Tôi Là Tôi – TRANG VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM
ÔNG TƯ
Gia đình ông Tư hồi đó giàu lắm. Vợ chồng ông có cái xưởng rất lớn dưới khu bến Bình Đông với mấy trăm công nhân. Ông có hai căn nhà lớn kề nhau trên đường Công Lý, tiền bạc của cải ông gởi ngân hàng mà tiền lời mỗi tháng có thể mua được cả căn nhà nhỏ. Người thân ông Tư thì chẳng còn ai. Cha mẹ, anh em của ông Tư mất hết cùng mấy chục người hàng xóm nơi làng quê của ông sau một trận đánh lớn ở vùng đó. Hai vợ chồng ông Tư luôn giúp đở đóng góp các trại tế bần, các hội đoàn thiện nguyện. Cuộc sống gia đình ông Tư càng thêm hạnh phúc khi vợ ông sanh cho ông một cậu quý tử…
Rồi 30-4-1975 đến. Cái xưởng của ông được nhà nước tiếp quản, tiền bạc trong ngân hàng mất trắng. Ông loay hoay với hoàn cảnh mới, các đồ trang sức của hai vợ chồng và vật dụng có giá trị trong nhà được đắp đổi qua ngày. Mấy năm sau gia đình ông được liệt vào danh sách “tư sản mại bản”. Hai căn nhà và tài sản được sung vào công quỷ. Gia đình ông được đưa đi vùng kinh tế mới…
Một năm sau bổng nhiên mọi người thấy ông Tư quay về khu phố cũ với với bộ dạng tã tơi, ánh mắt vô hồn. Ông đứng nhìn hai căn nhà cũ rồi cười… có lúc ông cười sặc sụa, lúc cười vang thành tiếng, lúc thì cười khùng khục trong họng. Đêm xuống, mọi người thấy ông Tư ngồi bên mái hiên trước nhà cũ mà khóc. Ai thấy cũng đau lòng. Ông lang thang quanh khu phố nhưng ông không còn nhận ra ai là người quen nữa. Mọi người quý mến ông vì lúc đương thời ông hay giúp đỡ bà con lối xóm. Nay mọi người chung tay người cái áo cái quần, người bữa cơm, người tắm giặt… để đùm bọc ông. Có những lúc ông tĩnh táo, ông ngồi trầm ngâm và kể. Cả đời hai vợ chồng chưa làm việc gì nặng nhọc, bây giờ được đưa lên vùng kinh tế mới, phải tự khai hoang, dựng nhà. Vì thay đổi đột ngột nên không thích nghi kịp, sức khoẻ sa sút, vợ và con ông bị sốt rét mà qua đời…
Mấy ngày qua không thấy ông Tư quanh khu phố nữa. Sáng nay mọi người nhận được tin tìm thấy xác ông dưới kênh Nhiêu Lộc ngay cầu Công Lý…
H.D