Sự khác biệt giữa hai miền Nam-Bắc là lòng tử tế
Tác giả : Nguyễn Văn Lục
“Bản chất của chế độ ngụy là xấu vậy mà không hiểu sao nó lại đào tạo con người giỏi thế. Ai cũng lịch sự. Cứ mở miệng ra là cám ơn với xin lỗi. Ngồi ở trong nhà, có ai đi ngoài đường chõ miệng hỏi cái gì mà mình trả lời xong, cắp đít đi thẳng, không thèm cám ơn một tiếng, thì không cần nhìn, mình cũng biết ngay đó là dân Bắc Kỳ” (Nhận xét của nhà phê bình văn học Hoài Thanh, sau 1975, Hoài Thanh và vợ dọn vào Sài gòn ở theo lời kể lại của nhà phê bình Vương Trí Nhàn) |
Phần Một – Miền Bắc: biểu tượng của hận thù
Miền Bắc, sau 1954, được gọi là Bức màn tre do những hoàn cảnh xã hội, chính trị khắc nghiệt, khép kín. Kinh tế sau 1975 kiệt quệ vì nhiều lý do chủ quan và khách quan. Sau này phải nêu khẩu hiệu xóa đói, giảm nghèo. Chính những nhà lãnh đạo miền Bắc cũng không ai nhìn nhận những lỗi lầm tầy trời này: Dân chúng trong Nam vốn dư ăn, dư mặc nay phải ăn bo bo, khoai mì như tầng lớp dân chúng miền Bắc. Do thông tin một chiều, họ che đậy, dấu kín riết rồi họ không hiểu chính họ, hoặc hiểu mà không chịu hiểu thì làm thế nào họ hiểu nếp sống, con người miền Nam được.
Học giả Nguyễn Mạnh Tường viết: “Aucune sentence n’est prononcée. Les communistes ont le gout de la clandestinité. Toutes les décisions sont prises et appliquées dans un silence de mort. » (Không có bản án nào được công bố. Cộng sản có sở thích lén lút. Tất cả các quyết định được đưa ra và thực hiện trong im lặng chết chóc.) (Nguyễn Mạnh Tường. Un Ex-Communié. Hà Nội 1954-1991. Procès d;un intellectuel, trang 229)
Sự tử tế của miền Bắc hầu như không thể có theo như nhận xét của của nhà phê bình kỳ cựu Hoài Thanh.
Hơn ai hết, ông HT đã hiểu rõ chân tướng của dân miền Bắc cũng như chính quyền ấy. Chính quyền cộng sản chủ trương phân biệt Bạn-Thù dứt khoát, chính tà phải phân minh vì chủ nghĩa Marx- Lénine là chân lý sáng ngời, tuyệt đối. Thù thì phải bôi đen, triệt tiêu và chỉ đáng được được gọi là Thằng.Đó là một nửa đất nước đã bị nhồi sọ, bị đầu độc từ trên xuống dưới trở thành quán tính.Tỉ như bác sĩ nhi khoa Nguyễn Khắc Viện, người đã để nửa đời người sống bên Pháp, một trí thức hàng đầu hiểu rõ văn hóa, hiểu rõ thế nào là tự do dân chủ của nước Pháp.
Vậy mà khi viết một bài so sánh Cách Mạng và dân Sàigòn đăng trên báo Nhân Dân đã ví von Cách mạng là Sen, dân Sàigòn chỉ là Bùn và ông NKV đã bị phản ứng dữ dội từ giới trí thức Sàigon. Nguyễn Trọng Văn lên tiếng trên báo Nhân Dân, nhưng bài của NTV dĩ nhiên đã không được báo Nhân Dân đăng..Điều đó trước tiên bày tỏ một lập trường rõ rệt giữa Bạn-Thù và hàm ý sự khinh miệt. Cách mạng tốt đẹp quá, thơm tho quá!! Cách mạng là SEN. Dân Sài gòn chỉ là bọn rác rưởi thối tha là đĩ hoặc điếm. Vì thế Dân Sài gòn chỉ là Bùn.Thật ra chính nhờ có Bùn mới có sen. Chính nhờ Bùn nuôi dưỡng, tạo ra hương thơm tinh khiết cho Sen. Không có Bùn làm sao Sen nở hoa. Chỉ nhắc nhở ông có bài thơ:
Trong đầm gì đẹp bằng sen.
Lá xanh bông trắng lại xen nhị vàng.
Nhị vàng bông trắng lá sen.
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn..
Nhưng đối với cá nhân ông bác sĩ, điều quan trọng là: Chế diễu như thế là đi đúng đường lối của chế độ.Tỉ như Đào Duy Anh, sau 1975, một học giả ăn mòn bát đĩa cộng sản, hiểu cộng sản từ chân tơ kẽ tóc, hiểu những mánh khóe tiểu xảo. Vậy mà khi vào miền Nam gặp các trí thức trong Nam, ông theo thói quen quán tính vẫn gọi xách mé: thằng Diệm. Nhiều người lảng tránh ông. Đào Duy Anh là tác giả tập ký: Nhớ nghĩ chiều hôm. Cuốn tập ký lược thuật các công trình biên khảo của ông viết trong nhiều năm. Trần Huy Liệu khuyên ông: muốn sống, muốn tồn tại thì liệu viết mà lách nữa. Ở đây, quả thực ông đã thuộc bài do trần Huy Liệu chỉ dẫn. Tội cho tiếng tăm một học giả. Viết mà sợ, viết mà phải lách vì sợ bị liệt vị, bị thổi còi !!!
Có thể đây chỉ là một sự lỡ miệng, theo thói quen. Như một Lapsus linguae. Nhưng nó cũng chỉ ra rằng gọi thằng Diệm là đúng đường lối.Cũng chả trách được họ. Ông Hồ, theo ông Nguyễn Minh Cần (1928-2016) kể lại trong những buổi họp đảng, có những đồng chi tuổi 80 vẫn bị gọi là các chú theo cái cách cá mè một lứa.Nghĩ lại, tôi vẫn thấy tiếc nuối cho thời kỳ vàng son nhân hậu của cha ông để lại như thời của vua Lý Thánh Tông, thời trước thuộc địa. Nhà tù không phải là công cụ để trừng phạt. Do chịu ảnh hưởng của Nho giáo, lấy cái tâm, cái đức làm đầu. Nhà vua có lòng thương người chỉ thị cho triều thần phải phát mền, chiếu và gạo cho tù nhân vào năm 1055:“Sống trong cung điện có lồng ấp than sưởi và mặc nhiều áo ấm, mà trẫm còn thấy lạnh. Trẫm hiểu nỗi khổ của người tù bị gông cùm, không đủ cơm ăn, không đủ áo mặc ấm để che thân thể, nhiều tù nhân chết một cách oan uổng trước khi bị luận tội. Trẫm thương cho họ.” (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập I. Hà Nội 1972, trg 284)
Phải nhìn nhận với nhau rằng: thật không dễ để làm người tử tế. Còn khó hơn làm người anh hùng. Bởi vì làm người anh hừng chỉ là việc của một thời. Còn làm người tử tế là việc của cả một đời. Đất nước chúng ta do thời chiến tranh 1946-1954 và nhất là 1955-1975 đã tự đánh mất đi cái lòng thương người, mất đi cái lòng tử tế .
Ngoài cuộc chiến quân sự bạo tàn mà mạng người như cỏ rác, còn có cuộc chiến tuyên truyền ra rả mỗi ngày, đề cao cuộc chiến giải phóng, cứu nước thần thánh. Nhiều nhà lãnh đạo miền Bắc còn để lại các hồi ức như:Trần Cung, Bùi Công Trừng, Hà Phú Hải, Văn Tiến Dũng, Xuân Thủy. Họ từng nếm trải cơm tù như Đỗ Mười 5 năm tù Hỏa Lò, sau trốn thoát được vào năm 1945. Nguyễn Văn Linh, hai lần ở Côn Đảo 1930-1935 rồi 1940-1945 và nhất là Hồ Chí Minh với “Nhật Ký trong tù “. Những bài học cay đắng trong tù, được tích lũy thành một mối Nuôi Thù. Nuôi Thù ấy đổ lên đầu nhân dân miền Nam vốn hiền lành và vô tư sau 1975.
Trong các hồi ký đó, sự thật là bao nhiêu? Pha chế thêm mắm muối bao nhiêu? Nào ai biết được. Chỉ người trong cuộc mới biết được.Ngoài ra, còn những người tù không thuộc phe cộng sản đáng kính nể đòi đời ghi ơn như Nguyễn Thái Học với Đời trong ngục, 1935 tiếp theo là những nhân sĩ như Hồ Hữu Tường, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế. Những người tù này được xã hội kính nể nhất trong xã hội Đông Dương. Ngô Đức Kế được tôn xưng là chí sĩ Ngô Đức Kế. Phan Chu Trinh được chính ông Trùm thuộc địa Marius Moutet kính nể. Huỳnh Thúc Kháng được một người thợ may biếu ttặng cụ một bộ đồ không tính tiền.(Đọc thêm: The Colonial Bastille. A history of Imprisonment in Viet Nam 1862- 1940)
Về phía những người lãnh đạo cộng sản sau này như Đỗ Mười, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Linh, Văn Tiến Dũng đều là những người nếm trải cơm tù. Chứng chỉ đi tù trở thành tấm thẻ bài đi vào cửa chính.Sau này, vẫn thái độ hận thù, miền Bắc vẫn tiếp tục ra rả luận điệu tuyên truyền với những khẩu hiệu: gọi là Mỹ-Ngụy- Mỹ xâm lược- thực Dân kiểu mới. Giải phóng miền Nam..Họ chỉ quên một điều là sau lưng họ còn có Nga, có Tàu. Ai kéo xe tăng, đại pháo vào miền Nam. Thế thì Ai xâm lược ai. Ai giải phóng ai? Miền Nam có cần ai giải phóng? Ai Ngụy hơn ai?
Vì thế, có lần ông Lê Đức Thọ và ông Xuân Thủy gặp phái đoàn miền Nam- đại diện là nhóm phản chiến, lực lượng thứ ba- được ra thăm miền Bắc, ở khách sạn Thắng Lợi. Ông Thọ nói rằng tiếng Ngụy cần bỏ đi. Ông Xuân Thủy phụ họa: Bây giờ mà còn dùng chữ Ngụy là mất dấu nặng. Là Nguy.Và xin trích dẫn văn bản chính thức của Cục báo chí xuất bản, số 06BCXB.
Kính gửi: Các cơ quan Thông Tấn Xã, Đài Phát Thanh, Đài Truyền Hình,các Báo chí Miền, Thành phố và các Tỉnh.Chấp hành ý kiến của lãnh đạo, chúng tôi xin thông báo các đồng chí được rõ:Kể từ nay, các bài viết đăng trên báo và phát trên đài, ta nên thống nhất dùng chữ: Những người trong quân đội và chính quyền cũ thay cho chữ: Ngụy quân và ngụy quân Sài gòn đã dùng trước đây.Mong các đồng chí chú ý thực hiện đúng.Này 17 tháng hai năm 1976. TM Ban lãnh đạo Cục Báo chí Xuất bản. (Ký tên và đóng dấu)T.T.T |
(trích dẫn hồi ký của Hồ Ngọc Nhuận Đời hay Chuyện về những người tù của tôi, trg 52-53-.Ông vừa mới qua đời 1935-2022)
Tưởng rằng từ nay tiếng Ngụy đã đi vào dĩ vãng. Gần nửa thế kỷ, nó vẫn còn văng vẳng đâu đây.Nhà văn Dương Thu Hương (1947…)Một hình tượng phản diện của miền Bắc
Nhà văn Dương Thu Hương vốn là một đoàn viên Thanh niên xung phong của một thời oanh liệt về “một cuộc chiến khác mà hầu hết chúng ta không biết đến”. Họ trực diện với cuộc chiến và nỗi đau. Họ là những cô gái không được biết đến- họ có mặt mà như thể không có mặt-. Họ bị lãng quên trong cuộc chiến mà chủ yếu chỉ là quân đội. Họ thực ra là quân chủ lực của Đường mòn Hồ Chí Minh, với với hơn 52.000 người- hầu hết là phụ nữ gia nhập.
Cô Huỳnh Thị Tiếp nhớ lại:“ Da nổi ghẻ, tóc trên đầu nhiều cháy rận, các bộ phận kín trong người ngứa ngáy phát điên. Vấn đề vệ sinh vùng kín của phụ nữ ít được đề cập tới. Tình trạng vệ sinh kinh nguyệt thiếu thuốc men, thiếu băng vệ sinh, đồng phục để thay và ít có điều kiện tắm rửa.
(Trích tóm lược Francois Guillemot. « Trực diện với cái chết và nỗi đau. Vấn đề TNXP trong chiến tranh Việt Nam 1950-1975 ». Bản dịch Phương Hòa trên Talawas của Phạm Thị Hoài)
Phần DTH. chua chát về mối gắn bó giữa loài bọ và chiến tranh.: Tôi nằm xuống ván, gối đầu lên tay, đăm đăm nhìn kèo hầm. Dọc theo kẽ nứt của cây kèo, một đàn rệp béo mọng xếp hàng nằm nghỉ. Lũ rệp thời chiến là những ông hoàng, bà chúa. Chúng được tự do và luôn luôn no đủ. Người ta hiến máu cho chúng một cách vui vẻ so với lệ phí của bom đạn thì đó chỉ là những khoản thuế còm.(Dương Thu Hương, tiểu thuyết Vô Đề, trg 64)
Xông ra mặt trận từ tuổi 20-tuổi của ăn học, mơ mộng và tình yêu trai gái-. Bà là một chân dung tiêu biểu nhất của cuộc chiến thảm khốc này. Bà đã vẽ lại một một cảnh tượng hầu như phi thực về một cái chết bi thảm của 6 cô gái trong rừng mà mùi hôi thối giậy lên nồng nặc như thể dẫn đường cho những người sống đến tìm. ‘Chúng tôi hướng vào góc rừng đã tỏa ra mùi thối khủng khiếp mà đi. Tới Vực cô hồn, gặp 6 cái xác truồng..Xác đàn bà. Vú và cửa mình bị xẻo, ném vung vãi khắp đám cỏ xanh. Nhờ những tấm khăn dù, nhờ những chiếc cổ áo sơ mi kiểu lá sen tròn và hai ve nhọn mà chúng tôi nhận ra đấy là những con gái miền Bắc. Có lẽ họ thuộc một binh trạm hoặc một đơn vị TNXP cơ động nào bị lạc. Cũng có thể họ đi kiếm măng hoặc rau rừng như chúng tôi rồi vấp bọn thám báo.’
(DTH. Tiểu thuyết Vô Đề, trg 8)
DTH vì thế còn là một biểu tượng cực đoan cùng cực, một ngòi bút dữ dằn như những lát gươm chém và hư cấu hiện thực vô bờ ngoài cả sức tưởng tượng. Bà là biểu tượng cho sự kinh tởm đến tuyệt đối về cuộc chiến. Sự lừa phỉnh của chiến tranh và sự che dấu một cách bài bản những điều cấm kỵ của những năm 90 của cấp lãnh đạo miền Bắc.
Bà đã bóc trần ra một cách trần truồng tình cảnh các chị em trong TNXP. Bà đã phơi bày việc xâm hại tình dục cũng như tàn phế do chiến tranh để lại và về những chấn thương tâm thần và thể xác cho lớp TNXP như bà.Theo bà, họ phát điên loạn lên. “Mấy cậu (chỉ mấy cô TNXP. NVL) sốt rét ác tính, điên rồ, cởi hết áo quần ra mà nhảy múa, la hét.”(DTH. Tiểu thuyết Vô Đề, trg 100)
Đó là những Hội chứng do chiến tranh vì nỗi nhớ nhà, từ đời sống bình thường yên hàn sang chiến tranh, từ lý tưởng cao vời đến thực tế khô trồi, từ những lo ngại hiểm nguy chết tróc rình rập, từ những mất mát và tuyệt vọng trở thành Nỗi điên tập thể. Về bệnh hay cười.Cộng thêm những ham muốn tình dục, những đòi hỏi khát vọng thỏa mãn và những cuộc tình vụng trộm bị cấm đoán cũng là là một phần của cuộc chiến này mà không ai lường trước được.
Đó là một cuộc sống như một bi kịch phi thực ngoài sức tưởng tượng của con người. Phần tôi có thể chỉ là người miền Nam, có thể đứng bên lề cuộc chiến tàn bạo và phi nhân ấy đành chỉ biết thầm lặng: Thì hãy mời bạn đọc miền Nam người tự mình cầm lấy và đọc: Tolle et Lege.Góc nhìn của David Lamb: « Nữ cán binh thời chiến, nỗi đau thời bình »
Ngoài cuộc chiến của TNXP do Francois Guillemont viết. Chiến tranh phi nhân ấy còn được mô tả dưới góc nhìn khác của David Lamb.Thay vì nói về những tàn khốc của cuộc chiến. Ông nói về: Nỗi đau thời bình.
Có thể nói không một nước nào- trừ Liên Xô- trên thế giới này xô đẩy ra chiến trường những đội binh nữ trẻ, tuổi mộng mơ vào một địa ngục trần gian chỉ để chu toàn một giấc mơ hão huyền của tuổi trẻ.Nhưng vấn đề quan trọng không hẳn là trong cuộc chiến mà là sau cuộc chiến khi hòa bình trở lại. Số phận những cô gái này ra sao. Hãy nghe một số nhân chứng sống sót trở về qua tâm sự của họ.
Lời bà Vũ Hoài Thư, một trong số 500 phụ nữ trong đoàn chiến binh 559, quê ở Ninh Bình, cách 60 dặm ở phía Nam Hà Nội. Người đã chiến đấu trong cái mà người cộng sản Việt Nam gọi là Cuộc Chiến Chống Mỹ. Bà than và tâm sự: ‘Ôi, rừng sâu đã làm tôi già đi biết bao nhiêu. Cuối cùng, tôi đã gặp một người con trai dễ thương. Anh ấy đã hỏi cưới tôi, nhưng cha mẹ anh không cho. Anh đã không muốn rời bỏ tôi, nhưng tôi đã thuyết phục anh là anh phải bỏ. Tôi đã quá yếu vì sốt rét và thiếu ăn. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ để sinh con đẻ cái cho anh ấy’.
Họ nói về chuyện trở về nhà với đời sống còn khó khăn hơn là đời sống mà họ đã rời bỏ. Họ cay đắng dai dẳng trong suốt bao nhiêu năm đã là những chiến sĩ bị bỏ quên trong một cuộc chiến tranh mà những người đàn ông chiến đấu- chứ không phải phụ nữ- đã trở thành anh hùng.
Theo lời bà Nguyễn thị Bình: ‘Tôi đã tưởng cuộc đời tôi sau chiến tranh sẽ giản dị và hạnh phúc, cân được 85 pounds khi trở về nhà. Nhưng tôi đã để cho người bạn trai tôi ra đi. Tôi đã nói với anh ấy rằng với những chứng bệnh của tôi, với một chân bị thương của tôi, tôi sẽ là một gánh nặng cho anh ấy.
Bà Bình đã sống một mình suốt 17 năm, một hình thức lưu vong trong một xã hội còn nặng thành kiến về phụ nữ trong gia đình, nhất là về hôn nhân. Thế rồi, do sự thúc dục của những cựu đồng chí trong đoàn phụ nữ- đoàn 559-, bà Bình đã lấy một người chồng qua đêm và sinh được một đứa con gái. Bà và đứa con tên Lan, hiện 10 tuổi, sống với nhau trên một cánh đồng lúa nhỏ do bà canh tác.
Trong số những phụ nữ của Đoàn 559, họ là 50 người đã trở về như những người tàn tật và 40 người đã không trở về. Trong một buổi họp ở Ninh Bình, người chỉ huy của đoàn là Trần thị Bình đã cùng nửa tá người mặc những đồng phục cũ tại một tiệm ăn nhỏ. Và khi bữa ăn được dọn ra, bà Bình đã chia xẻ với các bạn một bài thơ do bà sang tác: ‘Thời con gái’. Bà vừa ngâm và vừa nhắm mắt lại:
Tôi muốn đốt một nén hương
Cho những người con gái xấu số
Vẫn đợi chờ
Chúng tôi những cô gái Trường Sơn,
Tóc đã hoa râm và lòng tràn đầy kỷ niệm,
Tưởng nhớ những người bạn tình
Đã đi xa không bao giờ tìm được
Những phụ nữ khác tại bàn ngoảnh mặt đi. Một vài người úp mặt vào lòng bàn tay. Vài người lấy giấy thấm nước mắt.
Khi bà Bình chấm dứt, một sự im lặng bao trùm. Rồi có người lên tiếng: “Hãy làm cho ngày hôm nay là một ngày vui đi.”.Phúc âm của tội ác
Sau này, nhà văn DTH trong Tự Bạch cho rằng: sau chiến thắng, tác giả chỉ được một con búp bê về làm quà cho con, tác giả đau xót nhận ra rằng biết bao hy sinh mất mát để trả giá cho một vinh quang khải hoàn môn chỉ là ảo tưởng.
Nỗi đau xót ấy nêu bật lên nghi ngờ về mục tiêu của cuộc chiến mà bây giờ bà mới ngộ ra cũng như nhiều nhà văn nổi tiếng khác đã trở lại đạo làm người và cổ võ cho tinh thần xét lại như mội cải đạo. Sự nhìn lại ấy bây giờ trở thành sự cứu rỗi cuối cùng. Nó trở thành như Tấm áo giáp tinh thần lúc này giúp che chắn tâm hồn. Nay nó chính là Niềm Tin. Như trong các cuốn: Bên Kia Bờ Ảo Vọng(1987), cuốn Thiên Đường Mù. (1988), Chốn Vắng. (2002).
Những cuốn sách này như một nhân chứng tố cáo sự lừa đảo tuyên truyền bánh vẽ mà thật sự chỉ là ảo vọng. Hầu hết các tác phẩm của bà đều được dịch ra tiếng Pháp, hoặc tiếng Anh, vì chúng bị cấm ở trong nước.
Đây là những cuốn sách mở đường cho sự tố cáo sự tàn bạo và dối trá, lừa đảo của cuộc chiến. Bà tuyên bố thẳng thừng: Không thể xếp tôi đứng với hàng ngũ những người mà tôi khinh bỉ.
(trong Bách Khoa toàn thư Wikipedia)
Sự lăn xả nhập cuộc như lên đồng trong chiến tranh lúc ban đầu cũng như sự dứt khoát khước từ khi không còn chiến tranh của bà là một tấu khúc hoàn hảo của toàn thể xã hội miền Bắc.
Biện chứng vào và ra là thái độ của nhiều đảng viên kỳ cựu khác- ước mơ-lầm lỡ và bội phản- như tướng Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nhật ký Tô Hải « Hồi ký một thằng hèn » nhất là nhà văn Trần Đĩnh với cuốn Đèn Cù.
Họ đã lột xác trong đau đớn, bị khinh bỉ, tủi nhục và nỗi cô đơn.Tóm một lời: Khi biết được mình đã lầm lỡ thì tóc trên đầu đã bạc phơ!!B. Phần Hai về miền Nam với lòng tử tế.* Lòng tử tế qua các bài học vỡ lòng: Sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư
SáchQuốc Văn Giáo Khoa Thư xuất bản từ năm 1935 do Nha Học Chính Đông Pháp. Soạn giả là các ông Trần Trọng Kim và các ông Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Soạn… Nó gồm 4 cuốn: một cuốn cho lớp đồng ấu tương đương lớp một. Một cuốn cho lớp dự bị tương đương lớp hai. Cuốn Sơ Đẳng tương đương lớp 3. Và cuốn Luân lý Giáo khoa thư nói chung.. Nó thâu tóm toàn bộ các bổn phận làm Người tử tế.
Nó bắt rễ sâu trong tâm thức người Việt Nam trong cách ứng xử với cha mẹ tổ tiên, với Trời đất, với thày dậy,với chính bản thân mình, với họ hàng, bạn bè, với kẻ ăn người ở, dĩ chí cả với súc vật. Nó như một gia tài đồ sộ, một thứ Văn Hóa Phi Vật Thể (Văn hóa phi vật thể là những giá trị tinh thần như Ca dao, Tục ngữc- khác với Văn hóa vật thể như Đền đài, lăng tẩm. NVL).
Văn hóa phi vật thể dành cho mọi người- không trừ- từ ngoài Bắc trước 54 và tồn tại trong Nam từ 1954-1975. Lớp trẻ tiểu học coi như những bài học vỡ lòng như hành trang chuẩn bị vào đời. Đây là những bài học giản dị, dễ hiểu, mỗi bài đều tóm tắt bằng một câu ngắn ngọn, khắc in vào đầu mà nay chính bản thân tôi còn nhớ được như:- Với Trời-Đất: Lạy Trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống. Lấy ruộng tôi cày. Lấy đày bát cơm. Lấy rơm đun bếp…– Với Cha-Mẹ: Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con…– Với Con Trâu và Người đi cày: Trâu ơi ta bảo trâu nay. Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta..– Nó còn vô số các bài học thực tiễn khác như:- Thờ cúng tổ tiên.- Anh em như thể tay chân.- Xuân đi học coi người hớn hở.- Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.- Lá rành đùm lá rách.- Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.- Thấy người hoạn nạn thì thương.- Không tham của người.- Có học phải có hạnh.- Chớ nên nói xấu người.- Không nên hành hạ súc vật.- Học trò đối với Thày. Nhất là câu chuyện ông Carnot về thăm thày cũ dễ thương và cảm động: “ Thưa thày, con là Carnot đây.. thày còn nhớ con không?Nó được coi như cuốn cẩm nang hành trang cho tuổi trẻ vào đời.
Trong Hương rừng Cà Mâu của nhà văn Sơn Nam, xb năm 1962, có truyện ngắn: “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư” cho thấy dấu ấn tình tự con người bàng bạc trong thơ văn, trong nếp sống dân giã..của con người Đồng bằng sông Cửu Long, nơi còn được gọi là Văn minh miệt vườn.Sau này, ở miền Nam QCGKT được đổi ra thành môn Công Dân Giáo Dục thời VNCH.Nơi đây, tôi muốn bày tỏ riêng niềm tri ân đối với miền Nam mà tiêu biểu là các thày cô giáo bậc tiểu học đã cấy vào tâm hồn trẻ thơ của cả một lớp người trẻ trong tinh thần Giáo Khoa Thư và Luân lý Giáo khoa Thư. Không có họ, không có QVGKT mà cũng chẳng có lòng tử tế.
Miền Bắc ngay từ 1935 đến 1954 cũng được thừa hưởng gia tài của QVGKT như miền Nam qua người dân Hà Nội..
Rất tiếc, sau 1954, Sách QVGKT như nhiều tài liệu quy báu khác bị người cộng sản Hà Nội quăng vào sọt rác. Thay vì yêu cha, yêu mẹ, yêu tổ tiên ông bà. Thay vì yêu bạn bè, yêu súc vật thì nay thay thế bằng một hình tượng mới: Yêu Bác Hồ. Trẻ con đêm nằm mơ thay vì thấy Tiên thì nay thấy Bác Hồ. Mẫu người Người Tử Tế nay hiếm hoi mà thay bằng mẫu Người Anh Hùng đủ loại. Mẫu người anh hùng ở miền Bắc thì nhan nhản ngoài đường phố. Ra đầu ngõ là gặp.
Mẫu người Tử tế trong chính quyền miền Nam.
Miền nam có cái may mắn là được kế thừa lòng tử tế truyền lại. Vì thế, lãnh đạo chính quyền có các chính sách khoan hồng, hòa giải như chính sách binh vận, dân vận, nhất là Chiêu Hồi. Chính sách đó không hẳn là chính trị, nó vượt trên chính trị mà căn bản, nó dựa trên tình tự tình người như tình nghĩa đồng bào, tình nghĩa xóm làng, gia đình, họ hàng, bạn bè. Hiện tôi còn giữ trong tay tài liệu ghi rõ sự quan trọng của chính sách Chiêu Hồi thời đệ nhị Cộng Hòa:
Bộ Thông Tin và Chiêu Hồi.
Đánh nhau là truyện bất đắc dĩ. Chiêu Hồi mở đường cho sự gia nhập, hòa giải.Cho nên, các tình tự con người trong các chính sách đó được coi trọng hơn là lập trường chính trị nhất thời.Xin nêu ra một vài trường hợp được kể lại: Có lần nhà thơ Cung Trầm Tưởng nói với tướng Kỳ- một tướng võ biền đòi đem máy bay bỏ xuống miền Bắc- vào năm 1968 .Thanh Nghị vào khu. Cung Trầm Tưởng nói với tướng Kỳ cho phép anh đưa chị Tâm Vấn (vợ Thanh Nghị. Sau này bà Tâm Vấn lấy bác sĩ Nguyễn Đan Quế) vào ở cư xá Không quân TSN. Tướng Kỳ đồng ý và thỉnh thoảng hỏi thăm chị Tâm Vấn có khỏe không. Đó là tình người- người vượt ranh giới chính trị.
Trường hợp Thanh Lãng cùng với Nguyễn Văn Trung đi chiếc xe hơi từ Vũng Tàu về, bị lính Mỹ lấy đá chọi chơi bể kiếng xe. Ông đã gửi thư đến tòa Đại sứ Mỹ phản đối việc đó. Tòa Đại sứ đã viết thư xin lỗi và đề nghị tiền bồi thường. Người Mỹ biét tôn trọng dân chủ, biết tôn trọng luật pháp. Cứ giả dụ, thay vì lính Mỹ, đây là lính Tàu thì họ có bồi thường không?
Những người bạn cùng lớp với tôi thời sinh viên đại học Đà lạt như Dương Văn Ba, Nguyễn Trọng Văn đều theo bên kia hầu như công khai, nhưng vì tình bạn nên chúng tôi làm lơ, chả ai tố cáo gì. Mà có tố cáo thì còn có thủ tục pháp lý, có nhân chứng, có luật sư nữa. Rồi còn những nhóm thành phần thứ ba hàng vài chục người, thành phần phản chiến, hoạt động công khai như Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Lý Chánh Trung, Lý Quý Chung có sao đâu! Họ biết chắc một điều: Phản đối cứ phản đối. Họ không sợ đến an ninh của họ vì không có chuyện trả thù, không sợ công an chìm mò tới nhà bắt cóc mang đi.
Tôi nghĩ miền Nam thua miền Bắc vì cái tình người, cái lòng tử tế ấy.
Tôi hỏi và tự trả lời. Những hoạt động như thế có thể xảy ra ở Hà Nội hay không?Vì thế, nhiều người phía bên kia do chính sách Chiêu Hồi đã quay về với chính quyền miền Nam mà con số lên đến vài chục ngàn người.Tiêu biểu nhất có thể là nhà văn Xuân Vũ (ông là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, rồi được điều động vào miền Nam trên đường Trường Sơn. Rồi chấp nhận chính sách Chiêu Hồi.1930-2004) ông đã có trên 90 đầu sách bao gồm truyện ngắn, truyện dài, hồi ký.
Tôi đã từng đọc ông một cách hứng thú với lối viết không dài dòng, trung thực mà không tuyên truyền bịa đặt, xuyên tạc, cũng không phỉ báng ai, dù là chế độ miền Bắc mà ông đã từng đi tập kết. Cuốn Đường Đi không đến, tập hồi ký vượt Trường Sơn đã được trao giải thưởng văn chương toàn quốc, năm 1973.Hiện tôi cũng còn giữ một tập tài liệu photocopy khá đặc biệt nhan đề: “Bội phản hay chân chính”. Tác giả là cán bộ nằm vùng tên Dư Văn Chất bị mạng lưới tình báo của Đoàn Công Tác Đặc Biệt miền Trung Ngô Đình Cẩn giam giữ tại trại Lê Văn Duyệt, đường Tô Hiến Thành. Sau 1975, những người bị tù này được thả ra và chính quyền cộng sản không tin dùng, vì bị lê Đức Thọ coi là: Có vấn đề. Có người bị nghi ngờ vu khống, mất chức hoặc chết oan uổng sau 1975 chỉ vì câu nói của Lê Đức Thọ, trưởng ban tổ chức Trung Ương. Họ với họ từng là đồng chí, nay nghi ngờ nhau.
Người cộng sản lại sợ chính người cộng sản.
Ông Dư Văn Chất đã viết tập tài liệu này để biện minh cho việc họ vẫn trung thành với đảng. Ông viết: “Bằng tác phẩm này, tôi muốn nói với Đảng, với người thân và bạn bè, với người yêu và kẻ ghét, nói thay cho người đã chết và cho cả người còn sống.’ Tập ký 233 trang đề 19 tháng 8 và 2 tháng 9, 1992 và tháng 7, 1993. Đặc biệt nhờ ông Trần Quốc Hương (tức Mười Hương), có thời là UVTƯĐ, linh hồn của cục tình báo viết thư tay cho ‘Anh Hai Tân, phó bí thư Thành Ủy và anh Tư Sang, phó bí thư Đảng Ủy TP. HCM, yêu cầu cho xuất bản. Không được bị từ chối. Họ đành in phocopy 100 bản và đây là một trong những bản ấy”.Xin trích dẫn một phần tập tài liệu đề cập đến trại giam Lê Văn Duyệt của ông Ngô Đình Cẩn.Nhà tù không song sắt.
Dư văn Chất viết:” Ngủ có divan hoặc giường sắt hay ghế bố, mỗi người một cái,có mùng, có tấm đắp đàng hoàng. Có giờ, có giấc. Ăn uống cũng khá hơn chế độ thầu. Có câu lạc bộ, có phòng đọc sách, có sân banh giải trí, có bàn ping pong.‘Ăn cơm Tiều’, một danh từ được khai sinh trong trại Lê Văn Duyệt. Không biết bên chính quyền dự chi về ăn uống một người được bao nhiêu mà ở trại Lê Văn Duyệt thì chúng tôi được 5$50 tiền chợ mỗi trại viên hưởng một ngày. Đáng lý chúng tôi mỗi người ăn 5$50, nhưng chúng tôi khai cơm Tiều, nghĩa là một mâm 4 phần ăn. Chứng tôi ăn năm người.. Phần dư ra 5$50 thay nhau lãnh. Ăn sáng 1$ một người. Nếu nhịn thì một tháng cững được thêm 30$.Ở tù mà lãnh lương, ở tù mà cũng đi phép nghỉ. Có nhiều anh ở tù lâu, cuối tuần được nghỉ phép. Chiều thứ bảy về, sáng thứ haivô. Hoặc có anh về hằng đêm, 5 giờ 30 sau giờ làm việc ra cổng, sáng 7 giờ 30 về ở tù. Theo tôi, nhà tù trại giam Lê Văn Duyệt của ông Ngô Đình Cẩn là có một không hai trên thế giới. Đó là tù không song sắt. Nói ra thì không một ai tin. Nhưng sự thực là như vậy, do chính tù nhân trại giam viết lênNhững sự kiện như thế là một thực tế có thật, chỉ có thể xảy ra ở miền Nam mà không thể nào xảy ra ở miền Bắc.
Trong cuộc chiến Nam-Bắc, số tù binh cộng sản ở trong Nam hẳn là cần nhiều trại giam. Một phần chính quyền xử dụng những nhà tù có sẵn từ thời Pháp thuộc như Khám Lớn, nhất là tại Poulo-Condonré được coi như hỏa ngục của người sống. Rồi mỗi tỉnh thành trong Nam đều có nhà tù để giam giữ cán binh cộng sản. Vẫn không đủ sức chứa tù nên còn lập thêm các trại giam như trại Phú Lợi, trại Tân Hiệp. Riêng trại Tân Hiệp có lúc chứa đến 3000 người. Sự tàn nhẫn, đánh đập, hiếp đáp, ăn uống thiếu thốn- tôi thiển nghĩ- do lòng tham của ban Quản Đốc trại, thật khó mà tránh khỏi.Nhưng nếu so với các trại Tập Trung Cải Tạo sau 1975 thì chẳng thấm thía gì.
Tôi dám gọi các trại cải tạo ấy là một thứ tội ác chống lại con người. Ngụy quân, ngụy quyền bị nhồi sọ, tẩy não. Họ bị Giam không xét xử. Không thời hạn. Có người bị giam đến 17 năm tù” Đó là một thứ nghĩa địa chôn vùi cuộc sống của người tù. Tất cả là một sự tính toán tinh vi, tàn bạo để con người chết chậm, chết dần dần đến tàn tạ. Nhiều người khi được thả về chỉ còn là một tấm thân tàn phế như một phế vật.
Vì thế, tôi mới ngộ ra, các nhà văn miền Bắc có từ: Sống mòn. Gớm thay, tội ác của cộng sản. Người miền Nam khó có thể quên được.Lòng tử tế của miền Nam còn rộng mở đón nhận những tinh hoa từ miền Bắc.Điều này càng cho thấy đất Bắc không thực hiện được lòng tử tế, vì toàn bộ miền Bắc bao phủ cuộc chiến với hận thù với xác quân thù. Quân thù nào, là ai? Chúng ta cứ thử nghe bài quốc ca- còn được gọi là Tiến Quân Ca do Văn Cao sáng tác- được coi là là linh thiêng, là linh hồn của tổ quốc với nội dung rực lửa kể từ ngày 2 tháng chín năm 1945 đến nay đã hơn 70 năm!!:“ Đoàn quân Việt Nam đi . Chung lòng cứu quốcBước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước.Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca.Đường vinh quang xây xác quân thù.Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khuVì nhân dân chiến đấu không ngừngTiến mau ra xa trường. Tiến lên. Cùng tiến lênNước non Việt Nam ta vững bền.Bài hát xem ra không hợp thời nữa. Đáng nhẽ phải đổi.Bản thân người viết đón nhận những nhà văn miền Bắc trong tâm tình tử tế và kính trọng.
Những nhà thơ, những nhạc sĩ như gia tài chung của Việt Nam mà không chút nề hà. Những nhà văn lớp Nho học còn sót lại như Ngô Tất Tố. Ông từng đả kích những ông quan đầu sỏ như Hoàng Trọng Phu, Phạm Quỳnh: “Ấy thế mà ông chủ bút Nam Phong chỉ nhảy đánh vọt một cái lên làm được ghế Thượng Thư bộ giáo dục, bàng quan ai cũng phải ngạc nhiên. Người ta tưởng tượng như đứng trước một trò rất phi thường trong rạp xiếc.”(Phê bình Văn Học, Nguyễn Huy Tưởng, Ngô Tất Tố, Tô Hoài , trg 149). Ông viết Việc Làng, Lều Chõng. Nhưng Tắt Đèn là tác phẩm hiện thực xuất sắc nhất với hình ảnh chị Dậu.Tôi đã có dịp đọc tất cả trong sự say sưa và nể phục.
Rồi những nhà văn như Trần Tiêu (tác phẩm Con Trâu),ông là em ruội Khái Hưng . Rồi một lượt những nhà văn như Nguyễn Tuân với Chùa Đàn, Tóc chị Hoài, nhất là Vang bóng một thời mà theo Vũ Thư Hiên ông được coi như bậc thầy của ngôn ngữ: << Chữ nào ông dùng cũng đắt, khó thay bằng chữ khác>>. Rồi đến Tô Hoài, Nguyên Hồng.Tôi còn giữ Tuyển tập Nguyên Hồng, xb 1985. Đọc mà ngậm ngùi. Tô Hoài với Dế mèn phiêu lưu ký(1941), O chuột, xóm Mới, Nhà nghèo.Cũng phải kể đến thi sĩ Hồ Dzếnh với những bài thơ lục bát mượt mà. Nói chi đến Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Khái Hưng, Nhất Linh trong các giáo trình của các lớp trung học đệ nhị cấp của VNCH trước 1975. Lưu Trọng Lư còn đình đám hơn với bài Tiếng Thu , chỉ có 9 câu được phổ nhạc:
Em không nghe mùa thu.
Dưới trăng mờ thổn thức.
Em không nghe rạo rực.
Hình ảnh kẻ chinh phu.
Trong lòng người cô phụ
Nhạc có Văn Cao sánh vai cùng với Trịnh Công Sơn, Phạm Duy một thời. Nhưng số phận ông cũng hẩm hiu mặc dầu là người sáng tác ra bài Tiến quân ca.Nhưng trước hết và hơn cả là Nam Cao. Ông đã thênh thang vào ngưỡng cửa trường đại học văn khoa Sài gòn với truyện ngắn Chí Phèo.
Đến ngay những nhà văn nổi tiếng một thời như Mai Thảo, Doãn Quốc Sĩ, Võ Phiến của miền Nam cũng không có được cái vinh dự ấy.Trong khi số phận những nhân tài đất Bắc, số phận họ ra sao? Họ đều phải Tự kiểm duyệt, nơm nớp sợ bị thổi còi như Nguyễn Tuân, như học giả Đào Duy Anh, như Văn Cao và rất nhiều văn nghệ sĩ khác.. Văn học miền Bắc đã có cắm cột mốc: muốn làm gì thì làm, nhưng không được động đến chính trị. Tôi nghĩ đến một xứ chột bị bịt mắt, bịt mồm. Đời sống thì lao đao túng bấn như Văn Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài.Tờ Đất Nước, tháng giêng 1968 đã dành hẳn một số để kỷ niệm: 50 năm Cách Mạng tháng mười
Đi thêm một bước nữa, tiến xa hơn, trong Nam, giới trí thức, nhất là thành phần thứ ba, nói viết và phản kháng, đòi dân chủ, đòi chấm dứt chiến tranh mà không sợ nhà cầm quyền bắt giam. Người ta vẫn có thể biểu lộ quyền yêu hay ghét cộng sản. Nhưng bao lâu chỗ nào còn lầm than áp bức, bất công, chủ nghĩa Mác vẫn là một sự quyến rũ, một niềm hy vọng giải phóng !!!! Riêng đối với các dân tộc bị trị, cộng sản có phải là con đường độc nhất và cuối cùng để thực hiện hai mục tiêu trên không.
Đất Nước, chủ bút Nguyễn Văn Trung đã tự hỏi. Vì thế đã có những bài:Cách Mạng Nga 1917 của Nguyễn Khắc Ngữ.Trí thức Nga trước Cách Mạng của Diễm ChâuTừ Cách Mạng tháng 10 đến Cách mạng tháng 8 Trương Bá CầnCảm nghĩ về cuộc Cách mạng Nga Lý Chánh Trung.Cộng sản người anh em của tôi Nguyễn Văn Trung.Nguyễn Văn Trung còn năng nổ viết cuốn: Hành Trình Trí thức của Karl Marx. (in xong 15-10- 1966. Có giấy phép số 666 BTT. NHK. PHNT) Trần Văn Toàn: “ Tìm hiểu Triết Học Karl Marx”.
Số phận những trí thức ấy ra sao sau 1975?
Còn ra sao nữa!! Bị Truy dập, bị tù đầy. Cả 200 giới văn nghệ sĩ Sài gòn đều bị bắt đi tù, đi cải tạo. Mà cái tội chỉ vì cầm bút. Như Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sỹ. Hoàng Hải Thủy, Tạ Tỵ, nhà văn Thảo Trường. v vv..Trong số đó có Nguyễn Văn Trung. Theo Nguyễn Văn Trung viết lại, một người trong Ủy Ban Quân Quản ĐHVK Sài gòn nói: “ Chúng tôi không bố trí anh dạy học vì không thích hợp với cách chúng tôi đang thực hiện và để anh tự ý nghiên cứu theo lối nhìn của anh, thì những công trình nghiên cứu của anh sẽ ích cho đất nước nhiều hơn”. Nhưng nếu không dạy học, không có lương lấy gì mà sống?Đã hết đâu, ba năm sau, ông bị bắt giam, kết tội là: Phản động, C.I.A cho Mỹ (có thể bị tử hình hoặc chung thân).
Vào chiều ngày 14-6-1978, một toán công an đến đọc bản án và xét nhà, ông đã chỉ cho họ các tài liệu để họ lấy mang đi đầy một xe LaDalat. Sáng hôm sau, một xe tải lớn đến tịch thu kho sách trên sân thượng. Nhưng nghĩ thế nào, họ lại thôi. Chỉ niêm phong. Ông bị biệt giam một mình. Ngày ngày chỉ viết các bản tự khai. Sợ quá tưởng chết, ông viết chúc thư xin lỗi bạn bè, nhất là bà con anh em ruột thịt về những lời nói việc làm của ông.
Con trai trưởng của ông chứng kiến cảnh bố bị bắt giam nên đã quyết định tìm đường vượt biển và đã sang định cư ở Canada. Làm C.I.A cho Mỹ mà NVT không nói được một câu tiếng Mỹ. Phải nhờ Đặng Tiến hay Nguyễn Hữu Thái thông dịch. C.I.A nào nó mướn? 6 tháng sau, bất ngờ ông được trả tự do ở sở công an với lý do: Tạm tha vì lý do sức khỏe… Từ Phản động đến tha là một điều không hiểu được.Tôi có cảm tưởng, 6 tháng tù biệt giam ấy, NVT không biết có rút ra cho mình được bài học gì không.
Phần tôi đã từng chứng kiến xác những người đàn ông, đàn bà, chết cong queo, ám khói đen, vì cộng sản gài mìn trên đường số 5-Hà Nội- Hải Phòng. Lúc 5,6 tuổi, ở nhà quê, tôi đã nhìn thấy xác ngươi bị bỏ rọ, trương phình như lợn quay vập vờ đập vào kè đá cửa sông Đáy.Tôi đã ghi lại trong một bài viết: Câu truyện của một dòng sông.
Đúng như nhà văn Bùi Ngọc Tấn tâm sự:” Có lẽ lại phải viết thôi. Viết về tuổi trẻ bị đánh mất. Viết về tuổi già xót xa tuổi trẻ. Về nỗi xót thương nhau trong những trái tim mệt mỏi, những mái đầu bạc đang tính đếm những ngày còn lại. » (Trả lời phỏng vấn với nhà thơ Phạm Tường Vân trong dịp cuốn” Chuyện kể năm 2000 » vừa được xuất bản)
Dù sao, sau này ông NVT cũng có được một câu để đời giống vài người như Lý Chánh Trung, Ngô Công Đức.Lý Chánh Trung trên báo Tuổi Trẻ, năm 1988 có viết một bài về môn học triết lý K. Marx mà trước đây ông đã chót từng ca tụng thì nay ông chế diễu “Về một môn học mà thày không muốn dạy, trò không muốn học”. Còn dân biểu Đối lập Ngô Công Đức thì thẳng thừng hơn: “Tôi có hai điều không ưa. Đó là tôi không thích những người công an.Tôi cũng không thích người Bắc Kỳ. »Nguyễn Văn Trung thì văn hoa hơn: “Tham gia cách mạng là tham gia vào một quá trình tự hủy diệt sau này.”Phần tôi, tôi khẳng định triệt để, tôi giã từ người cộng sản ngay từ khi lên máy bay từ phi trường Gia Lâm di cư vào miền Nam năm 1955..Bởi vì họ thiếu tình người. Bởi vì họ không là những người tử tế..
Nguyễn Văn Lục