– Trúc Giang
Khoảng 8g tối ngày 17-7-1963, một phụ nữ vừa bước ra khỏi nhà, tiến về chiếc taxi chờ sẵn, thì bỗng nhiên một người đàn ông xuất hiện, tay bưng một ca axit tạt vào mặt người phụ nữ. Cô thét lên trong đau đớn: “Chết tôi rồi!. Cứu tôi với”, rồi ôm mặt ngã quỵ. Một người đàn ông chạy đến bế cô lên chiếc taxi, chạy vào Bệnh viện Sài Gòn cấp cứu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đồn Đất (Grall) vào lúc 2g sáng hôm sau.
Cái tin vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt axit gây xôn xao trong giới thượng lưu thường lui tới các vũ trường. Báo chí đăng tấm hình rất xinh đẹp của Cẩm Nhung, đã gây xúc động và thương tiếc của người Sài Gòn.
Cẩm Nhung sinh năm 1940 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi theo gia đình di cư vào Nam. Vào Sài Gòn ít năm, khi cuộc sống vừa ổn định, thì người cha mất vì bệnh. Gia đình còn lại ba người phụ nữ: bà mẹ, bà vú và Cẩm Nhung. Không đủ điều kiện tiếp tục học, Cẩm Nhung bỏ học, đi học khiêu vũ. Cô gái 17 tuổi có cái nhan sắc trời cho, nói chung là rất đẹp và hấp dẫn. Cô theo học khiêu vũ ở một lớp dạy tư, do hai nhạc sĩ-vũ sư Nguyễn Tình và Nguyễn Thống phụ trách. Hai nhạc sĩ nổi tiếng về ngón đàn Hạ uy cầm (Hawaiian guitar), đã từng đào tạo hàng chục vũ nữ cho các vũ trường thời đó.
Nhờ có sắc đẹp hấp dẫn, với năng khiếu xuất sắc, Cẩm Nhung nổi bật trong nghệ thuật khiêu vũ. Vũ sư Nguyễn Tình nói với người “tài pán” Marie Sang: “Đôi chân của nó, thân hình gợi cảm của nó, rồi đây sẽ có cả khối đàn ông ngã rạp dưới chân nó mà chết cho coi”. “Tài pán” là người quản lý vũ nữ ở vũ trường, còn gọi là “cai gà”. Khách đi solo muốn nhảy với vũ nữ đều phải do người cai gà đó sắp xếp. Phải mua ticket thời đó là 20$. Mỗi ticket chỉ nhảy được một vài bản mà thôi. Muốn bao thầu cả đêm thì phải mua trọn gói chừng 15 ticket. Năm 19 tuổi, Cẩm Nhung trở thành vũ nữ chuyên nghiệp, được mệnh danh là “Nữ hoàng vũ trường”. Khách sành điệu cùng vũ nữ rời vũ trường này đến một vũ trường khác, vừa khiêu vũ thoải mái vừa giữ được tiếng tăm về đức hạnh của vũ nữ, vừa giữ được địa vị trung lập để câu những khách nhảy khác.
Tại vũ trường Kim Sơn, đường Tự Do, Cẩm Nhung phải lòng một khách nhảy hào hoa, dân chơi có tiếng tại các vũ trường, đó là Trung tá công binh Trần Ngọc Thức. Việc ông Thức cặp kè với Cẩm Nhung đến tai bà vợ là Lâm Thị Nguyệt, biệt danh là Bà Năm Rado, vì bà chuyên bán đồng hồ Thụy Sĩ hiệu Rado, rất giàu có. Máu Hoạn Thư nổi lên. Bà Nguyệt thuê hai người tạt axit vào mặt Cẩm Nhung với giá hai lượng vàng.
Bà Ngô Đình Nhu vào cuộc
Vụ đánh ghen diễn ra trong khi bà Ngô Đình Nhu – Trần Lệ Xuân, đang ở nước ngoài. Nghe được tin, bà vô cùng tức giận. Ngay sau khi về nước, bà đến Bệnh viện Đồn Đất thăm Cẩm Nhung. Ban đầu cô được cho nằm ở khu dành cho thường dân, ai vào thăm cũng được. Bạn bè Cẩm Nhung vận động, gom góp tiền, thuê luật sư kiện thủ phạm.
Một hôm, có một khách thăm, kề vào tai Cẩm Nhung nói nhỏ: “Muốn yên thân thì hãy câm miệng, nếu làm lớn chuyện thì “bà” sẽ giết chết cô”. Sau đó bà vú báo cáo với ban giám đốc bệnh viện. Nghe được tin đó, bà Nhu đề nghị cho Cẩm Nhung vào nằm ở khu chăm sóc đặc biệt, ai vào thăm phải có sự chấp thuận của bệnh viện.
Với tư cách là người lãnh đạo Phong trào Liên đới Phụ nữ Việt Nam, bênh vực quyền lợi và sự bình đẳng của phụ nữ, bà Trần Lệ Xuân thúc đẩy điều tra và lập hồ sơ đưa ra tòa. Sau đó, bà đề nghị đóng cửa các vũ trường, vì cho đó là nơi ăn chơi sa đọa, làm tan nát nhiều gia đình.
Phiên tòa xét xử
Vào tháng 10-1963, tòa kết án Lâm Thị Nguyệt, vợ của Trung tá Trần Ngọc Thức, và người đàn ông tạt axit, mỗi người 20 năm tù. Một người đàn ông liên hệ 15 năm. Ông trung tá bị cho giải ngũ, sau 1975, bị đi tù cải tạo ở Trại Z.30C, Hàm Tân.
Sau khi bị tạt axit, dung nhan kiều diễm của Cẩm Nhung bị hủy hoại hoàn toàn. Do sự vận động của bà Nhu, cô được đưa qua Nhật chữa trị, hy vọng phục hồi gương mặt như trước kia song bác sĩ bó tay. Hơn hai tháng sau, khi Cẩm Nhung về nước thì nền Đệ nhất Cộng hòa đã sụp đổ. Bà Nhu sống lưu vong ở nước ngoài. Người vũ nữ nổi tiếng một thời đã biến mất trong các sinh hoạt ở Sài Gòn. Những biến cố chính trị dồn dập, khiến cho việc đánh ghen rơi vào quên lãng và chìm vào quá khứ.
Đi ăn mày khắp nơi
Từ địa vị của một “nữ hoàng” sống trên đỉnh cao danh vọng, rực rỡ dưới ánh đèn màu và điệu nhạc, các công tử phong lưu bay bướm đa tình và các thương gia giàu sụ săn đón, thì bỗng nhiên trở thành thân tàn ma dại, ngậm đắng nuốt cay cho số phận hẩm hiu, Cẩm Nhung lao vào con đường đập phá, rượu chè, nghiện ngập, sa đọa… Năm 1964 người mẹ qua đời. Cẩm Nhung sống với bà vú. Tiền bạc, nữ trang lần lượt từng bước ra đi. Cô bán căn nhà 200 lượng vàng và cùng với bà vú ra ở thuê nhà trọ. Bà vú qua đời, Cẩm Nhung tật nguyền, không nghề nghiệp, không nơi nương tựa, nên chỉ có con đường là đi ăn xin.
Trước Tết năm 1969, người ăn mày xuất hiện ở chợ Bến Thành. Mặt mày dị dạng, đeo trên ngực tấm hình chụp chung với người tình là ông trung tá, cô lê bước trên các con đường Sài Gòn, trên hành lang của thương xá Tax rồi đến chợ Bà Chiểu, Bình Tây…và sau cùng về miền Tây, ở bến phà Mỹ Thuận, Vĩnh Long.
Thời gian này ở Sài Gòn xuất hiện bản nhạc “Bài Ca Cho Người Kỹ Nữ” của hai nhạc sĩ Nhật Ngân và Duy Trung. Các tác giả viết bài hát này vì xót thương số phận của cô vũ nữ Cẩm Nhung. Bài hát có đoạn:
“Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người
Ta xót xa thay em là một cánh hoa rơi
Loài người vô tình giẫm nát thân em
Loài người vô tình giày xéo thân em
Loài người vô tình giết chết đời em…”
Nhà thơ Nguyên Sa nói về Cẩm Nhung
Trong hồi ký “Đời 1998”, Nguyên Sa thuật lại nhiều lần ông và nhà văn Mai Thảo đến nhà chở Cẩm Nhung đi vũ trường Arc en Ciel, ăn kem và hóng mát ở Bến Bạch Đằng. Lần sau cùng ông gặp Cẩm Nhung như sau:
“Lần chót tôi gặp lại người phụ nữ ấy, Mai Thảo dừng xe có phần gấp gáp, không có nét bay bướm nào. Anh đang phóng nhanh bỗng thắng lại, tấp xe vào lề, đậu xe bên phía tay mặt đường Pasteur. Mai Thảo ra khỏi xe không một lời giải thích. Tôi không hỏi, xuống theo ngay, linh cảm có chuyện gì khác lạ. Chúng tôi băng qua con lộ xe chạy một chiều vun vút. Mai Thảo dừng lại trước một người hành khất, một người phụ nữ, móc trong túi ra một nắm giấy bạc, anh chuyển sang tay kia, để tìm kiếm thêm. Tôi không nhận ra người hành khất là ai, chỉ thấy mặt loang lổ những vết cháy nổi lên, những mảng thịt nửa đỏ nửa tím sậm, dị dạng, hai mắt vết cháy càng rõ, lòng trắng và lòng đen bị hủy hoại lổn nhổn.
Bạn tôi bỏ nắm tiền vào chậu bằng nhôm, những tờ giấy chạm vào tay người đàn bà hành khất, dường như nàng biết ngay người cho tiền là ai, ai có thể cho nàng nhiều tờ giấy bạc như thế. Nàng ngẩng mặt lên gọi “anh”, Mai Thảo vỗ nhẹ vào bàn tay nàng, có tiếng nói an ủi bằng xúc giác, không có âm thanh nào được phát lên.
Tôi muốn nói lên tên người đàn bà hành khất. Tôi chưa kịp nói thì Mai Thảo kéo tôi băng qua đường. Tôi ngồi vào trong xe, nói lên ngay tên nàng. Mai Thảo gật đầu. Cẩm Nhung. Tên người vũ nữ thường thay quần áo sau tấm bình phong, mỗi lần Mai Thảo và tôi đến đón nàng đi làm, hay đi ăn, đi ra Pointe des Blagueurs (Bến Bạch Đằng) hóng mát. Cẩm Nhung bị tạt axit trong một trận đòn ghen có sức mạnh của tiền hô hậu ủng, có sự tàn bạo mới của thế kỷ khoa học.Tôi nhìn bạn tôi ngậm ngùi:
– Cẩm Nhung!
Mai Thảo nhìn về phía trước mặt, như nói một mình, rất khẽ:
– Nhung đấy!” (Nguyên Sa)
Cẩm Nhung qua đời
Sau nhiều năm bôn ba khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bà ẩn mình sống trong cô đơn, những năm cuối đời ở vùng đất thuộc chùa Tam Bảo, Hà Tiên. Một “đồng nghiệp” bán vé số thuật lại như sau: “Bà dáng người cao ráo, gương mặt đầy những vết sẹo lồi lõm. Đôi mắt mù, có một bên lồi ra. Lúc mới đến, bà dắt theo một bé trai, nhưng vài năm sau thì không thấy nó nữa. Bà sống khép kín. Đơn độc. Có một lần nói chuyện với bà, nghe giọng nói lơ lớ, tôi biết bà ở miền Bắc.
Sống một mình. Ban ngày đến trước cổng chùa bán vé số. Ở đó, nhiều người đi lễ Phật, động lòng trắc ẩn, giàu lòng nhân ái, mua nhiều vé số để giúp những người già mù lòa, bạc phận.
Một hôm, vào đầu năm 2013, nhiều ngày không thấy bà ra bán vé số, mọi người vào phòng thì thấy bà đã chết tự bao giờ. Những người đồng cảnh ngộ, quyên góp mua một chiếc áo quan rẻ tiền để tẩn liệm. Trong mớ hành lý của bà, có một tấm hình khổ lớn đã cũ, có nhiều chỗ bong tróc. Trong hình, một thiếu nữ đôi mươi, rất đẹp, bên cạnh người đàn ông đẹp trai, dáng người lịch lãm. Đã hơn 50 năm qua, không ngờ người thiếu nữ tuyệt đẹp trong hình, bây giờ lại ở bên cạnh những người nghèo khổ như chúng tôi. Và khi từ giã cõi đời cũng chính chúng tôi tiễn bà đi. Bà ra đi, tài sản không có gì. Không một người thân tiễn bà, chỉ có những mảnh đời bất hạnh, vất vưởng như chúng tôi, đưa bà về chín suối”. Bà 73 tuổi.
T.G
Fb Le Van Quy