Nguyễn Đình Cống
4-10-2023
- Dự án 350 ngàn tỉ đồng để chấn hưng văn hóa
Gần đây dư luận quan tâm nhiều đến dự án chi 350 ngàn tỉ đồng do lãnh đạo Bộ Văn hóa đề xuất nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.
Dự án này ẩn chứa ba điều sau: 1- Công nhận nền văn hóa dân tộc bị hủy hoại nặng nề; 2- Nhầm lẫn tai hại giữa bản chất văn hóa và những hoạt động do Bộ Văn hóa phụ trách; 3- Hy vọng rằng có thể dễ dàng lừa được lãnh đạo nhà nước và nhân dân để kiếm một số tiền lớn chia nhau.
1.1- Một nền văn hóa bị băng hoại
Để tránh dài dòng, xin không dẫn ra các hiện tượng cụ thể về sự băng hoại văn hóa và tác hại của nó (vì đã trình bày nhiều), chỉ xin viết rằng nền văn hóa của dân tộc Việt được hình thành, truyền lại qua mấy ngàn năm, bỗng chốc bị hủy hoại trong vòng vài chục năm gần đây, do việc Đảng Cộng sản kiên trì thực hành Chủ nghĩa Mác Lê, thể hiện ra trong mọi lĩnh vực (giáo dục, kinh tế, chính trị, tôn giáo, lịch sử v.v…).
Nếu chỉ cần thực hành cho bằng được những quan điểm mà cộng sản chủ trương thì có thể không cần đề ra nhu cầu chấn hưng văn hóa dân tộc, dù cho nó có bị hủy hoại đến tận gốc rễ, vì theo lý thuyết thì cộng sản không quan tâm đến dân tộc (qua chủ thuyết “Tam vô”: Vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo). Cộng sản chủ trương: “Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành (Lời bài Quốc tế ca – phá tan cả truyền thống văn hóa của dân tộc, họ cho là tàn dư của phong kiến, của chế độ cũ).
Xã hội cộng sản chỉ là ảo tưởng, chỉ những người người muốn và có thể dựa vào nó để kiếm lợi mới tuyên truyền, cổ vũ cho nó, nhưng họ chỉ chiếm một số ít. Sự hủy hoại văn hóa đụng đến tình cảm của đại đa số nhân dân, buộc một số người có trách nhiệm phải nói đến chấn hưng để lừa bịp quần chúng chứ chưa chắc họ đã có thực lòng. (Trừ những người thực tâm đau khổ vì văn hóa bị hủy hoại và nóng lòng về chuyện đó).
Nếu thật sự muốn chấn hưng văn hóa thì trước hết cần có nghiên cứu nghiêm túc, vạch ra được đúng nguyên nhân cơ bản làm hủy hoại văn hóa, phải tìm cách làm có hiệu quả. Cách làm như thế nào cần được phản biện đầy đủ của các nhà văn hóa, các nhà khoa học chứ không thể dựa vào ý chí chủ quan của một vài chính khách có quyền.
1.2- Lẫn lộn bản chất của văn hóa với hoạt động văn hóa
Văn hóa là lĩnh vực khá phức tạp, dễ gây ra nhầm lẫn. Trong từ điển Tiếng Việt (GS Hoàng Phê chủ biên), cụm từ Văn Hóa có 5 nội dung (ND) khác nhau. Xin trích hai ND chính.
ND 1: Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra,
ND 2: Văn hóa là những hoạt động của con người, nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần.
ND 1 thể hiện bản chất của văn hóa, nó có nội hàm phong phú, có ngoại diên rất rộng, vì thế có trên trăm định nghĩa, phản ánh các cách nhìn và đánh giá khác nhau mà ND 1 chỉ mới là định nghĩa ngắn gọn.
ND 2 là các hoạt động do Bộ Văn hóa điều hành, quản lý, như công việc xuất bản, biểu diễn, triển lãm, hội hè, di tích, bảo tàng v.v…
Có một nhận thức nhầm lẫn tai hại là, lẫn lộn bản chất văn hóa ở ND 1 với hoạt động văn hóa ở ND 2. Nguyên nhân trực tiếp của việc này là có một Bộ Văn hóa. Bộ này ít hoặc không quan tâm đến bản chất Văn hóa ở ND 1. Về nhầm lẫn này, trước đây tôi đã trình bày trong vài bài viết.
Việc lẫn lộn hai khái niệm trên, nếu chỉ ở trong dân chúng thì chỉ ảnh hưởng ít đến nhận thức, nhưng những lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước mà bị lẫn lộn như thế thì sẽ gây ra nhiều tai hại. Tôi phát hiện một số lẫn lộn như vậy trong các phát biểu tại “Hội nghi Diên Hồng về văn hóa của Đảng” vào tháng 11 năm 2021 và trong nhiều bài viết về văn hóa.
Chấn hưng văn hóa là chấn hưng bản chất của nó, nêu ở ND 1 chứ không phải chấn hưng các hoạt động nêu ở ND 2. Thế mà hình như dự án chi 350 ngàn tỉ đồng lại có xu hướng giúp Bộ Văn hóa tăng cường hoạt động.
Tôi có nhận xét rằng, suy thoái nặng nề nhất, nguy hiểm nhất là trong “Văn hóa cầm quyền, Văn hóa lãnh đạo”, rồi từ đó lan rộng ra toàn xã hội với những thói bạo lực, gian dối.
Nền văn hóa hình thành, phát triển trong nhiều ngàn năm, bị suy thoái trong thời gian ngắn từ khi đảng Cộng sản lãnh đạo dân tộc làm cách mạng. Từ năm 1945 đến 1975 văn hóa đã bị suy thoái với cải cách ruộng đất, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp v.v… tuy vậy người dân vẫn còn có lòng tin vào lãnh đạo. Từ năm 1975 trở về sau, văn hóa và giáo dục xuống cấp trầm trọng, lòng tin của người dân vào Đảng giảm sút toàn diện.
Tháng 11 năm 2021 Đảng mở Hội nghị Diên Hồng nhằm tìm cách chấn hưng văn hóa, nhưng càng ngày chỉ thấy nó càng xuống cấp thêm.
1-3. Hy vọng và mưu đồ trong việc dùng tiền của ngân sách
Có một khả năng lớn là những người đề ra dự án 350 ngàn tỉ đồng cho rằng, nhiều lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, của Quốc hội lẫn lộn bản chất và hoạt động văn hóa (điều này là có thật) và có thể lợi dụng để lừa dối, nhằm thông qua dự án. Họ nghĩ rằng, có thể dễ dàng vượt qua sự chỉ trích của dư luận để tiêu hết số tiền khổng lồ và mỗi người tham gia sẽ kiếm được nhiều chục, nhiều trăm tỉ đồng.
Họ nhầm mà cho rằng, rồi đây những tiếng nói phản biện không những bị lãnh đạo bỏ qua, mà còn có thể bị buộc tội vì bị quy kết là luận điệu của “thế lực thù địch”, “chống phá chế độ”, chống lại sự lãnh đạo của Đảng. Phải chăng họ đã có nhầm lẫn lớn trong chuyện này, và ôm ấp mộng tưởng “hốt một mớ tiền chùa”?
- Nguyên nhân làm cho văn hóa suy thoái
Đầu đề của bài tôi dùng từ “Phải chăng…” vì rằng những phát biểu chỉ mới mang tính cá nhân, chưa được những cơ quan khoa học thẩm định, đánh giá. Nhưng ở góc độ cá nhân, tôi xin nói ngay rằng, chủ nghĩa Mác Lê (CNML) là một trong những nguyên nhân cơ bản làm suy thoái nền văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tất cả bắt đầu từ Mác. Thời còn trẻ, ông nhận thức rằng, chủ nghĩa tư bản đã biến thành chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của nó, là lúc nó giẫy chết. Đó là nhận định quá chủ quan, rất sai lầm, dẫn đến việc xúi dục công nhân “đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” bằng các cuộc cách mạng vô sản. Về già, Mác nhận ra sai lầm của tuổi trẻ nhưng đã quá muộn. Ông đã nhặt được “chiếc hộp Pandora” và đã mở nó.
CNML chọn bạo lực cách mạng của Quốc tế ba mà chống lại con đường hòa bình của Quốc tế hai. Họ cho rằng cách mạng của họ là triệt để nhất, toàn diện nhất với phương châm “Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành”. Bạo lực trong cách mạng, thấm sâu vào công an, vào chính quyền, lan ra khắp xã hội, làm suy thoái rất nhanh nền văn hóa.
Lênin lại nghĩ ra cách tổ chức và hoạt động của các đảng Cộng sản kiểu mới, một tổ chức khá chặt chẽ, kỷ luật nghiêm, hoạt động có hiệu quả cao, nhưng mang lại nhiều tai họa cho nhân loại vì theo chủ thuyết sai lầm của Mác. Chủ trương của các đảng cộng sản là độc quyền về tư tưởng, không để cho truyền bá bất kỳ một ý kiến phản biện nào, không cho phép tồn tại bất kỳ một tổ chức nào không do họ lập ra. Lê nin chủ trương thiết lập nền “Vô sản chuyên chính”, một loại chính quyền độc quyền đảng trị, độc tài còn khủng khiếp hơn so với chế độ phát xít.
CNML chủ trương “Duy Vật, Vô Thần”, bài bác tôn giáo, hướng cuộc đấu tranh của vô sản nhằm vào tranh đoạt các lợi ích vật chất, đưa con người về gần với bản chất “CON” hơn là “NGƯỜI”. CNML không chỉ ra được bản chất của văn hóa gắn chặt với đạo đức, với đời sống tinh thần, mà các tôn giáo là là nơi quan tâm đến lĩnh vực này rất nhiều. Bài bác tôn giáo khác nào chống lại cơ sở của đạo đức.
Mác khá phiến diện khi cho rằng, “bản chất của con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, bỏ qua phần quan trọng là thể tâm linh và tính tư hữu thuộc “tiên thiên” (là bản chất có sẵn của con người). Mác thấy vô sản bị nghèo khổ là vì họ không có tư liệu sản xuất. Mác không chỉ ra được nguyên nhân sâu xa sinh ra vô sản là vì kém trí tuệ, (nói nôm na là ngu dốt). CNML đưa ra hứa hẹn làm cách mạng đem lại quyền lợi vật chất cho vô sản. Điều đó làm cho họ có nhiệt tình cao, có quyết tâm lớn. Nhưng Mác không biết hoặc cố tình bỏ qua một nguyên lý là khi kết hợp nhiệt tình với sự ngu dốt, sẽ thành phá hoại.
CNML đánh giá sai vai trò của vô sản nên mới chủ trương xây dựng thể chế: “Vô sản chuyên chính” mà dần dần chuyển thành thể chế “độc tài đảng trị”.
Khi vô sản còn nghèo khổ, họ có những đức tính tốt, nhưng khi họ đã nắm được quyền lực thì sẽ trở thành loại người khác, chứ không còn như xưa. Theo Milovan Djilas, thì họ đã tạo nên một giai cấp mới, quay lại bóc lột và đàn áp bằng thủ đoạn mới tàn bạo hơn. Tuy rằng có lúc Mác cũng nói tới điều đó, có dự báo, nhưng vì quá tin vào “Bản chất giai cấp” mà hy vọng vào vô sản trong những vai trò không thực tế.
CNML tạo ra cơ chế “Độc quyền đảng trị”, không những đồng nhất đảng với nhà nước mà còn đặt đảng cao hơn. Để duy trì cơ chế này đảng phải dựa vào công an và tuyên giáo. Công an chủ yếu dùng bạo lực làm cho dân sợ, tuyên giáo dùng những mánh khóe dối trá mê hoặc dân. Ai không sợ bạo lực, ai vạch ra sự dối trá liền bị vu cho tội vi phạm luật pháp, bị tù tội bằng các bản án bỏ túi hoặc oan sai. Những điều đó phá hoại văn hóa rất lớn.
Độc quyền đảng trị còn tạo ra nền dân chủ rởm, theo kiểu “đảng cử dân bầu”. Việc này làm suy thoái lòng tin, dẫn đến suy thoái văn hóa.
Riêng ở Việt Nam, nền hành chính sinh ra để giải quyết những công việc của người dân liên quan đến chính quyền thì nhiều nơi đã trở thành “HÀNH dân là CHÍNH”. Việc này càng làm suy thoái văn hóa.
(Còn tiếp)