Hạnh phúc không phải là đích đến, mà là một cuộc hành trình
Con người từ khi sinh ra đã luôn theo đuổi hạnh phúc, nhưng càng truy cầu lại càng không thấy thỏa mãn. Hạnh phúc, đôi khi không nằm ở đích đến, mà nằm ngay tại quá trình chúng ta nỗ lực, vươn lên trước nghịch cảnh…
Hạnh phúc không nằm ở những thứ bạn đang có, mà ở những thứ bạn có thể cho đi. (Ảnh: Eudeglobal)
Nói về hạnh phúc mỗi người có một lý giải khác nhau, quan điểm cũng thay đổi theo thời gian tuổi tác. Khi còn nhỏ thì chỉ cần có cơm ngon áo đẹp đã thấy hạnh phúc; lớn lên thì quan niệm về hạnh phúc cũng lớn theo cùng, nào là công danh sự nghiệp, thành đạt hơn người, nào là vợ đẹp con ngoan, nhà cao cửa rộng sức khỏe như ý mới là hạnh phúc….Con người bỏ cả cuộc đời để theo đuổi những thứ này.
Nhưng khi đạt được thứ mình muốn lúc đầu thì dần dần cảm giác hạnh phúc cũng không còn nữa. Ví như khi mua chiếc xe mới, lúc đó cảm giác rất vui mừng nhưng sau 1 tuần, 1 tháng thì cảm giác này dần biến mất. Mua chiếc bánh mà mình yêu thích, ăn miếng đầu tiên thấy thật hạnh phúc, nhưng miếng thứ 3, thứ 5 thì cảm giác sung sướng dần biến mất.
Nguyên nhân không hạnh phúc chính là có chỗ không thỏa mãn, muốn được thêm nữa. Đã có tiền rồi lại muốn nổi danh, khi nổi danh rồi thì lại muốn gia đình hòa thuận, con cái ngoan ngoãn; khi có được gia đình như ý thì lúc đó công việc lại không vừa ý.
Khi công việc tốt đẹp thì lại thấy nhà cửa sao chật hẹp quá; đến khi có nhà cao cửa rộng rồi, lại thấy chỗ ở cách nơi làm, đi lại bất tiện; có nhà gần rồi thì lại cảm thấy không khí môi trường xung quanh không yên tĩnh, trong sạch. Cứ mãi như vậy thử hỏi sẽ có được hạnh phúc không? Chắc chắn là không thể.
Mọi chuyện nơi thế gian đều là tương sinh tương khắc, không có cái tốt tuyệt đối và cũng không có điều xấu tuyệt đối. (Ảnh: Facebook)
Lão Tử từng nói: “Họa là nơi phúc tựa, phúc là nơi họa nấp“, tức là trong họa có phúc, trong phúc có họa, họa phúc đan xen. Vậy nên trong bất cứ sự việc gì cũng đều tồn tại mặt tốt và mặt xấu.
Cũng như khi muốn kiếm tiền thì phải bỏ ra nhiều công sức hơn, nếu không phó xuất trí tuệ thì cũng phải làm việc tay chân… tất cả mọi thứ điều phải đánh đổi, trải qua một quá trình gian khổ rồi mới có được thứ mình muốn.
Có người mức lương không cao nhưng lại có một gia đình đầm ấm hạnh phúc, có người nhà cửa tuy không rộng lớn, nhưng công việc lại được như ý nguyện. Vậy nên hãy trân trọng những thứ mình đang có, lấy chúng để an ủi bản thân chứ không phải lấy những thứ mình không có để tự dày vò mình. Nếu làm được vậy chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy hạnh phúc.
Con người có thể truy cầu nhưng phải biết lượng sức mình, đừng quá mơ tưởng viển vông, vượt quá tầm với của bản thân, khi đạt được điểm này thì hạnh phúc sẽ theo đó mà đến. Nếu chúng ta có được hạnh phúc, thế thì quá trình theo đuổi cũng là hạnh phúc.
Cổ nhân có câu: “Mưu sự do người, thành sự do Trời”, chỉ cần chúng ta cố gắng, thì sẽ cảm nhận được hạnh phúc từ trong đó, kết quả vốn không quan trọng, quá trình mới là điều quan trọng nhất. Người tu luyện có câu “tùy kỳ tự nhiên“, cái gì của mình thì sẽ không mất còn cái gì không phải của mình thì có tranh giành cũng không đạt được, vậy nên cứ buông tâm vui vẻ mà sống, không chấp trước vào được mất, để đạt được điều đó thì phải trải qua quá trình phó xuất, từ bỏ tư tâm, đó cũng là một quá trình hạnh phúc.
Hạnh phúc trước nay không hề rời xa chúng ta, chỉ cần chúng ta biết đủ, biết cho đi, hạnh phúc sẽ ngay lập tức xuất hiện trước mắt, thời thời khắc khắc đều luôn đi cùng chúng ta.
Theo DKN
“Biết đủ” là một loại phúc – Tinh Hoa TV