Hoài Nguyễn
Trước năm 1975, sách tiểu thuyết kiếm hiệp trường thiên của Kim Dung thịnh hành ở miền Nam và dường như mọi tầng lớp dân cư từ trí thức đến bình dân đều thích đọc sách của ông này! Một mặt do phong trào, phương tiện giải trí thời ấy là phim ảnh thì cũng chiếu phim võ thuật, chưởng, kiếm hiệp nhưng hình như chưa đưa Kim Dung vào điện ảnh nên người ta phải đọc tiểu thuyết.
Thời kỳ đầu, tiểu thuyết của Kim Dung in từng phần một trên các nhật báo được các dịch giả trong nước địch thuật từ các báo bên HongKong chuyển qua hàng ngày. Đến khi đủ bộ, người ta bắt đầu xuất bản thành từng bộ sách kiếm hiệp riêng biệt.
Bộ tiểu thuyết cuối cùng của Kim Dung là “Lộc Đỉnh Ký” tôi đọc từ người bạn thân và chỉ hơn nửa bộ thì phải vào Sài Gòn, sau đó ở trong đấy, tôi cũng lần mò tìm đọc cho hết bộ cho gọi là “thủy chung” với các bộ kiếm hiệp Kim Dung.
Hồi ấy báo chí Sài Gòn ca tụng Kim Dung hết lời, thậm chí họ còn cho là Tổng thống Hoa Kỳ thời ấy là Richard Nixon cũng rất mê tiểu thuyết của Kim Dung, sách của Kim Dung được ông ta “gối đầu giường” và một trong những nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung mà Nixon lấy làm “thú vị” lại là… Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký!
Vi Tiểu Bảo, có lẽ là “nhân vật cuối cùng” trong sự nghiệp viết tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung bên Hong Kong như thế nào mà đến một Tổng thống Hoa Kỳ, với nền văn hóa phương Tây có hơi ‘dị biệt” lại tỏ vẻ “hâm mộ” như vậy?
Vi Tiểu Bảo là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Kim Dung nên nó đã đóng vai trò quan trọng phản ánh tài năng viết diễn tả một nhân vật ảo như thật được Kim Dung sáng tác.
Về nguồn gốc nhân vật Vi Tiểu Bảo, thì y sinh ra tại Dương Châu và là con của một kỹ nữ trong cái động điếm Lệ Xuân mà chẳng biết cha ruột là ai giữa đám khách mua hoa từ tây sang đông trên cái đất Tàu ngày ấy nên mang họ mẹ là Vi Xuân Phương.
Lớn lên trong ổ điểm, chung chạ với đủ hạng lưu manh đỉ điếm và hòan cảnh thất học, Vi Tiểu Bảo vô tình được đường tiến thân vô triều đình mang danh thái giám. Vi Tiểu Bảo “có duyên” kết bạn thân với Khang Hy lúc đó là hoàng đế trẻ nhà Đại Thanh và hơn y hai tuổi, thì con đường “hoạn lộ” coi như được “quý nhân” hỗ trợ ngay từ đầu! Y lập vô số các công trạng lừng danh và được Khang Hy rất quý trọng.
Vi Tiểu Bảo vô tình gặp được tổng đà chủ Thiên Địa Hội và cậu đã đồng ý giúp ông. Vì thế từ đó y phải đóng vai hai mặt. Một mặt giúp triều đình, mặt khác giúp Thiên Địa Hội chống lại triều đình.
Vi Tiểu Bảo đóng vai trò quyết định trong việc bắt và giết chết gian thần Ngao Bái; giải cứu cha của Hoàng đế Khang Hy, tức Hoàng đế Thuận Trị, giúp hai cha con đoàn tụ; theo lệnh nhà vua phá hủy Thần Long giáo; làm suy yếu sự phản kháng của phản tướng Ngô Tam Quế; đạt được hiệp ước biên giới với nước Nga.
Qua vô số chiến công đó, y được Khang Hy ban tặng những của cải vô kể tịch biên từ những gian thần triều đình, những người đã hối lộ và cướp bóc của dân. Ngoài ra Vi Tiểu Bảo còn được sự tín nhiệm của Thiên Địa Hội qua việc chống lại Ngô Tam Quế, các kẻ thù khác như Nga, Mông Cổ, Tây Tạng, và việc giải cứu các thành viên quan trọng của Hội bị bắt.
Vi Tiểu Bảo từ thuở thiếu thời đến lúc trưởng thành vùi mình trong hai nơi trá ngụy, gian xảo nhất là kỹ viện và hoàng cung nên về mặt khôn ngoan, giảo quyệt thì y hơn xa người bình thường. Trong Vi Tiểu Bảo có hình ảnh pha trộn giữa tốt xấu, thiện ác, đồng thời trọng tình nghĩa bạn bè, có chí hiến thân vì nước nhưng cũng tiểu nhân gian xảo, mưu mô thủ đoạn, sẵn sàng hại bạn khi cần bảo vệ lợi ích của mình.
Y gian ngoan, nhưng không ác độc; y giảo hoạt, nhưng cũng có nghĩa khí; y tham tài, nhưng không quá tiếc của; y có ơn tất trả, nhưng thường làm ơn không mong báo đáp; y mê gái đẹp nên hay mắc lừa mỹ nhân, nhưng chưa từng nghĩ sẽ trả đũa. Y biết rất ít chữ nhưng thích hay… nói chữ, bí thì đệm vô “cái gì…”, không biết võ công nhưng chưa từng phải bận tâm về việc đó.
Vi Tiểu Bảo thất học nhưng y đắc thủ được hai “kinh nghiệm bằng vàng” là thói lưu manh và tinh thần bợ đít từ động điếm cho đến hoàng cung. Kết luận của nhà văn Kim Dung làm cho người đọc kinh ngạc: chỗ cao quý nhất là hoàng cung và chỗ đồi bại nhất là động điếm thì cũng đều là hai nơi trá nguỵ bậc nhất, hai nơi đào tạo ra những nhà lưu manh học và “bợ đít đại vương” hạng siêu phàm.
Y hay nói tục chửi thề nhưng đôi khi làm người khác hả hê vì chửi đúng đối tượng. Tuy vô lại, xuất thân từ phường chợ búa nhưng Vi Tiểu Bảo rất trọng nghĩa khí. Vi Tiểu Bảo luôn gặp may hoặc cơ duyên xảo hợp: cát tàng hung, hung tàng cát. Tên các con của Vi Tiểu Bảo với bảy bà vợ xinh như mộng của y đều là cho gieo xúc xắc để đặt tên!
Truyện mở đầu với việc Mao Thập Bát, một kẻ giang hồ thảo khấu đang bị truy nã gây rối ở Lệ Xuân Viện, sau đó được Vi Tiểu Bảo cứu mạng. Sau nhờ Vi Tiểu Bảo dùng kế giết một tên quan binh cao thủ của triều đình, Mao Thập Bát liền nhận y làm anh em sống chết có nhau, tuy nhiên do họ Mao nhỡ miệng nói khoác có thể đánh thắng đệ nhất dũng sĩ Mãn Châu là Ngao Bái nên phải dắt y theo lên Bắc Kinh.
Qua bao cuộc phiêu lưu mạo hiểm, rủi ro, Vi Tiểu Bảo làm cuộc hành trình từ thành Dương Châu ở miền Nam đến tận Bắc Kinh, kinh đô của Mãn Thanh. Tại đó, y bị bắt cóc và đưa vào Tử Cấm Thành rồi đội lốt làm một thái giám sau khi giết chết tên thái giám Tiểu Quế Tử.
Vi Tiểu Bảo cùng hoàng đế trẻ tuổi Khang Hy và cả hai trở thành một đôi bạn thân thiết. Bằng những cơ duyên may mắn tuyệt vời, sử dụng trí thông minh cùng những chiến lược tài giỏi, nhạy bén và tính thực dụng, đầu óc tiểu nhân, miệng lưỡi trơn tuột khiến Vi Tiểu Bảo có cả “danh và lợi”, đạt được rất nhiều thành tựu tiến chức thăng quan quá sức tưởng tượng của mình.
Tại Tử Cấm Thành, y gặp gỡ Trần Cận Nam, tổng đà chủ của tổ chức “phản Thanh phục Minh” là Thiên Địa Hội, và trở thành một trong mười hương chủ của Thiên Địa Hội. Vi Tiểu Bảo đã trở thành người do thám của Hội trong hoàng cung. Sau đó y bị bắt cóc đến Thần Long đảo, trung tâm của Thần Long giáo, nhưng rồi lại trở thành Bạch Long sứ của Thần Long giáo.
Tuy nhiên, giống như tất cả các nhân vật hai mang, những vai trò mâu thuẫn của Vi Tiểu Bảo cuối cùng đi đến kết cục xung đột. Khang Hy cảnh báo Tiểu Bảo rằng nhà vua đã biết về quan hệ của y với Thiên Địa Hội và bắt y phải chọn lựa giữa triều đình và Thiên Địa Hội, mặc dù Khang Hy vẫn xem y là một người bạn trung thành. Vi Tiểu Bảo cuối cùng phải chọn giải pháp đào thoát vì y không muốn làm kẻ phản bội bán đứng Thiên Địa Hội. Nhưng vài năm sau đó, y lại được Khang Hy trọng dụng trở lại nhờ giải quyết xung đột biên giới với nước Nga.
Trong “Lộc Đỉnh Ký”, Kim Dung cũng đã xây dựng cho nhân vật Vi Tiểu Bảo của mình một “phép lợi thế tinh thần” kiểu như AQ của Lỗ Tấn! Rồi “cách làm quan”, những kiểu cách ăn hối lộ, nịnh nọt, bợ đở… đã được Vi Tiểu Bảo sung sướng thừa nhận đó là một loại… ”nghệ thuật” trong những loại nghệ thuật!
Vi Tiểu Bảo trở thành “chuyên gia ngành hối lộ” khi càng ngày y ăn hối lộ càng mạnh tay, càng ngày mặt càng tỉnh bơ. Đưa Kiến Ninh công chúa qua Vân Nam theo lệnh vua gả cho Ngô Ứng Hùng, y moi được của Ngô Tam Quế mấy trăm vạn lạng bạc. Về Dương Châu đi công cán, y cũng ăn được của các quan lớn nhỏ ở Dương Châu một mớ. Ra Đài Loan thăm nhân dân miền đất mới tiếp quản, y lại bợ được mấy trăm vạn lạng nữa. Gia tài của y ngày càng phình ra hơn. Hắn đổi hết ra ngân phiếu do các tiệm vàng danh tiếng ở Bắc Kinh phát hành để bọc theo cho gọn.
Càng có tiền, y càng “chi đẹp” cho bọn thái giám, thị vệ và các quan lại thất cơ lỡ vận. Y lại đem một số lớn tiền tặng các anh em Thiên Địa hội tiêu hộ giùm. Vi Tiểu Bảo rút ra được một bài học rất… kỳ dị: “Muốn ăn được của hối lộ lâu dài, phải biết làm công tác… từ thiện xã hội”. Để làm quan lâu dài hưởng được nhiều bổng lộc trời cho thì trước hết phải biết tặng quà cáp cho bọn đồng liêu và thi ân bố đức cho bọn thuộc hạ.
Thế nhưng lần chi tiền đau nhất trong đời hắn là khi cứu trợ nạn nhân bão lụt tại Đài Loan. Khang Hy ra lệnh trong cung tiết giảm các khoản chi phí được đâu chừng 5 vạn lạng. Nhà vua động viên hắn tham gia cứu trợ, hắn dại dột móc ra hơn 200 vạn lạng khiến nhà vua phải kinh hãi. “Cứu trợ” xong, hắn tự mắng mình ngu!
Vi Tiểu Bảo học được một bài giáo khoa về nghệ thuật làm quan do Sách Ngạch Đồ dạy: “Đừng nói nặng lắm, cũng đừng nói nhẹ lắm”. Y đem bài giáo khoa ấy áp dụng với Ngô Tam Quế, Ngô Ứng Hùng, Thi Lang và kiếm được mấy trăm vạn lạng. Y được chia của khi kiểm kê tài sản trời cho khiến cho khối tài sản kếch xù ấy vung vãi ra tứ phương, mỗi người một ít, khiến ai cũng ca ngợi hắn là bậc hào phóng đệ nhất triều Thanh!
Vi Tiểu Bảo cho rằng trên đời này nghề làm điếm như mẹ hắn ở thành Dương Châu là một nghề lương thiện. Y muốn “điếm hóa” luôn những người hắn gặp: “Ta là tổ tiên nhà ngươi”. Trên đời này, hắn là người duy nhất dám chửi Ngọc Lâm đại sư (chùa Thanh Lương), Hối Thông phương trượng (chùa Thiếu Lâm), Thuận Trị hoàng đế, thái hậu, công chúa. Hắn là người duy nhất dám đánh lộn với nhà vua, công chúa.
Cao hứng, hắn nặn ra một lý lịch rất trâm anh thế phiệt: “Tổ phụ làm quan, bị quân Thanh kéo qua tàn sát, gia mẫu được một nhà quan ở Dương Châu nuôi dưỡng; hắn thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc ở Dương Châu”. Mười hai tuổi, hắn đã tự xưng là “lão gia”, một từ mà người già đứng đắn nhất cũng chẳng dám tự xưng. Ai mạnh hắn sợ vãi… ra quần, ai yếu hắn khinh, đánh ai không lại hắn đem tiền nhờ kẻ khác đánh, ai mất cảnh giác hắn lợi dụng, hành hạ được ai đến nhà tan người chết hắn mới khoan khoái…
Đối với phụ nữ thì quả là hắn có số… đào hoa thật sự với bảy cô vợ đều xinh đẹp, có nét riêng, đều khôn ngoan, học hành tử tế.
Vi Tiểu Bảo “yêu” sớm, quyết liệt và lai láng. Mười ba tuổi, y đã nắm bóp thân thể quận chúa Mộc Kiếm Bình, 15 tuổi, y đã ăn nằm với công chúa Kiến Ninh. Vi Tiểu Bảo chẳng biết tình yêu là gì; hắn chỉ có tình dục: có đến bảy bà vợ từ trinh nữ tới gái nạ dòng và một cô bồ người Nga, công chúa Tô Phi Á.
Hắn “làm việc” khá đến nỗi hai hỏa thương thủ người Nga báo cáo lại là công chúa Tô Phi Á ngày đêm chỉ mong nhớ “Trung Quốc tiểu hài đại nhân” mà lãnh đạm với tất cả các vương tôn, công tử ở Mạc Tư Khoa. Có thể ở “Lộc Đỉnh Ký”, Kim Dung đã thể hiện phép “thắng lợi tinh thần” của Hán tộc trên mặt trận tình dục.
Vốn xưa, đời nhà Tần đã có một chàng Lao Ái, thái giám giả hiệu vang danh đến nỗi được Thái hậu Triệu Cơ cưng chiều thì nay Vi Tiểu Bảo – cũng là một thái giám giả hiệu được Tô Phi Á nhớ nhung, không chừng cũng là chuyện có thật.
Chủ nghĩa khinh khi phụ nữ thật sự bộc phát trong con người Vi Tiểu Bảo. Từ quận chúa đến công chúa, hắn muốn đánh thì đánh, muốn mắng thì mắng. Vi Tiểu Bảo đã từng thóa mạ công chúa là “con đượi non”, từng lột trần truồng công chúa ra đánh đập nhừ tử rồi mới bảo: “Thế này thì lão gia muốn… bắt người làm vợ”. Với Vi Tiểu Bảo, bất cứ một phụ nữ nào cũng chỉ ngang hàng với gái làng chơi trong Lệ Xuân viện thành Dương Châu.
Khái niệm “kỹ viện” trở thành tiêu chuẩn, thước đo “mọi giá trị” trên đời của Vi Tiểu Bảo. Nhìn cách thiết trí một căn phòng trong hoàng cung hay trong một nhà đại phú, y lập tức so sánh ngay với cách thiết trí một căn phòng trong Lệ Xuân viện.
Nhìn cách ứng xử của thái hậu, y so sánh ngay với “má má” của mình, một kỹ nữ về già ở thành Dương Châu. Gặp mặt Kiến Ninh công chúa, Mộc Kiếm Bình quận chúa và Phương Di tiểu thư thuộc Mộc vương phủ ở Vân Nam, Vi Tiểu Bảo cũng đem ba cô gái nhỏ tuổi này so sánh với các kỹ nữ trẻ ở Lệ Xuân viện.
Dưới mắt Vi Tiểu Bảo, phụ nữ là người “tầm bậy” nhất thiên hạ. Khái niệm đẳng cấp xã hội ở đây không còn nữa, cái còn lại là tố chất con người, hễ ngươi là con người thì dù mang danh cao quý cũng chẳng hơn gì, thậm chí còn thua xa những kỹ nữ thành Dương Châu!
Trong hồi cuối của tiểu thuyết, Vi Tiểu Bảo nhận ra rằng cậu không bao giờ có thể điều hòa giữa hai bên đối lập là triều đình Đại Thanh và Thiên Địa Hội, vì cả hai cùng giằng xé nhau trong khi y bị kẹt ở giữa. Vì thế y quyết định bỏ đi theo con đường riêng của mình. Vi Tiểu Bảo đưa cả bảy cô vợ xinh đẹp và ba đứa con bí mật rời đi.
Kim Dung không hề tiết lộ Vi Tiểu Bảo đã đi đâu! Tuy nhiên có thuyết khác rằng cậu đã đi về Giang Nam sống một cuộc đời du sơn ngoạn thủy, giã từ chốn cung đình Khang Hy và cái lý tưởng đấu tranh của Thiên Địa Hội…
Tuy đã có đầy đủ tấm bản đồ kho báu lấy từ 8 cuốn “Tứ thập nhị chương kinh”, Vi Tiểu Bảo vẫn quyết định không đi tìm vì y sợ đào vào kho báu sẽ làm đứt long mạch của người Mãn Châu, hại chết Khang Hy.
Qua nhân vật Vi Tiểu Bảo, ta thấy toát lên một thứ chủ nghĩa thỏa hiệp, dung hòa giữa các phe phái đối lập mà ngày nay nếu tinh ý, chúng ta cũng nhận thấy trong bối cảnh quốc gia và quốc tế!
Tiêu đề “Lộc Đỉnh Ký” của bộ tiểu thuyết đã đề cập đến bối cảnh lịch sử thời đó, vào thời Thanh sơ, khi mà người Hán vẫn chưa quên được nhà Minh và vẫn còn nhiều người và tổ chức mong muốn đánh đuổi người Mãn, khôi phục giang sơn cho nhà Minh và người Hán. “Lộc Đỉnh Ký” như là một phép ẩn dụ về việc tranh đoạt thiên hạ và muốn làm hoàng đế toàn bộ đế quốc Trung Hoa!
Kim Dung cho người đọc biết trước nội dung của bộ tiểu thuyết: xuyên suốt bộ tiểu thuyết nói đến những sự kiện và âm mưu chính trị nhằm tranh giành quyền lực và giang sơn thiên hạ cùng với dã tâm muốn làm hoàng đế.
Những hành động của Vi Tiểu Bảo hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đều có ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử Trung Hoa, song song đó là những nhân vật lịch sử có thật. Việc Vi Tiểu Bảo tìm được toàn bộ các bản trong bộ “Tứ thập nhị chương kinh” tượng trưng cho việc thống nhất của Trung Hoa dưới triều đại nhà Thanh thời vua Khang Hy nửa cuối thế kỉ XVII.
Việc thiếu vắng giá trị tốt tuyệt đối cũng như xấu tuyệt đối trong cuộc sống thực tế được phản ánh trong “Lộc Đỉnh Ký”. Không còn nữa chiều hướng dân tộc chủ nghĩa như là một phần chính yếu trong các tiểu thuyết trước của Kim Dung.
Trong “Lộc Đỉnh Ký”, Kim Dung đã làm mờ ranh giới giữa cái trắng và cái đen truyền thống, giữa người Hán và các bộ lạc ngoài biên ải, khắc họa hình ảnh Hoàng đế Mãn Châu Khang Hy như một người trị vì thông minh, biết quan tâm đến dân chúng dù họ không luôn luôn ủng hộ mình. Đôi khi ông tàn nhẫn nhưng xét đến cùng những hành động của ông nâng cao đời sống của người dân. Khang Hy được sử sách ghi nhớ như là một trong những vị vua Trung Quốc vĩ đại nhất.
Nói một cách trung thực, người Mãn Châu thực tế đã giết hàng vạn người Hán và tàn phá Trung Hoa thời gian đầu, một nguyên nhân dẫn đến những nổi loạn của Thiên Địa Hội nhằm dựng lại quyền lực của những vị vua người Hán. Nhưng trong khi đó, Thiên Địa Hội lại quên mất mong muốn của người dân bình thường là sống hòa bình và thịnh vượng. Sự cuồng tín của Thiên Địa Hội phản ảnh thế giới trong đó con người bị chia rẽ một cách bạo lực bởi ranh giới tín ngưỡng, tôn giáo và sắc tộc.
Chủ nghĩa thực dụng, những ý tưởng thực tế và rất nhiều chủ đề đã đóng góp vào thành công của “Lộc Đỉnh Ký” mà nhiều người đã đánh giá là cuốn tiểu thuyết hay nhất của Kim Dung.
Về cuối truyện, Vi Tiểu Bảo tuyên bố một câu về tính thực dụng đại loại: nguồn gốc sắc tộc của nhà vua không thành vấn đề nếu ông ta đặt lợi ích người dân lên trên hết!
Chính cái “ý tưởng” độc đáo này của Vi Tiểu Bảo đã được Đặng Tiểu Bình sau này của Trung cộng phát triển thành câu “ Không phân biệt mèo trắng hay đen, miễn là bắt được chuột!”
Và kết thúc bài viết này, như đã nói phần đầu, khi Nixon đọc và tâm đắc với “ý tưởng” của Vi Tiểu Bảo trong “Lộc Đỉnh Ký”, ông ta đã thay đổi quan niệm về thế đối đầu giữa hai thế giới Tự do và Cộng sản và ngay trong năm 1972, đã có những chuyến ngoại giao con thoi, “ngoại giao bóng bàn” giữa hai siêu cường đối đầu nhau từ cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam.
Người Mỹ thông qua Nixon đã chấp nhận thế giới “lưỡng cực” như là một thực thể tồn tại để có sự cạnh tranh, chạy đua và từ đó thúc đẩy sự phát triển riêng của mỗi siêu cường này.
Việc Mỹ quyết tâm “tiêu diệt” thế giới Cộng sản thực tế có thể họ có thể làm được nhưng từ khi “đọc được” bộ tiểu thuyết “Lộc Đỉnh Ký” của Kim Dung, người Mỹ đã “thức thời” và không làm như vậy! Với Mỹ, không có kẻ thù vĩnh viễn, bạn bè vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích vĩnh viễn!
Họ cần có hai thái cực để đối trọng như hai mặt của một đồng tiền, như cần có ít nhất có hai người cùng đua trên một con đường để còn biết hơn thua!
Nhà văn Kim Dung tạo nên một Vi Tiểu Bảo “tầm thường một cách phi thường” như vậy không phải dễ dàng!
Kim Dung thú nhận đã từng có cảm giác chán ghét Vi Tiểu Bảo khi bắt đầu viết Lộc Đỉnh Ký. Thế nhưng càng viết về y, ông càng bị chính nhân vật của mình cuốn hút. Khi Lộc Đỉnh Ký đi đến hồi kết, Kim Dung đã coi tên nhãi ranh tinh quái này là… tri kỷ!
Viết về Vi Tiểu Bảo là cách Kim Dung rà soát lại những quan điểm của chính mình về các khái niệm anh hùng, hiệp nghĩa, ái quốc, dân tộc. Trên hết, ông đã gửi gắm vào nhân vật này những trăn trở, ám ảnh về tư tưởng nhất thống Trung Hoa.
Đọc một tác phẩm “gác bút phong đao” của Kim Dung, ta cảm nhận sâu sắc rằng đây là một tác phẩm cuối cùng và cũng mang nhiều ý tưởng thời đại nhất của nhà văn Kim Dung, đồng ý với tự nhìn nhận của Kim Dung khi ông cho rằng đây là cuốn tiểu thuyết hay nhất của mình.
Hoài Nguyễn.
From: Tu-Phung