“Red Bull” của Việt Nam.
Năm 2019, đại gia Việt, Trần quý Thanh được xem là siêu giàu, có thể chỉ đứng thứ 2 trong top tỷ phú giàu nhất Việt Nam.
Theo Bloomberg, ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP) Trần Quý Thanh lúc ấy cho biết ông đang tìm kiếm một đối tác chiến lược để có thể đầu tư 3 tỷ USD, giúp Tân Hiệp Phát trở thành một “Red Bull” tiếp theo trong khu vực. Đối tác mới bên cạnh việc phải chịu chi còn cần có “bí quyết trong ngành” hoặc hệ thống phân phối, chứ không chỉ là một nhà đầu tư cổ phần.
Khi đó, Tân Hiệp Phát kỳ vọng sẽ tăng doanh thu gấp đôi, lên 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới và giá trị của doanh nghiệp có thể đạt 5 tỷ USD. Kế hoạch mới của THP diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đã rót 500 triệu USD cho 3 nhà máy, và dự kiến sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD nữa cho giai đoạn tiếp theo.
Trước đó, theo Forbes vào năm 2012, Tân Hiệp Phát đã từ chối đề nghị hợp tác với giá trị đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD từ Coca-Cola của Mỹ với lý do là hai bên có tầm nhìn khác nhau. Nếu chấp nhận thương vụ M&A lịch sử đó, ông Trần Quý Thanh có lẽ đã lọt danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes từ trước cả tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng.
Đầu tư vào Truyền Thông thua lỗ nặng
Tân Hiệp Phát sau đó nổi lên với gương mặt ái nữ của ông Thanh – bà Trần Uyên Phương. Tuy nhiên, ái nữ nhà đại gia số 1 ngành nước giải khát Việt Nam thua đau trong thương vụ đầu tư vào một doanh nghiệp từng được kỳ vọng là kỳ lân của ngành truyền thông. Quyết định rút dần khỏi Yeah1 gây ra thua lỗ lớn.Vào cuối năm 2021, theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, bà Trần Uyên Phương liên tục bán ra cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 do ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống làm Chủ tịch.Mức giá không được công bố nhưng trong khoảng thời gian đó, cổ phiếu YEG dao động quanh mức 15.000-16.000 đồng/cp. Nếu giao dịch ở mức giá nay, ái nữ nhà Tân Hiệp Phát thua lỗ lớn bởi trước đó, bà Phương từng phải chi 50.000 đồng/cp để trở thành cổ đông lớn của Yeah1.Cổ phiếu Yeah1 giảm mạnh kể từ khi lên sàn hồi giữa 2018 với mức giá 300.000 đồng/cp, tương đương vốn hóa của doanh nghiệp trên 9.000 tỷ đồng. Sau đó, Yeah1 xuống chỉ còn 15.500 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa thị trường chỉ khoảng 500 tỷ đồng. Đến thời điểm hôm nay ngày 10-4-2023, giá của YEG là 10.200 đồng/cp.
Đầu tư vào Bất Động Sản
Theo chia sẻ của ông Thanh lúc bấy giờ, Tân Hiệp Phát sẽ dùng khoảng vài nghìn tỷ đồng để đầu tư cho lĩnh vực này. Tùy vào dự án mà công ty có thể đầu tư vốn, đóng vai trò là nhà phát triển dự án hoặc hợp tác đầu tư, quan trọng là có cơ hội. Tập đoàn sẽ không ưu tiên một phân khúc nào cả, chỉ cần có cơ hội mang lại lợi nhuận thì sẽ tham gia.
Năm 2019, gia đình ông Thanh gây bất ngờ khi thành lập cùng lúc một loạt công ty bất động sản với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến cả chục nghìn tỷ. Gia đình doanh nhân này cũng được cho là đã âm thầm mua nhiều khu đất có vị trí đắc địa.
Ngày 9/3/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Công ty Kim Oanh Đồng Nai và Công ty Thuận Lợi là bị hại.
Đây là vụ án liên quan đến Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích – con gái ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Sau giai đoạn đó, truyền thông ghi nhận Tân Hiệp Phát đã thành lập nhiều doanh nghiệp với số vốn điều lệ khoảng 20.000 tỷ đồng để tham gia vào mảng địa ốc. Quỹ đất tập đoàn được ghi nhận ở một số tỉnh, thành phố lớn như Đà Nẵng, TPHCM, Vũng Tàu.
Một số cuộc đấu giá có mặt Tân Hiệp Phát và những rà soát phía sau
Năm 2019-2020, Tân Hiệp Phát và các lãnh đạo tập đoàn đã thực hiện đấu giá và trúng đấu giá nhiều lô đất tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tháng 12/2019, Tập đoàn Tân Hiệp Phát trúng đấu giá quyền sử dụng khu đất gần 8ha tại khu An Hải, An Hội, huyện Côn Đảo với giá đấu 537,33 tỷ đồng (giá khởi điểm 537,1 tỷ đồng).
Năm 2020, ông Trần Quí Thanh trúng đấu giá một khu đất gần 2ha ở phường 10, ngay trung tâm TP Vũng Tàu với giá đấu 394 tỷ đồng, cao hơn khởi điểm gần 140 tỷ đồng. Bà Trần Ngọc Bích cũng trúng đấu giá 2 khu đất gần 3ha ở huyện Côn Đảo và huyện Đất Đỏ vào tháng 2 và tháng 3/2020.
Trong đó, khu đất thứ nhất bà Bích trúng đấu giá có diện tích 9.994,8m2 tại đường Bến Đầm, huyện Côn Đảo. Đất này là đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, tức đất thương mại dịch vụ. Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thông qua hình thức bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Thời hạn cho thuê đất là 50 năm, kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Theo quy hoạch xây dựng, khu đất này được quy hoạch là công trình du lịch nghỉ dưỡng và dịch vụ du lịch; mật độ xây dựng 25%; tầng cao công trình là 3 tầng, chiều cao tối đa 14m. Bà Bích trúng đấu giá khu đất với giá 80,1 tỷ đồng.
Khu đất thứ hai có diện tích 20.040,1m2 tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ được công nhận trúng đấu giá tháng 3/2020, là đất thương mại – dịch vụ, Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê bằng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Thời hạn cho thuê đất là 50 năm, kể từ ngày UBND tỉnh ra quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Khu đất dự kiến xây dựng khu du lịch, nhà nghỉ theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được phê duyệt. Giá trúng đấu giá 170 tỷ đồng.
Tháng 10/2021, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết nhận được văn bản của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan 2 khu đất đấu giá tại huyện Côn Đảo và huyện Đất Đỏ (do bà Bích trúng đấu giá). Tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng Sở Tài chính, UBND huyện Đất Đỏ và UBND huyện Côn Đảo rà soát, cung cấp tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra.
Phan Sinh Trần