Vụ Chuyến bay giải cứu: ‘Tôi mong không bao giờ có những bản án tương tự’

BBC

Nhật Ánh (nhân vật trong bài) và con gái trên chuyến bay về từ Washington về Nội Bài tháng 7/2020

  • Tác giả,Thương Lê
  • Vai trò, BBC News Tiếng Việt
  • 29 tháng 7 2023

Vậy là đại án chuyến bay giải cứu đã khép lại với 4 án tù chung thân, 10 án tù treo và 30 án tù từ 18 tháng đến 16 năm. Dư luận bất bình vì cả một đại án với số tiền hối lộ khổng lồ mà không có một án tử để làm gương.

Riêng tôi không bất ngờ về kết quả này, vì đã tham khảo ý kiến của các luật sư và chuyên gia trong quá trình phỏng vấn viết bài.

Nhưng trong lòng tôi vẫn có những vướng mắc chưa được giải đáp, khi chính tôi cũng là một người bay từ nước ngoài về Việt Nam trong thời dịch bệnh.

Số tiền mà các bị cáo nộp lại sẽ được sung công quỹ nhà nước, nhưng theo bản án, hồ sơ không có thông tin, tài liệu về những người đã mua vé của các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay combo, chuyến bay giải cứu.

Điều đó đồng nghĩa là tôi và khoảng 200,000 hành khách đã trả giá cao trong thời điểm dịch bệnh khó khăn trên 772 chuyến bay hồi hương sẽ tiếp tục mờ tịt về việc có được bồi thường hay không.

Ăn cả tiền “giải cứu” tù nhân

Khi viết bài này, những ký ức trong tôi về một “chuyến bay giải cứu” cách đây hơn hai năm hiện ra rõ mồn một như vừa mới hôm qua.

Sáng 6/4/2021, tôi cùng hơn 250 người Việt Nam nằm trong danh sách lên chuyến bay hồi hương từ Bangkok về Đà Nẵng sau khi đăng ký và thanh toán thành công với một công ty du lịch được Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan thông qua.

Đại án ‘chuyến bay giải cứu’: Hành khách có được bồi thường hay không?

Toà VN tuyên án vụ Chuyến bay giải cứu: ‘Không loại ai khỏi xã hội’

Tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ngày hôm đó, bên cạnh những gương mặt hân hoan vì sắp được về Việt Nam, nơi đang tự hào vì thành tựu kiềm chế số ca Covid, có những gương mặt mệt mỏi vì thiếu ngủ, chẳng ai lại muốn ngủ quên trước một chuyến bay quan trọng như vậy.

Đứng xếp hàng làm thủ tục có cô hoa hậu sang Thái đi thi rồi kẹt lại, có anh nhân viên văn phòng nghỉ việc không có thu nhập mấy tháng, có cô sinh viên đã tốt nghiệp muốn về xin việc… và có gần 100 người mãn hạn tù muốn trở về nước.

Họ xếp thành một hàng riêng để làm thủ tục cuối cùng, không ít người trong đó có giấy tờ không hợp lệ, mà họ hay gọi là họ chiếu chết.

Để hồi hương, mỗi người phải trả 28 triệu đồng cho vé máy bay và 14 ngày cách ly/ phòng đôi trong khách sạn tại Đà Nẵng, ai muốn ở một mình một phòng thì đóng thêm 8 triệu, tiền di chuyển đến Bangkok và xét nghiệm Covid tự lo.

Giá vé một chiều từ Thái Lan về Việt Nam ngày thường rơi vào khoảng trên dưới 2 triệu đồng, nhưng ai cũng cố gắng xoay sở đóng đủ số tiền cao hơn mười mấy lần để về nước.

Chúng tôi quyên góp cho những người mãn hạn tù bay từ Thái Lan về Việt Nam

Chuyến bay gần nhất trước đó là vào tháng 12/2020, bị kẹt lại đồng nghĩa với việc tốn thêm một vài tháng tiền nhà và sinh hoạt phí tại Thái Lan và mòn mỏi chờ thông báo từ Đại sứ quán.

Thời điểm dịch bệnh hầu như ai cũng khó khăn, chúng tôi chỉ có thể quyên góp ít tiền để mua chút đồ ăn cho những người tù mãn hạn. Có cô gái xung phong ở chung phòng cách ly với một chị có con nhỏ vì muốn giúp đỡ và cũng để nhận chút tiền bồi dưỡng.

“Xót lòng quá chị ơi, em làm cả năm không để được 28 triệu, phải kêu gia đình gửi tiền sang”, cô nói với tôi.

Tôi tự cảm thấy mình may mắn hơn họ và hơn nhiều người khi được công ty (khi đó tôi chưa làm việc cho BBC ở Bangkok) lúc đó ở Việt Nam hỗ trợ một phần tiền vé. Vì vậy, tôi không dám than vãn dù sau đó tôi thấy điều kiện cách ly không xứng đáng với số tiền bỏ ra.

Khách sạn ba sao mà tôi ở trong hai tuần cung cấp wifi “có cũng như không”, tôi phải bỏ tiền nhờ nhân viên mua giúp một chiếc sim 3G để có thể làm việc như bình thường, từ sáng đến tối là những âm thanh chát chúa từ những công trình đang xây dựng dọc bờ biển Đà Nẵng, và những tràng cười khả ố hay những câu nói đùa thô tục phát ra từ những cậu trai trong đoàn cách ly ở khách sạn đối diện bên đường mỗi lần tôi mở rèm để hứng chút ánh nắng và khí trời.

Đương nhiên, tôi vẫn thấy mình may mắn hơn rất nhiều người.

Đại án ‘Chuyến bay giải cứu’: Chi 2,65 triệu USD ‘chạy án’ không thành

Việc xét xử đại án ‘Chuyến bay giải cứu’ có tính chính trị?

Chuyến bay giải cứu là một kỷ niệm khó quên với nhiều người Việt Nam

“Sẽ là một câu chuyện đẹp nếu không có những người quá tham lam”

Một người bạn tôi, bay từ Mỹ về Việt Nam trên chuyến bay giải cứu, ban đầu cũng đắn đo không muốn tiết lộ danh tính, nhưng cuối cùng quyết định dùng tên thật nói ra cảm nghĩ của mình.

Từ TP HCM, Đặng Nhật Ánh kể lại với tôi cô và con gái nhỏ lên chuyến bay từ Washington về Việt Nam vào tháng 7/2020.

“Tôi nhớ đó là thời điểm những chuyến bay giải cứu đầu tiên từ Mỹ về Việt Nam. Để mua được vé, tôi phải trình bày với Lãnh sự Việt Nam tại Mỹ lý do vì sao cần về Việt Nam. Tôi đã liên lạc với họ nhiều lần bằng email và điện thoại, cũng như chờ đợi khoảng gần một tháng để tới lượt mình. Các chuyến bay đầu tiên có thể họ ưu tiên những người có bệnh nền, già yếu, trẻ em không có người thân…”, Nhật Ánh cho biết.

Cô nói thêm thời điểm đó thông tin rất mờ mịt, cô cũng kiểm tra các chuyến bay thương mại vì không thấy có thông tin chính thức nào là cấm nhập cảnh Việt Nam. Nhưng thực tế là không về được vì các hãng hàng không không thể bay đến các sân bay Việt Nam.

“Có lẽ cũng như tôi, phần lớn người Việt Nam lúc đó đều nghĩ rằng các chuyến bay giải cứu này là miễn phí. Nhưng tôi thấy đúng hơn đó là các chuyến bay hồi hương, chở người Việt về quê mà thôi. Những chuyến bay này xuất hiện là vì nước ta thời điểm đó cấm nhập cảnh kể cả với người Việt từ mọi nơi trên thế giới, điều mà tôi thấy rằng chỉ đôi ba quốc gia có chính sách này thôi”, Nhật Ánh nói.

Cô cho biết giá vé cho hai mẹ con, trong đó một vé cho em bé nhỏ là 6.000 USD bay một chiều từ Washington về Nội Bài, xe đưa về nơi cách ly là một cơ sở quân đội, 14 ngày ăn ở (phòng có máy lạnh). Ngoài ra, các hành khách tự túc vé máy bay từ bang khác đến Washington, vé bay từ Nội Bài về Tân Sơn Nhất, được Việt Nam Airlines giảm giá.

“Mức giá đó thời điểm đó tôi thấy khá cao so với khoảng chỉ hơn 1.000 đô la Mỹ là khứ hồi thông thường. Tuy nhiên tôi hiểu đây không phải là chuyến bay đơn giản mà tổ chức được. Do đó mặc dù cũng khó khăn xoay xở mua vé nhưng tôi cảm thấy cũng là hợp lý trong lúc dịch rất căng thẳng ở Mỹ”.

“Tôi không biết với những người khác ở các chuyến bay khác nhưng có người cách ly cùng tôi nói rằng đã trả 8.000 USD/ người, vì họ có gửi nhờ vả cơ quan Lãnh sự”.

NGUỒN HÌNH ẢNH,BỘ NGOẠI GIAO

Nhật Ánh và con gái nằm trong số 346 công dân Việt Nam từ Mỹ về Việt Nam trong chuyến bay tháng 7/2020

Dù trả một số tiền mà cô cho là xót lòng vì trong thời điểm dịch bệnh, doanh thu của công ty gần về không nhưng Nhật Ánh cho biết cô rất cảm kích những người Việt tham gia tổ chức chuyến bay, tiếp viên, bộ đội ở khu cách ly.

“Tôi thật lòng rất biết ơn họ. Tôi nhớ và thương những anh bộ đội mỗi ngày nuôi chúng tôi ăn uống cách ly 3 bữa, rất nhiệt tình và chu đáo”.

Tuy nhiên, cô chia sẻ rằng thấy tiếc cho một câu chuyện đẹp, tiếc cho những nỗ lực của rất nhiều con người trong đợt dịch.

“Tôi thấy buồn vì có lẽ không có quốc gia nào có câu chuyện những chuyến bay giải cứu như Việt Nam mình. Sự kiện mà rất nhiều người vay nóng, cầm cố, bán tài sản… để có được chuyến hồi hương trong khi một số người lại quá tham lam ngay đối với cả đồng bào”.

Nay án đã xử xong, nhưng những người trên chuyến bay của Nhật Ánh và của tôi có lẽ rất khó để nhận lại tiền.

“Nếu có một đơn chung để xin lại phần chênh lệch của vé đã mua tôi sẵn sàng tham gia. Số tiền nếu nhận được tôi sẽ gửi đến tổ chức thiện nguyện cộng đồng. Nếu có những ngôi trường được xây từ số tiền này thì chắc sẽ là một đoạn kết đỡ đau lòng”, Nhật Ánh nói.

Nhưng trên hết, Nhật Ánh mong một bản án thể hiện thượng tôn pháp luật, công bằng.

“Và tôi mong không bao giờ có những bản án tương tự ở đất nước mình!”

***Xem thêm:

Đại án ‘Chuyến bay giải cứu’ mới chỉ xử lý phần nổi của tảng băng chìm? (BBC)


 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay