Chuyện nhà, chuyện người

Bác Lộc (Giao Chỉ) có Vài hàng gửi cháu Nam và Yến.

1)Bác hiện bắt đầu sống trong giai đoạn bác gái 87 tuổi mở đầu bước vào bệnh Alzheimer. Hoàn toàn không nhớ chuyện thông thường. Luôn luôn hỏi bác mọi chuyện. Nói xong là quên ngay. Suy nghĩ sai lầm vì bộ óc như máy điện tử bị hư. Bác Lộc trai bắt buộc phải cố gắng học tập để trở thành người chồng tốt nhất thế giới. Tuyệt đối không làm bà xã buồn. Bác Lộc tuyệt đối không nói KHÔNG với bà xã. Và nói dối liên tục. Em thích ông Trâm, anh cũng thích ông Trâm. Em thích ông Bai, anh cũng thích ông Bai.

2)Bác đã theo dõi bệnh của anh Phạm Phú Nam. Bị Cancer ai cũng nghĩ rằng Nam không qua khỏi. Nhưng sống đến ngày nay quả nhiên là phép lạ. Cancer với Alzheimer là chỗ quen biết. Chúng nó rủ nhau đến thăm bệnh nhân. Nhưng rồi ai cũng sẽ có ngày cuối cùng. Trong thời gian qua bộ máy điện tử xuất sắc của Phạm Phú Nam đã bắt đầu sinh chuyện. Tất cả mọi ý kiến của Nam về việc tổ chức bác đều chiều theo nhưng thực sự đã đến lúc Nam phải nghỉ ngơi. Người duy nhất trên thế giới này phải hoàn toàn thay đổi để giúp Nam là cô Yến. Người vợ. Tuyệt đối không tranh cãi, không đóng góp ý kiến. Hãy trở thành người khác. Không quan tâm đến thiên hạ sự. Không quan tâm đến bất cứ chuyện bên ngoài. Chỉ cố giữ cho người chồng lý tưởng vui vẻ, dù bất cứ hoàn cảnh nào. Tất cả mọi người đều công nhân Nam là người gương mẫu và lương thiện. Nam được mọi người yêu quý và đang cần cháu Yến trông nom săn sóc. Không cần quan tâm đến chuyện phải trái đúng hay sai. Tất cả đều cố gắng là làm cho Nam vui vẻ. Tuyệt đối không nhắc chuyện không cần thiết. Giữ cho chính mình thanh thản và truyền cho người thân sự bình yên. Phật dạy rằng hãy Buông mọi nỗi ưu phiền của cuộc đời. Chúa dạy rằng Lỗi tại ta mọi đường.

Bác Lộc xin gửi bài viết về ông bà Nguyễn Đình Tạo cho cháu đọc.

Thiên hạ đón người về, đây là chuyện người vợ ngồi chờ chồng ra đi.

Bác Lộc vừa đi thăm bạn cùng khóa là bác Nguyễn đình Tạo.

Hình ảnh đẹp đẽ nhất là bác Tạo nằm trên ghế dài như bộ xương khô 90 tuổi. Bác Tạo gái còn trẻ ngoài 70 ngồi vuốt nhưng sợi tóc thưa cho chồng. Chị ngồi chờ mấy hôm nay cho đến giây phút anh đi. Thực sự ông Tạo đã không còn nhận ra ai từ 2 năm qua. Bệnh Alzheimer. Sống là xác thực nhưng hồn thiêng đã phiêu du cõi ngoài. Nguyễn Đình Tạo bỏ đất Bắc ra đi từ Hà Nội ngày 1 tháng 3 năm 1954. Vào Đà Lạt học võ bị với 300 anh em Bắc kỳ 20 tuổi. Hiệp định Geneve chia đôi đất nước. Bạn cùng khóa nhiều người đón được gia đình di cư. Anh Tạo hoàn toàn mất liên lạc và tiếp tục cô đơn theo đời lính. Lập gia đình có thêm con và sự nghiệp cuối là trung tá quận trưởng 75 đã ở lại đi tù cộng sản 9 năm. Khi được tự do, ông quận trưởng ngày xưa gặp vợ cũ đã có gia đình mới nên đành chia tay. Nguyễn đình Tạo chỉ còn duy nhất một con đường vượt biên.  Ông đem theo cậu con trai gan dạ ngon lành nhất đi đường bộ qua Cam Bốt. Bao nhiêu gian nan vất vả nhưng không thành công. May mắn bố con còn quay về được. Lại tìm đi đường biển.  Bố đi trước.Thằng con gan dạ hơi teo nên tạm chờ. Ông Tạo qua Mỹ nhưng mất thằng con yêu quý và gan dạ. Thấy bố đi êm, nó bèn lên đường. Cháu ở lại biển Đông. Ông Tạo làm thợ giặt ủi và đi bỏ báo để sống mà tìm con. Con ông sẽ không bao giờ tìm thấy những ông tìm được có vợ mới. Ngày xưa ở Đà Lạt có quen cô gái trẻ, ai mà biết được bây giờ nàng cũng đã có gia đình tan vỡ nhưng lại độc thân tại chỗ ở San Jose. Anh Tạo trở thành nhà thơ Đông Anh làm phụ tá giám đốc IRCC và làm thơ tán tỉnh cô Đông Em. Anh em cùng khóa tổ chức đám cưới cho cặp tình Rổ giá cặp lại với thực đơn bánh mì cầm tay. Đám cưới đứng ngồi vui vẻ cùng với ngày họp khóa đoàn viên. Ông Tạo nhận thêm hội Văn Thơ Lạc Việt đang tạm thời nghỉ mát. Ông gầy dựng cho sống lại huy hoàng. Các bạn tù như Hà Thượng Nhân và nhiều người tham dự. Cô vợ trẻ Đà Lạt tự lực cánh sinh bước từ thợ nail lên bà chủ. Mỗi lần hỏi gia cảnh nàng lại thưa rằng nhà em cứ thơ thẩn suốt ngày, chết em thôi. Ông Tạo vừa làm thơ với 9 năm ngục tù, vừa tiếp tục tìm con chết và làm hồ sơ đoàn tụ tất cả những đứa con sống còn ở Việt Nam. Ông bà mua nhà nhỏ rồi chuyển qua nhà rộng hơn. Khi ông về hưu thì bà vợ trẻ Đà Lạt vẫn trông nom cửa tiệm Nail còn nhiều tương lai. Một hôm mới sáng ra ông trung tá quận trưởng kiêm chỉ huy liên đoàn địa phương quân nhìn cô vợ lên tiếng hỏi rằng: Bà là ai, đến đây có chuyện gì. Em tưởng anh nói đùa hóa ra anh nói thật. Anh chẳng biết em là ai. Có lần đang ngồi bên nhau anh Tạo đứng lên đòi người đưa anh về. Về nhà. Đây không phải nhà mình. Em biết đưa anh về đâu. Chuyện người thân đóng vai khách lạ kéo dài suốt 2 năm. Rồi anh yếu dần. 911 đưa anh đi rồi em lại chở anh về. Tuần qua, nhà thơ Đông Anh được 911 chở đi lần cuối. Vợ chồng bác Lộc vào thăm anh chị Tạo. Ông quận trưởng kiêm chỉ huy địa phương quân anh hùng trên đường đi Đà Lạt nằm như bộ xương khô. Cô vợ trẻ, người tình năm xưa ngồi vuốt những sợi tóc thưa. Hỏi rằng vậy thì sau cùng sống bên nhau ra sao sau một kiếp người. Sao trông cô quá hốc hác mệt mỏi. Em không sao. Chỉ phải thức nhiều canh giây phút anh ra đi. Tiệm Nail ra sao. Phải ở nhà nên giao cho người ta rồi. Tuy anh Tạo không biết nhưng nghĩ rằng em là người quen mặt. Không thấy em anh ấy buồn. Tuy bệnh này hồn lìa khỏi xác. Vậy mà thấy người quen mắt anh Tạo tươi hơn đôi chút. Tôi chợt nhớ câu thơ ai viết.

Thiên hạ bao nhiêu người, sao anh chỉ thấy mình em. Tóc thưa sợi ngắn, sợi dài. Vẫn còn 2 sợi biết mình thương nhau…

Mở máy chợt thấy Elvis Phương dài hơi hát nhạc Lê Hựu Hà Yêu nhau, thương nhau, thương nhau, thương nhau. Giờ này còn yêu đương gì nữa. Chỉ thương nhau thôi. Tóc còn 2 sợi biết mình thương nhau…

Giao Chỉ, San Jose.

From: Tuan Ba Cao & KimBang Nguyen

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay