TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nói đến chìa khóa là người ta nghĩ đến việc mở hay đóng cửa. Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay trao cho ông Phêrô chìa khoá, nhưng Người lại nói đến việc cầm buộc và tháo cởi: “Thày sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Phêrô vừa thay mặt anh em để tuyên xưng đức tin: “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!” Sau lời tuyên xưng Đức tin của vị tông đồ, Chúa đã đổi tên cho ông từ Simon thành Phêrô, nghĩa là Đá Tảng và trao cho ông quyền cầm buộc và tháo cởi. Quyền này thật lớn lao, đến nỗi trên trời cũng sẽ dựa theo quyền này để quyết định tương lai của một con người, hoặc bị trừng phạt, hoặc được thưởng công. Hai ngàn năm đã qua, Giáo Hội tiếp nối Phêrô lãnh nhận và thực thi quyền này. Nhờ quyền ràng buộc và tháo cởi, Giáo Hội duy trì trật tự nội bộ, đóng góp phần mình xây dựng xã hội trần gian, đồng thời phản chiếu tình thương của Thiên Chúa cho con người của mọi thời đại, mở ra cho muôn dân con đường đến gặp gỡ Đức Kitô và đón nhận ơn cứu độ.
Ý tưởng cầm buộc và tháo cởi được Đức Giêsu nhắc lại một lần nữa, cũng trong Tin Mừng thánh Mátthêu, ở chương 18, câu 18: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.” Nếu ở Mt 16, 19, Chúa trao chìa khoá cho cá nhân Phêrô, thì ở đây, Chúa lại trao chìa khoá cho Cộng đoàn Giáo Hội, với danh nghĩa tập thể. Giáo Hội được ủy thác thay mặt Chúa để hướng dẫn con người đạt tới sự thánh thiện. Giáo Hội là một người mẹ, cưu mang, sinh hạ và chăm sóc các tín hữu. Ai nghe lời Giáo Hội là nghe lời Chúa. Ai hiệp thông với Giáo Hội là hiệp thông với Chúa. Giáo Hội không chỉ là cơ chế của loài người, nhưng trước hết là một tổ chức do Chúa Giêsu thiết lập, là trung gian thông chuyển ơn cứu độ đến cho hết mọi người. Chính Giáo Hội quản lý kho tàng Đức tin và có sứ mạng thông truyền Đức tin cho con người thuộc mọi thời đại và mọi nền văn hóa.
Hình ảnh chiếc chìa khoá cũng được nhắc đến trong Bài đọc I. Đây là chìa khoá Đavít, tượng trưng cho quyền lực của người lãnh đạo dân Israel. Vị tể tướng triều đình thời đó là Sép-na. Ông này vì bê bối và bất trung, nên Thiên Chúa loại bỏ. Qua ngôn sứ Isaia, Chúa phế bỏ Sép-na và thiết lập người thay thế là Engiakim. Người này sẽ được trao chìa khóa nhà Đavít và có quyền đóng cũng như mở. Sở dĩ đoạn Kinh Thánh Cựu ước này được đọc trong Phụng vụ, vì nhãn quan Kitô giáo nhận ra, Engiakim là hình ảnh của Đấng Thiên Sai. Người đến trần gian với quyền lực lãnh nhận từ Đấng Tối cao. Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Người được trao toàn quyền trên trời dưới đất (x. Mt 28,18). Người là Đấng được các vị kỳ lão trong sách Khải Huyền tung hô: “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc” (Kh 5,12). Người cũng là Đấng duy nhất có khả năng mở bảy ấn, vừa bày tỏ quyền năng của Thiên Chúa, vừa ổn định trật tự trần gian (x. Kh, chương 6).
Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Tuy vậy, trải qua mọi thời đại, con người cũng như sứ mạng của Chúa bị nhiều người hiểu sai lạc, thậm chí có người cố ý xuyên tạc hay làm cho hình ảnh của Người bị biến dạng. Có nhiều người quan niệm về Đức Giêsu như một nhân vật huyền thoại, hoặc chỉ là một vĩ nhân như bao vĩ nhân khác của lịch sử. Một số khác lại coi Chúa như một chính trị gia, hay chỉ là một bậc thày về những tư tưởng đạo đức. Họ kính trọng Chúa, nhưng không công nhận Người là Thiên Chúa và là Đấng Thiên Sai. Điều này dễ hiểu. Bởi lẽ sứ mạng của Chúa được Chúa Cha trao phó. Con người không thể hiểu thế giới thần linh, vì “sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Ngài, ai suy cho thấu!” (Bài đọc II). Các môn đệ đã theo Chúa được vài năm, mà nay khi Người đặt câu hỏi về thân thế và sứ mạng của Người, các ông còn lúng túng: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, người khác thì cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Thì ra các môn đệ cũng chỉ dựa vào dư luận và những lời đồn. Chúa muốn mỗi người hãy suy tư và tự đưa ra quan điểm của mình: “Còn anh em, anh em nói Thày là ai?” Tin vào Chúa không thể dựa trên những lời đồn thổi, nhưng là sự hiểu biết kèm theo niềm xác tín nơi Người. Phêrô đã thưa: “Thày là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
Người tín hữu chân chính phải xác định rõ Chúa Giêsu là ai trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa và Người là ai đối với đời sống của mình. Một Đức tin mờ nhạt mông lung không thể làm nền tảng cho cuộc đời của người tín hữu. Nó giống như ngôi nhà được xây trên cát, lúc bão tố mưa sa dễ dàng bị đổ sập. Một lối sống chỉ dựa vào dư luận của đám đông mà không dựa trên những tiêu chuẩn của giáo huấn Tin Mừng sẽ không chắc chắn vì luôn bị thay đổi cho hợp thời.
“Phần anh em, anh em nói Thày là ai?” Chúa Giêsu vẫn đang đặt câu hỏi ấy đối với mỗi tín hữu chúng ta. Câu hỏi ấy được đặt ra trong cuộc sống đời thường, nhất là trong cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Chúa, vào lúc sau hết của cuộc đời. Không thể vừa tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa của đời mình, vừa sống trái ngược với Tin Mừng Người rao giảng. Không thể vừa tuyên xưng Đức Giêsu là Sự thật, vừa sống trong sự dối trá với anh chị em mình.
Quyền cầm buộc và tháo cởi mà Chúa đã trao cho Phêrô và Giáo Hội, không chỉ được hiểu như những hình phạt chế tài, mà còn quảng diễn tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa. Ngài không muốn cho con người phải trầm luân đời đời, nhưng được sống trong hạnh phúc đời này và đời sau. Mỗi người tín hữu hãy cảm nhận tình thương ấy, và là chứng nhân đem tình thương đến cho mọi người.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên
From: Langthangchieutim