Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời – Đào Văn Bình

Đào Văn Bình

http://sachhiem.net/DAOVB/VH/DaovBinh_TuDienmoi.php

LTS: Từ lâu nay, tác giả Đào Văn Bình luôn để tâm đến vấn đề ngôn ngữ Việt của thế kỷ 21. Có lẽ ông bà ta mấy trăm năm trước cũng đã có những cảm tưởng khó chịu đối với những làn sóng mới, ngôn ngữ pha trộn từ các tầng lớp khác nhau từ các cô sen đến thầy ký. Ngày nay vấn đề phức tạp gấp vạn lần, ngoài vấn đề dân số tăng gấp bội, sự phát triển vượt bực của truyền thông làm cho mỗi cá nhân ở bất kỳ thành phần nào trong xã hội cũng đã trở thành một trung tâm sản xuất thông tin riêng. Và tất cả đều là độc giả của nhau. Ngày nay ở Việt Nam có cả mấy triệu cơ quan thông tin tự do như thế. Đây là giai đoạn tổng hợp của những vấn đề hòa quyện văn hóa từ bề sâu tầng lớp dân chúng, bề dài do kỹ thuật tân tiến, và bề rộng do giao tiếp thế giới. Những nhận xét trong bài sau đây của tác giả có thể không tuyệt đối đúng hay sai, vẫn có một giá trị tương đối chủ quan và cá biệt. Những người yêu chuộng văn chương tự chắt lọc cho tủ sách của mình một sưu tập riêng đóng góp một phần cho văn hóa của thế hệ sau.(SH)

Ảnh của FB Tôi Yêu Việt Nam trong bài Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt – một mảnh tâm hồn Việt

Đôi Lời Phi Lộ:

Bất cứ một dân tộc nào nếu đã hình thành một nền văn học, đều có hai loại văn chương bác học và văn chương bình dân. Ngôn ngữ cũng có ngôn ngữ trí thức và ngôn ngữ đường phố. Phê bình văn học, phê bình cách sử dụng ngôn ngữ là điều phải có để đất nước tiến lên. Trước đây ở Miền Nam, một số nhà văn, nhà báo dùng chữ hay viết văn không đúng cũng đã bị phê phán chứ không phải muốn viết gì thì viết. Ngày nay, ngôn ngữ ít học, đứng bến, mánh mung, đường phố giống như cỏ dại lan tràn rất nhanh vì nó được phổ biến qua các bản tin, báo chí, các trang điện tử, truyền hình, đài phát thanh, các diễn đàn… cho nên nó dễ dàng giết chết ngôn ngữ “văn học” thường phải xuất hiện qua sách vở. Nếu không ngăn chặn kịp thời, loại ngôn ngữ lai căng, bát nháo, quái đản sẽ trở thành dòng chính của văn học…và khi đó thì hết thuốc chữa. Việt Nam ngày nay đang đứng trước thảm họa đó! Ngoài ra, “văn dịch” phần lớn từ các bản tin tiếng Anh của những người không rành tiếng Anh lại kém tiếng Việt đã phá nát cú pháp (văn phạm) Việt Nam. Hiện nay BBC Việt Ngữ đã góp phần rất lớn vào việc tàn phá tiếng Việt truyền thống.

Xin nhớ cho, thay đổi mà tốt hơn, hay hơn thì người ta hoan nghênh. Thay đổi mà xấu, tệ hơn là phá hoại. Ngoài ra, không có gì “lớn” cho bằng “cầm bút” nhưng cũng không có gì “xấu xa” cho bằng viết bậy, viết nhảm, viết sai sự thật và nhất là phá hoại ngôn ngữ truyền thống của dân tộc. Sau hết, tôi xin nhắc những người làm báo trong nước và cả BBC tiếng Việt: Dân đường phố, mánh mung, đứng bến vì ít học cho nên ăn nói bậy bạ. Nhà báo là người có học phải hướng dẫn “đường phố” để họ từ từ tiến lên, ăn nói mẫu mực, viết cho đàng hoàng, thế nhưng lại chạy theo “đường phố” để phá nát tiếng Việt. Thật đáng buồn!

Dưới đây là bảng so sánh tiếng Việt truyền thống và tiếng Việt đổi đời xếp theo thứ tự A,B,C… (Vì cuốn từ điển dài tới 22 trang cho nên chúng tôi phải cắt ra thành 5 kỳ.)

Kỳ 1: Vần A, B, và C

A.

– Ăn uống trở thành ẩm thực.

Thói quen/cách ăn uống trở thành văn hóa ẩm thực, giống như mấy ông Ba Tàu ở Chợ Lớn nói chuyện với nhau năm xưa. Các “món ăn miền Bắc” trở thành “Ẩm thực miền Bắc”.

Người ta thích là thích các “món ăn” miền Bắc chứ miền Bắc có đồ uống (ẩm) gì ra hồn đâu mà thích? Rồi nào là, “Du khách nước ngoài tham gia tour trải nghiệm ẩm thực tại Hội An” (Báo Sài Gòn Giải Phóng). Thực ra câu chuyện chỉ là, “Du khách ngoại quốc vừa du lịch vừa thưởng thức các món ăn ở Hội An” nhưng lại viết dưới dạng cầu kỳ vì ít học. Xin nhớ cho ăn uống không phải là văn hóa vì loài thú cũng ăn uống. Con hổ sau khi ăn thịt con nai xong bèn ra bờ suối uống nước. Nhưng nếu biết nấu nướng cho đàng hoàng, lịch sự, biết mời chào nhau thì nó là một nét của văn hóa.

– Ăn mặc dâm ô, ăn mặc hở hang, ăn mặc bẩn mắt trở thành ăn mặc phản cảm. Một hình ảnh gây bất binh, xúc phạm, khó chịu cho người ta cũng gọi là phản cảm.

Chỗ nào cũng thấy phản cảm và không còn một tính từ nào khác. Ăn mặc phản cảm là ăn mặc thế nào? Chẳng hạn một cô gái đến chùa “ăn mặc phản cảm” thì cô gái đó ăn mặc ra sao? Hoặc váy ngắn quá, hoặc áo hở vú, hở lưng, hoặc mặc quần đùi (short) hoặc mặc đồ mỏng dính (bây giờ gọi là xuyên thấu) thì phải nói ra cho người ta biết chứ. Tiếng Việt trong nước càng ngày càng trở nên nghèo nàn và kho tàng ngôn ngữ truyền thống sẽ chỉ còn một nửa hay bị hủy diệt bởi những chữ như: hoành tráng, phản cảm, giải mã, kinh điển, ấn tượng, sốc, kịch tính, kịch bản, cơ bản, thi công, xử lý, nóng (hot), khắc phục, tiếp cận … Những danh từ đơn giản, thuần Việt do tổ tiên sáng tạo cả ngàn năm nay từ từ biến mất để thay thế bằng tiếng Tàu nhức đầu, lạ hoắc… và quá nhiều tiếng lóng, tiếng Tây, tiếng Anh “ba rọi” chen vào.

B.

– Bạch phiến trở thành ma túy đá

– Bài giải, đáp số trở thành đáp án.

Thật điên khùng quá mức! Thí dụ: “Đáp án bài toán lớp 7 thử tài tư duy” (VnExpress). Làm toán mà “tư duy” cái gì? Chì cần nói “giỏi toán”. Câu văn gọn gàng, sáng sủa mà không bắt độc giả phải “tư duy” sẽ là: “Thử tài các bạn. Hãy giải một bài toán Lớp 7.” Nghe nói VnExpress là tờ báo điện tử được nhà nước/chính phủ cấp bằng khen.

– Bài giảng trở thành giáo án. Soạn bài giảng trở thành “soạn giáo án”. Nghe thấy mà ghê!

– Ban nghi lễ trở thành ban lễ tân (ông nào chế ra chữ này chắc trước đó có học ở bên Tàu thời Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình). Xin nhớ,”lễ tân” chỉ là tiếp khách. Còn “nghi lễ” là cả một thể thức có khi vô cùng phức tạp để hoàn tất một buổi lễ lớn hoặc tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia.

– Bản tiếng Việt, bản tiếng Anh, bản tiếng Hoa (cùa một tờ báo) trở thành phiên bản tiếng Việt, phiên bản tiếng Anh, phiên bản tiếng Hoa.

Mở các Từ Điển English-Chinese Dictionary ra sẽ thấy người Tàu định nghĩa “copy” là phiên bản. Thậm chí “version” là bản mô phỏng, phỏng theo cũng trở thành phiên bản. Đúng là “điếc không sợ súng”. Không được đi học, không hỏi người lớn, không tra từ điển, không nghiên cứu mà cứ viết, cứ nói. Một đất nước, một cộng đồng như vậy thật đáng sợ! Dân tộc Nhật tiến lên là họ biết xấu hổ (Khổng Tử gọi là tu ố). Khi biết mình sai, họ rất xấu hổ và có khi phải tự sát. Một dân tộc mà không biết xấu hổ thì hết thuốc chữa.

– Bàng hoàng, choáng váng, hết sức ngỡ ngàng trở thành sốc (shock)

– Bánh xe/vỏ xe trở thành lốp

– Bao gồm, bao hàm, hàm chứa (một số vấn đề) trở thành nội hàm. Ông nào dùng hai chữ này chắc là viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học,Văn Chương và Ngôn Ngữ Việt Nam.

– Bảo đảm trở thành đảm bảo, bảo hành. Xe cộ, món đồ, máy móc được bảo đảm (warranty) trong bao lâu trở thành bảo hành. Hành nghĩa là làm, làm gì ở đây mới được chứ?

– Bảo trì, giữ gìn trở thành bảo quản

– Bắp thịt trở thành cơ bắp. Biểu diễn/khoe bắp thịt trở thành biểu diễn cơ bắp. Phô diễn sức mạnh quân sự cũng gọi là biểu diễn cơ bắp.

Đúng là loại ngôn ngữ đường phố, bát nháo, đứng bến, mánh mung.

– Bắt ngay trở thành bắt khẩn cấp, bắt nóng.

Trong nước cái gì cũng nóng hay lạnh. Ngôn ngữ truyền thống sẽ lần hồi diệt chủng. Thưởng ngay trở thành thưởng nóng! Thế mới hay ngu dốt mà làm văn hóa thì nguy hại ngàn đời!

– Bên trong (của chiếc xe hơi) biến thành nội thất! Đúng là tiếng Việt kiểu cung vua phủ chúa.

– Bệnh viện nhi đồng cắt cụt chi còn bệnh viện nhi trong khi từ điển trong nước nói rằng chữ “nhi” không bao giờ đứng một mình. Nó phải đi kèm với một chữ khác. Như vậy Tết Nhi Đồng giờ đây chỉ còn Tết Nhi! Đúng là chữ nghĩa quái đản, muốn viết gì, nói gì thì nói.

– Bích chương (dán lên tường) trở thành Áp-phích

– Biến cải, thay đổi trở thành cải tạo.

Thí dụ: Trung Quốc cải tạo bãi đá ngầm thành đảo. Trong nước nên bỏ hai chữa “cải tạo” vì nó gợi lại hình ảnh cả triệu quân-cán-chính VNCH bị “tù cải tạo”.

– Biển, tấm bảng trở thành Pa-nô (Panneau)

– Biểu ngữ trở thành Băng-rôn (Bande de role)

– Bình điện trở thành bình ác quy, nạp điện trở thành sạc (charge)

– Bổ túc, trau dồi (kiến thức) trở thành bồi dưỡng (giống như ăn uống để lấy lại sức sau cơn bệnh)

– Bộ đôi, một đôi, một cặp (hai người) trở thành cặp đôi (bốn người)

 Bộ mặt, dáng vẻ biến thành ngoại hình. “Cô ta có dáng vẻ đẹp” nay biến thành “ Cô ta có ngoại hình đẹp”.

Ai dùng hai chữ “ngoại hình” chắc chắn không được cắp sách đến trường hoặc du học Trung Quốc cho nên tiêm nhiễm tiếng Tàu.

– Buổi trình diễn văn nghệ trở thành show. Ca sĩ hát một lúc hai, ba phòng trà gọi là “chạy show”.

Ngày xưa các chiêu đãi viên ở các phòng trà đang tiếp khách này, xin lỗi chạy qua tiếp khách kia gọi là “chạy bàn”.

– Buồn nản, chán đời (depressed) trở thành trầm cảm .

Sao dùng chữ khó khăn quá vậy? Nếu tôi là một tâm lý gia, một bệnh nhân tới nói, “Thưa bác sĩ, tôi cảm thấy buồn nản, chán đời” thì tôi hiểu ngay. Nhưng nếu bệnh nhân nói, “Tôi bị trầm cảm” thì tôi sẽ phải hỏi lại, “Ông/bà nói thêm về tình trạng tâm lý của ông/bà thế nào.” Ngoài ra, từ điển Việt Nam trước và sau 1975 không hề có hai chữ “trầm cảm”.

– Buồng lái /phòng lái trở thành cabin. Thậm chí khoang hành khách trên máy bay cũng gọi là cabin (BBC tiếng Việt)

C.

– Cà-phê cứt chồn trở thành cà-phê chồn. Những người đang chế “cà- phê cứt chồn” có lẽ trước 1975 họ chưa hề biết gì về loại cà-phê này cho nên bây giờ mới gọi đó là “cà-phê chồn”.

– Cách chức, bãi chức, cất chức biến thành miễn nhiệm.

Trong nước không phân biệt được thế nào là nhiệm vụ thế nào là chức vụ. Nhiệm vụ là các việc hay bổn phận phải làm. Còn chức vụ là quyền hạn, địa vị để làm những việc đó. Thí dụ: Tổng thống là chức vụ. Còn nhiệm vụ của tổng thống là thi hành luật pháp, đối nội đối ngoại để bảo vệ quyền lợi của đất nước trên khắp thế giới…có cả ngàn việc. Ngoài ra, người ta chỉ nói mãn nhiệm kỳ (hết nhiệm kỳ) chử không ai nói miễn nhiệm. Miễn có nghĩa là “không” hay “không phải”. Thí dụ: Miễn thuế là không phải đóng thuế. Miễn dịch là không phải nhập ngũ. Miễn tố là không truy tố. Miễn chiến bài là treo bảng không đánh nhau. Miễn lễ là không cần thủ lễ. Do đó, miễn nhiệm có thể gây hiểu lầm là miễn trừ trách nhiệm cho ai đó.

– Căn bản, chính yếu biến thành cơ bản. Hai tiếng cơ bản được dùng tràn lan trong mọi lãnh vực.

Thí dụ: “Mọi việc gần như /hầu như đã hoàn thành”, bây giờ trong nước, từ nhà quê đến con nít đều nói, “Mọi việc cơ bản đã hoàn thành.” Giống như ông “Thạc Sĩ” nói chuyện vậy. Nhức đầu quá!

– Căn nhà trở thành căn hộ. Căn nhà đắt giá trở thành căn hộ cao cấp. Gia đình trở thành hộ dân. Nghe lạ hoắc, giống như người Tàu nói chuyện với nhau.

– Cảng bốc dỡ các kiện hàng trở thành cảng container

– Căng thẳng thần kinh trở thành stress. “Gác chân lên tường 10 phút mỗi ngày để xả stress” (VnExpress)

Nói như thế người ta mới nể vì tưởng mình là dân Mỹ, hoặc các chữ “căng thẳng thần kinh/căng thẳng đầu óc” đã bị xóa mất trong ngôn ngữ Việt Nam?

– Cao cấp trở thành cấp cao (BBC tiếng Việt): Cố vấn cấp cao. (Thích đảo ngược chữ nghĩa để làm ra vẻ mình khác đời)

– Cao Học (Master Degree) trở thành Thạc Sĩ (Agregé) trên Tiến Sĩ. Trước 1975, muốn có bằng Thạc Sĩ, sau khi đậu bằng Tiến Sĩ (Doctor) phải thi để trở thành Giáo Sư Thực Thụ của các đại học.

Miền Nam trước 1975 chỉ có vài giáo sư Thạc Sĩ như GS. Vũ Văn Mẫu, GS. Nguyễn Cao Hách, GS. Vũ Quốc Thúc, GS. Phạm Biểu Tâm và Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ nhưng Tiến Sĩ thì khá nhiều. Ngày nay, ở Việt Nam, hang cùng ngõ hẻm, xã ấp nhan nhản Thạc Sĩ. Ngày xưa “Ra ngõ gặp anh hùng”. Ngày nay “Ra ngõ gặp Thạc Sĩ”. Thật kinh hoàng!

– Cầu thủ nước ngoài trở thành ngoại binh. Thí dụ: “Ngoại binh nổ súng, Sài Gòn FC quật ngã SHB Đà Nẵng” (Đài Tiếng Nói Việt Nam VOV). Đọc tiêu đề giật mình tưởng lính Nga, lính Mỹ, lính Tàu tiến vào tấn công Việt Nam.

– Cặp tức hai người trở thành cặp đôi=bốn người. Nếu có học sẽ nói bộ đôi một đôi tức hai người. Vì không có học cho nên nói cặp đôi tức bốn người. Xin nhớ cho đôi là hai người như đôi bạn, đôi lứa, đôi nơi, đôi ngả. Cặp cũng là hai người. Cặp gà=hai con gà, cặp bánh chưng=hai chiếc bánh chưng, đóng cặp=hai tài tử thường đóng chung với nhau. Như thế, “cặp đôi” là bốn người chứ không phải hai người.

– Câu độc giả, câu khách trở thành câu view. Lai căng mất gốc.

– Cây trở thành cây xanh. Trồng cây trở thành trồng cây xanh. Chặt cây trở thành chặt cây xanh.

Đúng là tiếng Việt đổi đời! Nếu theo đúng loại tiếng Việt đổi đời này thì phải nói: Chúng tôi vừa trồng 100 cây phượng xanh, 50 cây cau xanh , 50 cây dừa xanh và khoảng 10 cây chuối xanh. Rồi các loại cây ăn trái như ổi, nhãn, soài, đu đủ…trở thành “cây trồng”. Đúng là loại tiếng Việt điên khùng. Cây nào mà chẳng phải trồng. Thậm chí hành, ớt, tỏi, cũng phải trồng. Thêm chữ “trồng” là điên rồ.

– Cây cảnh, cây kiểng trở thành bonsai . Nếu cây trồng trong vườn, công viên cắt tỉa theo kiểu cây cảnh/kiểng thì không thể gọi là bonsai vì bon sai là bồn tài – nghĩa là “trồng trong chậu”. Bồn là chậu, tài là trồng.

– Chảo không dính trở thành chảo chống dính. Trong nước cái gì cũng chống, Chẳng hạn, thay vì nói, phòng ngừa ung thư lại nói phòng chống ung thư. Thay vì nói bài trừ ma túy lại nói phòng chống ma túy tức chỉ phòng ngừa và chống lại chứ không bài trừ, tiêu diệt. Rồi “Làm thang sắt để tránh lấn chiếm vỉa hè” trở thành “Làm thang sắt chống lấn chiếm vỉa hè”. (Báo Thanh Niên) Cũng giống như “Tôi đội nón để tránh nắng/che mưa nắng” nay trở thành “Tôi đội nón để chống nắng”. Thật ngu đần! Làm sao chống được nắng? Chỉ có che nắng hoặc tránh nắng mà thôi.

– Chạy tin giật gân/đưa tin giật gân/ đưa lên tin hàng đầu trở thành chạy tít, giựt tít.

– Chết trở thành tử vong. Tai nạn làm bốn người chết trở thành tai nạn khiến bốn người tử vong. Nói vậy mới tỏ ra mình giỏi tiếng Tàu à quên “tiếng Trung”.

 Chết bất ngờ, chết đột ngột trở thành đột tử. Ngã quỵ, ngất xỉu trở thành đột qụy.Thích dùng chữ nghĩa khó khăn mà kêu gào tiếng Việt trong sáng.

– Chết đuối trở thành đuối nước. Cả ngàn năm nay cha ông mình, văn chương đều dùng hai chữ “chết đuối” sao bây giờ bịa đặt thêm để làm gì? Đổi chết đuối ra đuối nước có làm cho đất nước mình biến thành Mỹ, Âu Châu, Nhật Bản không? Một trăm năm nữa cũng chưa chắc bằng Tân Gia Ba. Hãy đổi đầu óc, lối sống sao cho đàng hoàng, tử tế, chân thật và có trách nhiệm. Đừng làm xáo trộn gia tài ngôn ngữ của tổ tiên.

– Chi tiền, trả tiền trở thành chi trả. Sao rắc rối quá vậy?

 Chiến cụ, vật dụng chiến tranh trở thành khí tài. Từ điển Việt Nam trong nước không có danh từ “khí tài”.

– Chính sửa, cắt xén trở thành photoshop

– Cho lãnh sự tiếp xúc/gặp gỡ trở thành “tiếp xúc lãnh sự” (VOA, BBC và các bản tin trong nước). Đúng là tiếng Việt đổi đời.

– Cho máy chạy lại, mở máy lại (restart) trở thành tái khởi động. Đúng là dốt hay nói chữ.

– Choáng váng, choáng ngợp chỉ còn choáng . Bát nháo quá đỗi! Đây là ngôn ngữ của bọn đứng bến, mánh mung hay buôn lậu. Thế nhưng loại chữ bát nháo này lại được phổ biến lan tràn trên các diễn đàn Yahoogroups ở hải ngoại.

– Chữ nghĩa trở thành con chữ. Thí dụ: Nhà văn bắt đầu từ những con chữ. Nếu thế thì các triết gia bắt đầu từ những con tư tưởng. Các nhà tâm lý bắt đầu từ con phân tích (sự phân tích)

– Chưa đầy đủ, còn thiếu sót, còn nhiều khuyết điểm trở thành bất cập. Đọc đoạn văn “Việc xử lý xe quá tải vẫn còn nhiều bất cập” tôi thật sự không hiểu người viết muốn gì. Trong nước thích dùng những chữ “bí hiểm” chỉ có mình hiểu, không ai hiểu cả hoặc để che dấu sự thật. Chẳng hạn Miền Nam trước đây giảng dạy môn Việt Văn (Vietnamese Language) cho học sinh từ Tiểu Học tới Trung Học. Ngày nay các ông trong nước đổi thành Ngữ Văn. Nhưng định nghĩa thế nào là Ngữ Văn thì giải thích lung tung. Một số giải thích: “Ngữ Văn”: Ngữ là ngôn ngữ (Language), Văn là văn học (Literature) là ngành học nghiên cứu về ngôn ngữ và văn học Việt Nam. Trong khi đó Ô. Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Đỗ Ngọc Thống lại nói rằng đó là môn giống như đang được giảng dạy ở Trung Quốc, “Chúng tôi lấy tên Ngữ Văn vì cho rằng nó có thể bao quát chung cho cả ngữ và văn.” Giải thích như ông này thì thà không giải thích còn hơn. Ngữ văn là ngữ và văn thì chẳng khác nào văn chương là văn và chương. Thế mà cũng khoe bằng Tiến Sĩ. Đã bao quát nghĩa là bao gồm rồilại còn chung. Ông này nên học lại Việt Văn bậc Trung Học.

– Chứng tỏ được trở thành khẳng định. Thí dụ: Thay vì nói, “Diễn viên X chứng tỏ được tài năng của mình” lại nói,“Diễn viên X đã khẳng định được tài năng”. Đúng là ngôn ngữ lộn sòng. Khẳng định là xác định một cách mạnh mẽ một sự kiện, một lời tuyên bố. Còn tài năng thì phải chứng tỏ cho người ta thấy.

– Chương trình giảng dạy trở thành giáo trình. Nghe nói thấy mà mệt!

– Có thể (possible, may happen) trở thành có khả năng. Thí dụTrời có thể mưa trở thành trời có khả năng mưa. Trên diễn đàn của người Việt hải ngoại 25/1/2016: “Trung Quốc có khả năng trả đũa Hoa Kỳ ở Biển Đông”. Tôi không rõ người viết tiêu đề này muốn nói, “Trung Quốc có đủ sức mạnh/khả năng đề trả đũa Hoa Kỳ” hay, “Trung Quốc có thể (possible, may) sẽ trả đũa Hoa Kỳ”. Xin thưa, khả năng (capable) là năng lực của một người. Thí dụ: Ông ta không có khả năng làm việc.

– Có tổ chức, có học, có nghiên cứu, quy củ, đâu vào đó trở thành bài bản. Chỗ nào cũng nghe nói “bài bản”. Cả dân nuôi cá, nuôi tôm, trồng cây ăn trái, mò cua bắt ốc cũng nói “bài bản”.

– Cô lập / để riêng ra trở thành cách ly.

– Cô ta có đôi mắt đẹp trở thành Cô ta sở hữu đôi mắt đẹp. Sao nói năng cầu kỳ quá vậy?

– Coi trọng trở thành trọng thị. Tiếp đón long trọng trở thành tiếp đón trọng thị. Xin nhớ cho “thị” là coi, nhìn. Trọng thị là coi trọng. Một buổi lễ không thể là “coi trọng” mà phải là “long trọng” hoặc “trọng thể”.

– Cờ bạc lớn, sát phạt lớn, có tổ chức trở thành đánh bạc quy mô (Báo Tuổi Trẻ). Thật lạ đời, đánh bạc mà cũng quy mô như các sòng bài ở Las Vegas vậy. Đúng là dốt hay nói chữ.

– Cỡ lớn, cỡ nhỏ biến thành kích cỡ lớn nhỏ.

Tôi không hiểu sao lại phải thêm chữ “kích” vào đây trong khi nói cỡ lớn, cỡ nhỏ là người ta đã hiểu và hiểu cả ngàn năm nay. Nghe các nông dân ở Miền Tây (bây giờ gọi là Nam Bộ) nói hai chữ “kích cỡ” tôi vừa cười vừa rơi nước mắt vì dân Miền Nam trước đây chết hết cả rồi!

– Con đường, đoạn đường biến thành tuyến đường. Xin nhớ cho “tuyến” nghĩa là đường. Thí dụ: Cát tuyến=Đường cắt. Trung tuyến=Đường ở giữa. Trực tuyến=Đường thẳng đứng.

– Công nhân đổi đời thành lao động. Rồi chủ nhân trở thành người sử dụng lao động. Thí dụ: “Xí nghiệp A có 2000 lao động.” Trong khi từ điển tiếng Việt trong nước định nghĩa lao động là “Sự khó nhọc đem ra để làm việc như giới lao động”.

– Công du trở thành thăm chính thức, thăm cấp nhà nước. Chỉ cần nói, thủ tướng…sẽ công du Hoa Kỳ là người ta hiểu rồi…còn bày ra thăm chính thức, thăm cấp nhà nước. Công du (state visit) là đi thăm một quốc gia khác vì việc công, việc của đất nước, việc của chính phủ. Chẳng lẽ ông Chủ Tịch Nước đi chơi, thăm cấp tỉnh, cấp bộ, cấp xã sao? Thật quái đản!

(Còn tiếp)


 

Được xem 6 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay