hoạt động trực tuyến cổ xuý cho quyền con người và dân chủ đa nguyên.
Trong phiên toà không có luật sư vào cuối tháng 11 năm đó, hai người bị tuyên tổng cộng 14 năm tù. Họ bị kết tội viết và chia sẻ nhiều bài viết có nội dung chống Nhà nước và kêu gọi người dân phản đối Luật An ninh mạng cùng biểu tình đòi tự do dân chủ.
Nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 25/4, bà khẳng định các hoạt động của mình có mục đích tốt cho dân tộc cho dù có thể có hại cho Đảng Cộng sản cầm quyền.
“Tôi nói rõ trước toà là chúng tôi không có tội với nhân dân và đất nước của mình. Cứ đối lập bị cho là có tội. Nếu cho là có tội thì chúng tôi chỉ có tội với đảng cộng sản.”
Bà cho biết trong phiên toà mở nhưng không cho công chúng tham gia, cũng không có luật sư bào chữa hai anh em đón nhận bản án mà Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai đưa ra.
“Chúng tôi bình thản chấp nhận bản án. Tại vì tôi biết được là khi tôi làm, khi tôi chống lại, khi mình đối lập sẽ bị bắt bớ, bị tù đày.”
Đối xử tệ bạc trong nhà tù
Chế độ dinh dưỡng kém, lao động vất vả và chăm sóc y tế tồi là những vấn đề mà người tù phải trải qua, bà Nga nói sau khi bị giam 13 tháng trong Trại tạm giam B5 của Công an Đồng Nai và 37 tháng trong Trại giam An Phước.
Bà cho biết ở Trại giam An Phước, TNLT nào không tham gia lao động sẽ bị nhốt trong phòng giam chật hẹp cả ngày. Do vậy, hầu như tất cả TNLT phải đi lao động cho dù không vất vả như thường phạm.
Trong khi tù hình sự thường phải làm việc 8-9 giờ/ngày và mức khoán sản phẩm rất cao thì tù chính trị chỉ phải làm trong 6-7 giờ/ngày và không bị ép theo mức khoán.
Tuy nhiên, người tù phải làm hàng mã xuất khẩu sang Trung Quốc và Đài Loan với nguyên liệu từ rác thải tái chế nhưng không trang bị bảo hộ lao động tương xứng. Người tù không được trả công từ lao động của mình nhưng được xét giảm án, và bà Nga được giảm 10 tháng, bà nói với RFA.
Chế độ dinh dưỡng tồi tàn và không phù hợp với chế độ lao động, bà nói.
Khi bị ốm, cho dù là bệnh gì thì trạm xá của trại giam chỉ cấp cho vài thứ thuốc như giảm đau và an thần, cũng như kháng sinh trong trường hợp viêm nhiễm nhưng liều lượng thấp nên bệnh không được chữa trị triệt để. Việc xin phép đi chữa bệnh ở các cơ sở chuyên môn cao ở ngoài trại giam rất khó khăn, bà nhấn mạnh.
Hàng tháng, nữ tù nhân trong trại được cấp băng vệ sinh cùng bột giặt, kem và bàn chải đánh răng.
Bà cho biết trong thời gian hơn ba năm ở An Phước, bà bị kỷ luật bằng hình thức phải ở trong buồng giam hai tháng, với việc hạn chế đi lại nhưng không bị đánh đập và cũng không bị cùm chân.
Sách báo trong thư viện của trại giam ít và cũ, ít có giá trị tham khảo. Đặc biệt, sách về tôn giáo hầu như không có, ngoài mấy cuốn có tính tham khảo, bà nói với RFA.
Hàng tháng, gia đình được gửi thức ăn vào cho người thân, khoảng 6-7 kg trong những lần thăm gặp hay qua đường bưu điện.
Người tù cũng được sử dụng tiền lưu ký do người nhà gửi để mua thêm đồ trong căng tin trại giam nhưng giá ở đây đắt hơn nhiều lần so với giá ngoài thị trường, và nhiều khi phẩm cấp không được bảo đảm.
Một số tù nhân lương tâm sau khi ra tù tố cáo với truyền thông việc bị đối xử tệ bạc trong trại giam An Phước, ở tỉnh Bình Dương, tuy nhiên phóng viên nhiều lần gọi đến các số điện thoại của trại giam trên mạng internet để tìm hiểu vụ việc nhưng không thể kết nối.
Theo cáo trạng do báo chí nhà nước đăng tải, hai anh em Huỳnh Minh Tâm và Huỳnh Thị Tố Nga sinh ra trong gia đình có công với cách mạng nhưng do thường xuyên vào mạng Internet đọc nhiều trang của “các đối tượng phản động” nên cả hai đã “liên hệ và trao đổi với các đối tượng chống đối trong và ngoài nước, thường xuyên chia sẻ, viết và đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, kích động, chống đối chính quyền lên mạng xã hội Facebook.”
Vẫn theo cáo trạng, từ cuối năm 2017 bà Nga đã sử dụng tài khoản Facebook “Selena Zen” và “Diệu Hằng” của mình để thường xuyên đăng tải các bài viết có nội dung bị cho là xuyên tạc tình hình trong nước, phỉ báng chế độ, bóp méo, xuyên tạc lịch sử dân tộc; bôi nhọ và nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Bà Nga cũng đã tham gia biểu tình, viết và đăng tải gần 50 bài viết đề cập nhiều chủ đề khác nhau, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình…
Một Tù Chính Trị nói về kinh nghiệm ở Trại Giam An Phước, Bình Dương