Tác giả: Olivier Knox
Cù Tuấn, biên dịch
6-9-2023
Từ khi Tổng thống Bill Clinton tới Việt Nam hồi cuối năm 2000, mọi Tổng thống Mỹ đều đã đến thăm quốc gia cựu thù thời chiến mà nay đã trở thành đối tác thương mại. Tổng thống Biden sẽ đưa tên mình vào danh sách này vào Chủ nhật tới, với những lo ngại về Trung Quốc xuất hiện sau một chuyến thăm chớp nhoáng.
Lịch trình của Nhà Trắng không nói rõ liệu ông có mặt tại Hà Nội trong 24 giờ hay không. Tuy nhiên, điểm dừng chân của ông ở đó sẽ được theo dõi chặt chẽ trên toàn khu vực – và Bắc Kinh sẽ đặc biệt quan tâm – phần lớn là do những căng thẳng Trung – Mỹ gần đây.
Sẽ rất thú vị để xem thông điệp mà Biden mang đến. Clinton và những người kế nhiệm ông đã đưa ra một số chủ đề chung ở đó, nhưng những khác biệt của các chủ đề này cho thấy, sự tiến triển của mối quan hệ Mỹ – Việt trong một phần tư thế kỷ qua.
Đây là những gì họ đã nói.
Clinton: Chiến tranh đã kết thúc
Chuyến thăm của Clinton tới Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là khúc hát thiên nga về ngoại giao trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ông được chào đón trên thảm đỏ, trở thành một ngôi sao nhạc rock và trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia tại Việt Nam.
Nhưng thông điệp mạnh mẽ nhất mà ông gửi tới Việt Nam thực ra đã đến từ 5 năm trước đó, vào tháng 7 năm 1995, khi ông tuyên bố Mỹ và quốc gia cựu thù thời chiến của họ sẽ nối lại quan hệ ngoại giao. Điều này diễn ra sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại và sự phản đối của Mỹ đối với viện trợ đa phương.
Tại Đại học Quốc gia Việt Nam, Clinton thúc giục Việt Nam chấp nhận sự cởi mở về chính trị – tự do ngôn luận, tự do tôn giáo – nhưng nhấn mạnh thông điệp cốt lõi của ông rằng, cả hai nước cần phải vượt qua di sản chiến tranh.
Ông nói: “Một quá khứ đau thương và khổ đau có thể được chuộc lại bằng một tương lai hòa bình và thịnh vượng”.
Bush: Đó là vấn đề kinh tế, đồ ngốc ạ
Tháng 6 năm 2005, Tổng thống George W. Bush tiếp đón một nhà lãnh đạo Việt Nam đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ sau chiến tranh. Tháng 11 năm 2006, ông [Bush] tới Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tập trung chủ yếu vào việc ca ngợi nền kinh tế Việt Nam mà ông nói là “giống như một con hổ non”.
Dựa trên thông điệp của Clinton về quyền tự do dân sự, Bush đã tham dự một buổi lễ tại nhà thờ ở Hà Nội và nói rằng “mọi người trên khắp thế giới” nên được hưởng quyền tự do tôn giáo. Ông cũng đến thăm Viện Pasteur ở Thành phố Hồ Chí Minh để nêu bật sự hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong nghiên cứu khoa học.
Nhưng nền kinh tế của nước chủ nhà vẫn ở vị trí trung tâm của các thảo luận, và ông đã gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp và tham quan thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Bush nói tại một bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước: “Trong nhiều thập niên, các bạn đã bị chiến tranh tàn phá. Ngày nay, nhân dân Việt Nam có được hòa bình và nhìn thấy được lợi ích của cải cách. Người Việt đã có quyền sở hữu doanh nghiệp riêng và ngày nay nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á”.
Obama: Súng đạn và bơ sữa (và cải cách)
Tổng thống Barack Obama đã dành phần lớn thời gian trong chuyến công du tới Việt Nam vào tháng 5 năm 2016 để thuyết giảng về cải cách chính trị – ông hát bài thánh ca gần giống với bài thánh ca của Clinton và Bush.
Phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, ông nói: “Việc bảo vệ các quyền cơ bản – quyền tự do ngôn luận, hội họp và tôn giáo – không phải là mối đe dọa đối với sự ổn định, mà thực sự nó củng cố sự ổn định và là nền tảng của sự tiến bộ”.
Nhưng Obama đã gửi một thông điệp mạnh mẽ hơn nhiều vào ngày đầu tiên của chuyến thăm, khi ông tuyên bố, Mỹ sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sau chiến tranh – một bước đi được nhiều người coi là một phần trong nỗ lực củng cố năng lực khu vực, trước một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Ông Obama nói: “Sự thay đổi này sẽ bảo đảm rằng, Việt Nam có quyền tiếp cận các thiết bị cần thiết để tự vệ và xóa bỏ dấu tích còn sót lại của Chiến tranh Lạnh. Nó cũng nhấn mạnh sự cam kết của Mỹ trong việc bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ với Việt Nam, bao gồm cả quan hệ quốc phòng mạnh mẽ với Việt Nam và khu vực này trong dài hạn”.
Trump: Sứ mệnh với Kim Jong-un là có thể thực hiện được
Tổng thống Donald Trump đã có hai chuyến thăm Việt Nam: Một vào tháng 11/2017, một vào tháng 2/2019.
Đầu tiên, thông điệp của Trump phần lớn là ca ngợi sự chuyển đổi kinh tế của Việt Nam. Ông gọi những thay đổi kể từ sau chiến tranh “thực sự là một trong những điều kỳ diệu vĩ đại của thế giới”. Ông cũng thúc đẩy thương mại song phương giữa hai nước.
Thông điệp lần thứ hai được xác định bằng cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, một nỗ lực cuối cùng không có kết quả nhằm thuyết phục lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình. Nhưng ở đây, Trump cũng đề cập đến nền kinh tế Việt Nam, đề cập đến thương mại song phương và khuyến khích nước chủ nhà mua thiết bị quân sự của Mỹ.
Biden: Chưa xảy ra, chỉ hóng thôi
Thông qua đồng nghiệp Matt Viser, tôi biết được sự thật kỳ lạ này: Đây là lần đầu tiên Biden đến Việt Nam. Điều đó hơi gây tò mò vì ông đã phục vụ nhiều năm với tư cách là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, và đã đi đến nhiều quốc gia.
Ông dường như đang đi đúng hướng để tận hưởng dư âm thành công của Clinton, Bush và Obama, đặc biệt là về việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược (dù ông có đề cập rõ ràng đến Trung Quốc) và có thể nhẹ nhàng mắng mỏ nước chủ nhà về các quyền dân chủ – và có lẽ sẽ nêu bật sự ngưỡng mộ về kinh tế Việt Nam và thúc đẩy thương mại song phương theo kiểu Trump.
Matt lưu ý rằng, Biden đã tổ chức ăn trưa với Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015, nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Hai người sẽ gặp lại nhau vào Chủ nhật này.
Vào thời điểm bữa ăn trưa đó, ông Biden nói: “Thật đáng chú ý là trong suốt hai thập niên qua, tôi vẫn tin rằng… mối quan hệ của chúng ta chỉ mới bắt đầu”.