✻ Đinh Trực ✻
Học trò nhỏ ngày xưa đi học thiếu thốn, khác ngày nay nhiều quá. Từ lớp Năm đến lớp Nhì thì phải dùng bút chấm mực được làm thủ công, ngòi sắt chấm mực từng nét viết, dễ dây bẩn trang giấy tập. Ngòi viết có tên rất vui như: là Tre, lá Mít…
Đặc biệt có anh cao và to nhất là cây viết Rong chỉ để dùng ghi ngày tháng, tựa bài cho trang trọng, nổi bật rất trang trọng, đẹp mắt…!
Tôi cùng các bạn nhỏ ngày ngày tụm năm tụm ba, tung tăng đi bộ, nhảy sáo chân chim đến trường thật vui…!
Thường một tay xách cặp, tay kia cầm theo lọ mực, hễ khi chạy tay vung lên là mực trào lên, văng ra quần áo, tay chân dính mực, trông rất ngộ….
Trong cặp tôi lúc nào cũng có ít nhất là một cán viết và ngòi khác nhau. Để phòng khi bút rơi xuống nền lớp bị “tè” ngòi là chuyện rất thường của học trò.
Ở lớp, học trò ngồi viết, cuốn vở để trước mặt, lọ mực để trước thẳng cánh tay phải thuận cầm viết. Viết chấm mực, ngòi làm bằng sắt hay đồng thường được gọi là viết tay, vì cứ mỗi cái chấm vào bình, nhấc ra viết được một đến hai chữ thì lại chấm tiếp, rồi lại viết. Bởi vậy viết ra nét thanh nét đậm rất rõ. Có những chữ đến nét cuối cùng thì mực cạn, nét mờ. Học trò phải chấm tô lại, nên nét cuối thành ra đậm. Nhiều đứa vội vàng, lóng ngóng còn làm đổ cả bình mực ra mặt bàn, lan vào cuốn vở…., thế là có chuyện xảy ra….!
Do đặc điểm của ngòi viết, đã tạo cho học trò tính cẩn thận. Viết chậm, nắn nót, tờ giấy chậm đỏ hồng luôn ở trước bàn để chậm mực. Cố gắng giữ cho đừng dính mực, lấm lem sách vở, lấm lem tay chân, quần áo… là đức tính của những học trò ngoan…
Mực là cục mực khô nho nhỏ hay đã pha trước, bán sẵn trong cái bình nhỏ mua ở các tiệm tạp hóa. Có đứa thì “sáng tạo” bằng những trái mồng tơi dập nát, đổ thêm một chút nước nóng…, ngon lành, khỏi ra tiệm mua…, nhưng nét chữ rất lợt và lâu khô…
Bút chấm có chất liệu cán bằng gỗ, được chế tạo đủ các kích cỡ lớn bé cho phù hợp với lứa tuổi học sinh. Trên đấy có sơn màu, vẽ hình rất vui mắt. Ngòi được làm bằng sắt, còn gọi là ngòi viết lá tre, hình thù nhỏ như móng tay út trẻ em, mỏng mảnh, cong cong, giữa có đường rãnh để dẫn mực.
Ngày nay, chắc lẽ hiếm học sinh, thậm chí sẽ chẳng có học sinh còn nhớ cán viết là gì ? Cán viết chính là thân viết, là phần để cắm ngòi bút vào, cũng là phần mà những ngón tay cầm viết chạm vào nhiều nhất. Vì cầm nhiều nên nhiều chiếc cán bút mòn vẹt.
Nhớ thời ấy, chẳng đứa học trò nào mà không bị chai sần ở phía trong ngón tay giữa…, cạnh ngòi bút đã hằn sâu suốt cả một buổi học, gian nan ấy đã rèn nên những thế hệ con người hôm nay thành tài…!
Thầy Cô giáo ngày xưa rèn nét chữ thì cũng dạy cả nết người. Chữ phải đẹp tròn như con người phải gọn gàng, sạch sẽ…!
Do tính chất của việc học, thầy cô giáo giảng bài nhanh hơn, nên từ lớp Nhất trở nên là dùng viết máy để viết cho kịp. Cây viết máy có ruột mềm bơm mực nên không cần phải chấm. Đây là dòng viết khá tiện lợi mà đến nay nhiều hãng vẫn còn sản xuất. Mực cho bút máy cũng hạn chế dòng tự pha, mà được nâng cấp, là những loại pha sẵn để chống đóng cặn, gây nghẹt ngòi. Ngày ấy, đứa học trò nào có cây Pilot thân xanh, nắp vàng hay cây Paker thân đen nắp trắng là “oách” vô cùng…!
Với các loại viết lá tre ngày xưa, bài vở của học trò luôn được Thầy Cô cho điểm rất cao. Khi được hỏi vì sao, chắc hẳn người lớn sẽ trả lời tất cả đều nhờ vào bút lá tre. Thời ấy, cứ ngỡ đó chỉ là lời động viên giúp chúng ta cố gắng hơn, nhưng đó hoàn toàn không phải là một lời an ủi động viên.
Khi có điều kiện thử qua nhiều các loại bút khác nhau, lúc này nhiều người mới ngỡ ngàng nhận ra rằng bút lá tre ngày xưa viết chữ quá sức đẹp, đẹp đến mức có thể khen rằng không có cây viết nào thay thế được….!
Mỗi cây viết lá tre, lá mít, viết Rong ngày xưa, phần mũi đều luôn có độ nhám vừa phải để tạo ra lực bám, không trơn trượt giống như các loại bút bi ngày nay. Còn xét về độ sắc của những nét móc, hất, kéo, đá ngòi theo đường nét con chữ… thì rõ ràng các viết máy ngày nay không đủ sức để so sánh với cây viết lá tre ngày xưa….!
✻ Đinh Trực ✻
TRANG VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM