Chuyện anh Lý Bửng

Lê Vi

Sài Gòn sụp đổ, anh Lý Bửng nhét cả gia đình gần chục người lên chiếc máy bay chong chóng chỉ có 2 ghế ngồi, rồi bay ra biển Đông.

Chiếc máy bay này không thể vượt Biển Đông tới Philippines. Xác xuất gặp một hàng không mẫu hạm giữa biển Đông bao la cũng cao bằng xác xuất một con đại bàng quắp cục đá bay trên trời rồi thả xuống mà trúng luôn một con rùa dưới đất. Nhưng Sài Gòn sụp đổ thì anh Lý Bửng cũng đành bay như ca dao Bắc Bộ thời đó nói về “đường lên hạnh phúc rộng thênh thang”:

Đi đâu không biết đi đâu,

Đi đâu ta cứ đi đầu ta đi

May quá ra ngoài biển, khi máy bay chỉ còn một giờ bay nữa là hết xăng, anh thấy Mẫu hạm Midway đang cứu người tị nạn. Anh đáp xuống Mẫu hạm.

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt trở thành một phần quan trọng của lịch sử Hoa Kỳ và cũng là của Việt Nam hiện đại. Còn chiếc máy bay của anh Lý Bửng trở thành một phần của lịch sử hàng không Hoa Kỳ.

Người Mỹ không chỉ trưng bày chiếc máy bay này trong Bảo tàng Mẫu hạm Midway ở San Diago, họ còn làm mô hình của nó, trưng bày ở nhiều bảo tàng hàng không khác.

Là một dân tộc yêu đắm say kỹ thuật, người Mỹ muốn giữ lại khoảnh khắc lịch sử của một cú hạ cánh thần sầu: chiếc máy bay chong chóng lạch phạch 2 chỗ ngồi này không có bất kì thiết bị kĩ thuật nào để đáp được xuống một hàng không mẫu hạm. Nó có thể không hãm được và trượt xuống biển. Anh Lý Bửng đã thực hiện một “điệp vụ bất khả thi” trong khoảnh khắc sinh tử.

Nhưng mỗi người Việt Nam khi đứng trước chiếc máy bay này sẽ còn nhớ đến một chuyện khác mà người Mỹ không nói đến: Để rộng chỗ, tăng xác xuất thành công cho cú đáp của anh Lý Bửng, Hạm trưởng Mẫu hạm Midway đã ra lệnh anh em đẩy hơn chục chiếc máy bay xuống biển.

Không chỉ Mẫu hạm Midway, sau ngày 30/4 năm ấy, nhiều mẫu hạm khác của Mỹ đi qua Biển Đông, đã ném máy bay xuống biển để có chỗ chứa người tị nạn.

Tôn trọng luật pháp thì khó có nơi nào hơn Mỹ. Trong ngày thường mà phá hoại tài sản công thì chắc chắn tù. Nhưng không ai xét xử các hạm trưởng ném máy bay xuống biển cả. Thậm chí họ chưa từng bị hỏi “ê máy bay đâu hết rồi?”. Ai cũng biết ném xuống biển hết rồi, hỏi làm gì.

Luật pháp rất quan trọng. Nhưng khi người ta buộc phải vi phạm luật pháp để cứu người thì hoặc là cuộc sống lúc ấy quá đặc biệt đến nỗi pháp luật không quy định tới, hoặc ở chỗ ấy, luật pháp khiếm khuyết và cơ chế sai.

Thực ra không một nền luật pháp nào có khả năng quy định đúng đắn cách xử lý cho từng tình huống cụ thể của đời sống con người.

Một xã hội được vận hành đúng là xã hội trước hết chấp nhận rằng lương tri, lương năng sẽ thay thế khi luật pháp không đủ bao quát được cuộc sống quá phức tạp.

Một xã hội vui vẻ chấp nhận sự vi phạm luật pháp để làm đúng lương tri lương năng là xã hội đáng sống nhất, và đáng để bảo vệ nhất, bất kể nó vẫn đầy rẫy vấn nạn của một xã hội được xây dựng bởi con người chứ không phải bởi thần thánh trên Trời.

Còn một xã hội được thiết kế theo cách người ta buộc phải quên lương tri lương năng để sinh tồn thì… thôi (không biết nói gì.) Tôi luôn tin là xã hội đó chỉ tạm quên. Khi nó nhớ lại lương tâm của mình, không gì ngăn cản nó phục hưng.

Ảnh: Gia đình cụ ông Lý Bửng và cụ Larry Chambers, cựu Hạm trưởng Mẫu hạm USS Midway, khi cuộc sống đã bình yên.

Fb Thích Giác Hơi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay